.
.

Những trang sử vẻ vang về truyền thống 95 năm ngành Cao su Việt Nam

Thứ Năm, 29/08/2024|17:09

Tiếp nối truyền thống hào hùng 95 năm của ngành Cao su Việt Nam, dù trải qua bao thăng trầm biến đổi, dòng nhựa trắng cao su - dòng chảy cuộc sống vẫn luôn tuôn chảy, không ngừng được bồi đắp và kết tinh thành những giá trị truyền thống đặc sắc của ngành cao su, hòa vào dòng chảy của thời cuộc, của dân tộc, của đất nước, tạo thành sức mạnh trường tồn.

d
Công nhân khai thác cao su.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)  đang triển khai các hoạt động  thiết thực chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày truyền thống ngành Cao su Việt Nam (28/10/1929 -  28/10/2024), trong đó có các nội dung tiêu biểu như: Giải báo chí năm 2024 với chủ đề “Tự hào 95 năm ngành Cao su Việt Nam đồng hành cùng đất nước”; phim tư liệu với chủ đề “Tự hào 95 năm ngành Cao su Việt Nam đồng hành cùng đất nước”; kỷ yếu 95 năm Truyền thống ngành Cao su Việt Nam; cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu truyền thống 95 năm Ngành Cao su Việt Nam”; tôn Vinh 95 công nhân lao động tiêu biểu; vinh danh “Gia đình Truyền thống Công nhân Cao su tiêu biểu”…

d
Công nhân chế biến mủ cao su.

Hướng đến ngày Hội lớn của toàn ngành, Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều văn bản tuyên truyền, chào mừng các hoạt động kỷ niệm để các cơ sở Đảng trực thuộc, các tổ chức chính trị – xã hội và các đơn vị thành viên tích cực hưởng ứng các chương trình, hoạt động, phổ biến rộng rãi nội dung và tổ chức những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm khuyến khích, cổ vũ động viên đông đảo cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn ngành cùng tham gia. Đảng ủy, Lãnh đạo Tập đoàn mong muốn người lao động, nhất là lực lượng cán bộ, đảng viên, người lao động trẻ tích cực thi đua, tham gia Hội thi, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống – biến niềm tự hào về truyền thống ngành Cao su bằng những việc làm, hành động thiết thực, cụ thể, bằng tinh thần, trách nhiệm và hiệu quả công việc.

Hạt giống cao su chính thức di nhập vào Việt Nam từ năm 1897, đến nay đã 127 năm. Đó là một chặng đường khá dài với nhiều thăng trầm, nhiều sự kiện, gian khổ khốc liệt… Trong dòng thời gian ấy có một cột mốc lịch sử sáng ngời và đã trở thành nét son hình thành ngày truyền thống ngành Cao su. Đó là sự kiện thành lập Chi bộ Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ tại Làng 3 đồn điền Phú Riềng vào đêm 28/10/1929, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự. Chi bộ gồm 6 thành viên do đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Bí thư. Thời gian sau, các Nghiệp đoàn và Công hội cũng đã lần lượt hình thành. Phong trào đấu tranh của công nhân cao su dần có sự chuyển biến về chất và lượng, đỉnh cao là cuộc biểu tình của hơn 5 ngàn công nhân đồn điền cao su Phú Riềng đòi quyền dân sinh dân chủ, giết chết chủ Tây đã làm cho các ông chủ Tây phải từng bước nhượng bộ, chấp thuận các yêu sách của người lao động. Lực lượng công nhân cao su sớm trở thành đội quân tiên phong trong dòng chảy cách mạng. Trong 2 cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc, các đồn điền cao su vừa là hậu phương cung cấp nhân tài, nuôi dưỡng, che giấu cán bộ; vừa là tiền tuyến chiến đấu ác liệt. Trên mỗi chặng đường máu lửa ấy, nhiều tấm gương yêu nước, nhiều cán bộ công nhân cao su đã cùng với quân dân miền Đông tạo nên bao chiến công anh dũng, góp phần vào chiến thắng 30/4 thống nhất đất nước.

d
Đồn điền Cao su An Lộc năm 1928.

Trong dòng chảy của lịch sử, cán bộ công nhân ngành Cao su đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đã đóng góp nhiều công sức, kể cả xương máu để lập nhiều thành tích trong hai cuộc kháng chiến giữ nước và trong giai đoạn xây dựng phát triển đất nước. Cán bộ công nhân cao su đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, nhiều danh hiệu thi đua. Năm 2012, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vinh dự, tự hào đón nhận Huân Chương Sao Vàng – phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước, cùng với lời tuyên dương: “Đã có công lao to lớn đặc biệt xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc”.

Nhìn lại chặng đường dài đã đi qua, không thể đo đếm hết công sức của bao lớp công nhân cao su đã đổ mồ hôi, xương máu xuống những mảnh đất hoang vu và chống chọi với nghèo đói lạc hậu, để gây dựng nền móng cho những vườn cây cao su mênh mông bạt như ngày nay. Trong khó khăn ấy, ngành Cao su đã dám nghĩ dám làm đầu tư lên Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, các tỉnh miền núi phía Bắc, đầu tư sang đất nước bạn Lào và Vương Quốc Campuchia. Các đơn vị lúc đầu đã phải đối mặt với biết bao gian khó để cây cao su phủ xanh những ngọn đồi vùng Tây Bắc giữa thời tiết khắc nghiệt và để các công ty cao su được định hình trên đất nước bạn với nhiều hứa hẹn…

Đến thời điểm hiện nay, trước tình hình trong nước và thế giới vẫn còn nhiều biến động, xung đột kinh tế, chính trị làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, tỷ lệ lạm phát tăng cao cùng với sự suy giảm của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế trong nước, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Giá bán mủ cao su – sản phẩm chủ lực của Tập đoàn có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa ổn định; giá bán gỗ và các sản phẩm từ gỗ cao su là một trong những nguồn thu lớn của Tập đoàn cũng sụt giảm; khối công nghiệp cao su hoạt động khó khăn; diện tích đất cho thuê ở một số khu công nghiệp còn nhiều chỗ trống, chi phí tài chính tiếp tục tăng cao… Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như thời tiết, khí hậu không thuận lợi, thiếu lao động, chi phí sản xuất tăng… đã tác động lớn đến hoạt động chính trị, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Nhằm phát huy những thành quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế, Đảng ủy, Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống người lao động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, góp phần giữ gìn an ninh quốc phòng và tăng cường tình hữu nghị với đất nước bạn Lào và Vương quốc Campuchia… Quyết tâm đoàn kết cùng xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững.

d
Đồng chí Trần Công Kha – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG cùng lãnh đạo VRG và các ban chuyên môn kiểm tra dây chuyền sản xuất Công ty CPCS Bến Thành vào ngày 19/01/2024.

Để nhận thức sâu sắc về những công lao và cống hiến của các thế hệ đi trước qua mỗi giai đoạn, để chúng ta cùng cảm nhận rằng: dòng mủ trắng đã được công nhân cao su gìn giữ và lưu truyền từ đời này qua đời khác – cũng tựa như ý chí kiên cường và tình yêu quê hương, đất nước, yêu Ngành, yêu nghề luôn là dòng máu nóng trong tim mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn ngành. Từ đó hun đúc thêm niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Ngành Cao su, tăng thêm tình yêu ngành, yêu nghề, yêu Tổ quốc. Mỗi cán  bộ, đảng viên, người lao đồng Ngành Cao su luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sống và làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; học tập rèn luyện nâng cao năng lực và trình độ làm việc trong giai đoạn hội nhập quốc tế, chuyển đổi số… để chủ động góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Bằng những hành động tích cực, cụ thể, bằng tinh thần trách nhiệm và bằng hiệu quả công việc chúng ta hãy đoàn kết, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh; cùng nhau viết tiếp những trang sử mới hào hùng, vẻ vang cho ngành Cao su… Để khẳng định thế hệ hôm nay luôn sống xứng đáng với công lao của các thế hệ đi trước và luôn phấn đấu trở thành tấm gương cho các thế hệ mai sau.

Hướng đến ngày hội lớn của toàn ngành, cán bộ, đảng viên, người lao động cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang và những chặng đường gian khổ trong quá khứ, để khẳng định rằng: Thành quả hôm nay đã được xây dựng trên nền móng của ngày hôm qua! Cả sự nghiệp ổn định và qui mô lớn mạnh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện tại đã được tạo lập từ quá trình lao động và cống hiến của nhiều thế hệ cán bộ, công nhân cao su qua các thời kỳ. Chúng ta phải biết gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp ấy hòa vào “Dòng chảy cuộc sống” trong thời đại mới.

Anh Đào

 

.
.
.
.