Mục tiêu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là tự thiết kế, chế tạo công trình dầu khí
"Mục tiêu lâu dài trong phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là tự thiết kế, chế tạo được các công trình dầu khí, đặc biệt là các công trình trên biển", Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội sáng 10/8.
Dẫn đầu đoàn công tác là đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; cùng đi có các Phó Chủ nhiệm Lê Bộ Lĩnh, Võ Tuấn Nhân, Nguyễn Vinh Hà và các Uỷ viên của Ủy ban.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có Tiến sĩ Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc; Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng giám đốc, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hàm Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tập đoàn; Tiến sĩ Phan Ngọc Trung, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam Đỗ Chí Thanh; cùng các trưởng ban chuyên môn của Tập đoàn.
Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội thăm phòng Truyền thống của PVN - nơi trưng bày nhiều công trình KHCN Dầu khí.
Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập đã trình bày báo cáo về tình hình thực hiện chính sách và pháp luật về đầu tư cho khoa học, công nghệ, môi trường của PVN với nhiều điểm đáng chú ý.
Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, PVN phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18 - 20%/năm; tổng doanh thu 5 năm đạt 3.040 nghìn tỉ (tương đương 150 tỉ USD); nộp ngân sách Nhà nước 650 nghìn tỉ đồng; gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 35 - 45 triệu tấn quy dầu/năm; sản lượng khai thác dầu khí đạt 142 triệu tấn quy dầu. Để đạt được những mục tiêu đó, PVN coi KHCN là nền tảng và động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững theo chiều sâu. Cùng với giải pháp đột phá về quản lý và phát triển nguồn nhân lực, giải pháp đột phá quản lý là trung tâm, nguồn nhân lực là then chốt và KHCN là nền tảng và động lực cho sự phát triển của PVN.
Trong giai đoạn 2006 - 2011, PVN đã đầu tư gần 5.000 tỉ đồng cho KHCN, trong đó PVN chi khoảng 90% vốn đầu tư, còn lại là nguồn ngân sách Nhà nước.
Trên thực tế, qua nhiều năm nghiên cứu và phát triển, PVN đã đạt được các thành tựu như Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí đã hoàn thiện công nghệ sản xuất sét bột bentonite và barite đạt tiêu chuẩn quốc tế API, phục vụ khoan dầu khí, thay thế hàng nhập khẩu. Trong năm 2011, PVN đã hạ thủy thành công trước 2 tháng giàn khoan tự nâng 90m Tam Đảo-03 đã đưa Việt Nam trở thành một trong ít các quốc gia trên thế giới có khả năng thiết kế, chế tạo các loại giàn khoan dầu khí biển.
Đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đánh giá rất cao thành tựu KHCN của PVN.
Đặc biệt, giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN năm 2010 cho Cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoid trước Đệ tam, bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam" vừa là dấu ấn cho nền khoa học nước nhà mà còn thay đổi một quan niệm tìm kiếm, thăm dò dầu khí truyền thống trên thế giới. Đây là tập hợp đồ sộ các công trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ của PVN trong hơn 20 năm qua bao gồm 7 bằng phát minh, bằng sáng chế do Việt Nam và Liên bang Nga cấp.
Phó Chủ nhiệm Lê Bộ Lĩnh cho rằng mỗi năm PVN đầu tư vào KHCN khoảng 1.000 tỉ đồng, gấp đôi kinh phí hoạt động của hai viện khoa học thuộc Chính phủ là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Đồng chí Lê Bộ Lĩnh cho biết thêm, hiện nay ngân sách Nhà nước đầu tư cho KHCN đạt khoảng 80% số vốn, còn lại là do các doanh nghiệp, các tổ chức khác đầu tư. Và tỷ lệ này nên phải thay đổi, tức là tăng vốn do doanh nghiệp tự bỏ ra đầu tư, vốn của Nhà nước sẽ giảm cả con số tuyệt đối và tương đối.
Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu nhấn mạnh rằng nếu không có KHCN thì PVN không thể phát triển được. Hiện nay những con tàu địa chấn 2D, 3D, hàng chục giàn khoan trên biển là những công trình phức tạp đang được công nhân Việt Nam vận hành trơn tru và an toàn. Ở các công trình khâu sau, PVN chuẩn bị xây dựng các nhà máy chế biến khí với công suất lớn do PVN kết hợp với các nhà đầu tư nước ngoài để thiết kế, chế tạo...
Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu phát biểu tại buổi làm việc.
Để thực hiện hóa những mục tiêu trên, PVN đang có 3 cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo nghề chuyên sâu, bao gồm: Viện Dầu khí Việt Nam, trường Đại học Dầu khí Việt Nam và trường Cao đẳng Nghề Dầu khí. Số lượng cán bộ, công nhân viên đang làm trong ngành Dầu khí lên tới 50 nghìn người, trong đó có 247 tiến sĩ, 1.910 thạc sĩ, 22.120 người trình độ đại học, còn lại là các trình độ khác, lao động phổ thông.
Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu chỉ rõ: "PVN không giao việc cho Viện Dầu khí chỉ để có việc mà xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, PVN đặt hàng và mua lại công trình nghiên cứu của Viện Dầu khí".
Và sắp tới, PVN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ KHCN như phát triển mỏ mới, gia tăng hệ số thu hồi dầu ở các mỏ cũ; Tăng hiệu quả của chế biến dầu khí; Tập trung chế biến sâu khí đồng hành; Tăng tiềm lực công tác nghiên cứu thiết kế công trình dầu khí.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Xuân Dũng đánh giá rất cao thành tựu về KHCN của PVN. Đồng chí đề nghị PVN cần tạo ra nhiều hơn nữa những sản phẩm mang thương hiệu trí tuệ Việt Nam. Thực tiễn phát triển của PVN là rất lớn và cái khó về chính sách cũng đã được đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội ghi nhận và sẽ trình Quốc hội để tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Đức Chính/Petrotimes