.
.

TS. Cao Sỹ Kiêm: Lãi suất khó hạ vì lạm phát cao

Thứ Hai, 17/09/2012|21:28

 

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, muốn hạ lãi suất đầu ra, phải xét từ lãi suất huy động. Từ nay đến cuối năm, khi mà lạm phát kỳ vọng tăng dần, thì khó có thể điều chỉnh giảm lãi suất hơn nữa, mà chỉ xoay quanh mức 9%/năm.

Thời gian qua, DN đã “với tay” được vốn rẻ nhiều hơn, thưa ông?

Đúng là nhiều DN đã tiếp cận được nguồn vốn rẻ, nhưng chỉ ở mức độ nào đó. Có những lý do khiến cho việc DN chưa tiếp cận được nhiều. Đơn cử, tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng không đổi, trong khi khả năng đạt các tiêu chuẩn của DN ngày càng ít đi. Cũng dễ hiểu, bởi với tình hình phức tạp như hiện nay, các ngân hàng cũng cần hết sức thận trọng. Nếu chúng ta "cơi" mạnh mà không kiểm soát thì tình hình phức tạp thêm. Thứ hai, sức mua giảm, hàng tồn kho cao, nên DN cũng không muốn vay ngân hàng. Do vậy, ngân hàng và DN vẫn đang khó tìm điểm cắt cung - cầu.

Vậy theo ông tăng trưởng tín dụng từ 8 - 10% trong năm nay có khả thi?

Với tình hình như hiện tại, mục tiêu trên là rất khó. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không thể đạt được. Đã có dấu hiệu cho thấy chúng ta có thể đạt kế hoạch này như, việc NHNN cho phép một số ngân hàng điều chỉnh tăng trưởng tín dụng lên đến 25% - 30%. Những ngân hàng xin tăng thêm có thể do họ có khách hàng, dự án tốt. Tuy nhiên, cũng cần xem xét khả năng họ xin tăng để "chạy" chỉ tiêu trước... Nhưng dù sao đây cũng là động thái tích cực của NHNN điều chỉnh cung - cầu thị trường hợp lý hơn.

Thưa ông, liệu việc tiếp tục giảm lãi suất có tìm được điểm “cắt” cung – cầu tín dụng?

Theo tôi, muốn hạ lãi suất đầu ra, phải xét từ lãi suất huy động. Từ nay đến cuối năm, khi mà lạm phát kỳ vọng tăng dần, thì khó có thể điều chỉnh giảm lãi suất hơn nữa, mà chỉ xoay quanh mức 9%/năm. Trước đây cũng có yếu tố khiến chúng ta nghĩ đến việc điều chỉnh lãi suất, như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm. Nhưng hiện CPI có dấu hiệu tăng trở lại, nhất là vào quý IV - khi mùa kinh doanh bắt đầu, áp lực lạm phát sẽ tăng dần lên. Mà lãi suất huy động phải luôn đảm bảo thực dương cho người gửi tiền. Nếu không người dân sẽ chuyển sang kênh đầu tư khác như mua vàng, USD khi gửi tiết kiệm VND kém hấp dẫn. Ngoài ra, những tháng cuối năm là thời điểm các ngân hàng cần vốn nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu vốn cho mùa vụ kinh doanh của DN. Nếu hạ lãi suất huy động nữa, sẽ khó cho ngân hàng. Bên cạnh đó, hạ lãi suất huy động còn có thể tạo áp lực lên tỷ giá. Và nếu lãi suất huy động không giảm thì lãi suất cho vay cũng khó có thể giảm sâu hơn. Nhưng thời điểm này lãi suất chỉ là vấn đề phụ. Điều mà các DN cần là giải tỏa hàng tồn kho. Muốn làm được điều này, quan trọng là phải kích sức mua. Mà sức mua không thể tăng nhanh được nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Cụ thể, để cải thiện sức mua thì giá hàng hóa phải giảm hơn nữa, trong khi chất lượng tăng. Và cần hỗ trợ sức mua bằng cách tăng thu nhập cho người lao động... Một vấn đề quan trọng nữa là phải nhanh chóng giải quyết nợ xấu. Với khối lượng nợ xấu tại các NHTM lớn như vậy, nếu Nhà nước không can thiệp thì khó có thể xử lý được.

Vậy chúng ta phải giải quyết rốt ráo nợ xấu bằng cách nào, thưa ông?

Đúng như vậy, bởi lẽ nếu để nợ xấu kéo dài, thì khả năng tiếp cận vốn của DN ngày càng ít đi, sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Vì nền kinh tế tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của DN. Theo tôi, việc thành lập công ty mua bán nợ xấu ngân hàng là cần thiết. Công ty này có thể trực thuộc Chính phủ. Chính phủ có thể bảo lãnh phát hành trái phiếu huy động của dân để mua lại nợ. Hoặc mạnh dạn cho nhà đầu tư nước ngoài mua lại nợ... Khi nợ xấu giải quyết dứt điểm, các ngân hàng mới dám cho vay và DN cũng mạnh dạn vay.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Huyền thực hiện

THỜI BÁO NGÂN HÀNG

.
.
.
.