.
.

Tháo gỡ khó khăn về đất xâm canh tại các dự án cao su ở Campuchia

Chủ Nhật, 12/08/2012|21:06

Sau 5 năm VRG triển khai chương trình trồng cao su tại Campuchia, bên cạnh những thuận lợi thông qua sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, các bộ ngành hai nước, các đơn vị thành viên VRG đang phải đối mặt với khó khăn trong vấn đề đất xâm canh. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo VRG cùng với Văn phòng đại diện tại Campuchia đã tích cực đưa ra nhiều phương án hỗ trợ các đơn vị.

Việt Nam có nhiều dự án đầu tư cao su tại Campuchia.
Việt Nam có nhiều dự án đầu tư cao su tại Campuchia.

Khó khăn cho việc thâm canh trồng cao su

Ngày 7/5/2012, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã ban hành quyết định số 01 quy định về việc tạm ngưng cấp mới đất tô nhượng để rà soát tiến độ thực hiện dự án của các chủ đầu tư, trong đó nhấn mạnh đến chủ trương “da beo” tại các dự án đất tô nhượng. Ngoài ra ngày 8/6/2012, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia  Samdech Hunsen đã chỉ đạo trực tiếp cho các bộ ngành hữu quan, chính quyền địa phương các cấp thành lập Tổ công tác Trung ương phối hợp với Ban kiểm tra đất vườn, hoa màu, nương rẫy của người dân xâm canh trong vùng dự án để hợp thức hóa, cấp chủ quyền hợp pháp cho người dân.

Với chủ trương trên, sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc xử lý vấn đề thâm canh cho các dự án mà quỹ đất vẫn còn nhiều như tại C.R.C.K II - Beank Heak (Chư Sê); Mê Kông, Tây Ninh Siêm Riệp, Vketi (Lộc Ninh); Bình Phước Karatie I (Chư Prông) và đặc biệt là hai dự án của Công ty Dầu Tiếng Karatie và Dầu Tiếng Cambodia, nơi có tỷ lệ xâm canh rất lớn. Ngoài ra, hai dự án Hoàng Anh Mang Yang K và Krông Buk Rattanakiri cũng là địa bàn mà phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Nhằm hạn chế tối đa tình trạng xâm canh, lãnh đạo VRG cho rằng các đơn vị trước hết cần tăng cường công tác rà soát, kiểm tra thường xuyên đối với các diện tích thuộc dự án của đơn vị, duy trì lực lượng bảo vệ tại khu vực. Đối với các dự án đất môi trường cần nghiên cứu thực hiện khai hoang trước tại các khu vực có khả năng xảy ra tình trạng xâm canh, khai hoang bao bọc dự án với mục đích bảo vệ, ngăn chặn tình trạng xâm canh, cần vận động mọi nguồn lực tích cực đẩy mạnh tiến độ khai hoang, thực hiện làm ranh và đường biên ngay.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu về các phúc lợi lâu dài mà các dự án cao su của VRG mang lại cho người dân địa phương. Tăng cường tìm cán bộ phiên dịch giỏi, thường xuyên thăm hỏi các già làng, trưởng bản, người có uy tín đối với các đối tượng xâm canh để tranh thủ sự đồng thuận từ họ đối với các quyết sách của công ty.

Để có cơ sở pháp lý nhằm phục vụ cho công tác đền bù sau này, các đơn vị thống nhất chụp không ảnh (đối với các dự án còn đất rừng nhiều) để cụ thể hóa diện tích xâm canh thực tế, với thời gian và tọa độ cụ thể. Thực hiện chụp không ảnh còn là cơ sở để làm việc với đoàn công tác trung ương và tỉnh trong vấn đề xâm canh mới, hạn chế được tình trạng người dân tiến hành xâm canh, tăng diện tích xâm canh.

Cần hành lang pháp lý bảo vệ đất trong dự án

Lãnh đạo VRG và các ban tham mưu đang tích cực cùng các đơn vị xây dựng quỹ đền bù và tùy vào trường hợp cụ thể các đơn vị lên khung giá đền bù riêng thỏa thuận với công ty mẹ để thực hiện công tác đền bù sao cho hiệu quả và nhanh chóng hơn. Còn đối với tình trạng đã có xâm canh trong khu vực dự án, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thành lập ban đền bù (có sự tham gia của công ty), từng bước mềm mỏng thuyết phục, thỏa thuận giá cả đền bù hợp lý để lấy lại đất phục vụ sản xuất. Trường hợp không thỏa thuận được thì cần vận động sự đồng thuận của chính quyền sở tại cùng vận động người dân để hoán chuyển vị trí đất cho người dân vào khu vực do công ty quy hoạch, cam kết hỗ trợ di dời, khai hoang và làm đường giao thông, tư vấn, khuyến khích người dân phát triển cao su tiểu điền tại khu vực mới.

Ông Trần Ngọc Thuận - TGĐ VRG, cho biết: “Lãnh đạo VRG sẽ tích cực thông qua các mối quan hệ với chính phủ, các bộ ngành tại VN và các kênh ngoại giao tác động với Chính phủ Campuchia, các bộ ngành và cơ quan hữu quan nhằm tạo hành lang pháp lý để bảo vệ cho các dự án tô nhượng mà VRG đang đầu tư tại Campuchia trong tình hình mới hiện nay”.

Ngọc Cẩm

Trong năm 2012, VRG có thêm hai công ty đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết, tiến hành triển khai khai hoang trồng mới tại Campuchia là Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước - Kratie I (với quỹ đất 9.000 ha tại huyện Keosema, tỉnh Mondulkiri) và Công ty Cao su Tây Ninh - Siêm Riệp tại huyện Trapeang Prasat, tỉnh Oddar Meanchey với diện tích 7.600 ha. Với hai dự án trên nâng tổng quỹ đất của VRG tại Campuchia lên 138.442 ha, trong đó quỹ đất tô nhượng là 86.730 ha và quỹ đất sang nhượng là 51.712 ha. Thống kê đến hết ngày 20/6/2012, các đơn vị thành viên đã khai hoang được 22.102 ha/22.777 ha (đạt 88% theo kế hoạch đề ra).

 

.
.
.
.