Petrovietnam tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 với nhiều chỉ tiêu vượt mức ấn tượng. Đặc biệt, khai thác thêm 1 triệu tấn dầu, một con số từng được coi là “thử thách cực hạn”.
Bối cảnh giá dầu thấp
Petrovietnam triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 trong bối cảnh vô cùng khó khăn, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro; giá dầu thế giới giảm sâu, phục hồi chậm và biến động khó dự đoán. Bên cạnh nhiệm vụ tìm kiếm, quản lý, giữ gìn, khai thác, phát huy giá trị nguồn tài nguyên dầu khí, Petrovietnam từ nhiều năm qua đã góp phần quan trọng trong việc điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, kiềm chế lạm phát, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tham gia bảo vệ giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia trên biển, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an sinh xã hội.
Giá dầu trung bình thực tế năm 2016 chỉ đạt hơn 40USD/thùng, trong khi giá kỳ vọng là 60USD/thùng đã ảnh hưởng xấu đến nguồn lực tài chính và các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn ở trong nước và cả ở nước ngoài. Tất cả các đơn vị trong Tập đoàn từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến dịch vụ khoan, địa chấn, khảo sát, chế tạo giàn, cung ứng vật tư - thiết bị, xây lắp vận chuyển đều bị ảnh hưởng. Ngoài ra, một số đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ những năm trước vẫn chưa khắc phục hết những tồn tại.
Trong năm 2016 đa số các công ty dầu khí thế giới đã phải đưa ra những giải pháp ứng phó đặc biệt, thu hẹp địa bàn hoạt động thăm dò, khai thác; dừng giãn tiến độ, tái cơ cấu hoặc giải thể, sáp nhập các công ty. Tuy nhiên, Petrovietnam đã và đang trụ vững trước cơn sóng dữ này. Những giải pháp ứng phó của Petrovietnam đã được minh chứng là kịp thời và hiệu quả. Ngay từ đầu năm, Petrovietnam đã đưa ra tới 6 kịch bản cho giá dầu thấp, kèm theo đó là các giải pháp thích hợp cho từng kịch bản, điều này cho thấy rõ nét tinh thần sẵn sàng đương đầu với thử thách của người Dầu khí.
Mỏ Bạch Hổ |
Những giải pháp ứng phó
Petrovietnam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu, cụ thể trên toàn diện các mặt công tác, ở tất cả các lĩnh vực cốt lõi, tăng cường tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Nổi bật trong đó là việc tập trung rà soát từng dự án đầu tư tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng, phát triển; thực hiện quyết liệt kế hoạch tìm kiếm thăm dò đối với các dự án khả thi, rủi ro thấp trên cơ sở tranh thủ giá dịch vụ dầu khí giảm để triển khai đầu tư các dự án được đánh giá tốt, đảm bảo gia tăng đủ trữ lượng để chuẩn bị đưa mỏ vào khai thác trong năm 2017, 2018 và những năm tiếp theo khi giá dầu phục hồi trở lại; rà soát lại sản lượng khai thác ở từng mỏ, chi phí sản xuất từng giếng đang khai thác, cân đối sản lượng hợp lý trên cơ sở phát huy những mỏ, giếng có giá thành tốt để bù đắp cho sản lượng các mỏ có giá thành cao.
Petrovietnam đang tiến hành tối ưu hóa hoạt động và hợp lý hóa chế độ khai thác của từng giếng khoan tại các mỏ để đảm bảo hai mục tiêu là hài hòa sản lượng, an toàn mỏ nhằm khai thác lâu dài; tối ưu hóa công tác vận hành, bố trí lịch khoan, lịch sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị khai thác hợp lý để nâng cao thời gian hoạt động của toàn hệ thống; đẩy mạnh công tác nghiên cứu có trọng tâm, hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ trực tiếp và định hướng công tác tìm kiếm thăm dò. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các đề án nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp gia tăng thu hồi dầu; nghiên cứu, đề xuất công nghệ và cơ chế phù hợp để phát triển các mỏ nhỏ, cận biên… Ngoài ra, các đơn vị trong lĩnh vực khí, điện, chế biến dầu khí đã tranh thủ các yếu tố thuận lợi từ giá dầu thấp là nguyên, nhiên liệu của các nhà máy để cơ cấu sản phẩm tối ưu nhất trong từng thời điểm, phát huy tối đa công suất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy.
Bên cạnh đó, Petrovietnam đã tích cực chủ động tuyên truyền để xã hội hiểu đúng những khó khăn, những đặc điểm về hoạt động dầu khí, tạo dư luận đồng thuận, đồng thời thông tin để cán bộ, đảng viên, người lao động (NLĐ) nắm được đầy đủ những khó khăn hiện nay của Tập đoàn khi mà nguồn lực về tài chính, việc làm, tiền lương, quỹ phúc lợi… của Tập đoàn bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch năm 2016 và những năm tới, từ đó ổn định tư tưởng, thống nhất hành động, cùng chia sẻ, khắc phục để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Những giải pháp đúng đắn của Petrovietnam cùng với sự nỗ lực vượt bậc của cả tập thể CBCNV, NLĐ trong toàn Tập đoàn, năm 2016, trong khó khăn bộn bề, Petrovietnam và nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn vẫn đảm bảo các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, về đích sớm nhiều chỉ tiêu quan trọng như doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, đảm bảo điều kiện làm việc và thu nhập cho NLĐ ở mức trên tối thiểu.
Tích cực tái cấu trúc
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra ngày 6/12/2016 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN là nhiệm vụ chính trị quan trọng năm 2017; cần thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa DNNN theo đúng lộ trình để thay đổi quản trị doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân cùng phát triển mạnh mẽ, giải phóng nguồn lực để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.
Sau 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN (2001 -2010), 5 năm triển khai mô hình Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2006 -2010), Petrovietnam đã đánh giá được những khó khăn nội tại, trên cơ sở đó chủ động triển khai có hiệu quả công tác tái cơ cấu, đồng thời đảm bảo việc làm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về tái cấu trúc nền kinh tế, Tập đoàn đã xây dựng và trình Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012 - 2015; Đề án tái cơ cấu Tập đoàn là một trong số đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm nhất (Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 5/1/2013). Thực hiện chủ trương này, đến năm 2015 Tập đoàn đã hoàn thành cổ phần hóa 4 doanh nghiệp nâng tổng số doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa là 19 đơn vị trên tổng số 21 đơn vị. Petrovietnam đã triển khai quyết liệt tất cả các giải pháp thoái vốn để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính theo nguyên tắc bảo toàn cao nhất vốn Nhà nước, phù hợp điều kiện thị trường; công khai, minh bạch, tuân thủ quy định hiện hành.
Petrovietnam đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cổ phần hóa các đơn vị lớn như: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Tổ chức phê duyệt, thông qua kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 cho các đơn vị thành viên như: PTSC, Petrosetco, PVCFC, PVI, DMC và PVC. Hiện tại, đã hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa của PV Power và PV Oil, tiếp tục tìm kiếm cổ đông chiến lược cho PV Power, BSR…
Kỹ sư PV Drilling làm việc trên giàn khoan |
Mục tiêu mới năm 2017
Bước sang năm 2017, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đứng trước nhiều thách thức. Giá dầu phục hồi chậm tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp dầu khí. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn xăng dầu thành phẩm phục vụ nền kinh tế. Giá dầu thấp sẽ khiến giảm áp lực lạm phát, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, kích thích phát triển và tạo việc làm mới. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu giá dầu giảm 30% sẽ đem đến cho các nước nhập khẩu dầu tăng trưởng 0,8% GDP và toàn thế giới tăng 0,2% GDP.
Năm 2017 là năm cả nước tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng như Petrovietnam thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2015 – 2020, cả hệ thống chính trị của Petrovietnam đã và đang đồng tâm hiệp lực, chung sức chung lòng quyết tâm thực hiện mục tiêu: Xây dựng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển bền vững, đồng bộ, mạnh về nhân lực, tài chính và khoa học - công nghệ, sức cạnh tranh cao, chủ động hội nhập quốc tế, là đơn vị nòng cốt, chủ lực của ngành Dầu khí, là trụ cột, đầu tàu dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế khác phát triển, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiệm vụ trọng tâm của Petrovietnam năm 2017 là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao, nhất là khi những lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về mọi mặt và nguồn lực tài chính bị thu hẹp. Bên cạnh đó, nỗ lực đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng, rà soát tối ưu chương trình công tác và chi phí các dự án đang khai thác, rà soát tất cả các yếu tố có ảnh hưởng đến sản lượng khai thác dầu khí. Đảm bảo vận hành an toàn các hệ thống khai thác, vận chuyển, tàng trữ dầu, khí, các nhà máy lọc dầu, nhà máy điện, đạm; kiểm soát chặt chẽ tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư, đặc biệt các dự án trọng điểm của Nhà nước về dầu khí. Tiếp tục chỉ đạo nghiêm túc chủ trương thực hành tiết kiệm, tối ưu hóa nguồn lực theo Nghị quyết 13 ngày 20/10/2015 của Đảng ủy Tập đoàn; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị của đơn vị để hỗ trợ đơn vị vượt qua các khó khăn, ổn định sản xuất.
Ngoài ra, bám sát những biến động của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt biến động về giá dầu, nâng cao khả năng dự báo tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, chủ động đề ra các kịch bản, các giải pháp để ứng phó kịp thời, hiệu quả với sự biến động không chỉ về giá dầu mỏ mà cả những biến động tiêu cực khác nhằm làm giảm ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Kịp thời rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn vướng mắc, các kiến nghị cần sửa đổi bổ sung. Đặc biệt cần nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, giải pháp hữu hiệu để có thể cổ phần hóa, thoái vốn trong những doanh nghiệp, lĩnh vực có quy mô lớn, mang tính đặc thù của Tập đoàn, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội cũng như điều kiện cụ thể từng đơn vị, đảm bảo thực hiện được lộ trình, tiến độ đã đề ra. Kiến nghị với các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi hoặc ban hành thay thế những quy chế, quy định còn thiếu hoặc không thống nhất giữa sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền. Sửa đổi, ban hành bổ sung các quy định, quy chế nội bộ Tập đoàn phù hợp với quy định mới cũng như điều kiện thực tế của doanh nghiệp trong Tập đoàn.
Trong thời gian tới, định hướng lâu dài của Petrovietnam sẽ phát triển mạnh theo trục tam giác chiến lược: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia - Lọc, hóa dầu, chế biến dầu, khí - Dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Trong đó, tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, tạo bước phát triển nhảy vọt cho Tập đoàn, làm tiền đề phát triển các lĩnh vực tiếp theo là công nghiệp khí; Chế biến dầu khí; Tồn trữ, phân phối các sản phẩm dầu khí; Dịch vụ dầu khí; công nghiệp điện.
Phát huy truyền thống Anh hùng, tinh thần đoàn kết và Văn hóa Dầu khí: Nhiệt huyết - Sáng tạo - Chuyên nghiệp - Kỷ cương cũng như kế thừa những thành tựu đạt được cùng với những bài học kinh nghiệm quý báu trong thời gian qua, tập thể lãnh đạo, CBCNV, NLĐ Petrovietnam đã và đang chủ động nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó, xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế đất nước, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Petrovietnam đến nay đã có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao, là doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng nhất, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và quản lý, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao và đặc thù, không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng. |
P.V