BIDV triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn trong giai đoạn hiện nay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm phục hồi hoạt động để có nguồn trả nợ vốn vay, góp phần thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh các biện pháp đã thực hiện như: giảm lãi suất cho vay, ưu tiên vốn tín dụng đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa,… Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ các khách hàng đang có khó khăn trong hoạt động, cụ thể như sau:
Quang cảnh buổi họp báo |
1. Đẩy mạnh cung ứng tín dụng:
Để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng các lĩnh vực kinh doanh có hiệu quả, có lợi thế cạnh tranh của khách hàng, BIDV tập trung tháo gỡ về thủ tục, điều kiện vay vốn, rút ngắn thời gian xử lý tác nghiệp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Doanh số cho vay từ 1/1/2012 đến 19/4/2012 đạt 154.061 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đã tăng thêm 11.343 tỷ đồng, tương ứng với tốc độ tăng trưởng tín dụng 4,1%. Đặc biệt, từ ngày 12/4/2012 sau khi giảm lãi suất cho vay, doanh số cho vay 9.240 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đã tăng thêm 1.840 tỷ đồng.
2. Tập trung hỗ trợ đầu ra cho các khách hàng
BIDV đã tập trung hỗ trợ đầu ra cho các khách hàng để tăng khả năng tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản số 2056/NHNN-CSTT ngày 10/4/2012 chỉ đạo hoạt động tín dụng, trong đó tạo điều kiện các TCTD tăng dư nợ lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng, cụ thể:
- Cho vay xây dựng và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê, kể cả khi các khoản vay này khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công; xây dựng, sửa chữa và mua nhà để bán, cho thuê, xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị.
- Cho vay đối với người lao động của Công ty Nhà nước để mua cổ phần phát hành lần đầu khi cổ phần hóa.
- Cho vay mua phương tiện đi lại, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình, chi phí học tập và chữa bệnh trong nước.
3. Công bố gói tín dụng trị giá 4.000 tỷ đồng dành cho cá nhân, hộ gia đình mua nhà các dự án do BIDV tài trợ.
Để góp phần tăng tính thanh khoản, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, nhà thầu xây dựng, đơn vị cung cấp, sản xuất vật liệu xây dựng bằng việc khai thông đầu ra đối với các dự án này; BIDV đã đưa ra gói tín dụng trị giá 4.000 tỷ đồng, triển khai chính thức từ 01/5/2012 để cho vay người mua nhà tại các dự án do BIDV tài trợ với lãi suất hấp dẫn (16%/năm, chưa kể phần hỗ trợ của chủ dự án), thời gian vay có thể đến 15 năm, mức cho vay lên tới 85% giá trị căn nhà.
Thông qua gói tín dụng này, khách hàng sẽ được BIDV giới thiệu, kết nối vớichủ đầu tư uy tín để lựa chọn căn hộ, nhà ở với diện tích đa dạng, mức giá ưu đãi tập trung ở 2 địa bàn Hà Nội, TP.HCM đồng thời tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện thủ tục vay vốn nhanh gọn. Ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn mua nhà, BIDV sẽ kết hợp chủ các dự án để có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các khách hàng mua nhà (hỗ trợ lãi suất, giảm giá bán, tặng đồ nội thất, tặng bảo hiểm,…).
4. Cơ cấu lại nợ vay:
Thực hiện xem xét cơ cấu lại nợ vay (gia hạn nợ, định lại kỳ hạn trả nợ) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các khoản vay có khả năng không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, ứ đọng tồn kho hàng hoá, các dự án chậm tiến độ/chưa hoàn thành.
5. Cơ cấu tài chính cho khách hàng:
Thực hiện xem xét cơ cấu tài chính đối với các khách hàng bị mất cân đối vốn do thiếu nguồn vốn đầu tư dự án/mua sắm tài sản cố định và có khả năng khắc phục tình trạng mất cân đối vốn, đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng.
Đối với các doanh nghiệp đã sử dụng vốn vay ngắn hạn chờ nguồn thanh toán, vốn vay ngắn hạn/vốn tự có vào mục đích trung dài hạn/đầu tư tài sản cố định: Xem xét cho vay trung dài hạn bù đắp cơ cấu khoản vay ngắn hạn/vốn tự có để hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại dòng tiền, tái cơ cấu tài chính, khắc phục tình trạng mất cân đối vốn.
6. Miễn giảm lãi:
Thực hiện xem xét miễn giảm lãi đối với các khách hàng có thiện chí trả nợ, tạo điều kiện hỗ trợ và khuyến khích khách hàng trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng.
Xem xét miễn giảm phần lãi phạt quá hạn khi khách hàng trả đầy đủ nợ gốc và phần lãi còn lại (không tính lãi phạt)theo hợp đồng tín dụng đã ký kết.
7. Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp:
Xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) để tạo nguồn trả nợ ngân hàng. Xem xét tài trợ vốn cho các doanh nghiệp/đối tác có năng lực mua lại các dự án/tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp khó khăn để thu hồi nợ vay.
8. Kế hoạch triển khai:
Hội sở chính BIDV có văn bản hướng dẫn chính thức để các chi nhánh có cơ sở thực hiện. Ngoài các biện pháp trên đây để hỗ trợ phục hồi hoạt động các khách hàng, BIDV đang khảo sát nhu cầu để tiếp tục tung ra các gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như: sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, SME, nông nghiệp nông thôn.
BIDV