.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương - năm 2022

Vietcombank - 60 năm lớn mạnh cùng đất nước và cội nguồn sức mạnh

Thứ Ba, 01/11/2022|16:41

(Kỳ 1): Vietcombank - 60 năm lớn mạnh cùng đất nước

Hành trình 60 năm của Vietcombank đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; tham gia khắc phục khó khăn và tháo gỡ những khó khăn trong thời kỳ bao cấp, và là một ngân hàng tiên phong trong giai đoạn đổi mới, hội nhập và phát triển. Đặc biệt, 10 năm gần đây đánh dấu sự chuyển mình, bứt phá đầy ngoạn mục của Vietcombank với sự tăng trưởng hết sức ấn tượng về quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh doanh, thiết lập đỉnh cao cùng những thành công tiếp nối, mở ra vận hội lớn trong giai đoạn phát triển kế tiếp, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của Việt Nam.

Truyền thống anh hùng (1963 - 2000)

Tiền thân của Vietcombank là Sở Quản lý Ngoại hối thuộc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập ngày 20/01/1955 theo Nghị định 443/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm 1961, Sở Quản lý Ngoại hối được đổi tên thành Cục Ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị định 171/CP ngày 26/10/1961 của Hội đồng Chính phủ. Đơn vị này vừa thực hiện chức năng tham mưu, nghiên cứu chính sách quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại hối, vừa tiến hành các hoạt động nghiệp vụ kinh doanh của một Ngân hàng Thương mại Đối ngoại.

Giai đoạn 1963-1975:

Ngày 30/10/1962, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 115/CP thành lập Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam với nhiệm vụ kinh doanh ngoại hối, thanh toán quốc tế, tín dụng quốc tế, cho vay ngoại thương, tham gia quản lý ngoại hối, góp phần bảo vệ tiền tệ và tài sản nhà nước, tăng cường mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị và giao lưu văn hóa với nước ngoài. Ngày 01/04/1963 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt, Vietcombank đã đảm đương thành công nhiệm vụ lịch sử lớn lao là một Ngân hàng Thương mại đối ngoại duy nhất tại Việt Nam, vừa đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế của hậu phương miền Bắc, vừa làm tròn nhiệm vụ cung ứng ngoại tệ cho chiến trường miền Nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước mà tiêu biểu là hoạt động của B29. Tháng 4/1965 theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập một tổ chức chuyên trách nghiệp vụ thanh toán đặc biệt với bí danh B29 tại Vietcombank. Ra đời với một cơ cấu tổ chức rất gọn nhẹ, B29 hoạt động đơn tuyến và bảo mật đến mức tối đa được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Thường vụ Trung ương Cục Miền Nam. Với hơn 10 người hoạt động trong thời gian 10 năm, Quỹ Ngoại tệ đặc biệt B29 đã tham gia vận chuyển và chuyển khoản một lượng lớn ngoại tệ chi viện cho chiến trường miền Nam. “Con đường chuyển tiền” gắn với bí số B29 đã trở thành một trong 5 “đường mòn Hồ Chí Minh” huyền thoại, đóng góp quan trọng cho chiến thắng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một chiến công thầm lặng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà Cục Ngoại hối, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam có vinh dự được tham gia.

Giai đoạn 1975 - 1990:

Trong giai đoạn này, với vai trò là ngân hàng chuyên doanh đối ngoại, Vietcombank đã góp phần cùng cả nước đấu tranh bảo vệ quyền lợi quốc gia và chống lại cấm vận kinh tế. Sau ngày miền Nam giải phóng, bằng nhiều biện pháp tích cực và có hiệu quả, Vietcombank đã nhanh chóng tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ, đấu tranh với các ngân hàng nước ngoài, thu về cho quốc gia một khối lượng tài sản, vốn ở nước ngoài lên tới hàng trăm triệu đô la Mỹ, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

“Mong Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam phát huy mạnh mẽ truyền thống 30 năm qua, tiếp tục góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp đổi mới đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, đem lại đời sống ngày càng tốt đẹp cho nhân dân lao động”.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Cũng trong thời kỳ này, các mối quan hệ quốc tế của Vietcombank được mở rộng một bước đáng kể thông qua việc kế thừa quyền hội viên của Việt Nam tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), mở rộng mạng lưới ngân hàng đại lý với hơn 500 đơn vị ngân hàng đại lý trên toàn thế giới, mở văn phòng đại diện tại nước ngoài (Pháp, Thụy Điển…), tham gia các hoạt động tài chính, tiền tệ, thanh toán trong khối SEV. Vietcombank trở thành ngân hàng đối ngoại duy nhất của Việt Nam thực hiện độc quyền ngoại hối trên 3 phương diện: độc quyền ngoại tệ, độc quyền thanh toán giao dịch quốc tế, độc quyền cung ứng tín dụng xuất nhập khẩu. 

Với vai trò là ngân hàng chuyên doanh đối ngoại, Vietcombank đã đóng vai trò hết sức quan trọng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp và nông nghiệp thông qua cho vay và hỗ trợ doanh nghiệp, và là đơn vị đầu tiên đứng ra bảo lãnh nhập hàng trả chậm, sử dụng uy tín của mình vay các ngân hàng nước ngoài hàng trăm triệu đô la Mỹ, giúp tháo gỡ khó khăn chung của đất nước.

Giai đoạn 1990 - 2000:

Năm 1990, Đề án đổi mới hoạt động ngân hàng được Hội đồng Bộ trưởng thông qua, từ đây Vietcombank đã trở thành một ngân hàng thương mại quốc doanh, kinh doanh trong lĩnh vực đối ngoại. 

Với chức năng thực hiện quản lí vốn ngoại tệ tập trung vào năm 1993, Vietcombank đã chính thức tham gia sâu rộng hơn vào thị trường tiền tệ thế giới, gia nhập tổ chức thanh toán quốc tế SWIFT; là thành viên của Hiệp hội ngân hàng châu Á, gia nhập tổ chức thẻ quốc tế, đồng thời là ngân hàng sáng lập Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng. Trong giai đoạn này, Vietcombank đã tham gia đầu tư vào một loạt các dự án lớn trong các lĩnh vực trọng yếu của đất nước như đường ống khí đốt Nam Côn Sơn, Đạm Phú Mỹ, Thuỷ điện Yaly…

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn do sự bao vây cấm vận, Vietcombank đã hoàn thành xuất sắc vai trò ngân hàng đối ngoại duy nhất thay mặt quốc gia hoạt động trên thị trường tiền tệ, thị trường tài chính quốc tế, tham gia cùng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đàm phán xử lý thành công giảm công nợ Nhà nước tại Câu lạc bộ Paris và nợ thương mại tại Câu lạc bộ London, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn khủng hoảng, từng bước ổn định phát triển.

Không chỉ đảm bảo an toàn, hiệu quả cho hoạt động Ngân hàng, trong những thời điểm khó khăn của ngành ngân hàng Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, Vietcombank còn tham gia vào việc chấn chỉnh, củng cố, kiểm soát và xử lý một số NHTM cổ phần yếu kém. Với sự hỗ trợ hiệu quả của Vietcombank về nguồn vốn, nhân lực cũng như các giao dịch nghiệp vụ, các ngân hàng này đã vượt qua được những thời điểm khó khăn nhất của thị trường để từng bước ổn định và vươn lên.

Tiên phong hội nhập và phát triển (2000 - 2012)

Bước sang thời kỳ hội nhập và phát triển, một trong những bước đột phá của Vietcombank là việc xây dựng và thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu (2000-2005) mà trọng tâm là nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, đóng góp cho sự ổn định và phát triển kinh tế, đồng thời tạo dựng uy tín đối với cộng đồng tài chính khu vực và toàn cầu. 

Năm 2007, Vietcombank đã vinh dự được Đảng, Chính phủ lựa chọn là ngân hàng tiên phong thực hiện cổ phần hóa trong ngành ngân hàng và đã thực hiện thành công kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Sự kiện này đã đem lại cho ngân sách Nhà nước nguồn thu từ thặng dư IPO lên tới gần 10.000 tỷ đồng - một con số kỷ lục thời điểm đó.

Ngày 02/06/2008, Vietcombank đã chính thức hoàn tất chuyển đổi và hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần. Ngày 30/6/2009, Vietcombank chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, minh bạch hóa thông tin, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tháng 9/2011, Vietcombank một lần nữa tiên phong trong việc bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài thông qua việc ký kết Hợp đồng cổ đông chiến lược với Mizuho Corporate Bank thuộc Tập đoàn Tài chính Mizuho - Tập đoàn tài chính lớn thứ ba tại Nhật Bản và thứ 20 trên thế giới. Việc bán cổ phần chiến lược của Vietcombank đã trở thành thương vụ M&A lớn nhất khu vực trong năm, là minh chứng cho niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng và tương lai phát triển của thị trường tài chính Việt Nam nói chung và của Vietcombank nói riêng.

Bứt phá, hội nhập khu vực và thế giới (2012 - 2022)

Giai đoạn 2012 - 2022 đã đánh dấu sự chuyển mình, bứt phá đầy ngoạn mục của Vietcombank với sự tăng trưởng hết sức ấn tượng về quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành Ngân hàng và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Là một Ngân hàng TMCP Nhà nước có quy mô hoạt động lớn nhất trong hệ thống ngân hàng, Vietcombank luôn gương mẫu đi đầu trong việc nghiêm túc chấp hành và triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng góp phần không nhỏ vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng có hiệu quả các nhu cầu cho phát triển kinh tế.

Thực hiện chủ trương cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ và NHNN, đồng thời tiếp tục củng cố nội lực và giữ vững vị thế của mình, Vietcombank là ngân hàng tiên phong xây dựng và thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại và đạt được những chuyển dịch mang tính đột phá, toàn diện và ấn tượng,  đóng góp cho thành công của quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD nói riêng và cơ cấu lại nền kinh tế nói chung. 

Giai đoạn 2012 - 2022, quy mô tổng tài sản của Vietcombank tăng 3,5 lần, huy động vốn và tín dụng tăng ~4 lần. Cơ cấu kinh doanh chuyển dịch mạnh mẽ theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Vietcombank vươn lên là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Các chỉ tiêu an toàn, chỉ tiêu hiệu quả luôn tiên phong đáp ứng theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 1%, phân loại nợ theo chuẩn mực quốc tế; là ngân hàng đầu tiên xử lý được hết dư nợ bán cho VAMC, sớm hơn 3 năm so với quy định; là ngân hàng đầu tiên được NHNN chấp thuận áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN, trước thời hạn 1 năm so với quy định. Vietcombank luôn đạt lợi nhuận cao nhất ngành ngân hàng Việt Nam kể từ năm 2017, là ngân hàng Việt Nam đầu tiên đạt mốc lợi nhuận 1 tỷ USD năm 2019, nằm trong Top 200 tổ chức tài chính ngân hàng có lợi nhuận cao nhất toàn cầu. Tổng lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2017 - 2022 đạt 113,2 nghìn tỷ đồng, cao gấp gần 3,5 lần so với giai đoạn 2012 - 2016. Tổng nộp ngân sách nhà nước của Vietcombank trong giai đoạn 2012 - 2021 đạt trên 61.700 tỷ đồng, liên tục nằm trong top đầu các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất và là Ngân hàng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất ở Việt Nam.

Đi đầu trong đột phá công nghệ và chuyển đổi số nhằm cung ứng các sản phẩm ngân hàng hiện đại, chất lượng nhất, nhiều sản phẩm dịch vụ số của Vietcombank đã nhận được các giải thưởng uy tín như: Ngân hàng số VCB Digibank, nền tảng số đa kênh VCB DigiBiz, nền tảng số Cashup; ứng dụng CCCD gắn chip... Vietcombank đã được vinh danh là ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu năm 2020; là ngân hàng tiên phong được Chính phủ lựa chọn cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ Công quốc gia; đưa dịch vụ ngân hàng tới gần hơn với đông đảo người dân đặc biệt người dân ở các vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đến nay, Vietcombank là ngân hàng đứng đầu về quy mô khách hàng trên kênh số với gần 10 triệu khách hàng thường xuyên; 98% giao dịch của khách hàng được thực hiện trên các kênh số; trung bình mỗi ngày xử lý hơn 4 triệu giao dịch với giá trị gần 34 nghìn tỷ đồng/ngày.

Để thực hiện mục tiêu dẫn đầu về chất lượng nguồn nhân lực, Vietcombank nỗ lực đổi mới toàn diện công tác tổ chức và nhân sự, hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Từ năm 2015 đến 2021, số lượt đào tạo toàn hệ thống tăng gấp 5,5 lần, công tác đào tạo bài bản, hiệu quả giúp Vietcombank xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt tiến trình chuyển đổi số. Theo kết quả khảo sát của Công ty Anphabe, từ năm 2017 - 2020, Vietcombank liên tục khẳng định vị thế là ngân hàng có môi trường làm việc hấp dẫn nhất khi được bình chọn xếp thứ 1 toàn ngành ngân hàng, xếp thứ 2 toàn thị trường Việt Nam và trong Top 50 doanh nghiệp Việt có thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất. 

Đồng thời, Vietcombank đã không ngừng nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo. Trong giai đoạn 2012-2022, Vietcombank tích cực tham gia hoạt động KH&CN của ngành ngân hàng với 11 đề tài cấp bộ/ngành được nghiệm thu với chất lượng cao, đóng góp thiết thực cho Ngành thông qua các đề xuất, gợi ý có giá trị đối với các nhà tạo lập chính sách, các cơ quan quản lý.

Vietcombank là đơn vị chủ lực trong phát triển kinh tế đất nước, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thông qua việc tài trợ vốn các dự án trọng điểm như: Phát triển Mỏ khí Lan Tây, Lan Đỏ thuộc Lô 06.1; dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn; dự án nhà máy Đạm Phú Mỹ; dự án nhà máy điện Cà Mau; dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất; dự án nhà máy thủy điện Sơn La; Dự án Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4…

Vietcombank luôn nỗ lực và khẳng định vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, giữ vững sự ổn định của hệ thống. Vietcombank là trung tâm thanh toán bù trừ ngoại tệ, hỗ trợ tích cực thanh khoản cho các ngân hàng. Vietcombank có trên 200 khách hàng là các định chế tài chính với hàng ngàn tài khoản ngoại tệ và nội tệ. Trung bình mỗi ngày có hàng chục ngàn giao dịch được các khách hàng định chế tài chính thực hiện thông qua hệ thống Vietcombank. Sản phẩm VCBMoney được coi là 01 trong 02 hệ thống thanh toán quốc gia ở Việt Nam. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, Vietcombank đã tham gia chủ động và tích cực trong việc hỗ trợ, xử lý, củng cố các TCTD yếu kém.

Bên cạnh đó, Vietcombank chú trọng đi đầu thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hướng tới một ngân hàng xanh, phát triển bền vững vì cộng đồng. Trong giai đoạn 2012 - 2022, Vietcombank đã thực hiện các chương trình hỗ trợ an sinh xã hội với tổng số tiền trên 2.400 tỷ đồng. Vietcombank tiên phong thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN về việc miễn, giảm lãi, phí hỗ trợ khách hàng để giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19 với quy mô lên đến hơn 10.000 tỷ đồng. Vietcombank tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Tổng dư nợ tín dụng xanh tăng mạnh qua các năm, đến hết năm 2021 là gần 34.600 tỷ đồng.

Vietcombank đã khẳng định được vị thế tiên phong dẫn đầu ngành ngân hàng với nhiều giải thưởng lớn của các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế như: Ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất, Ngân hàng nộp thuế doanh nghiệp lớn nhất, Ngân hàng mạnh nhất Việt Nam, Ngân hàng tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng uy tín nhất Việt Nam, Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, là ngân hàng duy nhất trong Top 1000 doanh nghiệp đại chúng lớn nhất toàn cầu năm 2021…

Hành trình vươn ra biển lớn

Hành trình phát triển 60 năm đã tạo nền tảng vững chắc cho một Vietcombank lớn mạnh và chuẩn mực, một ngân hàng uy tín nhất tại Việt Nam. Giai đoạn 10 năm vừa qua (2012 - 2022) đã để lại những dấu ấn đậm nét về sự chuyển mình, bứt phá vươn lên của Vietcombank với sự tăng trưởng ấn tượng về quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh doanh, thiết lập đỉnh cao với những thành công tiếp nối, mở ra vận hội lớn cho Vietcombank trong giai đoạn phát triển kế tiếp. Trong giai đoạn mới, Vietcombank sẽ chinh phục hành trình “Vươn ra biển lớn”, tiếp tục tăng tốc trong kinh doanh, đón đầu xu thế mới trong công nghệ ngân hàng, thực hiện thành công tầm nhìn và mục tiêu chiến lược đã đề ra: xây dựng Vietcombank trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 Ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu có đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

“Vietcombank đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, có bước tiến vượt bậc, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, luôn giữ vị thế là một ngân hàng thương mại hàng đầu của nước ta; đồng thời gương mẫu đi đầu trong việc quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày nay.”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng [2]


Chi bộ 24, Ban Chiến lược, Tuyên giáo & Thư ký tổng hợp

(Đảng bộ Trụ sở chính VCB)

 

Tham khảo:

[1] Phát biểu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong dịp thăm Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, ngày 01/04/1993.

[2] Trích thư của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi cán bộ, nhân viên Vietcombank nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập (01/04/2018).

.
.
.
.