.
.

Đảm bảo nguồn xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng

Thứ Bảy, 07/05/2011|09:52

Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (TCT) tập trung làm tốt một số công việc liên quan chặt chẽ nhiệm vụ trọng tâm bình ổn thị trường xăng, dầu.

Bảo đảm nguồn xăng, dầu cho sản xuất, tiêu dùng

Ngoài việc triệt để thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí ở tất cả các khâu kinh doanh, toàn TCT tập trung thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm là tập trung lo đủ nguồn hàng và rà soát đầu tư, bảo đảm hiệu quả.

Bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn xăng, dầu

Những tháng gần đây, khi thị trường xăng, dầu thế giới biến động mạnh, giá tăng liên tục kéo theo những hệ lụy đối với thị trường xăng, dầu trong nước. Với vai trò của một doanh nghiệp (DN) chủ đạo, tham gia tích cực bình ổn thị trường xăng, dầu, trong những tháng còn lại của năm 2011, lãnh đạo TCT tổ chức điều hành quyết liệt, bảo đảm đủ nguồn hàng cho lưu thông trong mọi tình huống, thực hiện một số giải pháp bình ổn thị trường. Trong đó ưu tiên mua tối đa nguồn xăng, dầu sản xuất từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, góp phần giảm nhập siêu cùng với tổ chức nhập khẩu để bảo đảm đủ số lượng và cơ cấu các loại xăng, dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ tiêu Bộ Công thương giao. Trước những diễn biến phức tạp của thị trường xăng, dầu thế giới các phòng nghiệp vụ tăng cường nghiên cứu, phân tích và dự báo sát xu hướng giá xăng, dầu thế giới để chủ động tiến độ nhập khẩu. Tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các hình thức mua hàng phù hợp; thường xuyên phân tích, đánh giá chất lượng các nhà cung cấp hiện tại cũng như khả năng phát triển thêm các nhà cung cấp mới nhằm nâng cao tính ổn định và khả năng cung cấp cũng như giá cả, điều kiện thanh toán, quan hệ hợp tác... Ðể ổn định nguồn xăng, dầu nhập khẩu, TCT thực hiện phương châm linh hoạt trong sử dụng đồng tiền thanh toán quốc tế theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước, khai thác mức cao nhất các hạn mức tín dụng của các ngân hàng nước ngoài khi có lãi suất cạnh tranh.

Khâu tổ chức bán lẻ có ý nghĩa quyết định việc bình ổn thị trường. Hiện nay, với mạng lưới 2.150 cửa hàng xăng, dầu rải đều khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa và các trung tâm sản xuất hàng hóa, để cung ứng đủ nguồn hàng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu dùng, làm tốt nhiệm vụ bình ổn thị trường, trong thời gian tới, TCT sẽ tập trung đầu tư cải tạo mở rộng để tăng sản lượng bán ra. Trong đó, đặc biệt chú trọng phương thức xuất bán trực tiếp tới người tiêu dùng. Tiếp tục duy trì thị phần tại các thị trường, đồng thời tìm kiếm thêm thị trường mới để tăng khả năng hoạt động tái xuất. Ðối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác và dịch vụ, thực hiện mục tiêu phát triển xoay quanh trục chính là hoạt động kinh doanh xăng, dầu, khai thác đến mức cao nhất và hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có để tiết giảm đầu tư.

Việc đầu tư tăng khả năng bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng sẽ được mở rộng ra địa bàn cả nước, trong đó đặc biệt chú trọng các thị trường nhạy cảm như Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ để bổ sung kịp thời nguồn hàng và tăng cường khâu bán lẻ trực tiếp, đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng, ứng phó kịp thời khi giá xăng, dầu tăng cao, một số đầu mối kinh doanh xăng, dầu giảm sản lượng bán ra. Ðối với các cửa hàng ở khu vực biên giới, tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán lẻ xăng, dầu. Yêu cầu các đại lý, tổng đại lý xác định nhu cầu tiêu thụ tại từng khu vực biên giới, trên cơ sở hợp đồng về khối lượng xăng, dầu đã ký, tổ chứccung ứng hàng với sản lượng hợp lý đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất tại từng khu vực. Chỉ đạo các cửa hàng chỉ bán xăng, dầu trực tiếp vào phương tiện, không bán vào can và các dụng cụ chứa. Trường hợp hộ nông dân sản xuất nông nghiệp mua phục vụ máy móc phải có xác nhận của UBND xã mới được mua vào các dụng cụ chứa. Ðây là những biện pháp nhằm ngăn chặn nạn xuất lậu xăng, dầu qua biên giới trong khi mức chênh lệch giá còn cao.

Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đã khẳng định tiếp tục vận hành thị trường xăng, dầu theo cơ chế thị trường đã được xác định tại Nghị định số 84/NÐ-CP. Theo định hướng này, giá xăng, dầu sẽ từng bước được điều chỉnh, việc tăng giá sẽ tác động trực tiếp đến đời sống người dân, nhất là các hộ nghèo làm nghề đánh bắt hải sản, làm nông nghiệp. Ðể thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, TCT đã nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ các hộ nghèo khi sử dụng xăng, dầu.

Tiết kiệm triệt để trong đầu tư

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, công tác rà soát đầu tư trong năm 2011 phải cân nhắc kỹ về hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ mở rộng kinh doanh trong những năm tới. Ðể đạt được mục tiêu, TCT đang tổ chức rà soát lại danh mục đầu tư theo nguyên tắc trước khi đầu tư các dự án phải được tính toán hiệu quả về đầu tư và thị trường, nguồn vốn, tập trung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chính. Ðối với những dự án đã khởi công tập trung đẩy nhanh tiến độ, nhất là các công trình trọng điểm; giãn tiến độ hoặc cắt giảm các công trình, hạng mục chưa thật cấp bách. Riêng việc mua sắm ô-tô thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, tạm dừng mua sắm ô-tô từ bốn đến 16 chỗ ngồi có nguồn gốc nhập khẩu để giảm nhập siêu, hạn chế đến mức thấp nhất việc tăng thêm xe mới. Riêng hệ thống cơ sở vật chất đang phục vụ kinh doanh, đẩy mạnh sửa chữa, nâng cấp để kéo dài thời gian sử dụng thay thế cho đầu tư mới. Tập trung vốn, nhân lực thi công dứt điểm các dự án đầu tư dở dang; rút ngắn thời gian quyết toán công trình, sớm đưa tài sản vào khai thác.

Theo tinh thần triệt để thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong năm 2011, TCT tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm, tháng 10-2011 đưa Kho xăng, dầu ngoại quan Vân Phong (Khánh Hòa) sức chứa giai đoạn 1 là 500 nghìn m3 vào hoạt động. Ðẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp tuyến ống, thiết bị, kho chứa của Tổng kho xăng, dầu B12 (Quảng Ninh) nhằm khai thác mức cao nhất phương thức vận chuyển xăng, dầu bằng đường ống, giảm mật độ vận tải xăng, dầu bằng đường bộ cho tuyến sau, góp phần tiết kiệm chi phí lưu thông, hạn chế ách tắc và tai nạn giao thông từ Quảng Ninh đi các tỉnh. Tổng kho Nhà Bè hiện nay có tổng sức chứa 250 nghìn m3 sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp, nâng sức chứa thêm 50 nghìn m3. Với ba dự án đầu tư đang được triển khai khẩn trương, TCT sẽ có đủ hệ thống kho tàng, trang thiết bị để chủ động nhập khẩu, dự trữ hàng hóa, nhất là thời kỳ giá xăng, dầu thế giới biến động, bảo đảm đủ nguồn hàng cho lưu thông ở ba khu vực miền bắc, miền trung Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ, đẩy mạnh hoạt động tái xuất xăng, dầu để tăng hiệu quả kinh doanh. Quá trình triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, TCT và các đơn vị thành viên tổ chức phân tích chi phí kinh doanh để đánh giá các nguyên nhân tăng, giảm chi phí, xác định nội dung chi phí có thể tiết giảm, nhất là cơ cấu và năng suất lao động; chi phí vận tải, chi phí hao hụt để từ đó tập trung tiết giảm mạnh các chi phí quản lý nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Bùi Ngọc Bảo

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc

Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam

 

.
.
.
.