.
.

Sản xuất lúa gạo 2012: Giữ vững lượng, nâng cao chất

Thứ Tư, 01/02/2012|13:06

Bước sang năm 2012, theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), sản xuất lúa gạo sẽ gặp nhiều khó khăn nên mục tiêu chính mà ngành nông nghiệp đặt ra là nâng cao giá trị hạt gạo.

Ảnh minh họa

Cơ cấu giống tập trung

Theo số liệu từ Cục Trồng trọt, trong năm 2011, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về tăng 1 triệu tấn thóc, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo tăng thêm 500.000ha lúa vụ 3 ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ sản lượng tăng đạt mức kỷ lục, lúa gạo vươn lên trở thành một trong bốn mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, cùng với thủy sản, đồ gỗ và cao su.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn càng trở nên rõ rệt hơn trong khi diện tích ruộng đất hạn chế mà tốc độ tăng trưởng dân số của nước ta mỗi năm thêm 1 triệu người. Do đó, năm 2012 được đánh giá là năm khó khăn của sản xuất lúa gạo.

Chính vì vậy, Cục Trồng trọt xác định mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2012 giữ vững ở mức 6,8 triệu tấn và tập trung vào nâng cao chất lượng hạt gạo. Trong đó bố trí lại cơ cấu mùa vụ, miền Bắc tập trung vào làm trà Xuân muộn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tập trung vào vụ Thu Đông. Đồng thời sử dụng cơ cấu giống một cách hợp lí.

“Trong vụ Xuân 2012, chúng tôi đã yêu cầu mỗi địa phương chỉ xuống tối đa 5 giống lúa và không quá 20% diện tích/giống để đảm bảo nguồn giống tốt và tập trung”, ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát nhấn mạnh, từ nay đến năm 2016,  Bộ tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa. Hiện tại Bộ đã phê duyệt và triển khai thực hiện 8 đề tài cấp Bộ về chọn tạo lúa thuần và lúa lai với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Mục tiêu là chọn tạo ra các giống lúa có năng suất cao (tăng 15 – 20%), chất lượng tốt, có khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất thuận, thích hợp với các vùng sinh thái khác nhau. Riêng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ xuất khẩu, có năng suất trên 6,5 tấn/ha trong vụ Đông Xuân, hạt gạo dài trên 7mm, trong và hàm lượng amylose khoảng 20%, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, việc xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu là hết sức cấp thiết để tạo sức cạnh tranh, đưa lúa gạo Việt Nam đứng vững trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thâm nhập một số thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu.

Để xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu, Bộ NNPTNT đã đề ra một số giải pháp cụ thể như tổ chức sản xuất lúa hàng hóa tập trung, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, canh tác theo tiêu chuẩn GAP, nhằm tạo ra khối lượng lúa gạo lớn và đồng bộ.

Bên cạnh đó, phát triển công nghệ sau thu hoạch, xây dựng quy chuẩn về các nhà máy xay xát gạo xuất khẩu, hệ thống kho dự trữ gạo.... Đồng thời, hình thành hệ thống thu mua lương thực, khuyến khích hợp đồng tiêu thụ giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và người sản xuất.  Trên cơ sở đó, công ty kinh doanh lúa gạo chịu trách nhiệm về thương hiệu của công ty.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 2049/QĐ-BNN-CB ngày 6/9/2011 phê duyệt quy hoạch hệ thống phân phối lương thực Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản trong đó có mặt hàng lúa gạo nhằm kết hợp chặt chẽ bốn nhà: Nhà nông – nhà khoa học – doanh nghiệp – Nhà nước.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ sẽ xây dựng nhiều thương hiệu gạo đặc sản trong nước gắn liền với chỉ dẫn địa lí như gạo Tám xoan Hải Hậu, gạo thơm Chợ Đào… Đối với thị trường Mỹ và châu Âu, trong năm 2012 cũng như 5 năm tới, Bộ NNPTNT không đặt mục tiêu cụ thể về số lượng nhưng phấn đấu tăng lượng xuất khẩu vào các thị trường này. Trong đó, thị trường Mỹ chủ yếu là gạo chất lượng cao như gạo thơm, Jasmine; còn thị trường châu Âu là gạo 5% tấm, gạo nếp.

Đỗ Hương

Chinhphu.vn

.
.
.
.