Ngân hàng lý giải chuyện kích cầu bất động sản
Vì sao nhiều ngân hàng vẫn mạnh tay với các gói tín dụng ưu đãi mua nhà, dù trước đó đã có nhiều ý kiến trái chiều về tính hiệu quả?
Tốc độ bán hàng tại dự án IPH đã tăng mạnh sau khi Vietcombank triển khai chương trình "0% lãi suất" đối với khách hàng đăng ký mua dự án |
Trên thực tế, bên cạnh những quan ngại về tính an toàn của tổ chức tín dụng, không ít ý kiến cho rằng, suy cho cùng ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ cũng phải tính toán, cân đối doanh thu, do vậy, dù là cho vay sản xuất hay tiêu dùng, họ sẽ ưu tiên lựa chọn, miễn sao khoản lợi nhuận thu về cuối kỳ là cao nhất.
“Mạnh tay” vì cầu cao
Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, nhiều ngân hàng dồn dập bắt tay các chủ đầu tư để cho vay mua nhà có hỗ trợ lãi suất. Với diễn biến thị trường bất động sản èo uột về thanh khoản trong suốt một thời gian dài, việc ngân hàng mở hầu bao cho lĩnh vực này, theo ý kiến số đông là một việc cần thiết bởi nó sẽ tạo cú hích cho một thị trường vốn ai cũng biết phải dựa nhiều vào các nhà băng. Đi đầu là Vietinbank, Vietcombank, BIDV, VIB… với các gói tín dụng bất động sản lên tới hàng nghìn tỷ đồng, giá trị cho vay lên tới 70 - 90% giá trị căn hộ.
Trên thực tế, sự vào cuộc của nhiều ngân hàng đã phần nào tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Phản ánh với VnEconomy hồi cuối tháng 7 vừa qua, một số chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản cho biết, các dự án đã bắt đầu có giao dịch trở lại dù chưa phải là ồ ạt như trước đây.
Theo đại diện Vietcombank, với việc cho vay “không lãi suất” đã nhận được sự hưởng ứng từ phía khách hàng. Trước thực tế đó, trên cơ sở thống nhất với chủ đầu tư, Vietcombank chính thức gia hạn thêm thời gian cho vay 0% lãi suất thêm một tháng (từ 5/8 đến 5/9/2012) đối với khách hàng đăng ký mua căn hộ tại dự án Indochina Plaza Hà Nội (IPH).
Còn theo đại diện Indochina Land (chủ đầu tư IPH), vẫn biết việc hỗ trợ lãi suất cho khách hàng sẽ khiến doanh nghiệp và ngân hàng giảm đi lợi nhuận, song với mục tiêu bán được hàng, doanh nghiệp này đã quyết định tiếp tục chương trình hỗ trợ lãi suất thêm một tháng nữa.
Theo ông Nguyễn Tất Thịnh, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân của VietinBank, nắm bắt được nhu cầu nhà ở của người dân hiện rất cao, trong khi tài chính lại có hạn, bắt đầu từ tháng 7 vừa qua, ngân hàng này đã triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà để ở. Đây cũng là chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất lớn nhất từ trước đến nay của VietinBank dành riêng cho khách hàng cá nhân.
Và sau một số phản hồi trái chiều của dư luận về chuyện ngân hàng kích cầu bất động sản, đại diện VietinBank cho hay, “dù là chương trình ưu đãi lớn nhất song mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người dân đang cần nhà ở. Trong trường hợp nhu cầu thị trường tăng mạnh, VietinBank sẵn sàng gia tăng giá trị gói ưu đãi hoặc cung cấp gói ưu đãi mới với giá trị lớn hơn”.
“Nới” có chọn lọc?
Theo nhìn nhận của chính những người trong cuộc, thị trường bất động sản hiện vẫn chưa hết khó khăn và yếu tố quyết định đưa thị trường vượt qua được giai đoạn này vẫn là chính sách tín dụng. Một khi tín dụng được nới lỏng, lãi suất giảm, thị trường bất động sản sẽ tốt lên.
Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, so với chi phí đầu tư, giá bất động sản hiện đã chạm đáy và nhu cầu người mua nhà rất nhiều, nhưng đa phần người có nhu cầu nhà ở hiện nay không đủ năng lực tài chính để mua, mà cần phải sử dụng vốn vay mới có thể mua được. Nhưng nếu không có việc hỗ trợ lãi suất chắc chắn nhiều người không dám vay. Do vậy, cách tốt nhất để tạo thanh khoản cho thị trường, theo vị này là tín dụng cần phải “thoáng” hơn để người mua nhà tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp.
Tuy nhiên, phản hồi với VnEconomy, nhiều ngân hàng hiện đang triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho biết, ngân hàng cũng rất muốn đẩy mạnh tín dụng bất động sản nhằm cải thiện thanh khoản cho thị trường cũng như hỗ trợ thực sự nhu cầu nhà ở của người dân. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là các ngân hàng sẽ dễ dãi với tất cả các dự án bất động sản mỗi khi chủ đầu tư đặt vấn đề cho khách hàng vay vốn.
“Quan điểm của chúng tôi là trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng sẵn sàng chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp và mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, vì điều này cũng liên quan đến cả hiệu quả hoạt động của chính các ngân hàng. Tuy nhiên, sự hỗ trợ là phải có lựa chọn, sàng lọc”, đại diện Vietinbank cho hay.
Cũng theo vị này, nếu khách hàng có nhu cầu thực sự, tức là họ cần thiết vay vốn để mua nhà thì việc ngân hàng đẩy mạnh kích cầu bất động sản là rất cần thiết. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ không thể tiến hành cho vay tràn lan được, mà phải thẩm định kỹ uy tín, năng lực của chủ đầu tư, chất lượng, tiến độ, vị trí, giá bán của dự án...
Đặc biệt, nếu ngân hàng nào vì áp lực tăng trưởng tín dụng hay lợi nhuận mà sử dụng vốn huy động ngắn hạn của người dân để tập trung cho vay bất động sản thì sẽ rất nguy hiểm. Đó là tư tưởng kinh doanh mang tính ngắn hạn, chộp giật và không phù hợp với đặc điểm kinh doanh của ngân hàng thương mại.
Đại diện các ngân hàng đều khẳng định việc hỗ trợ lãi suất cho khách hàng mua nhà sẽ được thực hiện một cách kỹ lưỡng, chặt chẽ, và số dự án được hỗ trợ cũng được giới hạn nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả cho tất cả các bên.
Tuy nhiên, số lượng các dự án được hỗ trợ đang tăng khá nhanh. Theo tìm hiểu của VnEconomy, đến thời điểm này, số lượng dự án mà VietinBank tiến hành “bắt tay” với chủ đầu tư để triển khai cho vay mua nhà đã lên tới con số 43, tăng 12 dự án so với danh sách ngân hàng này công bố hồi giữa tháng trước.
Còn với Vietcombank, số lượng dự án mà ngân hàng này tiến hành hợp tác tài trợ và hỗ trợ lãi suất cũng lên tới 38 dự án.
Bảo Anh (Theo Vneconomy)