.
.

Trang mới trong hợp tác Vinacomin– Famu

Thứ Hai, 23/04/2012|15:42

Mới đây, Tập đoàn Thiết bị công nghệ mỏ Famu (Balan) đã gặp gỡ lãnh đạo, một số ban và nhiều đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin), để đánh giá lại 10 năm tham gia vào cơ giới hóa đào lò, khai thác than tại Việt Nam. Đồng thời, nắm bắt nhu cầu, nhằm hợp tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị hầm lò trong giai đoạn mới.

Máy Combai (ảnh nhỏ) cho năng suất gấp 5-6 lần đào lò truyền thống. (Ảnh: Hùng hải)
Máy Combai (ảnh nhỏ) cho năng suất gấp 5-6 lần đào lò truyền thống. (Ảnh: Hùng hải)

10 năm hợp tác cơ giới hóa đào lò

Ông Phạm Minh - Trưởng phòng xuất nhập khẩu 3, Công ty CP XNK Than (Coalimex)- cho biết, Remag- hãng sản xuất lớn của Tập đoàn Famu đã “mở cửa” thị trường Việt Nam bằng việc đưa chiếc máy Combai Balan đầu tiên vào lắp đặt và sử dụng tại Công ty than Mông Dương.

Đến nay, Coalimex đã hợp tác với Remag được 10 năm. Trong quãng thời gian này, 2 bên thực hiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Thứ nhất, về kinh tế, Coalimex cùng với Remag đã đưa được 14 máy đào lò liên hợp Combai vào các mỏ than hầm lò của Vinacomin. Cùng với đó là các phụ tùng, vật tư đi theo máy đào lò liên hợp, giá trị khoảng 100 tỷ đồng. Thứ hai, về kỹ thuật, Remag cũng là đơn vị đầu tiên giới thiệu công nghệ mới vào ngành khai thác than của Vinacomin, đáp ứng được yêu cầu cơ giới hóa, hiện đại hóa đào lò, khai thác than. Thứ ba, về sản xuất nội địa hóa, Remag cùng với Coalimex và Nhà máy Cơ khí trung tâm Cẩm Phả đã hợp tác sản xuất chế tạo tại Việt Nam được một số máy cào; lắp ráp và chế tạo được một số bộ phận của máy đào lò (khung, xích di chuyển máng cào). Thứ tư, về đào tạo, thông qua nhiều hình thức, chuyên gia của Remag sang Việt Nam chuyển giao kỹ thuật, hoặc các đoàn công nhân Việt Nam sang đào tạo, học tập tại Balan, để làm chủ công nghệ sử dụng tổ hợp đào lò máy Combai.

Nói về đóng góp của máy đào lò Combai AM50, ông Minh nhấn mạnh, Combai AM50 là máy liên hợp, nên từ việc đào đến khâu “vơ” đất đá chuyển ra sau, rồi chuyển lên các băng tải máng cào là một kết cấu đồng bộ. Công nghệ máy Cobai AM50 khá hiện đại, nhưng không quá phức tạp trong vận hành, sử dụng và cũng dễ phát hiện, xử lý những hư hỏng hơn các máy điều khiển bằng thủy lực… Riêng về năng suất, sử dụng  Combai AM50 cho năng suất gấp 5-6 lần đào lò truyền thống.

Trả lời các câu hỏi về  năng suất, chất lượng, giá thành của tổ hợp máy đào lò tự hành, ông Tadeusz- Giám đốc Remag cho hay, tổ hợp khai thác tự hành của Remag có thể khai thác được những lò chợ có độ cao đến 5 mét, độ dày của vỉa từ 2-6 mét và một năm khai thác tới 2,5 triệu tấn. Ở Balan, tổ hợp đào lò của Remag có thể khai thác được cả những vỉa mỏng chỉ 1 mét và dày đến 6 mét.  Giá thành cạnh tranh được ở thị trường châu Âu. Giá trị máy mỏ của Famu hiện tiêu thụ ở Balan trên 300 triệu USD nội địa, chiếm 75% thị phần.

Giám đốc Công ty Coalimex- Phạm Hồng Khanh - nhận xét: Hàng chục máy đào lò liên hợp Combai được đưa vào các mỏ than hầm lò Việt Nam đều được đánh giá cao về kỹ thuật, khá phù hợp với điều kiện khai thác than ở Việt Nam. Tuy nhiên,  máy còn một số hạn chế, không đào được ở những nơi địa chất thay đổi. Do đó, ông Khanh đề nghị,  Famu cũng như Remag nghiên cứu cải tiến để máy Combai đào được cả những vỉa đá thật cứng, đồng thời làm sao để có giá thành cạnh tranh. Sau 10 năm hợp tác, đã đến lúc 2 bên cần xem xét, rút kinh nghiệm để hợp tác bước sang trang mới đạt hiệu quả hơn, vững bền hơn.

…Và những định hướng hợp tác mới

Trưởng ban  Ban xây dựng mỏ, Vinacomin - Dương Phi Hùng mong muốn Famu, cũng như Remag cùng hợp tác để tạo ra những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu đặt ra của ngành than Việt Nam.

Vấn đề đầu tiên Vinacomin quan tâm là đào nhanh lò để đào được than. Hàng năm, trung bình toàn tập đoàn đào được 300 km lò, trong đó có 100 km lò đá. Hiện nay, Vinacomin dành quan tâm đặc biệt đến cơ giới hóa đào lò, tuy nhiên không phải cứ đào lò bằng máy Combai, hoặc cả một dây chuyền đồng bộ, mà chỉ một số công đoạn trong dây chuyền đào lò. Theo ông Hùng, trước Vinacomin mua những gì Famu và Remag có, nhưng bây giờ  Vinacomin muốn từ điều kiện của Việt Nam, Famu cùng Remag chế tạo ra những gì Vinacomin cần.

Ông Hùng cũng thông báo, Vinacomin chuẩn bị làm 3 mỏ lớn là Khe Chàm 2, Núi Béo và Mạo Khê. Đây là 3 mỏ hầm lò mới hoàn toàn. Các mỏ này đều khai thông bằng giếng đứng, với khoảng 100 km đường lò xây dựng cơ bản. Cho nên, ngoài việc cung cấp thiết bị, hay cùng hợp tác chế tạo thiết bị, Famu và các đơn vị thành viên có thể tham gia cùng Vinacomin đào lò theo cơ chế mà tập đoàn đang xin Chính phủ Việt Nam.

Trưởng ban  Ban điện - Cơ khí - ông Tạ Ngọc Hải nêu vấn đề, Remag và Famu có thể cải tiến, hoán cải máy đào lò Combai AM50 cho phù hợp với địa chất Việt Nam, hoặc trở thành máy nhiều chức năng? Ông Tadeusx cho hay, máy đào lò AM50 là loại máy đào lò nhỏ nhất hiện nay, được thiết kế phù hợp với địa chất từng mỏ cụ thể. Remag cũng đang nghiên cứu chế tạo, để máy Combai có thể sử dụng được nhiều chức năng.

Trao đổi với Giám đốc thương mại Tập đoàn Famu và Giám đốc Công ty Remag, Phó tổng giám đốc Vinacomin - Nguyễn Chiến Thắng - cho biết - Tập đoàn vừa được Chính phủ phê duyệt chiến lược quy hoạch ngành than đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với nhiệm vụ chính đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.  Để thực hiện chiến lược này, Vinacomin đang tập trung vào một số dự án lớn về hầm lò, nên rất mong muốn được hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm về công nghệ, kỹ thuật trong cơ giới hóa, hiện đại hóa khâu đào lò và khai thác…

Ông Thắng nhấn mạnh, hướng ưu tiên đầu tiên của Vinacomin là hợp tác với các đối tác nước ngoài cùng nghiên cứu địa chất Việt Nam, để lựa chọn thiết bị phù hợp. Vấn đề này, lãnh đạo Vinacomin đang giao Viện Khoa học công nghệ mỏ, Viện cơ khí năng lượng phối hợp với các đối tác nước ngoài, để làm sao cung cấp được thiết bị phù hợp với điều kiện địa chất của các mỏ Việt Nam. Vinacomin cũng muốn hợp tác với các đối tác nước ngoài nâng cao năng lực chế tạo, sản xuất các thiết bị, để nâng cao dần tỷ lệ nội địa hóa thiết bị ở Việt Nam, nâng cao năng lực của các đơn vị trong tập đoàn, chủ động trong khâu sản xuất. Đặc biệt, vấn đề nâng cao được năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo… đang được quan tâm. Vinacomin rất mong Famu có thể hợp tác để phát triển sự nghiệp cơ giới hóa hầm lò của ngành than Việt Nam

Phó tổng giám đốc Nguyễn Chiến Thắng khẳng định, hiện đã có định hướng rất rõ, đó là dứt khoát phải nâng cao năng lực cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng mỏ. Trước đây, Famu thông qua Remag hợp tác với Vinacomin, nhưng mức độ chưa được sâu, rộng. Lần này hai bên sẽ xem xét từng đề xuất cụ thể, từng bước đi trong từng công việc theo hướng: hợp tác từ khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, chứ không chỉ mua những sản phẩm của Famu, Remag có sẵn. 

Famu là tập đoàn tập hợp của 16 nhà máy lớn của Balan, sản xuất các loại thiết bị phục vụ ngành mỏ, như: Thiết bị đào lò liên hợp, máy cào, thiết bị vận tải trong hầm lò, thiết bị cho cơ giới tự hành...

Tập đoàn Famu không chỉ sản xuất, cung cấp thiết bị ngành mỏ cho tất cả mỏ hầm lò, mà cả mỏ lộ thiên của Balan. Trong đó, đặc biệt có thiết bị hiện đại nặng, như tổ hợp khai thác tự động trong hầm lò chợ.

Đây cũng là 1 trong 2 tập đoàn lớn nhất ở châu Âu cũng như của thế giới về cung cấp thiết bị ngành mỏ. Đồng thời là tập đoàn duy nhất cung cấp được thiết bị bảo đảm an toàn hiệu quả cho việc khai thác lò chợ…

Ngoài ra, Famu còn có nhà máy chuyên sản xuất hệ thống vận tải trong hầm lò, gồm các băng tải, máy cào, hệ thống tàu phòng nổ, hệ thống tời…; có hãng chuyên sản xuất hệ thống vận tải bao gồm hệ thống vận tải chở người, chở than, chở đất đá, vật tư, nguyên vật liệu… trong hầm lò

Famu cũng có một viện nghiên cứu khoa học về mỏ. Đây cũng là cơ sở nghiên cứu sản xuất các tín hiệu trong mỏ hầm lò, các thông tin tín hiệu được phản hồi từ các đường lò đến mặt bằng thông qua hệ thống vi tính.

Mỗi thành viên, mỗi nhà máy của Famu chuyên sản xuất một loại sản phẩm, hoặc nhóm sản phẩm, tất cả đều qua tập đoàn kiểm soát rồi mới được tiêu thụ trong nước, cũng như xuất khẩu.

Thanh Hà Thúy

.
.
.
.