Ðể ngành cao-su phát triển bền vững
Bảo đảm đời sống của người lao động; trồng mới đi đôi với khai thác hiệu quả vườn cây cao-su năng suất thấp để phát triển công nghiệp sản xuất gỗ; phát triển hiệu quả, bền vững diện tích cây cao-su ở các tỉnh miền núi phía bắc, góp phần xóa đói, giảm nghèo đang là một trong những chiến lược của ngành cao-su hiện nay...
Sản xuất cao-su tại Công ty TNHH MTV cao-su Dầu Tiếng |
Bảo đảm đời sống của người lao động
Ðến Nhà máy chế biến cao-su Long Hà thuộc Công ty TNHH MTV cao-su Phú Riềng đúng thời điểm đang thu mua mủ cao-su của các hộ dân trồng cao-su tiểu điền. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hài, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) cho biết, gia đình chị có hơn hai ha cao-su. Thời gian gần đây, do gặp khó khăn trong xuất khẩu cao-su tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, cho nên việc bán sản phẩm gặp khó khăn. Tuy giá có giảm, song nhờ nhà máy vẫn thu mua, nên gia đình chị không lo lắng về đầu ra cho sản phẩm.
Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Công ty TNHH MTV cao-su Phú Riềng cho biết, người trồng cao-su không lo giảm giá bằng không bán được mủ. Theo cơ chế thị trường, khi giá xuống, kinh doanh không có lãi thì doanh nghiệp không nhập thêm hàng hóa nhằm tránh tồn kho, nhưng hiện nay, để chia sẻ với người dân, công ty vẫn thu mua bình quân mỗi ngày hàng chục tấn mủ của các hộ dân. Các nông trường, nhà máy của doanh nghiệp cũng vẫn hoạt động thu mua và sản xuất hết công suất. Nhờ đó, thu nhập của người lao động vẫn bảo đảm.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV cao-su Dầu Tiếng chia sẻ: Công ty đang quản lý và khai thác gần 29 nghìn ha cao-su. Khó khăn lớn nhất là phần lớn rừng cao-su đều hết tuổi khai thác, năng suất đã giảm ở mức kỷ lục, chỉ còn 1,5 tấn/ha so với 2,1 đến 2,2 tấn/ha như trước đây. Những năm gần đây, mỗi năm công ty phải thanh lý khoảng 1.500 ha. Năm 2015, theo dự báo, giá mủ cao-su còn xuống thấp, công ty đã quyết định thanh lý 2.000 ha để tái canh. Ðứng trước hai sự lựa chọn là khẩn trương tái canh để nhanh chóng nâng cao năng suất và ổn định việc làm cho công nhân, lãnh đạo doanh nghiệp đã chọn phương án tái canh từ từ, nhằm ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Giám đốc Nhà máy chế biến mủ cao-su Long Hà (Công ty TNHH MTV cao-su Phú Riềng) Hà Quốc Ðằng cho biết, hiện đơn vị có hơn 200 cán bộ, công nhân viên; năm 2013, thu nhập bình quân 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Năm nay, tình hình khó khăn hơn, song lãnh đạo đơn vị vẫn cố gắng bảo đảm ổn định thu nhập cho người lao động.
Ông Phùng Văn Hòa, quê Quốc Oai, Hà Nội, vào Bình Phước sinh sống đã hơn ba mươi năm là một trong những hộ gia đình trồng cao-su cho năng suất cao tại thôn 4, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập cho biết, đây là năm thứ ba, cây cao-su vườn nhà ông cho mủ với năng suất bình quân đạt hơn hai tấn/ha. Với hơn ba ha, giá bán bình quân khoảng 7.000 đồng/kg, năm nay gia đình ông thu nhập khoảng 60 triệu đồng.
Nông trường 6, đơn vị có diện tích cây cao-su lớn nhất Công ty TNHH MTV Phú Riềng hiện vừa khai thác, trồng mới và ươm giống cao-su phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và các hộ dân trong khu vực. Ngoài việc bảo đảm việc làm ổn định cho hơn 900 công nhân, với mức thu nhập bình quân bảy triệu đồng/tháng, nông trường còn làm tốt chính sách xã hội, đầu tư đường, trường, trạm và nhiều công tác khác phục vụ đời sống dân sinh.
Ðể phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững từng bước nâng cao đời sống người lao động, Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam đang mở rộng quy mô, đầu tư đúng trọng điểm, phù hợp với từng vùng (trong đó có đầu tư nước ngoài) để tối ưu hiệu quả đầu tư. Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm cao-su để giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, Tập đoàn cũng đầu tư xây dựng thương hiệu cho từng chủng loại sản phẩm, phát triển công nghiệp chế biến gỗ trên cơ sở nguyên liệu gỗ cao-su sẵn có và gỗ nhân tạo. Cùng với đó, việc phát triển các khu công nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng đất, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để sản xuất, kinh doanh cũng được đánh giá là hướng đi phù hợp của Tập đoàn hiện nay.
Gắn với công tác xóa đói nghèo
Phát huy vai trò một doanh nghiệp nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam ngoài chức năng tổ chức kinh doanh, phát triển kinh tế của ngành còn tham gia tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại những vùng khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tái định cư. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam Nguyễn Hồng Phú, người được coi là "Tổng tư lệnh" trong việc phát triển cây cao-su tại các tỉnh miền núi phía bắc cho biết, có những vùng, những nơi Tập đoàn đầu tư trồng cao-su không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, mà hướng tới mục đích an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Chương trình đầu tư đưa cây cao-su lên các tỉnh miền núi phía bắc là một thí dụ điển hình. Nếu xét về khía cạnh kinh tế đơn thuần thì Tập đoàn không đầu tư phát triển cây cao-su tại đây bởi địa hình có độ dốc lớn, thời tiết khắc nghiệt, khó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sau bảy năm thử nghiệm, bằng việc đưa nhiều giống cây có sức chịu rét, sương muối cao, đến nay tại các tỉnh miền núi phía bắc đã hình thành một vùng cao-su với tổng diện tích 25 nghìn ha, dự kiến sẽ đưa vào khai thác từ năm 2015. Hiện nay, dù chưa đến thời gian cạo mủ, nhưng lương chăm sóc cho mỗi công nhân cũng đạt mức hai triệu đồng/tháng. Hiện nay, tham gia vào việc phát triển cây cao-su ở phía bắc hiện thu hút được hơn 30 nghìn lao động chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Qua khảo sát tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La và Ðiện Biên, Tập đoàn nhân định, để phát triển bền vững cây cao-su ở các tỉnh phía bắc, cần có những bước đi phù hợp. Trên cơ sở quỹ đất và kết quả đánh giá hiệu quả diện tích cao-su đã trồng, các địa phương quyết định mở rộng diện tích ở những địa bàn có đủ điều kiện, để đến năm 2020 toàn vùng đạt khoảng 50 nghìn ha. Hiện doanh nghiệp đang lựa chọn đầu tư để trồng mới cây cao-su sao cho có hiệu quả kinh tế cao, đi đôi với tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người tham gia trồng. Ðể thực hiện tốt, Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đặc thù đối với doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư tại các tỉnh miền núi phía bắc.
Ước tính khối lượng xuất khẩu cao-su tháng 9 của cả nước đạt 133 nghìn tấn với giá trị 221 triệu USD, nâng lượng cao-su xuất khẩu qua chín tháng năm 2014 đạt 705 nghìn tấn với giá trị đạt 1,25 tỷ USD, giảm 2,4% về khối lượng và giảm 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao-su xuất khẩu bình quân tám tháng đầu năm 2014 đạt 1.800 USD/tấn, giảm 24,05% so với cùng kỳ năm 2013.
Vũ Thành - Tuấn Ngọc (Theo Nhân dân)