.
.

Sơ kết hơn một năm triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ

Thứ Ba, 08/03/2016|09:06

Tại hội nghị “Sơ kết hơn một năm triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ” do NHNN phối hợp với Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ngày 7/3 tại Quảng Ngãi, các ngân hàng thương mại và ngư dân đã ký 14 hợp đồng tín dụng nữa để đóng mới thêm 14 con tàu công suất lớn, hiện đại với số tiền các ngân hàng cam kết cho vay trên 190 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các ý kiến tham luận đã nêu ra những vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ ngành thuỷ sản, như liên quan đến thuế giá trị gia tăng trong đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ, hay vấn đề bảo hiểm, vấn đề về thực hiện mô hình chuỗi sản xuất – tiêu thụ, đảm bảo hiệu quả sản xuất của ngư dân,….

Để giải quyết những khó khăn những vướng mắc này, có một số ý kiến cho rằng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương và các bộ, ngành đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong việc đầu tư hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho hoạt động đánh bắt, giao thông đường thủy, triển khai các mô hình liên kết trong hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản, hướng dẫn thống nhất về thuế giá trị gia tăng,…

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện tối đa để ngư dân vay vốn phát triển sản xuất
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện tối đa để ngư dân vay vốn phát triển sản xuất

Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ tập trung vào các chính sách hỗ trợ cho ngư dân khai thác hải sản xa bờ như cho vay đóng tàu, nâng cấp tàu đánh bắt, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất lớn, trong đó có cho vay để mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ đánh bắt, bảo quản... cho vay vốn lưu động để trang trải các chi phí.

Chủ tàu được vay tối đa từ 70% - 95% tổng giá trị đầu tư đóng tàu, nâng cấp tàu (bao gồm cả máy móc, ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa), tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và tổng công suất máy chính. Thời hạn cho ngư dân vay là 11 năm với lãi suất từ 1- 3%/năm tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và tổng công suất máy chính đối với tàu đóng mới, nâng cấp. Riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Tài sản bảo đảm là chính con tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp.

Theo thống kê của NHNN, sau hơn một năm triển khai thực hiện, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 385 tàu (đóng mới 365 tàu, nâng cấp 20 tàu) với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng. Giải ngân và dư nợ đến thời điểm báo cáo đạt  gần 2.000 tỷ đồng.

Từ tháng 6/2015 đến nay, việc ký kết các hợp đồng tín dụng của ngư dân đã tăng lên đáng kể, số lượng hợp đồng tín dụng được ký kết tăng gấp 5 lần so với thời điểm 30/6/2015.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 với các hướng dẫn để các quy định vay vốn NH dễ thực hiện hơn đối với các cơ sở cung cấp máy và ngư dân. Các quy định thông thoáng hơn như: Cho phép sử dụng máy cũ khi đóng mới tàu, nâng thời hạn hỗ trợ từ 11-16 năm, có cơ chế hỗ trợ chủ tàu đóng mới khai thác dịch vụ hậu cần vỏ chất liệu mới, cấp bù, miễn lãi vay năm đầu…

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW Nguyễn Quang Dương và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, các đơn vị tham gia ký kết 14 hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và ngư dân
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW Nguyễn Quang Dương cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, các đơn vị tham gia ký kết hợp đồng tín dụng

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, dù tốc độ giải ngân tăng đáng kể, có thêm nhiều con tàu ngư dân tỏa đi xa bờ để đánh bắt thủy sản đồng thời thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam, nhưng vẫn còn tồn tại không ít vướng mắc, đòi hỏi các cơ quan, chính quyền phải bám sát sửa đổi kịp thời với yêu cầu của thực tiễn.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, Thống đốc NHNN đề nghị các NHTM cần tiếp tục cải cách trình tự, thủ tục thẩm định dự án, phương án vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu của ngư dân theo Nghị định 67 theo hướng đơn giản, phù hợp với quy định của pháp luật, tạo điều kiện tối đa cho bà con ngư dân, không chồng chéo với thủ tục phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn của UBND các tỉnh, thành phố.

Tiếp tục chủ động tiếp cận với ngư dân được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt để hướng dẫn ngư dân hoàn thiện hồ sơ đề nghị vay vốn. Trong trường hợp ngư dân gặp khó khăn trong hoàn thiện hồ sơ đề nghị vay vốn, NHTM báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của tỉnh để được xem xét, giải quyết kịp thời.

Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh 28 tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các NHTM trên địa bàn đẩy mạnh hơn nữa việc cho vay; thường xuyên cập nhật việc tiếp cận chủ tàu, việc tiếp nhận và tiến độ xử lý hồ sơ đề nghị vay vốn của ngư dân, phản ánh những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền cho Ban Chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của địa phương, các bộ, ngành liên quan, NHNN Việt Nam để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong quá trình cho vay.

Thống đốc cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần  bám sát chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp rà soát, tháo gỡ các khó khăn của ngư dân trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong Nghị định 67.

“Có rất nhiều khúc mắc liên quan đến cung cấp, lựa chọn mẫu tầu, lựa chọn cơ sở đóng tàu, tính toán giá thành, giám sát đóng tàu, đào tạo kỹ thuật đánh bắt, điều khiển những tàu lớn, hiện đại… mà ngư dân không thể giải quyết nổi, thì cơ quan chính quyền phải vào cuộc giải quyết cho dân”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Đối với đại diện các ngư dân, người đứng đầu NHNN lưu ý tín dụng ưu đãi là chủ trương rất nhân văn của Đảng và Nhà nước. Chúng ta tận dụng cơ hội nhưng không thể tham gia theo phong trào, phải thật sự có kinh nghiệm mới tham gia chương trình.

Đặc biệt, trong tình hình diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, các ngư dân đánh bắt xa bờ phải đoàn kết, liên kết với nhau để vừa khai thác, vừa hỗ trợ lẫn nhau, bảo vệ chủ quyền biển đảo cần gắn liền với hiệu quả kinh tế. Các địa phương cần nghiên cứu và tổng kết các mô hình tổ đội, hợp tác xã, bao gồm các tàu hậu cần nghề cá liên kết khai thác.

Dưới góc độ NHTM, đại diện lãnh đạo VietinBank kiến nghị, cần nghiên cứu xây dựng và ban hành các định mức đóng tàu và giá khái toán của từng loại tàu (tàu gỗ, tàu vỏ thép, vỏ composite), làm cơ sở và hỗ trợ các NHTM trong việc định giá và đưa ra mức cho vay phù hợp. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế phối hợp và có các văn bản chính sách giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và ngư dân để bảo đảm đầu ra ổn định cho ngư dân.

Còn đại diện Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, thủ tục vay vốn đã cải tiến và thông thoáng hơn, nhưng ngư dân vẫn khó khăn do hạn chế về kiến thức làm hồ sơ, thủ tục giao dịch vay vốn. Do đó, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các ngân hàng bố trí cán bộ tín dụng chủ động giúp đỡ, hỗ trợ thêm cho ngư dân trong quá trình làm hồ sơ thủ tục được thuận lợi và nhanh chóng.

P.V (Theo Chính phủ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

.
.
.
.