.
.

Ngành than tăng hiệu quả sản xuất nhờ áp dụng tự động hóa

Thứ Ba, 10/01/2017|16:19

Mặc dù năm 2016 ngành than gặp nhiều khó khăn khi giá thành than xuống thấp, khai thác ngày càng khó, nhưng Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có nhiều giải pháp đầu tư phát triển sản xuất, tăng cường cơ giới hóa, nâng cao năng suất, giữ ổn định sản xuất, việc làm và đời sống của người lao động, nhất là đội ngũ thợ lò.

Trên khai trường mỏ than tại Quảng Ninh
Trên khai trường mỏ than tại Quảng Ninh
Bước sang năm nay, các công ty than vùng Quảng Ninh mong muốn, ngành than sẽ có những khởi sắc, phát triển hơn để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo cuộc sống cho 120.000 công nhân mỏ. Đây chính là hy vọng tốt đẹp đối với mỗi công nhân vùng đất mỏ Quảng Ninh.
 
Tăng năng suất, ổn định đời sống thợ mỏ
 
Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh của TKV năm 2016, Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên cho biết năm vừa qua là năm hết sức khó khăn, nhưng cán bộ công nhân Tập đoàn đã nỗ lực chung sức vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ, ổn định sản xuất, tạo việc làm, thu nhập và số đã nộp ngân sách tăng cao (tăng 18,2% so với năm 2015).
 
Đồng thời, Tập đoàn cũng giữ vững năng lực sản xuất để sẵn sàng tăng sản lượng khi nhu cầu than cho điện đang cao. Năm 2016, Tập đoàn đã sản xuất được gần 35 triệu tấn và tiêu thụ trên 35 triệu tấn than.
 
Để đạt được hiệu quả trên, Tập đoàn đã đưa nhiều công trình mới vào hoạt động nâng cao năng lực sản xuất. Cụ thể là Tổ hợp b​auxite Nhôm Nhân Cơ (tại Đắk Nông) công suất 650.000 tấn/năm đã đưa vào sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm, đúng lúc giá tốt và tiêu thụ tốt.
 
Sản lượng cơ giới hóa, tự động hóa trong khai thác than tăng cao, đạt 1,8 triệu tấn trên tổng số 21,07 triệu tấn, bằng 8,2% tổng sản lượng và tăng 60% so với năm trước.
 
Tại Công ty than Hà Lầm, lò chợ công suất 0,6 triệu tấn/năm đã vào hoạt động đạt công suất thiết kế và công ty này cũng đã đưa thêm lò chợ công suất 1,2 triệu tấn/năm vào hoạt động.
 
Công ty Tuyển than Cửa Ông cũng áp dụng tự động hóa và trong 3 năm đã giảm 20% lao động (khoảng 1.000 người).
 
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đã đưa vào hoạt động Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2 tại Quảng Ninh với công suất 2 triệu tấn/năm. Đồng thời, đưa vào vận hành băng tải hóa chở than với tổng công suất vận chuyển 18 triệu tấn than/năm, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, loại trừ được ô nhiễm môi trường do vận chuyển bằng ôtô.
 
Phương án liên thông các mỏ lộ thiên và cả trong hầm lò cũng đã được triển khai đã bước đầu đạt được kết quả khả quan mở ra triển vọng về đầu tư các mỏ có công suất cao như ba mỏ Đèo Nai-Cọc Sáu-Cao Sơn, giảm hệ số bóc, cung độ vận chuyển; nối thông đường lò Hạ My-Đồng Vông-Công ty Than Uông Bí giảm khoảng cách vận chuyển than trên mặt đất khoảng 21km...
 
Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Biên, trước những khó khăn trong năm 2016 của ngành than, Chính phủ đã có văn bản cho xuất khẩu than năm nay và cả giai đoạn 2017-2020 ngay từ cuối tháng 11/2016, giúp ngành than chủ động sản xuất, hợp tác với nước ngoài tiêu thụ than hiệu quả và tài trợ vốn, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ kỹ thuật. Đồng thời, ngành phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành than tại Quyết định 403 với sản lượng 41 triệu tấn than sạch vào năm 2020 và lần đầu tiên giao cho Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ ngành và địa phương xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển ngành than.
 
Song song với đó, Tập đoàn đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ tái cơ cấu tổ chức: cơ bản hoàn thành theo Đề án 314 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quản trị nội bộ với mục tiêu “tăng năng suất, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh doanh”. Theo đó, TKV đã giảm đầu mối các ban tham mưu 29 ban còn 22 ban, xóa bỏ công ty hai cấp khai thác than, xây dựng mô hình phòng ban, định biên thống nhất cho toàn Tập đoàn. Từ năm 2015 đến tháng 10/2016, TKV đã giảm 8.000 lao động, sản xuất ổn định.
 
Ngoài ra, Tập đoàn đã hoàn thiện công tác quản trị chi phí, triển khai "Đề án nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả sản xuất kinh doanh và các giải pháp thực hiện" theo chỉ đạo của Chính phủ. Vì vậy đã tiết giảm 6% chi phí giao khoán (tương đương trên 3.000 tỷ đồng). Hệ số thu hồi than tăng từ 86,44% lên 87,34% tăng thêm 310.000 tấn than.
 
Trọng tâm là đổi mới
 
Sau 10 năm giá than liên tục đi xuống, từ quý 4/2016 giá than, khoáng sản trên thị trường thế giới được phục hồi giúp ngành than-khoáng sản có cơ hội đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế mà đặc biệt là than cho điện đang tăng cao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
 
Nhận định về tình hình sản xuất kinh doanh năm nay, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Biên cho hay, tình hình chung sẽ có thuận lợi hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất ổn phải lường trước để không tác động bất lợi đến sản xuất kinh doanh.
 
Với mục tiêu “An toàn-Đổi mới-Phát triển,” đổi mới là vấn đề trọng tâm, cốt lõi, an toàn lao động là hàng đầu. TKV sẽ tăng cường đổi mới công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất than, “tự động hóa” trong các nhà máy sàng tuyển, chế biến, nhiệt điện..., “thông minh hóa” trong ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành...; đổi mới về mô hình tổ chức. Ngoài ra, TKV chú trọng đổi mới về cơ chế chính sách, phát triển đội ngũ cán bộ có chất lượng, thực tiễn; phát triển các mỏ có quy mô, sản lượng lớn.
 
Về các giải pháp chung và giải pháp đối với từng khối sản xuất; trong đó, khối sản xuất than, kế hoạch sản xuất than nguyên khai sẽ là 33,8 triệu tấn, tiêu thụ 36 triệu tấn và điều hành linh hoạt theo thị trường. Đồng thời, thực hiện tốt bảo vệ tài nguyên, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường; sản xuất, chế biến các chủng loại than đáp ứng yêu cầu của thị trường...
 
Các khối khoáng sản, điện lực, cơ khí, xây dựng mỏ, dịch vụ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo môi trường, đầu tư hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng dịch vụ, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị...
 
Hiện nay, các đơn vị trong ngành đang tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, đẩy mạnh sản xuất ngay từ tháng đầu năm, nhất là các đơn vị sản xuất than nỗ lực theo phương châm "sản xuất ngày nào, năng suất cao ngày ấy."
 
Các đơn vị trong ngành than, khoáng sản phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể trong tháng 1/2017 như than nguyên khai sản xuất 3 triệu tấn, tiêu thụ than 3,1 triệu tấn; sản phẩm alumina 70.000 tấn… Mặt khác, các đơn vị cũng tiếp tục tập trung bám sát thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ; tăng cường chế biến để giải quyết triệt để vấn đề tồn kho. Đồng thời, đồng loạt triển khai nhiều biện pháp để quản lý tốt chi phí, tiết giảm tối đa những chi phí không cần thiết, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
 
Ông Lâm Văn Thuyên, Giám đốc Công ty Kho vận Hòn Gai cho biết, năm 2017, Công ty được Tập đoàn giao tiêu thụ 8,8 triệu tấn than. Để tiêu thụ được số than này Công ty sẽ chuẩn bị đầy đủ mọi phương diện. Về cơ sở hạ tầng, các bến cảng được đầu tư đồng bộ, sẵn sàng tiếp nhận toàn bộ số than yêu cầu của Tập đoàn. Công ty đã đầu tư gần 800 tỷ đồng tại cụm cảng Làng Khánh. Khi khách hàng có nhu cầu, Công ty sẽ đảm nhận hết công suất đang có.
 
Anh Bùi Văn Nhất, thợ lò bậc 6/6, công trường cơ giới 2 thuộc Công ty than Hà Lầm chia sẻ: “khi nghe tin ngành than gặp khó khăn chúng tôi vô cùng lo lắng, sợ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống công nhân. Nhưng nhờ sự lãnh đạo của ban lãnh đạo công ty nên thời gian qua, anh em công nhân chưa phải nghỉ việc ngày nào và mức lương vẫn ổn định. Những tháng cuối năm, khi nghe Công ty thông báo đang xuất than và bán than ổn định, tôi mừng cho ngành than và cho Công ty than Hà Lầm.
 
Năm nay, Công ty đã áp dụng công nghệ mới vào lao động sản xuất, toàn thể anh em công nhân yên tâm và phấn khởi hơn khi được làm việc với công nghệ mới, đảm bảo an toàn và ngày giờ công, sản lượng tăng cao so với công nghệ cũ”.
Thảo Nguyên (Theo TTXVN/VIETNAM+) 
.
.
.
.