.
.

Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam

Thứ Bảy, 20/10/2012|14:42

 

Sau một thời gian dài gặp khó khăn, hiện Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê. Để tiếp tục nắm giữ vị trí này, ngành cà phê trong nước cần triển khai nhiều giải pháp để phát triển bền vững.

Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê

Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), Việt Nam đã vượt qua Brazil vươn lên trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Nếu như năm 1997, Việt Nam mới lọt vào Top 4 nước xuất khẩu cà phê cùng với Brazil, Colombia và Mexico thì sau 15 năm, Việt Nam đã vươn lên vị trí số một thế giới.

Cụ thể, theo ICO, trong 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cao hơn Brazil 13%, nhờ đó Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu cà phê số một thế giới. Trước đó, Việt Nam chỉ đứng ở vị trí thứ hai sau Brazil.

Như vậy, cùng với gạo và một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn khác, cà phê đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cà phê hiện đã thuộc top 12 mặt hàng đạt kim ngạch từ 2 tỉ USD trở lên. Hiện ngành cà phê đã góp phần quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 3% GDP, và cũng là nguồn thu nhập chủ yếu của 540.000 hộ nông dân với hơn 1,6 triệu lao động ở vùng sâu, vùng xa, nhất là Tây Nguyên.

Về thị trường, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Đức (chiếm tỷ trọng giá trị 12,3% thị phần) và Hoa Kỳ (12,2%), tiếp đến là một số thị trường khác như: Inđônêxia, Italia, Nhật Bản, Trung Quốc…

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 9/2012, xuất khẩu cà phê đạt 96 ngàn tấn, với giá trị đạt 171 triệu USD nâng tổng xuất khẩu cà phê 9 tháng năm 2012 đạt 1,36 triệu tấn, kim ngạch 2,85 tỷ USD, so cùng kỳ năm 2011 tăng 36,8% về lượng và 29,8% về giá trị. Mức tăng cao cả về khối lượng, cả về kim ngạch đã và đang từng bước khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Dự báo cả năm 2012 nước ta sẽ xuất khẩu 1,6-1,7 triệu tấn cà phê.

Về diện tích trồng cà phê, nếu như năm 1961 diện tích cà phê cả nước mới chỉ đạt khoảng 21 nghìn ha, nhưng đến năm 2011 đã đạt trên 570 nghìn ha, năng suất 21,9 tạ/ha, sản lượng đạt 1.167,9 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,69 tỷ USD. Diện tích và kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao, chất lượng cũng từng bước được nâng lên là bước tiến vượt bậc của ngành cà phê Việt Nam trong tiến trình hội nhập thị trường quốc tế.

Có thể nói, điều kiện tự nhiên phù hợp với cây cà phê cộng với triển vọng xuất khẩu của cà phê Việt Nam đã và đang là điểm tựa để người dân mở rộng diện tích, chuyển dịch cơ cấu giống cà phê có giá trị cao, từ đó góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mặt hàng cà phê trên thị trường thế giới, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp những năm qua.

Để phát triển bền vững ngành cà phê 

Mặc dù Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cà phê số một thế giới song thực tế ngành cà phê Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, từ khâu quy hoạch, quản lý đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...

Cụ thể, các chuyên gia đã chỉ ra những khó khăn, thách thức mà ngành cà phê Việt Nam đang gặp phải, đó là vấn đề về giá cả và chất lượng cà phê còn thiếu tính ổn định, đặc biệt thực trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đối với cà phê thường xuyên xảy ra, do đó đã có tình trạng khi bị rớt giá thì hàng ngàn ha cà phê bị phá bỏ để chuyển sang trồng loại cây khác; ngược lại khi giá cà phê tăng cao nông dân lại đua nhau trồng.

Hơn thế nữa, trong những năm qua, diện tích cà phê tăng nhanh nhưng chủ yếu theo hướng tự phát, hầu hết các hộ sử dụng cây giống thực sinh tự ươm, không qua chọn lọc, dẫn đến hiệu quả thấp. Đặc biệt, diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ cao (cà phê trên 20 năm hiện có trên 86.000 ha, chiếm 17,3% tổng diện tích cà phê). Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng cà phê còn hạn chế; chưa hình thành các tổ chức liên kết trong sản xuất cà phê do đó dẫn đến khả năng cạnh tranh của ngành cà phê Việt Nam còn yếu.

Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, giữ vững được vị trí là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, hiện ngành cà phê đã và đang tìm kiếm và chuyển hướng xuất khẩu sang những thị trường mới tiềm năng. Bên cạnh đó, ngành đang tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng các biện pháp như: sản xuất thân thiện môi trường, không dùng các loại hóa chất, sử dụng các loại phân bón hữu cơ và vi sinh, triển khai các phương pháp chăm sóc đất chống rửa trôi; không thu hoạch cà phê xanh, thực hiện tốt khâu sau thu hoạch và chế biến theo các công nghệ mới tránh làm giảm chất lượng cà phê...

Cùng với đó, ngành cà phê cũng nỗ lực đưa ra các giải pháp để hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp và người dân; Tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê với nhau để có thể đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu có chất lượng cao, đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường.

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, để cà phê phát triển bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cộng đồng để hạn chế sự thua thiệt về giá, nâng cao vị thế và uy tín của cà phê Việt Nam. Bên cạnh đó cần xác lập “Chuỗi giá trị cây cà phê” xác lập quy trình chuẩn từ ứng dụng giống mới, kỹ thuật canh tác đến khâu thu gom, sơ chế, chế biến, tiêu thụ để có cơ sở đề xuất giải pháp nâng cao giá trị gia tăng của ngành cà phê.

Ngoài ra, để phát huy hơn nữa thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo vị thế ngày càng vững chắc trên thị trường thế giới, ngành cà phê cần tiếp tục chú trọng việc tiếp cận, cập nhật thông tin một cách đầy đủ và chính xác; khuyến khích các doanh nghiệp đánh giá đúng khả năng sản xuất và có định hướng xuất khẩu rõ ràng... Làm tốt những việc này, tin rằng, ngành cà phê Việt Nam sẽ thực sự phát triển bền vững, tiếp tục giữ vững vị thế trên thị trường thế giới./.
 

Hà Anh/DCSVN

 

.
.
.
.