.
.

Công trường Thủy điện Lai Châu chuẩn bị đổ Bê tông đầm lăn RCC

Thứ Tư, 06/03/2013|21:26

Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia Việt Nam được khởi công xây dựng vào ngày 5/1/2011 tại xã Nậm Hàng huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Công trình này được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính Sông Đà, bậc trên của Thủy điện Sơn La.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của công trình ước tính hơn 35.700 tỷ đồng. Nhà máy Thủy điện Lai Châu gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp máy 1.200 MW, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Tổ hợp nhà thầu thi công công trình chính sẽ là Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Licogi, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn.

            Niềm vui người thợ

            Sau ngày tết Nguyên Đán công trình thủy điện Lai Châu lại trở về với sự hối hả tấp nập thi công chạy đua cùng thời gian để đổ bê tông đầm lăn RCC đúng tiến độ. Giữa tiết trời tháng ba, nhiệt độ giữa ngày và đêm của thủy điện Lai Châu thực sự khắc nghiệt, ban đêm còn đắp chăn bông mà ban ngày thì nắng như lửa đốt. Giữa đại ngàn mênh mông, dòng sông Đà chảy xiết tung sóng cuộn trào. Bây giờ là thời điểm cả công trường đang gấp rút hoàn thành những công việc cuối cùng để đổ bê tông đầm lăn RCC. Chị Hoàng Thị Yêu công nhân Công ty cổ phần Sông Đà 8 là người dân tộc Thái, quê chị ở Mường Lay-Điện Biên. Cầm chiếc khăn trên tay lau qua những giọt mồ hôi còn đọng lại trên đôi gò má kể lại “quê tớ nghèo lắm. Nhà ở miền núi nhưng không có nương ngô, chỉ trồng lúa nước, làm cả năm mà vẫn không đủ ăn. Nhà tớ có hai đứa con, đứa lớn học Đại học Tây Bắc năm thứ hai, đứa nhỏ năm nay cũng vào học lớp 6. Một năm trồng hai vụ lúa, ngoài ra chẳng có thu nhập gì thêm”. Tôi hỏi “chị về làm ở công trường lâu chưa?” Chị Yêu kể tiếp “tớ xin vào làm cho Sông Đà 8 được hơn một năm. Ngày trước thì nấu cơm, bây giờ xin ra làm công tác dọn nền đá bởi nó phù hợp với những người từng làm nông nghiệp. Thu nhập hàng tháng cũng đủ nuôi cho hai đứa con ăn học”. Trong lúc kinh tế suy thoái, thất nghiệp gia tăng, có một nơi làm việc như công trường thủy điện Lai Châu là niềm vui lớn của nhiều gia đình. Gia đình anh Phạm Ngọc Thiết và chị Lê Thị Thúy công nhân chi nhánh Sông Đà 707-Công ty cổ phần Sông Đà 7 đã cùng nhau gắn bó trên nhiều công trường. Xây dựng xong thủy điện Tuyên Quang họ đến với thủy điện Sơn La, thủy điện Sơn La vừa khánh thành niềm vui chưa dứt họ lại cùng nhau khăn gói lên đường  đến công trường thủy điện Lai Châu. Cuộc sống nơi công trường xa quê hương, xa làng xóm cả ngày tiếp xúc với bê tông, cốt thép, đất đá, khói mìn, bụi đất, tiếng động cơ… và cả  tiếng cười của đồng nghiệp. Chị Thúy tâm sự “ngày mới đi làm thủy điện buồn lắm, đang quen với xóm làng đông đúc, quen buổi chợ phiên, chăn nuôi gà lợn bỗng dưng thay đổi để làm quen với bê tông, cốt thép… hai vợ chồng đi công trường lâu dần thành quen, cả năm về quê ba, bốn lần. Các cháu nhà mình có đứa thì cho về quê cùng ông bà, đứa thì cho đi theo công trường cùng bố mẹ. Hai vợ chồng làm vất vả nhưng cũng đủ tiền nuôi con, về quê bây giờ khó khăn lắm chẳng biết xoay sở kiểu gì để kiếm sống”. Với hàng ngàn lao động trên công trường thủy điện Lai Châu thì cuộc sống của những người có hoàn cảnh như chị Yêu, chị Thúy không có gì xa lạ. Họ đến từ mọi miền của tổ quốc để kiếm kế sinh nhai cùng gia đình vượt qua khó khăn trong thời buổi kinh tế còn suy thoái.

Hối hả nhịp điệu công trường

            Để kịp tiến độ đổ bê tông đầm lăn RCC khối đầu tiên, hàng ngàn công nhân trên công trường trường thủy điện Lai Châu đang ngày đêm lăn lộn chạy đua với thời gian. Hai bờ sông ngày xưa có nhiều đứt gãy địa chất làm cho đất đá bị cà nát vỡ vụn. Công nhân của Công ty cổ phần Sông Đà 7, Công ty cổ phần Sông Đà 9, Công ty cổ phần Sông Đà 6 phải cho đào từng khe đá nứt nẻ ăn sâu trong lòng núi. Công việc này chủ yếu làm bằng thủ công, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ. Nhiều vị trí sâu tới 3m, người chui vào còn khó khăn nhưng vẫn phải nhặt từng viên đá đưa ra ngoài. Nền đá phải được rửa sạch như rửa sân nhà. Ngoài ra phải được các chuyên gia nước ngoài đánh giá địa chất, nghiệm thu trước khi đổ bê tông. Để có được mặt bằng như ngày hôm nay Tổng công ty xây dựng Sông Đà, Tổng công ty XD Trường Sơn, Tổng công ty Licôgi đã phải cho đào xúc, vận chuyển 976.000m3 khối đất đá, khoan phun chống thấm và gia cố 13200md, có những lỗ khoan sâu vài chục mét xuống lòng đất sau đó phun xi măng hòa nước để làm chắc nền đá và chống thấm cho công trình. 

            Thời gian làm việc trên công trường phải tranh thủ từng phút, từng giây. Cán bộ công nhân làm việc 3 ca liên tục. Theo nội dung buổi họp Ban chỉ đạo nhà nước tại công trường thủy điện Lai Châu ngày 4/3/2013 “quyết tâm dồn toàn bộ lực lượng, đẩy nhanh tiến độ, bắt đầu thi công bê tông RCC ngày 6/3/2012”. Mệnh lệnh đó được toàn bộ công trường hưởng ứng, hăng hái ra sức thi đua lập thành tích để đạt được mục tiêu, tiến độ đã đề ra.

                                                                                                                             Công Tấn

.
.
.
.