.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam với những thay đổi về công nghệ số trong thời đại 4.0

Thứ Sáu, 24/11/2023|22:55

Công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay đang phát triển mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống, bao gồm cả kinh tế, giáo dục, y tế, giải trí, văn hóa,… tác động sâu sắc đến đời sống, chính trị, xã hội của toàn thế giới.

Tại Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam với vai trò là đảng chính trị duy nhất cầm quyền, là hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị, mọi thành tựu hay hạn chế trong các lĩnh vực của đất nước nói chung cũng như sự phát triển của công nghệ thông tin nói riêng đều bắt nguồn trước tiên từ nhận thức của Đảng và của từng đảng viên giữ vai trò là người đứng đầu các cấp, các bộ ngành, địa phương. Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của CNTT và hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực đời sống xã hội, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành một loạt các văn bản chỉ đạo mang tính định hướng quan trọng, như: Nghị quyết số 36/NQ-TW ban hành ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Ngày 15/4/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 01/7/2015 của Bộ Chính trị, theo đó cũng xác định rõ mục tiêu để công nghệ thông tin thực sự trở thành “phương thức phát triển mới, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả lao động…”. Ngày 26/10/2015, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 14/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, thể hiện sự triển khai hành động kịp thời Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để cụ thể hóa chủ trương, định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm “mục tiêu kép” vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực toàn cầu.

Việc ban hành các văn bản trên xuất phát từ tình hình thực tiễn của đất nước đang bước vào cơ hội đặc biệt khi phải tích cực chuyển đổi số để tận dụng những lợi thế từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bứt phá tăng trưởng, hướng tới khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, phồn thịnh, thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa năm 2045. Tại Đại hội XIII của Đảng đã đưa việc phát triển và ứng dụng CNTT lên tầm cao mới, lần đầu tiên Đảng nhấn mạnh đến chuyển đổi số và phát triển kinh tế số: “thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế... chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Những văn kiện này tiếp tục góp phần kiến tạo môi trường thuận lợi cho CNTT Việt Nam phát triển. Sự thay đổi đó có tính bước ngoặt trong nhận thức của Đảng về CNTT, đã mở ra con đường đưa vị trí CNTT Việt Nam từ không thành có trên bản đồ phát triển công nghệ thế giới, lan tỏa ảnh hưởng của CNTT tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam. Cách thức phát triển CNTT của Nhà nước chuyển từ phát triển trong giới hạn quản lý sang quản lý phải theo kịp sự phát triển, quản lý kiến tạo sự phát triển.

Trước sự chỉ đạo mạnh mẽ, tích cực của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển CNTT, Tổng công ty Lâm nghiệp cũng theo đà bắt kịp xu thế, áp dụng các ứng dụng của CNTT vào quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh nhằm tăng cường sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị, tối ưu hóa năng suất lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực.

 Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập ngày 04/10/1995 theo Quyết định số 667/QĐ/TCCB của Bộ NN&PTNT trên cơ sở sáp nhập 10 Liên hiệp và Tổng công ty của Bộ Lâm nghiệp cũ với khoảng 170 đơn vị thành viên nằm rải rác trên cả nước, với số vốn chủ sở hữu khi thành lập là 244 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 03/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam được cổ phần hóa và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 01/09/2016... với tổng số vốn điều lệ là 3.500 tỷ đồng trong đó Nhà nước nắm giữ 51% vồn điều lệ (hiện nay do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu).  

Từ khi mới thành lập, Tổng công ty đã gặp muôn vàn khó khăn tưởng chừng như khó duy trì và tồn tại, chưa nói gì đến ổn định và phát triển. Đó là do toàn bộ các Tổng công ty và Liên hiệp Xí nghiệp từ các vùng miền có nhiều tính chất công việc khác nhau, các mảng sản xuất kinh doanh khác nhau cũng như bộ máy nhân sự chưa được đồng nhất, cơ chế quản lý từ tập trung bao cấp sang cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm về hoạt động khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quản lý của các cấp lãnh đạo Tổng công ty gặp rất nhiều thách thức. Đứng trước thực trạng này, Đảng bộ Tổng công ty (lúc đó là Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ NN&PTNT), cũng như Hội đồng quản trị, Ban điều hành và các tổ chức quần chúng như Công đoàn, Đoàn thanh niên đã quyết tâm tập trung, đoàn kết lỗ lực và vượt qua khó khăn dần ổn định và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

 Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, của các cấp lãnh đạo Tổng công ty qua các thời kỳ, trong hơn 25 năm phát triển, Tổng công ty luôn giữ được vai trò quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành Lâm nghiệp, đóng góp giá trị trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng của Tổ quốc. Tổng công ty luôn duy trì phương châm hoạt động của mình là “Từ trồng rừng đến sản phẩm” với các ngành nghề hoạt động chính trong các lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp: Trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ, khai thác rừng trồng; chế biến gỗ; sản xuất ván nhân tạo, ván sợi MDF và sản xuất sản phẩm khác từ gỗ. Để đưa ra được những định hướng, quyết định đúng đắn trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty, Đảng ủy, các cấp lãnh đạo Tổng công ty luôn thực hiện đúng theo chỉ đạo, đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như linh hoạt, chủ động, nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới, tìm kiếm những hướng đi mới từ những cơ hội do quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Tổng công ty luôn ý thức sâu sắc được sự cần thiết và tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành góp phần đổi mới phương pháp quản lý, cách thức làm việc, nâng cao hiệu quả và đẩy nhanh tốc độ phát triển của Tổng công ty trở thành một trong những đơn vị đứng đầu hoạt động ở lĩnh vực lâm nghiệp trên cả nước. Đảng ủy Tổng công ty đã chỉ đạo các cấp lãnh đạo Tổng công ty ban hành Đề án chiến lược phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (đề án CNTT) giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 với mục tiêu thực hiện chuyển đổi số toàn diện tại Tổng công ty với lộ trình chi tiết, cụ thể. Hướng tới đưa Tổng công ty trở thành doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng công nghệ thông tin trong nền Kinh tế số của Việt Nam; 100% dữ liệu rừng, tài nguyên của Tổng công ty được số hóa, quản lý theo thời gian thực. Việc thực hiện đề án CNTT đã mang lại một số kết quả cụ thể: Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai. Kết nối và tham gia các cuộc họp trực tuyến thông qua kênh truyền riêng kết nối với Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Về cơ bản, Tổng công ty hoàn toàn đảm bảo khả năng trực tiếp tham dự các cuộc họp trực tuyến giữa Ủy ban và Chính phủ; giữa Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty; giữa Tổng công ty và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. 

Triển khai kết nối trục liên thông văn bản điện tử của Ủy ban: Tổng công ty đã triển khai trang bị phần mềm quản lý văn bản điều hành; thực hiện tiếp nhận và xử lý văn bản điện tử (văn bản đến) đồng thời kết nối trục liên thông văn bản điện tử của Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban. Thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ điện tử nhanh, gọn; không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn. Thực hiện báo cáo tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty thường xuyên hàng tháng, hàng quý trên phần mềm Bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp của Ủy ban. Duy trì thường xuyên phục vụ các cuộc họp, hội nghị định kỳ hàng tháng và đột xuất giữa Tổng công ty với các đơn vị thành viên; thực hiện quản lý rừng và đất rừng thông qua việc sử dụng bản đồ số, tích hợp bản đồ số vào điện thoại, máy tính bảng để phục vụ kiểm tra hiện trường sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. 

Triển khai, xây dựng và lắp đặt hệ thống hội nghị truyền hình mô hình kết nối đa điểm kết hợp với MCU (Multipoint Control Unit) Tổng công ty là điểm cầu trung tâm; kết nối giữa Tổng công ty và các đơn vị lâm nghiệp, giống lâm nghiệp tại một số tỉnh thành trên cả nước; thông qua hệ thống hội nghị truyền hình, Tổng công ty có thể cải thiện thông tin liên lạc, giảm thiểu di chuyển, tăng năng suất công việc bằng cách giúp mọi người gặp mặt trao đổi trực tiếp dù ở bất kỳ đâu, tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa quy trình công việc. Triển khai nghiên cứu, làm việc với một số đơn vị cung cấp các giải pháp phần mềm quản trị doanh nghiệp để nghiên cứu ứng dụng phần mềm Quản lý nhân sự (HRM) và giải pháp nâng cấp website Vinafor lên thành Cổng thông tin điện tử phục vụ công tác quản lý nhân sự, quản trị hành chính phát triển ứng dụng công nghệ thông tin tại Tổng công ty. Áp dụng công nghệ nuôi cây mô tế bào và mở rộng hoạt động sản xuất cây mầm mô, đáp ứng nhu cầu cây giống chất lượng cao của các đơn vị lâm nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh rừng; áp dụng cơ giới hoá vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp để nâng cao chất lượng rừng trồng và giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động; sử dụng bản đồ số, định vị GPS trong hoạt động quản lý bảo vệ rừng; đã và đang áp dụng quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho một số đơn vị lâm nghiệp mang lại hiệu quả cao.

Trong quá trình thực hiện đề án, Tổng công ty cũng gặp rất nhiều thách thức. Việc triển khai các giải pháp kỹ thuật số mới là một quá trình tốn kém, đòi hỏi các khoản đầu tư lớn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị thành viên nằm tại các khu vực vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin dẫn đến khó ứng dụng đồng bộ, xuyên suốt tại toàn bộ các đơn vị đang quản lý. Năng lực cán bộ tại các đơn vị còn yếu và không đồng đều. Việc quản lý số liệu đất đai về đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp không được cụ thể, chính xác như đất phi nông nghiệp,... Trong thời gian tới, để tiếp tiếp tục thực hiện Đề án CTNTT, Tổng công ty cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính Chị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu hoạt động và tình hình thực tiễn của Tổng công ty. Tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn tiếp theo của đề án chiến lược phát triển ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 đáp ứng yêu cầu hoạt động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) tại Cơ quan Tổng công ty và các đơn vị thành viên phù hợp với mục tiêu, kế hoạch chuyển đổi số, kinh tế số của Chính phủ. Triển khai việc chuẩn hóa thông tin, dữ liệu và xây dựng Bộ chỉ số thông tin, dữ liệu tổng hợp về tình hình đầu tư, SXKD của Tổng công ty theo chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quy định tại Quyết định số 1498/QĐ-TTg ngày 11/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ. 

Tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh việc nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực cốt lõi của Tổng công ty nhằm nâng cao năng lực quản lý và tạo năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn như: nâng cấp việc sử dụng bản đồ số, tích hợp bản đồ số vào điện thoại, máy tính bảng để phục vụ kiểm tra hiện trường; Nghiên cứu, tìm hiểu một số giải pháp xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu lâm nghiệp trong công tác quản lý, theo dõi diễn biến rừng và đất rừng như: Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng internet, đánh giá kết quả thử nghiệm việc xác định hiện trạng rừng, đếm cây, thu thập dữ liệu bằng công nghệ bay Drone và phần mềm trí tuệ nhân tạo AI tại một số đơn vị lâm nghiệp; thử nghiệm thiết bị cảm biến, thông minh (IoT) trong các công đoạn sản xuất vườn ươm, nhà mô tại Hòa Bình (tưới nước tự động, theo dõi nhiệt độ, nấm bệnh…); tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chế biến gỗ xuất khẩu nghiên cứu cải tiến, đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng xuất lao động, số hóa dữ liệu và áp dụng phần mềm công nghệ thông tin vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và chế biến lâm sản nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh tăng sức cạnh tranh trên thị trường; tiếp tục triển khai công tác cải tạo hạ tầng mạng nội bộ, hệ thống an toàn thông tin, hệ thống máy chủ của Tổng công ty phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ, xu hướng phát triển công nghệ thông tin hiện nay.

Trong tương lai, rất nhiều những khó khăn sẽ còn phải đối mặt, nhưng với sự lãnh đạo sát sao của Đảng ủy và các cấp lãnh đạo, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam quyết tâm thực hiện Đề án CNTT, đồng thời bắt kịp với những thay đổi về công nghệ số tiến tới chuyển đổi số toàn diện giúp Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.

Đỗ Thị Xuân - Đảng bộ Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam

.
.
.
.