Ngân hàng Phát triển Việt Nam triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2012
Trong các ngày 19-20/7/2012, tại Thành phố Huế, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2012 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2012.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Ủy viên phụ trách Hội đồng quản lý NHPT, Lãnh đạo Vụ Tài chính ngân hàng Bộ Tài chính, đồng chí ủy viên chuyên trách Hội đồng quản lý NHPT, đồng chí ủy viên Hội đồng quản lý kiêm Trưởng ban kiểm soát, đồng chí Tổng Giám đốc NHPT, các đồng chí Phó tổng giám đốc NHPT, các Trưởng ban, Giám đốc Trung tâm, một số Phó trưởng ban, Phó giám đốc Trung tâm, Giám đốc các Sở giao dịch, chi nhánh khu vực, chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Hội nghị đã tập trung nghe, thảo luận báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2012, giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012; kết quả kiểm tra 6 tháng đầu năm 2012, các vấn đề phải khắc phục; báo cáo đánh giá tình hình thu hồi, xử lý nợ 6 tháng đầu năm 2012, giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu hồi nợ 6 tháng cuối năm 2012; báo cáo đánh giá kết quả rà soát thực trạng khách hàng, dự án, khoản vay và tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng…
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Ủy viên phụ trách Hội đồng quản lý NHPT phát biểu ý kiến gợi ý, chỉ đạo, định hướng thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới của hệ thống NHPT.
Sau khi nghe ý kiến của các đồng chí Giám đốc các Sở giao dịch, Chi nhánh, các đồng chí Trưởng ban, Giám đốc Trung tâm thảo luận, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, kiến nghị, đề xuất về giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, ý kiến phát biểu của các đồng chí Phó tổng giám đốc NHPT, Tổng giám đốc NHPT đã có ý kiến kết luận chỉ đạo Hội nghị.
Theo Tổng giám đốc, toàn ngành cần thống nhất nhận thức, trong 6 tháng đầu năm 2012 nói riêng và trong thời gian qua nói chung, hệ thống NHPT đã thực hiện tốt vai trò là công cụ để thực hiện chính sách vĩ mô của Chính phủ thông qua việc triển khai thực hiện, tham gia thực hiện nhiều chương trình kinh tế lớn, các dự án trọng điểm của nền kinh tế với tổng dư nợ tính đến 30/6/2012 khoảng 274.000 tỷ đồng. Kết quả đó đã hỗ trợ phát triển kinh tế nhiều địa phương, nhiều vùng, tạo thêm công ăn việc làm, từ đó đóng góp thu ngân sách nhà nước, vốn đầu tư phát triển của Nhà nước qua NHPT đã góp phần phát triển được những ngành then chốt của nền kinh tế như điện lực, đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống cũng đã bộc lộ một số yếu kém, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của hệ thống như năng lực đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu; tổ chức bộ máy chưa hợp lý, vận hành bộ máy chưa hiệu quả; số lượng các chi nhánh, các ban tham mưu nhiều nhưng chưa mạnh; công nghệ thông tin và hệ thống thông tin quản trị ngân hàng yếu kém…
Những yếu kém này không phải đến nay mới bộc lộ, phát sinh mà có nguyên nhân và diễn biến từ nhiều năm trước, song trong bối cảnh hoạt động khó khăn của các doanh nghiệp và nền kinh tế thời gian qua đã làm trầm trọng thêm các yếu kém này.
Vì vậy, để khắc phục được những yếu kém này, làm cho tình hình cân đối tài chính bền vững hơn, làm cho bộ máy gọn nhẹ hơn, hoạt động có hiệu quả, nhằm phát huy được vai trò của NHPT là công cụ để thực hiện chính sách vĩ mô của Chính phủ, NHPT đã xây dựng và trình Chính phủ Đề án chiến lược phát triển hệ thống NHPT đến năm 2020. Trước mắt, trong thời gian tới, cụ thể là trong 6 tháng cuối năm, hệ thống NHPT cần triển khai làm tốt các công việc sau.
Thứ nhất, đối với Đề án chiến lược phát triển NHPT đến năm 2020, hệ thống NHPT cần chuẩn bị ngay những đề án, cơ chế để thực hiện chiến lược đó (điều lệ hoạt động, cơ chế tài chính, cơ chế phân loại nợ, cơ chế xử lý rủi ro…). Đồng thời với đó là hoàn thành ngay việc rà soát, xây dựng các quy chế hoạt động nghiệp vụ để trình HĐQL ban hành trong thời gian tới; xây dựng và hoàn thiện lại các quy chế quản trị nội bộ (tiền lương, xếp hạng nội bộ…) để ban hành, làm căn cứ triển khai thực hiện các mặt hoạt động của hệ thống.
Thứ hai, các đơn vị tiếp tục rà soát và nắm rõ, nắm chắc, kịp thời tình hình các dự án, khách hàng, khoản vay với một tinh thần là nắm chắc tình hình, “sức khỏe” khách hàng để áp dụng, thực hiện các giải pháp quyết liệt trong thu hồi nợ. Đối với các khoản giải ngân mới, chỉ đưa tiền ra, giải ngân cho các dự án, khách hàng thực sự hiệu quả, thực sự tin tưởng.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rà soát, đánh giá lại cán bộ sau khi có kết quả kiểm điểm, làm rõ tồn tại yếu kém, sai phạm ở từng đơn vị, từng cá nhân để xác định rõ trách nhiệm cụ thể và giải pháp xử lý. Trên cơ sở đó, tổ chức rà soát, phân loại cán bộ để sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để thực hiện, triển khai tốt Chiến lược phát triển được phê duyệt.
Thứ tư, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra nội bộ, đảm bảo xác định được trách nhiệm công vụ của cán bộ, viên chức hệ thống trong thực hiện nhiệm vụ
Thứ năm, tổ chức thực hiện an toàn nhiệm vụ của hệ thống trong 6 tháng cuối năm và chuẩn bị xây dựng kế hoạch 2013 theo đúng hướng dẫn của các bộ, ngành. Trong đó, trong 6 tháng cuối năm nhiệm vụ thu nợ tiếp tục được coi là nhiệm vụ sống còn của hệ thống, cần được thực hiện ở tất cả các cấp, các đơn vị trong hệ thống với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, bền bỉ và có phương pháp, hiệu quả hơn.
Thứ sáu, tổ chức tốt việc huy động các nguồn vốn, đáp ứng đủ vốn cho các dự án, đặc biệt là việc huy động vốn thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa kênh mương, tổ chức quyết liệt để hoàn thành dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Thứ bảy, tổ chức tốt việc kiểm điểm theo Nghị quyết trung ương 4. Làm tốt công tác tư tưởng, ổn định, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho cán bộ, đảng viên hệ thống.
Thứ tám, tiếp tục làm tốt công tác hỗ trợ 3 huyện nghèo./.
Tin, ảnh: Khánh Linh – Gia Khánh