Tổng Thanh tra Chính phủ nói về Vinalines
Trước nhiều ý kiến của ĐB trong buổi sáng về tình hình quản lý nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty, chiều nay (7/6), Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh đã giải trình về kết quả thanh tra một số đơn vị, trong đó có Vinalines.
Ông Tranh cho biết, cuối năm 2011, đầu năm 2012, đã tiến hành thanh tra 5 tập đoàn, tổng công ty trong đó có Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm tại các tập đoàn, tổng công ty này lến đến 30.000 tỷ đồng.
Các vi phạm chủ yếu là sai quy trình thủ tục theo các quy định của nhà nước trong đầu tư, chi phí, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, sai thẩm quyền và trình độ quản lý doanh nghiệp còn yếu kém. Nhưng Tổng TTCP khẳng định với Quốc hội là chưa phát hiện thất thoát. Thủ tướng đã chỉ đạo các đơn vị này khẩn trương khắc phục theo kết luận thanh tra, các tập đoàn, tổng công ty cũng đều đã có kế hoạch và phương án khắc phục những vi phạm này.
Riêng đối với Vinalines, TTCP tiến hành thanh tra giai đoạn 2007-2010 với 3 nội dung: đầu tư mua sắm tàu, xây dựng cảng biển và cơ sở hạ tầng khác, đầu tư tài chính dài hạn. Qua thanh tra thấy nổi lên các vi phạm chính gồm đầu tư dài hạn lớn, dàn trải, có biểu hiện nóng vội, chủ yếu hoàn vốn nhanh, chiếm phần lớn tổng tài sản của Vinalines.
Do khó khăn tài chính nên hiệu quả khai thác tàu của Vinalines thấp, quản lý tàu thì manh mún. Bên cạnh đó, việc đầu tư cảng biển và cơ sở hạ tầng trong giai đoạn này cũng không đạt tiến độ đề ra, chậm tiến độ và phát huy hiệu quả kém.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh của Vinalines càng ngày càng kém, năm 2007 lợi nhuận sau thuế là 934 tỷ đồng, đến năm 2010 chỉ còn 114 tỷ đồng. Chúng tôi chỉ thanh tra đến 2010 nhưng theo thông tin năm 2011 là bắt đầu lỗ. Thanh tra kiến nghị Vinalines cần được cơ cấu lại.
Qua thanh tra cũng phát hiện một vụ vi phạm pháp luật ở Vinalines là việc mua các ụ nổi. Trong vụ việc này có các sai phạm sau: mua ụ nổi khi chưa có quy hoạch được duyệt, mua vượt 28 ụ nổi so với quy định, mua với giá rất cao, đến 489 tỷ đồng, nhưng thời gian đi vào khai thác kéo quá dài, đẩy các chi phí khác lên đến trên 24 tỷ đồng, hàng tháng phải chi 1,6 tỷ đồng để duy trì những ụ nổi chưa đi vào hoạt động.
Với những kết quả thanh tra bước đầu này, Thanh tra đã chuyển những vi phạm này của Vinalines sang cơ quan điều tra để làm rõ thêm, mở rộng điều tra cả những sai phạm về mua và quản lý tàu.
Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết tính đến cuối 2010, tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1.799 nghìn tỷ đồng, nợ phải trả là 1.088 nghìn tỷ đồng, như vậy vốn chủ sở hữu còn 40%. "Tỉ lệ chưa thật cao như mong muốn, nhưng xét trong các nền kinh tế đang phát triển và các doanh nghiệp nói chung thì tỉ lệ này không thấp", ông Huệ nói. Lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty năm 2010 là 162.910 tỷ đồng, Một số doanh nghiệp lỗ là do làm ăn kém hiệu quả như TCT dâu tằm tơ, TCT xây dựng giao thông đường thủy…, nhưng cũng có doanh nghiệp lỗ do chính sách giá như Điện lực (EVN) khi chưa điều chỉnh giá điện. |
Chung Hoàng
VietNamNet