Ngân hàng rút tất cả lãi suất khoản nợ cũ về 15%
Mặc dù còn vài ngày nữa mới đến hạn các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất các khoản nợ cũ mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo, nhưng đến ngày 11/7 đã có một số ngân hàng lên tiếng giảm tất cả các khoản nợ cũ về mức 15% để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân.
Chia sẻ cùng doanh nghiệp
Ngân hàng nổ phát súng đầu tiên là Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Agirbank, SHB. VietinBank cho biết đã tiết giảm chi phí, quyết tâm hạ lãi suất đối với tất cả các khoản vay xuống tối đa 15%/năm kể từ ngày 15/7.
Lý giải cho việc hạ lãi suất cho vay lần này, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Phạm Huy Hùng khẳng định: Chỉ số CPI trong những tháng gần đây được kiểm soát là điều kiện tốt để tiếp tục hạ lãi suất. Hơn nữa, việc giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh và mở rộng sản xuất kinh doanh là cần thiết và là nhiệm vụ quan trọng. VietinBank luôn tiên phong, đi đầu, chia sẻ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn để mở rộng hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững.
Ông Hùng cho biết, ngày 10/7, VietinBank đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện rà soát dư nợ các khoản vay cũ, điều chỉnh giảm lãi suất về mức 15%/năm để chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và hộ dân đồng thời yêu cầu các chi nhánh tích cực và chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với khách hàng vay để rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn nợ nhằm hỗ trợ khách hàng… Trong những trường hợp cụ thể, có thể áp dụng chính sách miễn lãi 100%, thậm chí bán nợ với tỷ trọng khoảng 50 – 60% khoản nợ gốc.
Một ngân hàng Nhà nước khác là Agribank cũng công bố sẽ hạ tất cả các khoản nợ cũ xuống 15% kể từ ngày 15/7 đối với tất cả các lĩnh vực. Agribank cho biết thêm, đối với khách hàng vay gặp khó khăn về tài chính và khả năng trả nợ, các Chi nhánh thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục cho vay mới (nếu có phương án, dự án sản xuất – kinh doanh khả thi, có hiệu quả); thực hiện miễn, giảm lãi tiền vay theo quy định của Agribank, cho vay mới trả nợ cũ, không nhằm che dấu nợ xấu.
Cùng ngày, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã có công văn gửi các chi nhánh trên toàn quốc tiến hành điều chỉnh tất cả các khoản vay cũ hiện đang có lãi suất trên 15%/năm, không phân biệt khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp, không phân biệt lĩnh vực. Việc điều chỉnh này được thực hiện ở các khoản vay đến kỳ điều chỉnh và cả chưa đến kỳ điều chỉnh.
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, trong quá trình xét điều chỉnh, mức 15%/năm sẽ là tối đa, còn theo xếp hạng tín dụng nội bộ sẽ có những khoản được giảm dưới 15%/năm, có thể là 13-14%/năm.
Ông Lê cho biết thêm, trước khi có chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị ngành ngày 7/7 vừa qua, từ tháng 4/2012, SHB cũng đã thực hiện giảm lãi suất cho khoảng 5.500 khoản vay với dư nợ 8.570 tỷ đồng, kể cả những khoản chưa đến hạn điều chỉnh. Nguồn thu từ tín dụng theo đó giảm 15,53 tỷ đồng/tháng. Còn nay, lượng dư nợ có lãi suất trên 15%/năm của ngân hàng này hiện chiếm khoảng 35% trong khoảng 33.000 tỷ đồng tổng dư nợ.
An toàn hệ thống là trên hết
Lãnh đạo các ngân hàng đều khẳng định luôn hoạt động của ngân hàng luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn, doanh nghiệp vỡ nợ, phá sản thì ngân hàng cũng có nợ xấu và ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng. Do vậy trong giai đoạn này ngân hàng không thể đặt ra mục tiêu lợi nhuận nữa mà mục tiêu an toàn lên hàng đầu. Chính vì vậy, các ngân hàng phải có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để họ hoạt động tốt, an toàn ngân hàng cũng an toàn trong hoạt động kinh doanh.
Ông Lê cho rằng, việc giảm đồng loạt các mức lãi suất lần này chắc chắn sẽ làm giảm lợi nhuận nhưng không nhiều cũng như không ảnh hưởng đến chính sách hoạt động của từng ngân hàng.
Ông Lê phân tích, cách đây mấy tháng các ngân hàng vẫn huy động lãi suất 14%, tuy nhiên chủ yếu là các kỳ hạn ngắn tập trung vào kỳ hạn 1 - 3 tháng, còn trung dài hạn chiếm tỷ trọng ít trên cơ cấu huy động vốn trên toàn hệ thống. Do vậy khi Ngân hàng Nhà nước giảm xuống 9% lãi suất bình quân đầu vào, đầu ra cũng giảm là rất bình thường.
Bên cạnh đó, theo ông Lê, nguồn thu của các ngân hàng chông chỉ từ cho vay mà còn nhiều dịch vụ khác như bán chéo sản phẩm, chuyển tiền, thanh toán quôc tế, kinh doanh ngoại tệ và các nghiệp vụ phái sinh khác từ khách hàng, doanh nghiệp... đều tạo ra lợi nhuận ngân hàng.
Ngân hàng lớn như VietinBank đến thời điểm này lợi nhuận cũng mới chỉ đạt 30% kế hoạch. Ông Hùng cho biết, năm nay sẽ không có lợi nhuận biên cao như năm trước 4-5% mà chỉ là 2%. Tuy nhiên, Ngân hàng sẽ cố gắng đảm bảo quyền lợi của cổ đông bằng cách tiết giảm tối đa các chi phí, đồng thời cơ cấu lại nợ, thậm chí bán nợ để đạt hiệu quả sử dụng vốn cao nhất. Đặc biệt là kiểm soát được nợ, khống chế được nợ xấu, quản lý được rủi ro trong hoạt động. VietinBank phấn đấu đến cuối năm sẽ đưa nợ xấu về mức tối đa 1,5%, tăng trưởng tín dụng 10%.
Cũng đồng tình với những quan điểm trên, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Tiên Phong (TienPhong Bank) cho rằng, Thống đốc đặt ra mục tiêu các ngân hàng kéo lãi suất tín dụng cho các khách hàng cũ xuống 15%. Bài toán này không dễ nhưng đó là một trách nhiệm, một mệnh lệnh giao cho các ngân hàng thương mại. Không dễ dàng động chạm đến lợi nhuận của ngân hàng… nhưng đây là việc bắt buộc phải làm ở thời điểm này. Cách duy nhất là ngân hàng chấp nhận hy sinh miếng bánh lợi nhuận ít ỏi để giảm lãi suất cho doanh nghiệp tiếp cận.
Tuy nhiên, ông Phú cũng lăn tăn, giảm lãi suất tín dụng không hề dễ dàng cho ngân hàng do có thời điểm Ngân hàng phải huy động nguồn vốn trên thị trường khá cao. Cách đây 3 tháng, ngân hàng đã huy động đầu vào theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 14%. Trong thời gian qua lượng vốn này chưa thể cho vay hết được, bởi tăng trưởng tín dụng vừa qua - 0,13%, cộng các ủy thác đầu tư, giấy tờ có giá khác… 6 tháng qua mới được có 1,4%. Rõ ràng lượng vốn đã được huy động vẫn còn đang tồn đọng ở ngân hàng và đang nằm chết ở trong hệ thống.
Hiện vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về "lệnh" giảm lãi suất nhưng rõ ràng đã có một số ngân hàng tuân thủ vì những ngân hàng này thanh khoản tốt, nợ xấu thấp. Họ sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua giai đoạn này.
"Chúng tôi vay của dân không nợ được đồng nào nhưng chúng tôi chấp nhận chia sẻ với doanh nghiệp vì lợi ích chung của nền kinh tế," ông Hùng nhấn mạnh như vậy.
Minh Thúy (Theo TTXVN)