Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7,55%
Thứ Tư, 04/12/2019|14:06
Ngày 3/12, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chủ trì buổi họp báo về tình hình xuất khẩu dệt may năm 2019.
Mặc dù chịu tác động rất lớn từ suy giảm kinh tế thế giới do biến động chính trị và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Tuy kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2019 không đạt 40 tỷ USD như kỳ vọng đầu năm, ngành vẫn có mức tăng trưởng ước khoảng 7,55% so với năm 2018, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến là 39 tỷ USD (thấp hơn 1 tỷ USD so với mục tiêu đầu năm).
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 22,38 tỷ USD tăng 2,21%; giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 19,26 tỷ USD tăng 4,96%; giá trị nội địa tăng thêm (thặng dư thương mại) của hàng hóa dệt may xuất khẩu đạt 19,73 tỷ USD tăng 10,19%. xuất siêu 16,62 tỷ USD, tăng 2,25 tỷ USD và tăng 15,7 điểm phần trăm so với năm 2018.
Ông Vũ Đức Giang phân tích, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 38,97% tổng kim ngạch xuất khẩu; EU đạt 4,4 tỷ USD tăng 2,23%, chiếm 11,28%; Trung Quốc đạt 4,25 tỷ USD tăng 7,05%, chiếm 10,9%; Nhật Bản đạt 4,2 tỷ USD, tăng 4,79%, chiếm 10,77%; Hàn Quốc đạt 4 tỷ USD tăng 4,42% chiếm 10,26%; ASEAN đạt 2,1 tỷ USD, tăng 7,75 tỷ USD, chiếm 5,38%.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Công Thương, thông thường quý IV của năm trước, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau đó nhưng năm nay, đơn hàng dè dặt hơn, giảm so với năm 2018. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng 80% so với cùng kỳ. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng dài hạn, mà thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... đang rất khốc liệt. Nhiều nước đang tập trung hỗ trợ ngành dệt may, trong đó có cả những quốc gia mới nổi ở khu vực châu Phi khiến số lượng nhà sản xuất tăng mạnh, đơn hàng bị san sẻ. Thị trường sợi cũng gặp nhiều khó khăn, sự cạnh tranh về đơn hàng từ các doanh nghiệp sợi có vốn đầu tư nước ngoài cũng như cạnh tranh từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan ngày càng gay gắt.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phản ánh, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các văn bản pháp luật như về: thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, hoàn thuế, góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động, các chế độ liên quan đến người lao động… Đồng thời, đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam 2020-2030 của Bộ Công Thương… Mục tiêu đến năm 2030, toàn ngành dệt may đạt 85-90 tỷ USD, xây dựng phát triển 25-30 thương hiệu Việt Nam.
PN (Theo Chinhphu.vn)
.