.
.

Để ngành Cao su phát triển bền vững

Thứ Ba, 23/12/2014|08:25

Nâng cao thu nhập cho người trồng cao su được xem là một giải pháp hiệu quả để phát triển ngành cao su thiên nhiên bền vững.

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội cao su Việt Nam cho biết, hiện nay cao su Việt Nam có diện tích đứng hàng thứ 4, sản lượng hàng thứ 3, năng suất hàng thứ 2 và xuất khẩu hàng 4 trên thế giới, nhưng thu nhập của người trồng cao su lại rất thấp.

Nguyên nhân do ngành cao su thiên nhiên Việt Nam và thế giới liên tục đối mặt với những khó khăn do nhu cầu tiêu thụ chậm, lượng cao su dự trữ tăng gây áp lực khiến giá cao su giảm sâu đến mức sát giá thành. Điều đó khiến cho một số hộ phải chặt bỏ cây cao su, chuyển sang trồng cây khác. Một số doanh nghiệp trong ngành thậm chí phải ngưng, giảm sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù trong thời gian qua, 5 nước sản xuất cao su thiên nhiên ở Đông Nam Á đã hợp tác thống nhất giá sàn phẩm, nhằm ngăn chặn cao su giảm sâu xuống dưới 1.500 USD/tấn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời nếu như không có những chiến lược phát triển tổng thể. Bên cạnh việc nâng cao năng suất và chất lượng, nếu không có những giải quyết thoả đáng về thu nhập cho người lao động, sẽ rất khó đạt được các mục tiêu chiến lược phát triển của ngành trong thời gian tới.

Theo TS Stephen Evan, Tổng Thư ký Tổ chức nghiên cứu cao su Quốc tế (IRSG), hiện nay ngành lốp xe tiêu thụ khoảng 70% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu. Trong khi sản lượng, doanh số và lợi nhuận của ngành sản xuất lốp xe ô tô ngày càng tăng, thu nhập của người trồng cao su thiên nhiên lại không tăng tương ứng mà thậm chí còn giảm mạnh.

Đây chính là một nghịch lý dẫn đến nguy cơ phát triển không bền vững của ngành cao su tại Việt Nam nói riêng cũng như thế giới nói chung trong thời gian vừa qua.

Nhiều mô hình để tăng thu nhập

Ông Đỗ Kim Thanh, Phó giám đốc Viện nghiên cứu cao su Việt Nam cho biết, để nâng cao thu nhập cho người trồng, thời gian qua tại nhiều địa phương ở Việt Nam đang áp dụng hình thức trồng xen canh với các cây trồng khác như ngô, lạc, nghệ, dưa hấu, đậu xanh…

Cụ thể, tại nông trường Cồn Tiên (Quảng Trị), trong năm 2014 có 46 ha diện tích trồng cây cao su được đưa vào xen với cây lạc, lúa nương đã tăng thêm thu nhập từ 12-15 triệu đồng/ha/vụ. Tại nông trường Thạch Thành (Thanh Hoá), nhờ có sự phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp đã đưa vào xen canh cây cao su với nghệ xuất khẩu. Kết quả thu thêm lợi nhuận từ cây nghệ từ 50-60 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, về lâu dài, để hỗ trợ các quốc gia tại Đông Nam Á trong phát triển cây cao su thiên nhiên, IRSG đã triển khai các dự án phát triển bền vững cây cao su với mục tiêu phát triển cao su tiểu điền và tăng năng suất cho người trồng cao su.

Theo đó, thực hiện các biện pháp chuyển giao kỹ thuật, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu với cao su thiên nhiên; tăng năng suất lao động nhằm khuyến khích người nông dân canh tác lâu dài, từ đó tăng thu nhập cho người nông dân; cải thiện sự cân bằng cung cầu qua các chính sách hỗ trợ về giá, phân phối nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.

TS Stephen Evan cho rằng, với đặc thù cao su tiểu điền chiếm tới 85% tổng sản lượng cao su thiên nhiên, thu nhập của người nông dân được nâng lên sẽ là cơ sở vững chắc để sản lượng, chất lượng cao su thiên nhiên phát triển, từ đó tạo tiền đề cho ngành cao su phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, để tăng thu nhập cho người trồng cao su tiểu điền, cần có sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ. Cụ thể như việc cho nông dân được vay vốn trong thời gian thiết kế cơ bản ban đầu và 3 năm đầu khi chưa có sản phẩm; triển khai thí điểm bảo hiểm trong ngành cao su; lập quỹ bình ổn giá cao su để có thể hỗ trợ cho bà con nông dân khi giá cao su hạ thấp…

Dự kiến dự án sẽ chính thức khởi động từ tháng 1/2015, báo cáo đầu tiên về kết quả của dự án sẽ có vào tháng 2/2016 và sẽ đánh giá định kỳ các chỉ tiêu 3 năm/lần.

Thanh Thuỷ (Theo Chinhphu.vn)

.
.
.
.