Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng
Phát triển giao thông luôn là một bước đi mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều nước trên thế giới. Tại các nước phát triển, giao thông luôn đi trước một bước tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội.
Buổi giao ban tại công trường giữa cán bộ chủ chốt của VIDIFI. |
Ở Việt Nam, tại khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc, nhu cầu xây dựng một tuyến đường cao tốc để giải tỏa ách tắc cho quốc lộ 5 hiện đang quá tải là rất cấp bách, vừa đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh vừa rút ngắn thời gian đi lại giữa thành phố Hải Phòng với Hà Nội và các tỉnh khác. Sự hình thành tuyến đường cao tốc này sẽ gắn kết các khu kinh tế và cụm công nghiệp đã có, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp mới trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đồng thời tạo điều kiện khai thác tiềm năng kinh tế phục vụ phát triển dân sinh, du lịch, văn hóa và xã hội. Ngoài ra, về mặt đối ngoại, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ kết hợp với tuyến đường cao tốc Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội, đường cao tốc Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội tạo thành hệ thống giao thông xuyên Á, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Dự án xây dựng đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo lập từ năm 2002, nhưng đến năm 2007 vẫn chưa được thực hiện do không có nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, ngày 27-9-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1621/QÐ-TTg về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trong đó giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chủ trì cùng Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) huy động vốn, đồng thời giao cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Ðầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư để triển khai dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và một số dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ với đường cao tốc theo hình thức BOT.
Ðây là dự án trọng điểm quốc gia của ngành giao thông vận tải, là dự án đường ô-tô cao tốc đầu tiên của Việt Nam được áp dụng một số tiêu chuẩn quốc tế: là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, với sáu làn xe chính, hai làn dừng khẩn cấp, thu phí theo hình thức khép kín, hai bên có hệ thống đường gom kết nối với các địa phương và hai dải cây xanh. Phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) là 100 m, trong đó mặt cắt ngang đường chính tuyến rộng 33 m, tổng chiều dài tuyến khoảng 105,5 km. Dự án đi qua bốn tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Ðiểm đầu dự án bắt đầu từ đường vành đai III của thành phố Hà Nội, cách mố cầu Thanh Trì khoảng 1.025m. Ðiểm cuối dự án kết thúc tại Ðình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Ðầu năm 2015 khi được kết nối với đường cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh (khoảng 25 km) thì từ Hà Nội đi Quảng Ninh chỉ mất khoảng 1 giờ 30 phút. Với quy mô của dự án có khối lượng đào đắp hơn 40 triệu m3, có thể nói dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án hạ tầng giao thông lớn nhất từ trước đến nay ở đồng bằng sông Hồng.
Tuyến đường đi qua bốn tỉnh, thành phố, công tác GPMB của dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được giao cho UBND các tỉnh, thành phố mà dự án đi qua làm chủ đầu tư thực hiện tiểu dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong khi chờ duyệt dự án, cho phép UBND các tỉnh, thành phố được triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB theo hướng tuyến và mặt cắt ngang trong thiết kế cơ sở đã được Bộ Giao thông vận tải thẩm định...
Ðể đáp ứng tiến độ triển khai dự án, công tác GPMB dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được chia thành hai giai đoạn. Theo đó diện tích cần GPMB giai đoạn 1 (theo tuyến chính của dự án) vào khoảng 1.100 ha, công tác GPMB giai đoạn 2 (chủ yếu là các nút giao, cầu vượt) có diện tích khoảng 350 ha. Khối lượng cần phải GPMB của dự án cả hai giai đoạn khoảng 1.450 ha, gồm: 115 ha đất thổ cư, còn lại chủ yếu là đất nông nghiệp và đất khác (các hộ dân bị ảnh hưởng do dự án là khoảng 2.000 hộ có đất thổ cư và khoảng 14.000 hộ có đất nông nghiệp), phải di chuyển khoảng 9.000 ngôi mộ, ba đình chùa, một đường ống xăng dầu, chín đường điện cao thế từ 110 kV đến 500 kV và hàng trăm đường điện trung, hạ thế từ 0,4 đến 35 kV cũng như các đường cáp quang, thông tin liên lạc, đường dẫn nước sinh hoạt, hệ thống thủy lợi...
Nhận thức được tính chất khó khăn, phức tạp trong công tác GPMB của cả nước nói chung và của dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nói riêng, Ðảng bộ và UBND các tỉnh, thành phố, các chủ đầu tư tiểu dự án GPMB dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã vào cuộc quyết liệt với sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Các địa phương luôn chú trọng phối hợp cùng chủ đầu tư tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng dự án hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của dự án cũng như các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về đền bù, hỗ trợ, tái định cư nhằm tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân bị thu hồi để thực hiện dự án, kết hợp với công khai, minh bạch cơ chế, chính sách để nhân dân biết, thực hiện và giám sát. Ðồng thời, UBND các tỉnh, thành phố nơi dự án đi qua cũng thường xuyên kiểm tra hiện trường để đánh giá kết quả đạt được, tìm ra các phương án tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện; lãnh đạo các quận, huyện, phường, xã cũng thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp để giải quyết những kiến nghị của nhân dân, chủ động nghiên cứu, đề xuất vận dụng tối đa các chính sách để hỗ trợ người dân bị thu hồi đất trên cơ sở quy định của pháp luật, bảo đảm sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa người dân - Nhà nước và chủ đầu tư dự án.
Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, đoàn thể tại các địa phương nơi có dự án đi qua, công tác GPMB dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng còn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Sau các lần đi kiểm tra hiện trường, các cuộc làm việc với các chủ đầu tư tiểu dự án GPMB dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hay các phiên họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, các đồng chí lãnh đạo đều có chỉ đạo giải quyết cụ thể các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách kịp thời. Bộ Giao thông vận tải thành lập Ban Chỉ đạo do một đồng chí Thứ trưởng phụ trách trực tiếp theo dõi và tham gia ý kiến chỉ đạo Chủ đầu tư xử lý các vấn đề vướng mắc. Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam và Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, di chuyển các đường điện cao thế, đường ống xăng dầu ra ngoài phạm vi dự án... Ðây được coi là một thành công, khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới các địa phương.
Mặc dù dự án đi qua nhiều khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình tâm linh dày đặc như các đền chùa, mồ mả, nhưng đến nay công tác GPMB dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cơ bản đã hoàn thành.
So với các dự án giao thông khác thì tiến độ GPMB đối với dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đánh giá là khá nhanh. Ðặc biệt là không để xảy ra các vụ chống đối hay khiếu kiện vượt cấp nghiêm trọng, không làm ảnh hưởng an ninh trật tự. Tuy nhiên, so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ đề ra thì việc GPMB cho dự án cũng bị chậm hai năm do một số những khó khăn, vướng mắc cả về mặt chủ quan lẫn khách quan. Về mặt khách quan, do dự án được áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách trong giai đoạn 1, việc thu hồi đất được căn cứ theo Thiết kế cơ sở. Ðến giai đoạn hai, sau khi hoàn thành thiết kế kỹ thuật, đã có thêm những phát sinh do yêu cầu thực tiễn phải điều chỉnh lại thiết kế, cắm lại mốc GPMB. Mặt khác, dự án đi qua vùng đất yếu phải xử lý lún, nên việc thi công các cống chui qua đường, hoàn trả kênh mương cho địa phương không đúng tiến độ gây bức xúc, dẫn đến người dân cản trở không cho nhà thầu thi công như ở một vài gói thầu. Ngoài ra, công tác GPMB tiến hành qua nhiều năm, giá cả đền bù hằng năm lại thay đổi và khác nhau giữa các địa phương; cơ chế, chính sách của Nhà nước về đền bù, hỗ trợ còn có bất cập và thay đổi dẫn tới việc người dân thắc mắc, khiếu nại về giá đất được đền bù và gây khó khăn trong việc thu hồi đất. Ở một số nơi do công tác quản lý đất đai trước đây còn nhiều khiếm khuyết, nên việc xác định nguồn gốc đất để tính giá đền bù cho các hộ dân là rất khó khăn; các thủ tục xây dựng các khu tái định cư tại các địa phương cũng còn nhiều vướng mắc... dẫn đến việc làm chậm tiến độ GPMB của dự án.
Về mặt chủ quan, mặc dù các chủ đầu tư tiểu dự án GPMB đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm, nhưng đôi lúc ở một số nơi còn có những hạn chế như: đùn đẩy trách nhiệm; việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn dây dưa, kéo dài, giải quyết các khiếu nại của nhân dân địa phương còn chậm được giải quyết...
Tại một vài nơi gần đây có xảy ra tình trạng người dân tái lấn chiếm mặt bằng đã bàn giao, cản trở nhà thầu thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cũng như an ninh trật tự trên công trường. Vì vậy, dự án rất cần đến sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ngành hữu quan, UBND các tỉnh, thành phố và sự ủng hộ tích cực của nhân dân địa phương nơi dự án đi qua để hoàn thành công tác GPMB dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì huy động vốn cho dự án đã cam kết cung ứng đủ vốn để thực hiện dự án theo tiến độ.
Những ngày cuối tháng 10, sau khi hoàn thành công tác GPMB, các nhà thầu đã tập trung cao độ máy móc, thiết bị, triển khai thi công và đã cam kết thi đua đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành công trình vào cuối năm 2014.
NGUYỄN THANH LIÊM (Ban Tuyên giáo Ðảng ủy Khối doanh nghiệp T.Ư)
Theo Báo Nhân Dân