Petrolimex phản hồi về các khoản lỗ trong năm 2011
Mới đây, một số phương tiện thông tin đại chúng trích báo cáo của Kiểm toán nhà nước về khoản lỗ hơn 2.358 tỷ đồng trong năm 2011 cũng như đặt nghi vấn về khoản tiền 807 tỷ đồng nợ thuế quyền sử dụng đất của Petrolimex thời gian qua.
Để làm rõ thông tin này, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản gửi các cơ quan báo chí khẳng định, việc lỗ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trong năm 2011 là do thực hiện việc bình ổn giá.
Cụ thể, theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, kết quả kinh doanh xăng dầu năm 2011 được kiểm toán công bố là lỗ do chênh lệch tỷ giá tăng và giá bán xăng dầu có sự quản lý, điều tiết của nhà nước nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; các yếu tố chi phí đầu vào tăng, trong khi giá bán đầu ra chưa tăng tương ứng.
Từ kết quả kiểm toán, ông Năm cho hay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét giải quyết số lỗ kinh doanh xăng dầu tồn đọng, bù đắp lại những chi phí hợp lý do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tham gia bình ổn giá, bình ổn thị trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Cũng theo ông Năm, các hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực khác như gas, dầu mỡ nhờn, vận tải, cơ khí, bảo hiểm, ngân hàng… trong năm 2011 vẫn có lãi 841.291 triệu đồng.
Đối với thông tin "Petrolimex lộ sai phạm trong việc tính giá xăng dầu" và "Petrolimex ăn gian trong cách tính giá xăng" như một số phương tiện thông tin đại chúng nêu, ông Năm cho biết, kể từ thời điểm Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chỉ thực sự được quyết định giá bán trong khoảng thời gian 3 tháng đầu năm 2010.
Sau đó, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp theo xu hướng tăng, vì vậy để đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; giá bán xăng dầu trong nước đều do Liên Bộ Tài chính - Công thương quyết định.
"Petrolimex khẳng định là từ năm 2011 cho tới nay, giá bán xăng dầu trên thị trường do liên bộ Tài chính - Công thương tính toán và quyết định. Vì vậy không có chuyện Petrolimex "sai phạm" và "ăn gian" trong cách tính giá xăng," ông Năm cho hay.
Liên quan tới khoản tiền 807 tỷ đồng về quyền sử dụng đất, ông Năm giải thích, theo quy định của pháp luật, khi cổ phần hóa, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức thuê đất hoặc giao đất để xác định giá trị doanh nghiệp cho mục đích cổ phần hóa.
Trrong phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, Petrolimex đã báo cáo Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ chuyển các vị trí đất hiện tại đang sử dụng làm trụ sở làm việc (văn phòng) của Petrolimex và các đơn vị kinh doanh xăng dầu thành viên thuộc đối tượng cổ phần hóa từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất (thu tiền một lần).
Tuy nhiên, việc chuyển từ hình thức thuê đất sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, trên thực tế doanh nghiệp chỉ có thể thực hiện được khi có sự chấp thuận của các tỉnh/thành phố có liên quan.
Đến thời điểm hiện tại Petrolimex mới chỉ chuyển đổi được một số vị trí đất của Công ty Xăng dầu Lào Cai, Trà Vinh, Tuyên Quang và các đơn vị này đã thực hiện nộp tiền ngay theo thông báo của cơ quan tài chính tỉnh, thành phố.
Còn lại, đa số các diện tích đất văn phòng chưa được chuyển đổi theo phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện phương án thuê đất hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố không hoặc chưa trả lời.
Trong thời gian chưa thực hiện được việc chuyển đổi, Petrolimex vẫn phải tiếp tục nộp tiền thuê đất hàng năm theo thông báo của cơ quan thuế địa phương.
Từ thực tế nêu trên, trong hồ sơ quyết toán cổ phần hóa đã được Petrolimex báo cáo Ban chỉ đạo cổ phần hóa về những vướng mắc này. Tập đoàn đã kiến nghị, trong trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố không chấp thuận cho Petrolimex chuyển đổi từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang giao đất có thu tiền sử dụng đất (trả tiền một lần) như phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Petrolimex đề nghị điều chỉnh lại phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa.
"Petrolimex khẳng định, Petrolimex không nợ ngân sách nhà nước số tiền 807 tỷ đồng về quyền sử dụng đất như một số phương tiện thông tin đã đưa tin," ông Năm nhấn mạnh.
Đức Duy (Vietnam+)