.
.

Điểm sáng của công tác điều hành chính sách tiền tệ - tài khóa

Thứ Hai, 31/12/2012|17:36

Những giải pháp tài khóa-tiền tệ được thực hiện đồng bộ trong năm 2012 đã bước đầu tạo nên khuôn khổ vĩ mô ổn định, đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua 1 năm đầy khó khăn để đạt được những kết quả khả quan. BBT xin giới thiệu bài viết của TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về vấn đề này.

 

Với những cố gắng không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và bằng sự kiên định trong đường lối chính sách của Chính phủ, được sự hỗ trợ  tích cực của các cơ quan của Đảng và Quốc hội, kinh tế Việt Nam đã vượt qua được không ít khó khăn, thách thức.

Có thể điểm qua một số điểm sáng thành quả của những cố gắng trong năm qua:

Giải pháp tài khóa – tiền tệ bước đầu tạo nên khuôn khổ vĩ mô ổn định

 

Ảnh minh họa

Trước hết là chúng ta đã đưa lạm phát về mức kiểm soát, vượt xa mức kỳ vọng trước đó; nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô được cải thiện theo hướng ổn định.

 

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng ở mức 6,81%, giảm mạnh so với mức cao 18,13% của năm 2011. Đặc biệt là chỉ số lạm phát lõi [1], một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả các chính sách đã luôn được duy trì ổn định gần như trong suốt năm 2012.

Ngoài ra, thành công trong việc kiểm soát lạm phát năm 2012 có phần đóng góp đáng kể của sự phối hợp đồng bộ và kịp thời giữa các chính sách có liên quan[2] như chính sách bình ổn giá cả và dịch vụ (theo Chỉ thị số 25/CT-TTg) cùng những chính sách phân phối lương thực thực phẩm và công tác điều hành…

Trong bối cảnh, khối lượng thương mại toàn cầu ước tính chỉ tăng thấp dưới 4% trong năm 2012, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh, đạt 18,3%, vượt xa mức kế hoạch 13% đề ra.

Sự cải thiện mạnh mẽ của cán cân thương mại[3] đã góp phần đưa cán cân thanh toán tổng thể năm 2012 cải thiện đáng kể (dự báo thặng dư khoảng 9-10 tỷ USD). Nhờ đó, dự trữ ngoại hối quốc gia tăng mạnh, đạt khoảng 12 tuần nhập khẩu.

Duy trì được hệ thống ngân hàng và từng bước đưa hoạt động của thị trường tiền tệ trở lại ổn định. Thị trường tiền tệ ngân hàng trong năm 2012 hoạt động khá ổn định. Lãi suất cho vay đã giảm đáng kể, khoảng từ 5-8% so với năm 2011 (khoảng từ 20-25%).

Tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng năm 2012 đã vượt qua được thời kỳ cực khó khăn (vào quý IV/2011) và từng bước được củng cố. Điều này đã tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu có một năm hoạt động rất sôi động. Khối lượng đấu thấu TPCP đạt trên 156.000 tỷ đồng trong năm 2012, gần gấp 2 lần năm 2011, góp phần đảm bảo và làm tăng thêm nguồn lực hỗ trợ cho đầu tư công trong điều kiện ngân sách eo hẹp.

Tỷ giá hối đoái được giữ ổn định trong suốt năm 2012. Chênh lệch giữa tỷ giá tự do và tỷ giá chính thức ở mức rất nhỏ, chỉ khoảng dưới 1% so với tỷ giá chính thức. Những yếu tố này đã giúp cho nền kinh tế bước đầu giảm dần tình trạng đô la hóa, duy trì giá trị đồng nội tệ, góp phần đáng kể vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012.

Trong bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn, hầu hết nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) (ngoại trừ thu từ dầu thô) đều gặp nhiều trở ngại, nhưng bằng những cố gắng trên cả 2 phương diện: tích cực kiểm soát nguồn thu và tiết kiệm chi tiêu, chúng ta vẫn đạt được dự toán thu NSNN (tăng 0,14% so với dự toán), đảm bảo cơ bản các hạng mục chi và duy trì mức bội chi NSNN 4,8% theo kế hoạch.

Về tăng trưởng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế dù chậm lại so với những năm trước đây nhưng có thể thấy là khi kinh tế vĩ mô dần ổn định, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng từng bước được cải thiện, tốc độ tăng trưởng qua các quý có xu hướng tăng dần đều để đưa tốc độ tăng trưởng cả năm đạt mức tăng 5,03% so với năm 2011 (tính theo giá cố định 2010 tăng 5,25%). Đây là mức tăng trưởng tuy thấp nhưng là mức có thể chấp nhận được, nhất là trong điều kiện nền kinh tế phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Những giải pháp tài khóa – tiền tệ được thực hiện đồng bộ trong năm 2012 đã bước đầu tạo nên khuôn khổ vĩ mô ổn định, đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua một năm đầy khó khăn để đạt được những kết quả khả  quan: lạm phát được kiềm chế, lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện đáng kể, nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng được đẩy lùi, tỷ giá hối đoái ổn định, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư và dự trữ ngoại hối được nâng cao. Cùng với đó, tỷ lệ bội chi NSNN/GDP cũng đã được nỗ lực duy trì  theo mục tiêu đề ra và giảm dần theo lộ trình để đảm bảo cho sự an toàn tài chính quốc gia…

Điều hành chính sách linh hoạt, giảm bớt tác động phụ của việc thắt chặt chính sách

 

Ảnh minh họa

Mặc dù nhiều khó khăn còn tiềm ẩn nhưng những kết quả tích cực mà nền kinh tế đã đạt được trong năm qua cho thấy, từ góc độ chính sách, công tác điều hành Chính phủ đã đạt được những thành công nhất định với một số điểm nổi bật như sau:

 

- Trước hết đó là sự kiên định trong đường lối chính sách, tập trung ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo tinh thần của Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngay từ đầu năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó đề cao việc tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua biện pháp kiểm soát chặt chẽ các chính sách tài khóa - tiền tệ.

Kế thừa những tích cực đã đạt được của Nghị quyết 11/NQ-CP, Nghị quyết số 01/NQ-CP đã gần như ngay lập tức phát huy tác dụng, lạm phát được kiểm soát khá tốt trong những tháng cận tết âm lịch trong quí I/2012, kinh tế vĩ mô trên đà ổn định hứa hẹn sẽ tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển của nền kinh tế trong trung hạn.

Kết quả này có được trước hết là do Chính phủ đã thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô kiềm chế lạm phát thông qua việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa.

- Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được phối hợp tốt hơn đã tạo hiệu ứng chính sách cao hơn so với những năm trước đây.

Cùng với đó là sự linh hoạt trong điều hành chính sách, ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm giảm bớt những tác động phụ của việc chính sách thắt chặt.

Kết thúc quí I/2012, nhận thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có dấu hiệu suy yếu, tổng cầu của nền kinh tế đang trên đà suy giảm, gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã chủ động điều chỉnh linh hoạt chính sách từ “thắt chặt” sang “hỗ trợ” với định hướng tăng cường sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ bằng việc ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về giãn giảm thuế và từng bước hạ lãi suất theo đà giảm của lạm phát… nhằm hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm gia tăng tổng cầu của nền kinh tế. 

Về tổng thể, Nghị quyết 13/NQ-CP với gói giải pháp tài khóa (trị giá 29.000 tỷ đồng) cùng những giải pháp hỗ trợ khác được đánh giá là một hướng đi đúng đắn, tích cực của Chính phủ trong năm vừa qua. Với Nghị quyết 13/NQ-CP, Chính phủ đã thành công trong việc đưa ra các giải pháp khá toàn diện, giải quyết đồng bộ những khó khăn về tài chính cũng như về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

- Cùng thời điểm đó, Chỉ thị số 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư công được ban hành bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2012 được kỳ vọng sẽ đem lại những hiệu quả tích cực trong việc hạn chế đầu tư công dàn trải vốn kéo dài từ nhiều năm, tạo bước tiến lớn trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư NSNN, góp phần cải thiện hiệu quả đầu tư của nền kinh tế trong năm 2012.

Mặc dù kinh tế 2012 đã mang lại nhiều dấu ấn tích cực, vượt qua không ít trở ngại tưởng chừng khó có thể vượt qua, song dư âm của không ít những khó khăn, tồn tại vẫn còn rất lớn. Nhiều thách thức đang ở phía trước, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sức sản xuất giảm sút, cầu tiêu thụ thấp, thị trường tài chính - ngân hàng còn nhiều bất cập và chương trình tái cấu trúc nền kinh tế còn rất nhiều việc phải làm.

Song với những bài học kinh nghiệm thành công cũng như thất bại trong năm qua, nếu được quan tâm nghiêm túc, thẳng thắn đúc kết rút kinh nghiệm, chúng ta có thể tin tưởng năm 2013 sẽ có thêm những điểm sáng mới.

Kế thừa những thành tích đã đạt được trong năm 2012 và phát huy những tích cực của Nghị quyết 13/NQ-CP, những Nghị quyết được Chính phủ dự định ban hành trong những ngày đầu năm 2013 với định hướng chủ đạo là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tính linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ cùng sự phối hợp giữa 2 chính sách nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại của năm 2012 như: đẩy mạnh giải quyết hàng tồn kho kết hợp với giãn giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phá băng thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu các TCTD nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần nâng cao tổng cầu của nền kinh tế… cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục đầu tư hứa hẹn sẽ tiếp tục đem lại những kết quả tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013, năm bản lề trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015.

Thành công của những Nghị quyết sắp được Chính phủ ban hành được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc tiếp tục duy trì sự ổn định kinh tế, khẳng định năng lực điều hành chính sách của Chính phủ, khôi phục mạnh mẽ niềm tin của thị trường và nhà đầu tư về tiềm năng tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

TS Vũ Viết Ngoạn

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

[1] Lạm phát tổng thể được tính toán loại trừ nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, Xăng dầu, Nhà ở và VLXD nhằm loại bỏ những biến động tạm thời hay các cú sốc về giá của một số mặt hàng trong chỉ số phản ánh mức độ lạm phát tổng thể.

[2] Giá lương thực thực phẩm giảm mạnh cũng là nhân tố tích cực góp phần làm giảm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2012. Cụ thể, chỉ số giá lương thực thực phẩm tính theo tháng đã liên tục giảm từ tháng 3 cho đến tháng 8 và tiếp tục giảm trong tháng 12/2012. Như vậy, chỉ số giá lương thực thực phẩm đã có 8 tháng giảm trong năm 2012.

[3] Từ mức thâm hụt 0,4% GDP của năm 2011 dự kiến sẽ đạt thặng dư trong năm 2012

.
.
.
.