.
.

Tái cơ cấu đường sắt- Một cuộc cách mạng thực sự

Thứ Ba, 27/03/2012|22:06

Là một doanh nghiệp đặc thù, yêu cầu đầu tư lớn nhưng lại khó thu hồi vốn. Có truyền thống lịch sử hàng trăm năm, nhưng nhiều năm qua vẫn yếu kém, lạc hậu. Thị phần vận tải ngày một sụt giảm, năng suất lao động thấp, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu...

Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi một cuộc cách mạng thực sự trong ngành Đường sắt. Chúng ta kiên quyết làm, cái gì không phù hợp sẵn sàng xoá bỏ, 10 năm sau không thể nói chuyện ĐSVN như hôm nay. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhấn mạnh như vậy.

Tái có cấu ĐSVN giai đoạn 2011-2015 phải là một cuộc cách mạng thực sự.
Tái có cấu ĐSVN giai đoạn 2011-2015 phải là một cuộc cách mạng thực sự.

Xây dựng Tập đoàn Đường sắt quốc gia

Sáng nay, 27-3, Bộ trưởng Đinh La Thăng và các Cục, Vụ chức năng của Bộ GTVT đã làm việc với Tổng công ty ĐSVN về Đề án tái cơ cấu ĐSVN. Cùng dự  có ông Phan Quốc Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ đổi mới doanh nghiệp Trung ương.

Sau khi nghe lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN báo cáo tóm tắt Đề án đổi mới các doanh nghiệp của ĐSVN, Bộ trưởng đã yêu cầu các Vụ, Cục chức năng tham mưu báo cáo bổ sung, đóng góp ý kiến vào kế hoạch sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp trong Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2011-2015.

Theo báo cáo của ĐSVN, giai đoạn 2006-2011, ĐSVN đạt mức tăng trưởng khá đồng đều trên các lĩnh vực, các chỉ tiêu tăng trưởng bình quân trên 10%. Đời sống việc làm của 4,2 vạn CBCNV đảm bảo ổn định. Báo cáo cũng nêu rõ thực trạng cơ sở hạ tầng đường sắt rất yếu kém, lạc hậu, vốn đầu tư hạn chế, năng suất lao động thấp, chất lượng dịch vụ vận tải chưa cao. Đặc biệt thị phần vận tải không tăng trưởng mà có sự sụt giảm trong 5 năm trở lại đây. Vốn điều lệ của Tổng công ty hiện rất thấp, chỉ có hơn 2200 tỷ đồng.

Quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp được Tổng công ty ĐSVN triển khai sớm, đến nay đã có 28 doanh nghiệp chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Một số đơn vị còn lại cũng đang trong quá trình chuyển đổi sang cổ phần hóa. Năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành việc cổ phần hóa toàn Tổng công ty. Đánh giá quá trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp cho thấy, vốn nhà nước được bảo toàn, phần lớn doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động có hiệu quả.

Hội nghị đã tập trung phân tích, chỉ rõ những bất cập còn tồn tại, vướng mắc ở Tổng công ty ĐSVN hiện nay, trong đó có việc tính toán làm rõ vốn điều lệ, phần nào thuộc về kết cấu hạ tầng đường sắt. Đặc biệt là các mục tiêu cụ thể được tính toán trên cơ sở khoa học cùng các giải pháp, lộ trình thực hiện. Việc ĐSVN đưa ra mục tiêu đạt 10,2% thị phần về lượng luân chuyển hành khách, 11,5% về hàng hóa, 16% về giao thông đô thị là khó có khả thi. Những con số này cần được phân tích chứng minh cơ sở khoa học và đảm bảo thực hiện được.

Vấn đề quản trị doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, điều chỉnh chiến lược, mục tiêu hoạt động, bộ máy tổ chức, cơ chế, quy chế hoạt động, đổi mới khoa học công nghệ... đã được các đại biểu bàn thảo cụ thể. Đặc biệt việc sắp xếp, thu gọn đầu mối đã được trao đổi kỹ. Đơn cử như việc, không chạy theo kinh doanh bất động sản trong khi vốn quá nhỏ (10 tỷ đồng), thu gọn các đầu mối, nhất là các đơn vị nhỏ, vốn từ 3-10 tỷ đồng; Trong 15 Công ty quản lý đường sắt hiện tại nên thu hẹp lại theo hướng tuyến Bắc- Nam chỉ có 2 công ty; Tiến hành cổ phần hóa ngay 2 công ty khách hiện nay, không phải chờ đến 2014-2015 như lộ trình của ĐSVN. Phải xây dựng ĐSVN thành Tập đoàn Đường sắt quốc gia đủ mạnh để thực hiện chiến lược phát triển ĐSVN trong tương lai.

Bộ trưởng đã kết luận chỉ đạo: Tái cơ cấu để mạnh hơn, phát triển nhanh hơn. ĐSVN là một doanh nghiệp đặc thù, cần phải rà soát lại cả về quy hoạch, chiến lược, cơ chế, đã đến lúc phải sửa đổi cả Luât ĐS để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. ĐSVN phải trở thành một tập đoàn ĐSQG đủ mạnh về mọi mặt, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu chính là nâng cao thị phần vận tải hành khách, hàng hóa, không chỉ đảm nhận vận chuyển hành khách quốc gia mà quản lý vận hành cả đường sắt đô thị.

Bán hoặc sát nhập các đơn vị xây lắp đường sắt cho các Cienco

ĐSVN phải tái cơ cấu, thoái vốn những đơn vị nhỏ, tập trung cho những đơn vị lớn với những ngành nghề phù hợp để phát triển. Đổi mới là sự sống còn của ĐSVN, tái cơ cấu để hạ giá thành, tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh. Bộ trưởng yêu cầu ĐSVN phối hợp với Cục, Vụ chức năng làm rõ mục tiêu, chiến lược, lộ trình cụ thể.

Cần thiết phải điều chỉnh lại quy hoạch phát triển ĐSVN đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt, phải sửa đổi Luật ĐS cho phù hợp. ĐSVN phải tự đổi mới, sắp xếp tổ chức theo hướng gọn  mà mạnh.

Đổi mới toàn diện, phát triển đúng quy mô ngành nghề, có thể bỏ lĩnh vực bất động sản đế xây dựng đề án vận chuyển khách nội đô theo hướng tàu một ray. Xây dựng lại đơn giá, sắp xếp lại các đơn vị xây dựng cơ bản, tư vấn của đường sắt, có thể sát nhập vào các Cienco của Bộ GTVT hoặc các Cienco mua lại, không thể phát triển manh mún. Các Cienco vừa xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, đường bộ, sẽ không có chuyện cao độ giữa đường sắt, đường bộ không ai quản lý.

Tái cơ cấu doanh nghiệp ĐSVN, phải là một cuộc cách mạng thực sự, làm quyết liệt và dứt khoát. Không vì con người mà chần chừ, ĐSVN phải đổi mới, vươn lên trở thành Tập đoàn đường sắt quốc gia. Đã đến lúc phải sửa quy hoạch, chiến lược, Luật đường sắt, cơ chế, quy chế để ĐSVN phát triển.  Bô trưởng cho phép Tổng công ty ĐSVN trong phạm vi quyền hạn của mình, chủ động đổi mới theo hướng cái gì cần ít tiền thì ưu tiên làm trước. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đổi mới sắp xếp lại phải chú ý đến ATGT đường sắt. Không thể chạy theo tốc độ 120 km/h với tàu khách hoặc 80 km/h với tàu hàng để mất an toàn.

Bộ trưởng đã yêu cầu Tổng công ty ĐSVN phối hợp với các đơn vị chức năng hoàn thiện lại Đề án án cơ cấu thực sự, toàn diện chứ không phải là bản báo cáo sắp xếp đổi mới doanh nghiệp như trước đây.

Hồ Thu - GTVT

.
.
.
.