Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2018
Trong giai đoạn 2016 - 2018, vốn tín dụng chính sách xã hội trong khu vực đã góp phần giúp hộ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo, trong đó có trên 236 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 123 nghìn lao động (trên 2 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp trên 32 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ dân tộc thiểu số được vay vốn học tập; xây dựng hơn 784 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 19 nghìn căn nhà ở...
Đến ngày 31/8/2018, NHCSXH đang quản lý trên 20 chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay, tổng dư nợ đạt 182.988 tỷ đồng, với hơn 8,3 triệu món vay của gần 6,7 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, gần 1,5 triệu khách hàng là hộ dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với tổng dư nợ 45.194 tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ của NHCSXH, dư nợ bình quân một hộ dân tộc thiểu số đạt 30,6 triệu đồng/hộ; bình quân chung là 27,3 triệu đồng/hộ.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng dân tộc thiểu số và giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội. Đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để thực tập làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi... Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo toàn nguồn vốn cho vay.
NHCSXH đã chủ động phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện quyết liệt những giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng đối với những đơn vị có nợ quá hạn cao; tạo sự chuyển biến về cách nghĩ, cách làm của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tác động đến ý thức của người vay “có vay có trả của người dân”; đồng thời tạo sự đồng thuận và quyết tâm của các ngành, các cấp góp phần từng bước nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn và cách thức tác nghiệp đặc thù, hiệu quả, phù hợp với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, tạo được lòng tin của nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH; chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn của người dân, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại địa phương, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, khó khăn: một số chương trình tín dụng chính sách theo các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hiệu lực nhưng chưa được NSNN bố trí vốn kịp thời, tạo áp lực đối với NHCSXH trước nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng chính sách và chính quyền địa phương như: Chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2); chương trình cho vay đối với Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975 theo Nghị định số 112/2017/NĐ-CP…
Tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số mới chỉ dừng lại ở một số chương trình tín dụng dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chưa có chính sách tín dụng đặc thù dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. Hộ dân tộc thiểu số thụ hưởng các chương trình tín dụng với mức vay tối đa và thời gian vay như hiện nay (50 triệu đồng/hộ, thời gian tối đa 5 năm) chưa tạo tác động chuyển biến đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực dân tộc thiểu số.
Để việc triển khai cho vay tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS đạt hiệu quả cao hơn, đề nghị Quốc hội quy định một tỉ lệ nhất định từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách được kịp thời, nhất là các chương trình tín dụng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội đảm bảo vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả.
Chính phủ, các Bộ ngành bố trí đủ nguồn lực, bảo đảm cho NHCSXH thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách khác. Hàng năm, bố trí dự toán chi cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, bổ sung vốn điều lệ, vốn cấp cho các chương trình, bảo đảm đủ vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; bổ sung thêm đối tượng được vay vốn tại NHCSXH: Mở rộng đối tượng hộ dân tộc thiểu số có mức sống trung bình (không giới hạn hộ dân tộc thiểu số nghèo) được vay vốn, với mức vay có thể đến 100 triệu đồng/hộ, với thời gian dài hơn (trên 10 năm) để phù hợp dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo động lực chuyển biến mạnh mẽ trong vùng dân tộc thiểu số; xây dựng Quỹ khuyến nông, hỗ trợ khoa học kỹ thuật dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số để chủ động kết hợp với hoạt động hỗ trợ vốn tín dụng chính sách xã hội, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn cho vay; xây dựng Quỹ khởi nghiệp dành cho thanh niên là đồng bào dân tộc thiểu số.
P.V