Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022:
Khắc ghi lời Bác "Yêu xe như con, quý xăng như máu"
“Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa, nay đã trở thành khẩu hiệu hành động cho toàn ngành vận tải nói chung, và Tổng công ty Hàng không Việt Nam-VNA (TCT) nói riêng.
Để thích ứng với đại dịch Covid-19, TCT đã và đang vận dụng mọi biện pháp tự thân nhằm tháo gỡ khó khăn, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả. Từng bước nâng cao đời sống, thu nhập người lao động.
Nếu như trong 2 năm 2020-2021, TCT thực hiện triệt để “cắt-giảm-giãn-hoãn” từng cấp lãnh đạo đi đàm phán với các đối tác, bạn hàng trong nước và quốc tế để cắt giảm, giãn, hoãn các khoản chi phí nhằm đảm bảo dòng tiền TCT. Kết quả đáng ghi nhận khi TCT đã thực hiện “cắt-giảm-giãn-hoãn” với số tiền lên tới hơn 5.500 tỷ đồng. Các nỗ lực này cùng với những hỗ trợ của Đảng, Nhà nước với Hãng hàng không Quốc gia và hơn hết là sự tin yêu ủng hộ của khách hàng giúp TCT tồn tại qua đại dịch trong bối cảnh rất nhiều hãng hàng không phải tiến hành phá sản, bảo hộ phá sản, sa thải nhân công diện rộng.
VNA là một trong ít hãng hàng không có chứng chỉ Khai thác tầm bay mở rộng tàu bay trang bị hai động cơ. |
Bước vào năm 2022, nhờ chiến dịch tiêm chủng thần tốc và các quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thị trường hàng không trong nước phục hồi mạnh mẽ, các đường bay đường bay quốc tế cũng được mở theo phương châm thích ứng linh hoạt. Hoạt động khai thác trở lại giúp TCT cải thiện về dòng tiền. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh kinh tế trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp đã có những tác động đến các mặt đời sống kinh tế, xã hội trên đất nước ta. Đặc biệt là giá xăng, dầu đang liên tục tăng cao kỷ lục, tình hình lạm phát gia tăng tiếp tục khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT gặp vô vàn khó khăn. Trong cơ cấu hoạt động của TCT, xăng dầu đang chiếm tới 40% chi phí, nên khi xăng tăng đã đẩy biên độ lợi nhuận của TCT giảm mạnh. Để bù đắp bắt buộc phải tăng giá vé, tuy nhiên việc tăng giá bán còn được cân nhắc hài hòa trên cơ sở sức chi trả của khách hàng cũng như chính sách chung của nhà nước về kiềm chế lạm phát. Điều này dẫn đến một số đường bay, chủ yếu là các đường bay dài tới Châu Âu, Úc, Mỹ có nhiều chuyến bay không đủ chi phí. Nhưng với vai trò tiên phong của Hãng hàng không Quốc gia, TCT vừa thực hiện kinh doanh, vừa thực hiện vai trò kết nối giao thương, giới thiệu với thế giới về một Việt Nam thân thiện và mến khách. Chưa nói đến vị trí của của hàng không là doanh nghiệp đầu nguồn trong chuỗi dịch vụ như: thương mại, du lịch, khách sạn,… nên việc duy trì, mở rộng đường bay quốc tế không những giúp đi lại của người dân thuận lợi mà còn đưa đón khách du lịch để tạo công ăn việc làm cho chuỗi giá trị ngành dịch vụ.
Những người thợ kỹ thuật của VNA đảm bảo hệ số kỹ thuật luôn ở mức cao nhất. |
Luôn khắc ghi lời Bác dạy, cán bộ, nhân viên TCT nêu cao tinh thần “Yêu xe như con”, làm tốt công tác bảo dưỡng, sửa chữa, duy trì hệ số kỹ thuật phương tiện ở mức cao nhất. Với nguyên tắc “an toàn là ưu tiên số 1” trên toàn hệ thống, những nỗ lực đó được minh chứng thông qua chỉ số an toàn bay luôn được giữ vững trong hơn 20 năm qua. Gần đây nhất TCT đã được cấp phép “khai thác tầm bay mở rộng tàu bay trang bị 02 động cơ”; kết quả này tương đương với các hãng hàng không hàng đầu thế giới và khu vực như: Quatar Airways, Singapore Airlines, Japan Airlines, Eva Air. Vận hành an toàn chính là niềm tự hào cũng như là yếu tố quan trọng nhất trong dây chuyền sản phẩm, dịch vụ 4 sao của Hãng.
Ngoài việc tiếp tục làm tốt công tác bảo dưỡng, hơn lúc nào hết việc tiết kiệm từng đơn vị xăng, giảm từng cân vật dụng không cần thiết trên máy lại là vấn đề cần hành động khẩn thiết tới như vậy. “Tiết kiệm và tối ưu hóa chi phí” là đề bài đặt ra cho mỗi người lao động lúc này. Nếu như “cắt-giảm-giãn-hoãn” là công việc được các cấp lãnh đạo, quản lý thực hiện triệt để nhằm giúp TCT trụ vững qua 2 năm đại dịch thì “Tiết kiệm và tối ưu hóa chi phí” là việc mỗi người lao động chúng ta cần cùng chung tay hành động ngay để TCT phục hồi và phát triển thời gian tới. Cần hiểu tiết kiệm trên nghĩa rộng, không chỉ cắt giảm đơn thuần mà còn là sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực chúng ta đang có. Với Khối văn phòng tiết kiệm đến từ việc nhỏ nhất như: triệt để tiết kiệm sử dụng giấy, sử dụng điều hòa, điện nước hợp lý. Với Khối thương mại đó là tăng hiệu quả các chi phí quảng cáo, xúc tiến thương mại. Với khối Khai thác bay là sử dụng các phương án đường bay hợp lý nhằm giảm chi phí bay…
Trong thời gian tới, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước sẽ tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", nhất là quan điểm về tiết kiệm. Các tổ chức Đảng, chính quyền cần phát huy phong trào thi đua tiết kiệm bằng nhiều hình thức, phát huy sáng kiến của người lao động. Đưa tiết kiệm và tối ưu hóa chi phí lên một bước mới, về cả chiều rộng và chiều sâu. Đây là giải pháp tình thế cũng như lâu dài, cần thực hiện kiên trì, bền bỉ.
Câu nói của Bác “Yêu xe như con, quý xăng như máu” - Lời dặn tưởng như đã cũ, nhưng sau đại dịch Covid-19 vừa qua mới thấy còn nguyên giá trị. Trong đại dịch chúng ta nhận ra rằng tài nguyên cho cuộc sống là hữu hạn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả không chỉ tốt cho từng cá nhân, cho TCT, cho công văn việc làm của mỗi chúng ta mà còn cho tương lai của những thế hệ mai sau.
Khối kỹ thuật thảo luận sôi nổi tìm giải pháp tiết kiệm và tối ưu hóa chi phí. |
Đỗ Đông Hưng - Đảng bộ Văn phòng Tổng công ty Hàng không Việt Nam