Tập đoàn Công nghiêp Tàu thủy Việt Nam: Tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012
(ĐUKDNTW) - Ngày 14/1/2012 tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã tổ chức Tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012. Đến dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Tập đoàn Vinashin, lãnh đạo các đơn vị thành viên trong cả nước...
Tổng giám đốc Vinashin Trương Văn Tuyến phát biểu |
Năm 2011, Tập đoàn CNTT VN luôn nhận được sự quan tâm ban hành nhiều cơ chế chính sách kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong SXKD của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Tập thể hơn 3 vạn CBCNV và bộ máy lãnh đạo của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên đoàn kết, đồng lòng nỗ lực cố gắng và quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức, tâm huyết và nhiệt tình, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm đưa ra những quyết định kịp thời, hợp lý trong chỉ đạo điều hành sản xuất kinh doanh trong năm 2011.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Vinashin Nguyễn Ngọc Sự phát biểu |
Năm 2011, Tập đoàn Vinashin tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động mạnh mẽ làm cho thị trường đóng tàu thế giới tiếp tục suy giảm. Nhiều hợp đồng, đơn hàng đóng tàu đã ký trước đây tiếp tục bị chủ tàu nước ngoài hủy, trong khi chưa ký kết được hợp đồng đóng tàu xuất khẩu mới. Bên cạnh đó, những sản phẩm truyền thống của Vinashin như là dòng tàu hàng rời 34.000-53.000DWT đang bị cạnh tranh quyết liệt, hạ giá để có hợp đồng từ các nhà máy đóng tàu trong khu vực.
Công tác thực hiện tái cơ cấu theo các Nghị quyết 84/NQ-CP và Nghị quyết 93 của Chính phủ mới được ban hành, cần có các quy định, hướng dẫn triển khai cụ thể và đòi hỏi phải có thêm nhiều yếu tố mới triển khai được. Bên cạnh đó thị trường tài chính khó khăn nên việc thực hiện tái cơ cấu diễn ra rất chậm chạp, thực tế đến nay vẫn chưa có nguồn thu từ tái cơ cấu để có vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về hoạt động sản xuất kinh doanh, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đạt được: Tổng giá trị sản lượng đạt 9.982 tỷ đồng bằng 43,9% kế hoạch năm 2011; Tổng doanh thu đạt 10.656 tỷ đồng bằng 50,4% kế hoạch năm 2011; Giá trị xuất khẩu đạt 220,1 triệu USD bằng 62,5% kế hoạch năm 2011; Nộp ngân sách đạt 455 tỷ đồng, bằng 133% kế hoạch năm 2011; Thu nhập lao động bình quân 3,46 triệu đồng/người/tháng bằng 108% kế hoạch năm 2011;
Về các sản phẩm chủ yếu: Năm 2011, Tập đoàn đã thi công bàn giao 74 tàu, tổng giá trị hợp đồng là 525,2 triệu USD, bao gồm 24 tàu xuất khẩu tổng giá trị hợp đồng là 220,07 triệu USD và 50 tàu trong nước tổng giá trị hợp đồng 305,18 triệu USD. Đồng thời, trong năm 2011, Tập đoàn đã tăng cường hoạt động sửa chữa tàu đạt giá trị 250 tỷ đồng, đặc biệt là công tác sửa chữa cung cấp dịch vụ hậu cần cho tàu biển nước ngoài đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, trong 04 tháng cuối năm 2011, Tập đoàn đã hoàn thành chương trình thi công bàn giao 61 tàu cho các chủ tàu trong nước và quốc tế với tổng giá trị hợp đồng là 410,8 triệu USD, trong đó có 17 tàu xuất khẩu tổng giá trị hợp đồng 111,2 triệu USD và 44 tàu trong nước tổng giá trị hợp đồng 299,6 triệu USD, hoàn thành vượt mức chương trình đóng mới và bàn giao 60 tàu trong 04 tháng cuối năm 2011 theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.
Công ty CP đóng tàu Sông Cấm nhận cờ thi đua của Chính phủ |
Các dự án nhà máy thép Cái Lân, diesel Bạch Đằng, khu cơ khí An Hồng...đang thực hiện đầu tư dở dang chưa hoàn chỉnh phải dừng lại, cùng với việc huy động vốn cho sản xuất ngày càng khó khăn nên sản xuất tại các đơn vị này chủ yếu là để duy trì việc làm cho người lao động, chưa thực sự đi vào sản xuất kinh doanh. Hiện tại, Nhà máy thép Cái Lân vẫn chưa đi vào hoạt động sản xuất chính thức; nhà máy động cơ diesel Bạch Đằng vẫn đang triển khai lắp ráp 03 động cơ Mitsubishi công suất 8.400CV (6.230 kW) và sửa chữa 02 động cơ lắp đặt cho các tàu hàng 22.500 DWT đóng cho Vinalines.
Các nhà máy sản xuất chế tạo vật liệu hàn, đúc, cơ khí chính xác, cơ khí – điện – điện tử, nội thất tàu thủy, ống thép xoắn, cáp điện tàu thủy, cần cẩu và thiết bị nâng, máy lốc tôn, máy uốn ống thép.... v.v đã bước đầu cung ứng được vật tư, thiết bị cho các nhà máy đóng tàu trong Tập đoàn, tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp phụ trợ trong nước còn rất hạn chế.
Năm 2012 được dự báo là năm kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp theo chiều hướng tiếp tục suy giảm, thị trường đóng tàu quốc tế chưa có dấu hiệu phục hồi, nền kinh tế trong nước năm 2012 còn gặp nhiều khó khăn hơn năm 2011, do phải tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, năm 2012 cũng là năm thực hiện chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hướng đến mục tiêu phát triển bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Tập đoàn CNTT Việt Nam nhận thức việc hoàn thành kế hoạch năm 2012 sẽ có ý nghĩa quan trọng quyết định để hoàn thành tái cơ cấu Tập đoàn vào năm 2013 theo nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao tại Quyết định số 2108/QĐ-TTg ngày 18/11/2010 và tạo tiền đề vững chắc cho việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015.
Sang năm 2012, khó khăn còn rất nhiều, đòi hỏi Tập đoàn phải tiếp tục khẩn trương và nỗ lực phấn đấu mới hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế về thị trường đóng tàu trong nước, quốc tế và các hợp đồng đóng tàu hiện có, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế của Tập đoàn trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay. Tập đoàn dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2012 như sau:
Tổng giá trị sản lượng, doanh thu phấn đấu tăng 15-25% so với ước thực hiện năm 2011; Nộp ngân sách phấn đấu tăng 20% so với ước thực hiện năm 2011; Thu nhập lao động bình quân tăng 30% so với ước thực hiện năm 2011;
Đẩy mạnh các hợp đồng sửa chữa tàu biển để nâng tỷ trọng giá trị doanh thu sửa chữa tàu so với đóng mới. Đặc biệt là tăng cường dịch vụ sửa chữa và cung cấp hậu cần cho các tàu nước ngoài.
Hoàn thiện dứt điểm các hạng mục còn lại của nhà máy thép Cái Lân, nhà máy động cơ diesel Mitsubishi Bạch Đằng. Tổ chức lại và nâng cao hiệu quả sản xuất của các nhà máy vật liệu hàn, đúc, cơ khí chính xác, cơ khí – điện – điện tử, nội thất tàu thủy, ống thép xoắn, cáp điện tàu thủy, máy lốc tôn, máy uốn ống thép, chế tạo thiết bị nâng, phấn đấu có sản phẩm CNPT xuất khẩu.
Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các hoạt động vận tải, cảng biển, thương mại dịch vụ, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động.
Phát triển mạnh các hoạt động sản xuất khác gắn liền với ngành nghề chính như gia công chế tạo kết cấu thép, chế tạo oxy, đất đèn, vật liệu hàn... để giải quyết việc làm, thu nhập và đảm bảo đời sống cho người lao động trong thời kỳ ngành đóng tàu đang tiếp tục suy thoái chưa có dấu hiệu phục hồi./.
Tạp chí Vinashin