.
.

Phát huy vai trò động lực tăng trưởng của công nghiệp-xây dựng

Thứ Tư, 03/10/2012|13:54

Với mục tiêu tổng quát đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì vậy, cần phải phát huy vai trò đầu tàu và động lực tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng.

Xét cơ cấu GDP qua một số năm có thể nhận thấy tỷ trọng nông, lâm nghiệp – thuỷ sản (trên sơ đồ có màu tím nhạt) 9 tháng năm 2012 giảm so với 9 tháng 2011, vì giá lương thực – thực phẩm tăng thấp, thậm chí còn bị giảm, trong khi tỷ trọng công nghiệp – xây dựng tăng nhẹ vì giá công nghệ thực phẩm tăng cao hơn và tồn kho nhiều hơn.

Từ các con số này có thể nói, trong nhiều năm trước đây, GDP do nhóm ngành công nghiệp- xây dựng tạo ra đã có tỷ trọng cao nhất trong 3 nhóm ngành (nông, lâm nghiệp- thuỷ sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ) và có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng GDP của toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, nhóm ngành công nghiệp- xây dựng đã trở thành đầu tàu và động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên từ mấy năm nay, nhất là từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam, với độ mở rộng, đã bị ảnh hưởng lớn của cuộc khủng hoảng này, lại “cộng hưởng” với những hạn chế, bất cập của nền kinh tế ở trong nước, đã bị tăng chậm lại. Trong 3 nhóm ngành, thì tốc độ tăng GDP của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng đã bị chậm lại nhanh hơn và đã có một số năm (như 2008, 2010) còn tăng thấp hơn tốc độ tăng của toàn bộ nền kinh tế.

Tốc độ tăng của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng trong 9 tháng năm 2012 theo công bố của Tổng cục Thống kê như sau.

Tốc độ tăng GDP của các nhóm ngành (so sánh cùng kỳ). Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tốc độ tăng GDP của các nhóm ngành (so sánh cùng kỳ). Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tốc độ tăng của toàn bộ nền kinh tế và cả 3 nhóm ngành đều giảm mạnh, nhưng của nhóm ngành công nghiệp – xây dựng giảm sâu hơn và 9 tháng năm nay thấp hơn.

Từ biểu đồ trên và các thông tin chi tiết, có thể nhận diện về tốc độ tăng GDP của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng trên một số nét chủ yếu.

Thứ nhất, tăng trưởng của toàn nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đã rơi xuống “đáy” vào quý I khi tốc độ tăng ở mức thấp nhất so với nhiều quý trước đó.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng GDP do nhóm ngành công nghiệp- xây dựng đã có xu hướng cao lên qua các quý, tức là tốc độ tăng của quý sau cao hơn tốc độ tăng của quý trước. Như vậy, nếu coi tốc độ tăng của quý I là “đáy”, thì quý II đã có dấu hiệu “thoát đáy vượt dốc đi lên”.

Thứ ba, công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn ngành công nghiệp (9 tháng năm nay chiếm 52,3%, các năm trước còn chiếm tỷ trọng cao hơn) và thường được coi là ranh giới để phân biệt là đã trở thành nước công nghiệp hay chưa, đã tăng thấp hơn tốc độ tăng chung là điều rất đáng quan tâm.

Thứ tư, ngành xây dựng- ngành tạo ra các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và thu hút một lực lượng lao động quan trọng- đã bị giảm trong năm 2011, nay lại giảm sâu trong quý I và vẫn còn giảm trong 6 tháng là một yếu tố quan trọng của việc sút giảm của công nghiệp vật liệu xây dựng...

Thứ năm, mặc dù tốc độ tăng trưởng của toàn nhóm ngành công nghiệp- xây dựng đã có đà cao lên từ quý II, nhưng tính chung 9 tháng vẫn còn tăng thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ hai năm trước (4,36% so với 5,85% của cùng kỳ năm 2011 và 7,28% của cùng kỳ năm 2010) và tăng thấp hơn tốc độ tăng của toàn bộ nền kinh tế (4,36% so với 4,73%), chỉ đóng góp 1,82 điểm phần trăm hay chưa được 38,5% vào tốc độ tăng chung.

Sự sụt giảm tăng trưởng của GDP do nhóm ngành công nghiệp- xây dựng do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do ở đầu vào vừa thiếu vốn, khó tiếp cận vốn, lãi suất cao, nợ xấu tăng cao. Có nguyên nhân do ở đầu ra, việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, tồn kho sản phẩm tăng, dù đã chậm lại trong các thời điểm gần đây (từ 34,9% vào tháng 3 còn 20,4% vào 1/9) nhưng vẫn còn cao, trong đó của một số ngành còn cao hơn (như xi măng, sắt thép, may, ô tô, xe máy).

Để đẩy nhanh sự phục hồi của công nghiệp - xây dựng cũng như phát huy vai trò đầu tàu của nhóm ngành này trong nền kinh tế, tác giả bài viết đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như Nghị quyết 13 của Chính phủ; mở rộng hơn nữa đối tượng cho vay khác, nhất là các lĩnh vực đang có thị trường tiêu thụ.

Thứ hai, cơ cấu lại nợ cả về thời hạn, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ... theo tinh thần Nghị quyết 13. Nghiên cứu các điều kiện cho vay, nhất là mở rộng thế chấp bằng hàng tồn kho, hay tín chấp bằng hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, bảo lãnh tín dụng....

Thứ ba, khẩn trương xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu của những doanh nghiệp vì những lý do khách quan hoặc có triển vọng phục hồi nhanh...; nghĩa là tương ứng với đối tượng ưu tiên của Nghị quyết 13.

Thứ tư, đưa dư nợ tín dụng cho ngành công nghiệp- xây dựng trong tổng dư nợ tín dụng ngang bằng với tỷ trọng trong GDP (41,0%).

Thứ năm, đã đến thời kỳ các ngân hàng thương mại cần chủ động tìm đến với các doanh nghiệp, các dự án vừa để tiếp thị, vừa để phối hợp với doanh nghiệp, ban quản lý dự án tháo gỡ khó khăn; chuyển đổi vị thế lâu nay là doanh nghiệp phải tìm đến ngân hàng sang ngân hàng chủ động tìm đến doanh nghiệp.

Thứ sáu, khơi thông việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, nhất là vật liệu xây dựng, trong đó có một số hướng quan trọng, như các công trình của chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng công nghiệp phụ trợ; đưa công nghiệp về nông thôn, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Thứ bảy, có một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần có gói “kích cầu” như năm 2009. Người viết cho rằng có thể tăng liều lượng và đẩy nhanh việc thực hiện các biện pháp mà Nghị quyết 13 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ mà không nên sử dụng gói kích cầu như năm 2009.

Lý do là: (1) Tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng công nghiệp- xây dựng đang có xu hướng thoát đáy vượt dốc đi lên; cũng cần đổi mới tư duy để chấp nhận tốc độ tăng trưởng khoảng trên 5% là tốc độ tăng trưởng hợp lý trong điều kiện hiện nay, vẫn phải kiên định và nhất quán thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

(2) Việt Nam vừa bước vào công cuộc tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ bề rộng, số lượng sang chiều sâu, chất lượng.

Minh Ngọc (Theo Chinhphu.vn)

.
.
.
.