Tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam
Ngày 08/03/2012, tại Khách sạn Media, 44 Lý Thường Kiệt, Hà Nội đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Tham dự Đại hội có 432 cổ đông và người đại diện, đại diện cho tổng số 17.704 cổ đông có quyền biểu quyết (chiếm 99,23% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết).
Cùng chứng kiến và tham dự Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của BIDV còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, các Bộ ban ngành Trung ương, cùng đông đảo đội ngũ phóng viên báo, đài truyền hình tham dự và đưa tin về Đại hội.
Thực hiện Quyết định số 2124/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/12/2011 về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, BIDV đã tổ chức thành công đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng. Theo đúng kế hoạch lộ trình cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ, hôm nay, ngày 8/3/2012, BIDV tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất. Đại hội diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam trong những ngày gần đây đang có nhiều khởi sắc.
Trước Đại hội đồng cổ đông, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 278/QĐ-TTg, ngày 7/3/2012 về việc điều chỉnh mức vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Cụ thể như sau:
Vốn điều lệ: 23.011.705.420.000 đồng (hai mươi ba nghìn, không trăm mười một tỷ, bảy trăm linh năm triệu, bốn trăm hai mươi nghìn đồng).
Cơ cấu vốn điều lệ được xác định:
- Cổ phần Nhà nước nắm giữ: 2.203.607.796 cổ phần, giá trị tương ứng 22.036.077.960.000 đồng, chiếm 95,76% vốn điều lệ.
- Cổ phần cán bộ công nhân viên nắm giữ: 12.808.600 cổ phần, giá trị tương ứng 128.086.000.000 đồng chiếm 0,56% vốn điều lệ.
- Cổ phần bán đấu giá qua Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội: Cổ phần là các nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ: 84.754.146 cổ phần, giá trị tương ứng 847.541.460.000 đồng chiếm 3,68% vốn điều lệ.
Quyết định cũng nêu rõ: Việc quản lý số tiền thu từ việc cổ phần hóa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thực hiện theo quy định hiện hành. Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét và quyết định việc sử dụng nguồn vốn thặng dư sau khi bán cổ phần của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam khi có phương án cụ thể về việc sử dụng nguồn vốn này.
Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của BIDV đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như: Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị; Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm soát; Kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2012-2015 và kế hoạch kinh doanh 2012; Lựa chọn đơn vị kiểm toán cho năm 2012-2013; Kế hoạch niêm yết cổ phiếu BIDV trên sàn giao dịch chứng khoán; Kế hoạch lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Tại Đại hội cũng đã bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2012- 2017 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Với tỷ lệ phiếu bầu thấp nhất là 99,47%, cao nhất là 101,76%. Theo đó, HĐQT mới của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam gồm 10 thành viên:
1. Ông Trần Bắc Hà
2. Ông Phan Đức Tú
3. Ông Trần Anh Tuấn
4. Ông Nguyễn Trung Hiếu
5. Ông Nguyễn Khắc Thân
6. Ông Lê Đào Nguyên
7. Ông Hoàng Huy Hà
8. Ông Nguyễn Huy Tựa
9. Bà Lê Thị Kim Khuyên
10. Ông Ngô Bá Lại – Vụ Trưởng Vụ Kiểm toán Nội bộ, thành viên kiêm nhiệm, Đại diện phần vốn góp của Ngân hàng Nhà nước.
Ban kiểm soát BIDV nhiệm kỳ 2012 -2017 gồm 3 thành viên:
1. ÔngTrần Văn Bé
2. Ông Cao Cự Trí
3. Bà Nguyễn Thị Tâm
Tại Đại hội, Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát cũng đã bầu Ông Trần Bắc Hà đảm nhận chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Ông Trần Văn Bé giữ chức trưởng ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2012 - 2017.
Đại hội xác định, thống nhấtmục tiêu xây dựng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam trở thành ngân hàng hiện đại, kinh doanh đa dạng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hoạt động theo thông lệ quốc tế, có chất lượng và hiệu quả cao trong các định chế tài chính tại Việt Nam. Đến năm 2015 là Ngân hàng TMCP có sở hữu chi phối của Nhà nước đạt trình độ khu vực về quy mô, quản trị công nghệ, khả năng cạnh tranh với tầm nhìn đến năm 2020 trở thành ngân hàng hàng đầu Việt Nam có khả năng cạnh tranh và hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính tiền tệ khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
Đại hội cũng nhất trí thông qua Định hướng phát triển tới 2020 và kế hoạch kinh doanh 2012 với các chỉ tiêu chính như sau:
- Huy động vốn tăng 18% so với năm 2011;
- Tổng dư nợ tín dụng tăng 17% so với năm 2011;
- Lợi nhuận trước thuế tăng 36% so với năm 2011;
- Tỷ lệ nợ xấu dưới 2,8%;
- ROA: 1,0%; ROE: 17,0%;
- Tỷ lệ chi trả cổ tức khoảng 14%.
BIDV