.
.

Tập đoàn Bảo Việt – Tăng cường quản trị rủi ro bảo hiểm

Thứ Hai, 12/11/2012|09:57

 

Trong bối cảnh hoạt động đầu tư gặp nhiều khó khăn và rủi ro tiềm ẩn, Tập đoàn Bảo Việt đã đặt ưu tiên kiểm soát rủi ro chặt chẽ nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, bảo toàn và phát triển vốn.

 Bảo Việt nhân thọ - bảo đảm lợi ích người Việt. (Ảnh tư liệu)
Bảo Việt nhân thọ - bảo đảm lợi ích người Việt. (Ảnh tư liệu)

 

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, kiểm soát rủi ro bảo hiểm của Tập đoàn Bảo Việt có thể coi là điểm sáng và là kinh nghiệm quý để các doanh nghiệp bảo hiểm nghiên cứu áp dụng.

Với lịch sử phát triển từ năm 1965, Tập đoàn Bảo Việt là công ty bảo hiểm đầu tiên thành lập tại Việt Nam. Hiện nay, Tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện, bao gồm bảo hiểm, ngân hàng, quản lý quỹ, chứng khoán và đầu tư. Tại thời điểm 31/12/2011, Tập đoàn Bảo Việt có tổng nguồn vốn chủ sở hữu là 11.665 tỷ đồng, trong đó HSBC là đối tác chiến lược nước ngoài duy nhất, sở hữu 18% cổ phần của Tập đoàn. Tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức vào ngày 26/4/2012, các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2012 của Tập đoàn Bảo Việt với doanh thu hợp nhất đạt 17.581 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.721 tỷ đồng.

Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Bảo Việt là một trong những doanh nghiệp khẳng định được vị thế hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, hoạt động kinh doanh của Bảo Việt vẫn tăng trưởng ổn định. Để duy trì được kết quả này, theo các chuyên gia kinh tế, đó là nhờ Tập đoàn Bảo Việt đã có bước tiến lớn trong việc gắn kết công tác quản lý rủi ro với quản trị doanh nghiệp, giúp Tập đoàn đạt được những kết quả khả quan trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, đồng thời đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận và phát triển bền vững trong tương lai.

Rủi ro bảo hiểm là các rủi ro liên quan đến khả năng một công ty bảo hiểm có thể phải gánh chịu tổn thất do phí bảo hiểm thu được không đủ bù đắp các chi phí bồi thường các sự kiện bảo hiểm. Hiện nay, hoạt động kinh doanh bảo hiểm được thực hiện bởi hai công ty con của Tập đoàn là Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Việt Nhân thọ. Với sự hỗ trợ của HSBC, từ năm 2010, Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Việt Nhân thọ đã sử dụng nhiều phương pháp đánh giá và giám sát rủi ro bảo hiểm. Các phương pháp này bao gồm mô hình đo lường giá trị rủi ro, các phân tích về độ nhạy của lãi suất, xây dựng kịch bản kiểm tra áp lực. Hai công ty thành viên này quản lý rủi ro bảo hiểm thông qua việc khai thác bảo hiểm một cách thận trọng, kiểm soát chặt chẽ quy trình thủ tục phê duyệt tài sản mới hoặc đưa ra nguyên tắc định giá, tái bảo hiểm và giám sát các vấn đề nảy sinh.

Theo đó, Bảo Việt nhân thọ đã áp dụng quy trình xây dựng các giả định nhằm đưa ra các ước tính thận trọng và ổn định về kết quả tương lai. Hoạt động kiểm tra hàng năm được thực hiện nhằm đảm bảo những giả định, ước tính khả thi nhất và kết quả trong tương lai nằm trong giới hạn chấp nhận được. Các giả định được xem xét bao gồm giả định về xác suất xảy ra tổn thất và lãi suất đầu tư. Rủi ro đầu tư được quản lý thông qua việc kiểm soát thận trọng tài sản và trách nhiệm. Chiến lược đầu tư được xây dựng nhằm đáp ứng hợp lý mức lợi suất đầu tư kỳ vọng của các chủ hợp đồng bảo hiểm. Với những mục tiêu rõ ràng như vậy, trong những năm qua, Bảo Việt Nhân thọ đã thu xếp tái bảo hiểm cho các hợp đồng bảo hiểm lớn. Tháng 11/2011, Bảo Việt Nhân thọ cũng đã lựa chọn đối tác tái bảo hiểm Swiss Re để tăng cường kiểm soát rủi ro.

 

Hội đồng quản lý rủi ro Tập đoàn Bảo Việt được thành lập năm 2010 nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình quản trị, cơ cấu tổ chức của Tập đoàn theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Hội đồng này và các công ty con được thực hiện và tiếp tục hoàn thiện các Quy chế quản lý rủi ro. Quy chế quản lý rủi ro quy định cơ cấu tổ chức, quyền hạn và trách nhiệm quản lý rủi ro của Hội đồng Quản trị, ban Điều hành và các bộ phận liên quan. Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt ban hành chiến lược, chính sách quản lý rủi ro, thực hiện giám sát hoạt động quản lý rủi ro toàn Tập đoàn, bao gồm: rủi ro bảo hiểm; rủi ro đầu tư; rủi ro hoạt động và các rủi ro khác. 

Trong khi đó, các rủi ro trong các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ thường được bảo hiểm trong 12 tháng. Bảo hiểm Bảo Việt giao kết các hợp đồng bảo hiểm con người, tài sản và trách nhiệm dân sự: bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm tàu thủy, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm cháy, bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm con người, bảo hiểm trách nhiệm chung và bảo hiểm xe cơ giới… Bảo hiểm Bảo Việt đã xây dựng các giả định nhằm đưa ra các ước tính với các kết quả khả thi nhất. Nguồn dữ liệu sử dụng là thông số đầu vào cho các giả định được thu thập nội bộ, dựa trên nghiên cứu chi tiết và thường xuyên. Các ước tính cho từng khoản bồi thường được kiểm tra định kỳ và cập nhật khi có thông tin mới phát sinh.

 

Bên cạnh đó, rủi ro bảo hiểm cũng có thể phát sinh khi có sự thay đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, bão nhiệt đới. Năm 2011, Bảo hiểm Bảo Việt đã xây dựng mô hình rủi ro thiên tai (CAT model) để đánh giá ảnh hưởng của các thảm họa thiên nhiên có liên quan. Nhằm giảm thiểu những rủi ro giữ lại, Bảo hiểm Bảo Việt cũng đã áp dụng số tiền bồi thường tối đa đối với một số hợp đồng cụ thể, cũng như thu xếp tái bảo hiểm để hạn chế tổn thất với các thảm họa. Đối với các khiếu nại có thời gian giải quyết trên một năm, sẽ phát sinh rủi ro liên quan đến lạm phát. Rủi ro này được giảm thiểu bằng việc xem xét yếu tố lạm phát khi ước tính các nghĩa vụ phải trả của các hợp đồng bảo hiểm.

Các biện pháp giảm thiếu rủi ro bảo hiểm phi nhân thọ còn bao gồm đa dạng hóa danh mục các hợp đồng bảo hiểm, theo đó các rủi ro sẽ được đa dạng hóa theo loại loại hình sản phẩm và quyền lợi được bảo hiểm. Bảo hiểm Bảo Việt thực hiện tái bảo hiểm để chuyển giao một rủi ro của những hợp đồng lớn cho công ty tái bảo hiểm thông qua các hợp đồng tái bảo hiểm cố định và tạm thời. Mức giữ lại phụ thuộc vào mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm và khả năng tài chính của Bảo hiểm Bảo Việt. Các hợp đồng tái bảo hiểm cũng chứa đựng những rủi ro tín dụng. Do vậy, để giảm thiểu rủi ro này, Bảo hiểm Bảo Việt chỉ ký hợp đồng tái bảo hiểm với những công ty nhận tái bảo hiểm đạt tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng theo quy định hiện hành. Có thể nói, với cách làm chặt chẽ và chuyên nghiệp này, Bảo hiểm Bảo Việt đã hạn chế cao nhất rủi ro bảo hiểm.

Với chiến lược phát triển rõ ràng của mình từ nay đến năm 2015, có thể thấy Tập đoàn Bảo Việt sẽ tiếp tục coi trọng hoạt động quản lý rủi ro, trong đó có quản lý rủi ro bảo hiểm. Được biết, trong thời gian tới, Khối Quản lý rủi ro của Tập đoàn Bảo Việt sẽ tiếp tục thực hiện các công tác chuyên sâu nhằm mục tiêu xây dựng văn hóa quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, khuyến khích cán bộ nhân viên tham gia vào việc giảm thiểu rủi ro trong toàn Tập đoàn.

Theo DCSVN

.
.
.
.