.
.

Tái cấu trúc tập đoàn tài chính bảo hiểm – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Thứ Tư, 15/02/2012|16:40

Đó là nội dung chương trình Hội thảo do Bộ Tài chính và Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt phối hợp tổ chức sáng 14/02, tại Hà Nội. Dự Hội thảo có Giáo sư, tiến sĩ Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; đại diện Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương…; lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên cùng một số tổ chức tài chính hàng đầu trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo.

Trước khi bước vào Hội thảo, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên đã ký cam kết tăng cường tiết kiệm và tiết giảm chi phí quản lý trong năm 2012 theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Theo ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt: Quán triệt chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài chính, ngày 06/2/2012, Tập đoàn Bảo Việt đã chỉ đạo các đơn vị thành viên trong hệ thống xây dựng kế hoạch hành động cụ thể về tiết giảm 5-10% chi phí quản lý; tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro đề phòng hạn chế tổn thất trong các lĩnh vực bảo hiểm, đầu tư; rà soát để triển khai đầu tư các dự án hiệu quả. Kết quả thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu tiết giảm chi phí đã được đề ra, nâng cao hiệu quả kinh doanh và góp phần tương ứng trong tăng lợi nhuận toàn Tập đoàn.

Ký cam kết.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên ký cam kết tăng cường tiết kiệm và tiết giảm chi phí quản lý trong năm 2012 theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Với các chuyên đề: Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam – Xu hướng phát triển và tác động; Xu hướng phát triển của các Tập đoàn tài chính – bảo hiểm và bài học kinh nghiệm về chiến lược ngành nghề kinh doanh, cơ cấu sở hữu và khả năng khai thác sức mạnh hiệp lực trong Tập đoàn; Sự cần thiết của việc tái cơ cấu Tập đoàn kinh tế Nhà nước – cơ hội và thách thức; Thực trạng và cơ hội tiềm năng cho các tổ chức tài chính Việt Nam, các diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế: Công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới McKinsey & Company, Công ty Tài chính Quốc tế IFC, HSBC Insurance (Châu Á – Thái Bình Dương) đã trao đổi những vấn đề cốt lõi và nhiệm vụ hàng đầu cho các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính – bảo hiểm – ngân hàng khi thực hiện đề án tái cấu trúc.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: Nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ trong năm 2012 là tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung vào đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống tài chính nhằm tăng cường hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy vài trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước. Trong đó doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung. Theo Bộ trưởng, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải xem xét từ nhiều góc độ, với nhiều kiến thức quản lý và cơ sở khoa học làm nền tảng, do đó không thể thiếu những kinh nghiệm thực tiễn. Những kinh nghiệm quốc tế mà các diễn giả mang lại tại Hội thảo sẽ được ngành tài chính Việt Nam nói chung và các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính nói riêng tiếp thu, học hỏi như là những cơ sở khoa học giúp định hướng các vấn đề trọng tâm của tái cấu trúc các tập đoàn tài chính – bảo hiểm – ngân hàng phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Các đại biểu dự Hội thảo.
Các đại biểu dự Hội thảo.

Về việc cắt giảm chi phí tài chính của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng nêu rõ, đây là yêu cầu bắt buộc thực hiện Nghị quyết 01/NQ - CP của Chính phủ để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2012.  Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho biết thêm, trong tuần này và tuần tới, các Tập đoàn: Dệt may (Vinatex), Điện lực (EVN), Xăng dầu (Petrolimex) và Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) cũng sẽ công bố kế hoạch cắt giảm chi phí và lộ trình cổ phần hóa. Đến hết quý I năm 2012, tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ thực hiện Nghị quyết này và có kế hoạch báo cáo Bộ Tài chính để Bộ tổng hợp và báo cáo với Chính phủ. Mức tiết giảm tối thiểu mà các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải thực hiện là từ 5-10% chi phí. Bộ trưởng đánh giá, trong điều kiện lạm phát đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao, lãi suất ngân hàng chưa giảm được thì việc tăng cường quản trị tài chính, trước hết là giảm chi phí giá thành có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây không chỉ là giải pháp cấp bách trước mắt mà còn là giải pháp căn cơ và lâu dài cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, chiến lược số 1 của doanh nghiệp là đi sâu vào quản trị tài chính và giảm chi phí giá thành. Việc tiết giảm chi phí giá thành không chỉ có ý nghĩa thiết thực với nền kinh tế mà còn cho chính bản thân doanh nghiệp./.
                                                                                                                                       

Thanh Tùng

.
.
.
.