.
.

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (ViCem) Đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh

Thứ Ba, 23/11/2010|11:04

                Để đáp ứng nhu cầu xi măng ngày càng tăng cao, phục vụ cho xây dựng cơ bản trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phục vụ các công trình an ninh, quốc phòng, từ năm 2003 đến nay ViCem đã đầu tư 10 dự án cải tạo, mở rộng, nâng công suất các nhà máy xi măng hiện có, đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất mới và các trạm nghiền xi măng, với tổng công suất thiết kế trên 11,6 triệu tấn/năm và tổng số vốn đầu tư trên 22 nghìn tỷ đồng, nâng năng lực sản xuất của ViCem lên hơn gấp đôi trước năm 2003.

Các dự án đầu tư đều có công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại vượt trội so với các nước trong khu vực. Đó là các dự án: Xi măng Hải Phòng(mới) 1,4 triệu tấn/năm; Dây chuyền 3 Xi măng Hoàng Thạch 1,2 triệu tấn/năm; Dây chuyền mới Xi măng Bỉm Sơn 2 triệu tấn/năm; Nhà máy Xi măng Bình Phước 2 triệu tấn/năm; Dây chuyền 2 Xi Măng Bút Sơn 1,6 triệu tấn/năm; Dây chuyền 2 Xi măng Hà Tiên II công suất 1,2 triệu tấn/năm; Trạm nghiền Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh 1 triệu tấn/năm; Trạm nghiền Long An 0,5 triệu tấn/năm; Trạm nghiền Cam Ranh 0,5 triệu tấn/năm và Dự án Trạm nghiền Quảng Trị 0,25 triệu tấn/năm.   

Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Đảng ủy Tổng công ty thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy đảng và lãnh đạo các đơn vị, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nhiên liệu và giảm chi phí sửa chữa các thiết bị máy móc. Trong đó điển hình là dự án chuyển đổi nhiên liệu đốt dầu sang than của nhà máy Xi măng Hà Tiên II, đã đưa vào sử dụng, mỗi năm tiết kiệm hàng chục tỷ đồng; dự án nâng công suất lò nung thêm 10% của Công ty Xi măng Hoàng Mai, được triển khai và áp dụng thành công cho tất cả các công ty xi măng khác trong Tổng công ty, đã nâng công suất của ViCem lên tương đương với công suất của một nhà máy đầu tư mới. Ngoài ra các đơn vị của ViCem còn thực hiện thành công một số dự án khác như: tận dụng nhiệt thừa để chạy máy phát điện, sử dụng phụ gia giá rẻ để giảm chi phí sản xuất; rà soát, sắp xếp một cách hợp lý để giảm chi phí trong khâu lưu thông và tiêu thụ sản phẩm.  Cùng với đầu tư đổi mới công nghệ, ViCem đã chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật có trình độ, làm chủ được những dây chuyền sản xuất tiên tiến; đồng thời đưa công nghệ tin học vào hoạt động quản lý, nhằm tinh giảm bộ máy, nâng cao năng suất lao động. Từ năm 2003 đến tháng 6/2010, ViCem đã tổ chức 125 khóa đào tạo bồi dưỡng kỹ thuật cho 4.673 lượt cán bộ, kỹ sư và công nhân, trong đó có 20 khóa đào tạo tại nước ngoài.

Hiện nay vừa khai thác, sử dụng có hiệu quả các dự án đã đầu tư, ViCem vừa tăng cường đầu tư vào lĩnh vực bê tông trộn sẵn, cốt liệu, bê tông đúc sẵn, vật liệu xây dựng không nung; phấn đấu năm 2010 có tổng doanh thu 24 nghìn tỷ đồng, năm 2011 trở thành Tập đoàn Công nghiệp Xi măng Việt Nam, có năng lực và vị thế trong khu vực và Châu Á.

           

     

.
.
.
.