.
.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng làm rõ nhiều vấn đề xung quanh việc phát triển thủy điện

Thứ Bảy, 02/06/2012|22:31

Một trong những vấn đề hóc búa đang làm đau đầu các nhà quản lý là lựa chọn xây dựng nguồn năng lượng nào để vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của đất nước, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa đảm bảo phát triển bền vững, an toàn môi trường. Đây cũng là vấn đề dư luận hết sức quan tâm.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Hoàng đã trả lời vấn đề này trong chuyên mục “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” do VTV1 phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Hoàng đã trả lời vấn đề này trong chuyên mục “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” do VTV1 phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thực hiện.

Xin Bộ trưởng cho biết, hiện tại chính xác là chúng ta có bao nhiêu nhà máy thủy điện và các nhà máy này đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu điện của cả nước?

- Đến thời điểm hiện nay, chúng ta có khoảng 1.097 dự án với tổng công suất 24.246 MW. Trong đó có 195 dự án đã phát điện với tổng công suất đã phát gần 11.000MW, cung cấp khoảng 36% nhu cầu điện của cả nước; 245 dự án đang xây dựng với tổng công suất trên 7.000 MW. Hiện còn 657 dự án chưa đầu tư. Như vậy, chúng ta mới phát triển được khoảng 40% trong tổng số 1.097 dự án đã quy hoạch, đạt sản lượng khoảng 75% công suất

Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng nhiều nhà máy điện tràn lan như vậy là sai lầm. Bộ trưởng bình luận như thế nào về ý kiến này?

- Trước hết, cần tiếp cận vấn đề một cách khách quan, khoa học, phân tích, đánh giá đúng cả mặt tích cực và tiêu cực. Trên cơ sở đó, chúng ta phải tận dụng, phát huy mặt tích cực và hạn chế đến mức tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của các dự án thủy điện.

 Về mặt tích cực: Do sự tăng trưởng của nền kinh tế, sự phát triển về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân khiến cho nhu cầu tăng trưởng điện bình quân ở Việt Nam lên tới 15%/năm. Đây là con số rất lớn so với các nước trong khu vực.Để đảm bảo an ninh năng lượng, chúng ta phải đa dạng hóa các nguồn năng lượng như nhiệt điện, thủy điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…Tuy nhiên, hiện nay nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch trong nước như than, dầu, khí ngày càng cạn kiệt và đã đến giới hạn khai thác. Theo tính toán, đến năm 2015 chúng ta sẽ phải nhập khẩu than và việc nhập khẩu cũng không dễ dàng. Trong khi đó, tiềm năng nguồn thủy điện của Việt Namkhá phong phú, giá thành rẻ, không gây hiệu ứng nhà kính. Vì vậy,phát triển thủy điện vẫn rấtcần thiết.Vấn đề là phải khai thác tiềm năng này một cách hợp lý để vừa đảm bảo hiệu quả phát điện, vừa đảm bảo điều tiết nước cho hạ du, chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô. Thực tế, rất nhiều công trình thủy điện đã làm rất tốt vai trò này. Ví dụ: Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La đã góp phần rất lớn trong việc cắt, giảm lũ cho đồng bằng Bắc bộ. Từ khi có Thủy điện Tuyên Quang, TP.Tuyên Quang không còn chịu cảnh lũ lụt như trước đây. Bên cạnh đó, các dự án thủy điện đều góp phần phát triển ngành nghề mới như du lịch, nuôi cá lòng hồ… góp phần tăng thu nhập cho nhân dân vùng hạ du.

Về mặt hạn chế: Hầu hết các dự án đều xây dựng ở vùng rừng núi, dù ít dù nhiều đều liên quan đến việc thu hồi đất rừng, đất ở, đất canh tác của bà con. Theo thống kê của các địa phương khu vực miền Trung- Tây Nguyên, cứ xây dựng 1 MW thủy điện là phải thu hồi 6 ha đất (gồm 3,8 ha đất rừng, 2,2 ha đất ở và đất canh tác). Bên cạnh đó là vấn đề xử lý môi trường, thay đổi dòng chảy tự nhiên, di dân tái định cư….

Để hạn chế những bất cập này, hiện Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng và vận hành các dự án, kiểm tra rà soát các dự án kiên quyết không cấp phép đầu tư các dự án không nằm trong quy hoạch, các dự án ảnh hưởng tiêu cực lớn tới môi trường, xã hội. Đối với những dự án mới triển khai xây dựng thì phải đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, nếu xét thấy không đảm bảo các tiêu chí thì yêu cầu bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, quan tâm tới công tác hỗ trợ sau tái định cư để ổn định đời sống và sản xuất đối với các dự án thủy điện, nhất là các dự án có quy mô thu hồi đất, di dân tái định cư. Tăng cường cải thiện khí hậu, xây dựng cảnh quan du lịch, đào tạo nghề mới cho bà con…

Ngoài mục tiêu phát điện, các dự án thủy điện còn có nhiệm vụ điều tiết lũ vào mùa mưa và cấp nước vào mùa khô hạn cho vùng hạ du. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hơn 90% công trình thủy điện trong cả nước chưa thể đảm nhận nhiệm vụ này. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về ý kiến này?

- Không phải thủy điện nào cũng có khả năng điều tiết chống lũ. Nếu hồ chứa có dung tích điều tiết lớn cỡ hàng tỷ m3 (như Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang) thì mới có khả năng chống lũ, còn lại chỉ có khả năng giảm lũ. Có những dự án không có hồ chứa nên không thể thực hiện nhiệm vụ điều tiết nước.

Ví dụ: miền Trung nước ta có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, mưa lớn, địa hình dốc nên lũ lên nhanh, đỉnh lớn. Về kỹ thuật cũng như kinh tế, xã hội không cho phép làm các hồ chứa lớn để cắt lũ như miền Bắc và Bắc Trung bộ. Vì vậy, trong Chiến lược phát triển thủy lợi đến năm 2020, định hướng phát triển thủy lợi khu vực này là tăng cường các giải pháp chủ động phòng tránh và thích nghi với bão lũ; nghiên cứu chỉnh trị sông để tăng cường khả năng thoát lũ, ổn định lòng bãi, bảo vệ các khu dân cư ven sông; chủ động phòng tránh và thích nghi với lũ chính vụ; quy hoạch bố trí lại các khu dân cư; yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thích hợp với những vùng thường xuyên bị ngập nặng.Khi có lũ về, các hồ buộc phải xả lũ tối thiểu bằng lưu lượng lũ về để góp phần giảm lũ. Ngoài ra còn các giải pháp như nắn dòng chảy, quy hoạch lại đất canh tác, giảm thiểu thiệt hại…

Việc điều tiết mùa kiệt cũng tương tự, chỉ những hồ chứa có dung tích lớn mới có thể tăng lượng nước xả thêm về mùa kiệt.Tuy nhiên, về nhiệm vụ chính trị, trong điều kiện thủy văn cho phép, các hồ chứa vẫn có nhiệm vụ cấp nước cho hạ du với lưu lượng nước xả ít nhất bằng lưu lượng nước về.

Trong quy hoạch bậc thang thủy điện, các dòng sông lớn, các mục tiêu cắt, giảm lũ, cấp nước... đều đã được nghiên cứu, đánh giá trong quá trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

Bộ Tài nguyên và môi trường (TNMT)  là một trong những bộ chức năng cần được tham vấn khi xây các công trình thủy điện. Tuy nhiên, đại diện Cục thẩm định và đánh giá tác động môi trường than phiền là hiện nay, cơ chế cấp phép thủy điện rất khó kiểm soát. Bộ Công Thương và các địa phương đều có quyền cấp phép. Nhiều dự án thủy điện được cấp phép mà không lấy ý kiến từ Bộ TNMT. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn đề cấp phép cho các công trình thủy điện?

- Theo quy định hiện nay, Bộ Công Thương không cấp phép bất cứ dự án thủy điện nào. Những dự án yêu cầu vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng trở lên thuộc quyền cấp phép của Thủ tướng Chính phủ. Những dự án đặc biệt lớn sẽ do Quốc hội phê chuẩn. Việc cấp phép đầu tư các dự án thủy điện nhỏ hơn thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh.

Về quy trình thẩm định các dự án nhóm A, Bộ Công Thương được giao chủ trì làm đầu mối lấy ý kiến các Bộ, ngành và địa phương có liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đều lấy ý kiến của Bộ TNMT. Bởi vì, nếu không có ý kiến của Bộ TNMT thì dự án đó coi như chưa đủ điều kiện xem xét.

Với những dự án quy mô nhỏ, UBND địa phương giao cho các cơ quan chức năng thẩm định.

Về báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thủy điện vừa và lớn, các dự án quan trọng (dung tích hồ trên 100 triệu m3, chiếm trên 20 ha rừng phòng hộ, dự án nằm trên 2 tỉnh...) đều do Bộ TNMT phê duyệt, các dự án còn lại do các sở TNMT thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt. Điều đó cho thấy, Bộ TNMT tham gia rất tích cực vào việc thẩm định các dự án thủy điện.

Một số ý kiến bình luận rằng, việc xây dựng các công trình thủy điện chỉ có lợi cho nhà đầu tư mà hại cho người dân địa phương, Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

- Hiện nay, thủy điện đã và đang góp phần rất lớn vào việc đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và mang lại lợi ích cho người dân. Giá điện duy trì thấp được như hiện nay là nhờ có giá phát điện rẻ từ thủy điện. Thủy điện đã làm lợi cho tất cả các hộ dùng điện. Với chi phí vốn cao như năm 2011 và hiện nay, với mặt bằng giá điện EVN mua của các nhàmáy thủy điệntừ 600-900 đồng/kWh, theo báo cáo từ các tỉnh, đa số các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ hoàn thành trong thời gian gần đây đều chịu lỗ. Vì vậy, nếu nói thủy điện chỉ có lợi cho nhà đầu tư là không chuẩn xác.

Đối với địa phương, đặc biệt là địa phương có dự án phải tái định cư với số lượng lớn thường gặp rất nhiều khó khăn cần phải giải quyết, hỗ trợ sau tái định cư. Gần đây một số nhà máy đã bắt đầu có phối hợp tốt với địa phương để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, ổn định đời sống cho nhân dân, điển hình là Thủy điện A Vương.

Năng lượng gió, năng lượng mặt trời là những nguồn năng lượng sạch mà các nước tiên tiến đang hướng tới để đảm bảo nguồn năng lượng quốc gia, lại không ảnh hưởng môi trường sinh thái, Việt Nam là một nước nhiệt đới, có bờ biển dài 2.400 km, rất nhiều nắng và gió. Tại sao Việt Nam chưa phát triển nguồn năng lượng sạch này để sảnxuất, thưa Bộ trưởng?

- Trong Quy hoạch điện VII đã nhấn mạnh vai trò của việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Việt Nam là nước đi sau trong lĩnh vực này nên kinh nghiệm còn thiếu, chi phí đầu tư lại cao, trong khi nền kinh tế và thu nhập của ta còn thấp, nắng gió không ổn định nên việc đầu tư phát triển nguồn năng lượng này còn khó khăn. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo các bước đi cụ thể để phát triển nhanh, mạnh và bền vững các nguồn năng lượng này. Vấn đề là, mặc dù Chính phủ đã có chính sách khuyến khích hỗ trợ về giá mua cho điện gió (1cent/kWh) để đảm bảo cho nhà đầu tư bán được 7,5-8 cent/kWh, cao hơn nhiều các nguồn điện khác nhưng cũng chưa khuyến khích được nhiều nhà đầu tư. Bởi vì các nhà đầu tư cho rằng phải bán được điện gió với giá 9-10 cent/kWh thì họ mới có lãi. Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, thời gian tới, Nhà nước sẽ cùng các nhà đầu tư xem xét lại. Hiện Bộ cũng rất quan tâm tới phát triển các dự án pin mặt trời nhưng giá điện loại này rất đắt, lên tới 20 cent/kWh. Tuy nhiên, đây là nguồn năng lượng sạch nên trong tương lai, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu và phát triển mạnh. Hy vọng rằng, với công nghệ sản xuất thiết bị phát triển nhanh, chi phí thiết bị sẽ chắc chắn giảm mạnh. Đây sẽ là cơ hội cho nước ta phát triển mạnh 2 nguồn năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, do tính không đều và không ổn định, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên của 2 nguồn năng lượng này, hệ thống điện vẫn cần phải có các nguồn khác như thủy điện, nhiệt điện và điện hạt nhân.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Ngọc Loan (ghi)

Theo BCT

.
.
.
.