.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Tăng "sức đề kháng" cho đảng viên trong tình hình mới - Bài 1: Học tập chuyên đề - việc làm thường nhật, ý nghĩa lớn lao

Thứ Ba, 31/10/2023|11:43

Học tập chuyên đề một hoạt động thường kỳ, có thể ví với “món ăn thường nhật” trong sinh hoạt chi bộ, đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới để theo kịp xu thế phát triển Kinh tế - Văn hóa - Xã hội trong thời đại toàn cầu hóa, đòi hỏi cập nhật tình hình thời sự, chính trị của Việt Nam và thế giới đang biến đổi từng ngày. Trên góc độ công tác quản lý đảng viên, việc cải thiện hiệu quả học tập chuyên đề có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thiện đạo đức công vụ của đảng viên cũng như nâng cao chất lượng sinh hoạt tại chi bộ.

Vai trò của việc học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên có vị trí hết sức quan trọng và mang tính thời sự, thể hiện xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng ta phải đào tạo các thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng thành những người vừa "hồng" vừa "chuyên".

Hiện nay, trước tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì việc tăng cường giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Trong công tác giáo dục đảng viên, các tổ chức Đảng cần nhận thức được ý nghĩa trọng yếu của việc học tập chuyên đề. Xuất phát từ các buổi sinh hoạt chuyên đề đã diễn ra tại chi bộ, mỗi tổ chức Đảng cần đánh giá những mặt được và những điểm còn tồn tại, để từ đó xây dựng và triển khai những biện pháp khắc phục kịp thời và hiệu quả, đảm bảo việc học tập chuyên đề trở thành nơi để sàng lọc những tư tưởng lệch lạc, suy thoái, tiêu cực; loại bỏ những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, các chuyên đề sẽ trở thành kim chỉ nam hướng dẫn toàn thể đảng viên đi đúng từ nhận thức đến hành động, có hiểu biết đúng đắn về các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ đó, đảng viên có ý thức hơn trong việc giữ gìn đạo đức, phẩm cách của người đảng viên và trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Bài 1: Học tập chuyên đề - việc làm thường nhật, ý nghĩa lớn lao

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt” (1) ; “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì việc sẽ tốt” (2) ; “Muốn chi bộ phát triển tốt, thì cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng chi bộ”.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nội dung quan trọng đã được các cấp ủy Đảng hết sức quan tâm. Ngày 30/3/2007 Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; ngày 2/3/2012 Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 09-HD/ BTCTW về “Nội dung sinh hoạt chi bộ”, trong đó có sinh hoạt chuyên đề; ngày 06/7/2018, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 12/HD-BTCTW về hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt tại chi bộ; ngày16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 21/NQ-TW về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới…

Học tập chuyên đề, một hoạt động song hành với sinh hoạt chi bộ được hình thành trong nề nếp của mỗi tổ chức, cơ sở Đảng ngay từ những ngày đầu thành lập. Chất lượng sinh hoạt chuyên đề góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Có thể coi sinh hoạt chuyên đề là liều vắc-xin tạo sự miễn dịch cơ bản cho đảng viên trước những nguy cơ “thoái hóa, biến chất”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong “thế giới phẳng” tiềm ẩn nhiều nguy cơ hiện nay.

Với vai trò giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đảng viên về đạo đức, tư tưởng, bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, học tập chuyên đề trở thành một hoạt động có ảnh hưởng quan trọng về tinh thần, đồng thời có tính chất duy trì nề nếp của các tổ chức Đảng và rèn luyện tác phong của đảng viên. Từ đó, giúp xây dựng chi bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và thúc đẩy tính cách mạng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Những ý nghĩa đó được thể hiện rõ ràng qua các chức năng sau:

Một là, học tập chuyên đề là hoạt động mang tính giáo dục đảng viên một cách thường xuyên, cả về lý luận và thực tiễn. Thông qua các chuyên đề, những tấm gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, những ý tưởng mới, những tấm lòng nhân ái của cán bộ, đảng viên và quần chúng , được lan tỏa với vai trò là ví dụ sống động cho những lời dạy về đạo đức và những bài học vượt khó, sáng tạo... Không chỉ biểu dương những tấm gương tích cực, truyền cảm hứng đến các đảng viên, các chuyên đề còn truyền tải những bài học răn đe cần thiết, những hiện tượng tiêu cực đã lộ sáng đi cùng với hậu quả và những hình phạt đối với những cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm điều lệ Đảng và những điều đảng viên không được làm, vi phạm pháp luật, đi ngược lại quyền và lợi ích của nhân dân; gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những cán bộ đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. 

Ngoài chức năng giáo dục đạo đức tư tưởng, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn cũng là một chủ đề phát huy hiệu quả tích cực trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của tổ chức đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thúc đẩy các ý tưởng, sáng kiến cải tiến, hiến kế giải pháp cho hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp. Nội dung chuyên đề càng được chuẩn bị công phu, gắn các vấn đề lý luận với thực tiễn sinh động trong đời sống xã hội, tại địa phương và cơ quan đơn vị, thì hiệu quả giáo dục từ chuyên đề càng cao.

Hai là, sinh hoạt chuyên đề là hoạt động góp phần duy trì mối liên hệ, sự đoàn kết, chia sẻ giữa các đảng viên trong chi bộ thông qua các buổi sinh hoạt tập thể. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề chính là việc tổ chức làm việc nhóm từ khâu đề xuất ý tưởng, chuẩn bị tư liệu, lựa chọn hình thức thể hiện, phân công nhân sự thực hiện các khâu (xây dựng chuyên đề, tổ chức tuyên truyền, giáo dục trong chi bộ và lan tỏa trong quần chúng và người lao động…). Sinh hoạt chuyên đề tạo môi trường cho tư duy sáng tạo và duy trì sự tương tác, nâng cao khả năng phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các đảng viên trong chi bộ.

Ba là, học tập chuyên đề giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ. Việc học tập chuyên đề đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn vận động tư duy về Đảng, suy nghĩ về sứ mệnh chính trị của đơn vị và nhiệm vụ của bản thân được tổ chức giao phó, luôn phải cập nhật thông tin về các hoạt động kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương và của đất nước, những sự kiện diễn ra trong tổ chức và ngoài xã hội. Không những thế, các đảng viên phải luôn phải tìm tòi những mặt được và điểm còn tồn tại, những vướng mắc trong hoạt động của tổ chức để đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chi bộ. duy trì nề nếp sinh hoạt tập thể trong Đảng.

Bốn là, việc trở thành chủ thể thuyết trình hay thành viên chia sẻ, tham gia ý kiến đặt mỗi đảng viên vào vị trí phải “tự soi” lại bản thân mình, phải gương mẫu, có tác phong mực thước trước khi truyền tải mỗi bài học đến các đảng viên khác, phải tự kiểm điểm, tự phê bình trước khi bước vào mỗi chuyên đề được phân tích trong sinh hoạt chi bộ. Do đó, học tập chuyên đề giúp khơi dậy tính chiến đấu trong đảng, khuyến khích tinh thần phê bình, tự phê bình, “tự soi, tự sửa”.

Năm là, học tập chuyên đề chính là một con đường thẳng đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào thực tiễn công tác của chi bộ, của đảng viên, hiện thực hóa những bài học của Bác trong đời sống. Trong quá trình sinh hoạt chi bộ, các đơn vị có thể áp dụng những giá trị trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chung và nhiệm vụ cụ thể của mỗi đảng viên. Hàng năm, căn cứ vào Chuyên đề toàn khóa do Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai, các chi bộ xây dựng nội dung Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bám sát chủ đề của năm và giải quyết các vấn đề cấp bách của chi bộ mình, minh họa bằng những sự kiện, những vấn đề nóng đang được Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân quan tâm.

Sáu là, việc học tập chuyên đề trên góc độ nào đó phản ánh những vấn đề còn thiếu, còn yếu hoặc đang cần có sự quan tâm của đơn vị. Một cách logic, việc tìm kiếm và xây dựng chuyên đề sẽ bắt nguồn từ những vấn đề còn vướng mắc, những hiện tượng gây bức xúc dư luận hoặc những mục tiêu mà chi bộ đang mong muốn đạt được. Do đó, nội dung của chuyên đề ở mỗi chi bộ nếu được xây dựng một cách tâm huyết, sẽ là tấm gương phản chiếu phần nào thực trạng công tác Đảng cũng như công tác quản lý chính quyền và thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị, thông qua chủ đề của các chuyên đề có thể “bắt hình dong” những hạn chế nếu có hay mong muốn, “tâm tư, nguyện vọng” của mỗi chi bộ, đảng viên.

Việc quản lý, giáo dục đảng viên ở thời kỳ nào cũng mang ý nghĩa then chốt đối với công tác xây dựng Đảng. Tạo cơ chế “miễn dịch” chủ động cho đảng viên chính là vai trò trọng yếu của công tác sinh hoạt chuyên đề ở các tổ chức cơ sở Đảng. Vì vậy, nâng cao chất lượng học tập chuyên đề chính là giải pháp hữu hiệu và chủ động để tăng cường “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên trước những nguy cơ, thách thức mới đến từ xã hội hiện đại và không ngừng biến động hiện nay.

Trần Thị Khánh Ngọc, Đảng bộ Chi nhánh TCT HKVN khu vực Việt Nam (CNVN)

.
.
.
.