.
.

Quy hoạch và Giá điện- Hai vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập

Thứ Tư, 20/06/2012|18:50

Sau buổi thảo luận tại tổ, ngày hôm nay (20/6), Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Giá điện, quy hoạch ngành điện là hai vấn đề “nóng”, được nhiều các đại biểu đề cập.

Vẫn giữ vai trò điều tiết của nhà nước

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định trong dự thảo luật: giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Quy định này vừa bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo thị trường, mà vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước. Đồng thời, khuyến khích, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành điện cũng như tạo động lực để thúc đẩy việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị giảm bớt các loại mức giá trong cơ cấu giá điện hiện nay. Minh bạch, công khai hơn nữa trong việc điều chỉnh tăng, giảm giá điện. Đưa ra giải pháp chống độc quyền ngành điện, bởi nếu còn độc quyền thì sẽ không bao giờ có sự bình đẳng giữa người mua - người bán. Nhà nước cần nghiên cứu, tách giá điện trong hoạt động kinh doanh và hoạt động công ích. Cần làm rõ các loại giá và phí vì khi chuyển phí thành giá sẽ khiến giá bán lẻ điện bị đẩy lên cao.

Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh), Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) thống nhất với quy định: giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị làm rõ thêm khái niệm “sự điều tiết của Nhà nước” là gì? sự điều tiết của Nhà nước không có nghĩa là duy trì sự độc quyền của ngành điện như hiện nay.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng, giá điện bán lẻ là quan trọng nhất, liên quan trực tiếp tới nhiều người dân. Thời gian qua tình trạng độc quyền trong cung cấp điện đã gây bức xúc trong dư luận. Để chống độc quyền cần công khai, minh bạch giá điện trên cơ sở giá phải bảo đảm tính đúng, tính đủ giá trị.

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề nghị nhà nước cần có chính sách tích cực hơn nữa để nhanh chóng chuyển giá điện sang cơ chế thị trường. Theo kế hoạch đến năm 2022 mới thực hiện giá bán điện lẻ cạnh tranh. Nếu càng kéo dài sự điều tiết của nhà nước thì càng bất lợi cho nền kinh tế. Đại biểu Phương cũng chỉ ra rằng: việc giữ giá điện thấp chưa đúng với giá thực cũng có mặt trái. Việc hưởng lợi từ giá điện thấp hoặc bù chéo giá nguyên liệu cho ngành điện như than chẳng hạn gây thiệt hại cho các ngành khác. Hơn thế, giá điện thấp khó thu hút đầu tư vào ngành điện.

Bỏ quy hoạch điện lực cấp huyện

Trong quy hoạch ngành điện, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng: việc phát triển nguồn phát điện sơ cấp và truyền tải điện cao thế, hạ thế đối với cấp huyện về cơ bản khó tạo ra sự thống nhất với quy hoạch của các địa phương khác. Hơn nữa không có nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Do đó, bỏ quy định việc quy hoạch phát triển điện lực ở cấp huyện như nêu trong dự luật là phù hợp.

Trong dự thảo luật cũng nêu: quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 10 năm và có tầm nhìn ít nhất là 10 năm tiếp theo để đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian 10 năm để chủ động trong vấn đề quy hoạch quỹ đất dành cho các công trình hạ tầng cơ sở điện; phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch khác có liên quan.

Các đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Bùi Thị An (TP. Hà Nội) tán thành quy định này. Tuy nhiên, cần lưu ý đối với vùng đặc thù, vùng sâu, vùng xa, các huyện đảo, nhất là các tỉnh biên giới.

Bên cạnh đó,  đại biểu Bùi Thị An đề nghị quy hoạch nên quy định công suất bao nhiêu thì ai duyệt, có thể có phân cấp nhưng phải kiểm tra bởi vì hệ lụy, hậu quả của sự phát triển thiếu quy hoạch rất lớn. Đặc biệt, chú ý sự an toàn, vấn đề môi trường, tái định cư cho người dân. Đại biểu dẫn chứng: nhiều công trình như công trình thủy điện Hòa Bình đến bây giờ vùng dân tái định cư vẫn sống không như mong muốn. Nên có kiểm tra, phân cấp, nhất là hậu quy hoạch.

Kết thúc thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn khẳng định: ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội xác đáng, rất có chất lượng. Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra; các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý. Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi như các đại biểu Quốc hội đã yêu cầu, sau đó sẽ gửi đến Quốc hội cho ý kiến, thông qua vào kỳ họp tới.

Buổi chiều, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua 5 dự án luật: Luật giá; Luật công đoàn (sửa đổi); Luật giám định tư pháp; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật xử lý vi phạm hành chính. Cả 5 dự luật đã được thông qua với sự đồng thuận cao.

Nguyễn Hải

Theo Congthuong

.
.
.
.