.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Kỳ 2: Văn hóa doanh nghiệp - "tài sản" vô hình cho phát triển bền vững

Thứ Hai, 30/10/2023|18:09

Sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của doanh nghiệp không thể không kể tới yếu tố VHDN. Một doanh nghiệp có nền tảng văn hoá mạnh, phù hợp với chiến lược dài hạn sẽ giúp cho nhân viên cảm thấy tự hào và gắn bó với tổ chức của họ. Hiểu được tầm quan trọng và giá trị của VHDN, nhiều đơn vị trong hệ thống Vinatex đã chú trọng xây dựng, duy trì và phát triển để gặt hái được những thành công nhất định.

*Đồng chí Nguyễn Đức Trị - Phó Tổng Giám đốc Vinatex, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ: Sức mạnh giúp doanh nghiệp vượt qua sóng gió, đứng vững và trưởng thành

     Dịch bệnh rồi biến động kinh tế, chính trị trên thế giới đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Những lúc này, VHDN chính là sức mạnh giúp doanh nghiệp có thể vượt qua sóng gió, đứng vững và trưởng thành.

Khẩu hiệu của Hòa Thọ là: “Hòa cùng thời đại, Thọ với nhân văn” cũng chính là căn cốt xây dựng văn hóa doanh nghiệp của đơn vị. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng ủy Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ bắt đầu tạo dựng VHDN từ nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ quản lý, lãnh đạo, đảng viên. Trước tiên, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải hiểu đầy đủ về vai trò của mình trong sự nghiệp tạo dựng doanh nghiệp, từ đó xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm, nâng cao năng lực, niềm tin và sự tự hào vào tổ chức; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, có trách nhiệm với cộng đồng và toàn xã hội, chủ động phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững… Từ đây lan tỏa ra cán bộ nhân viên, người lao động tư duy đổi mới, khát vọng cống hiến, tinh thần sáng tạo, đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật cao, tuân thủ các qui định, quy chế của đơn vị, tận tụy, trách nhiệm với công việc được giao.          

        Kiên trì tạo dựng VHDN qua mỗi giai đoạn phát triển, có kế thừa, chọn lọc và tiếp thu, đưa giá trị văn hóa này “thấm” đến từng lĩnh vực, từng con người, Hòa Thọ từ một đơn vị khó khăn ở miền Trung đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam. 

       Càng “Hòa” vào biển lớn trong xu thế hội nhập toàn cầu, Hòa Thọ càng xác định những giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng vào xây dựng “nhân thuận”, đó là tập thể đoàn kết, có định hướng rõ ràng, có chí hướng để thực hiện và mỗi người là một “gia thuận” để đảm bảo yên tâm công tác như lời Chủ tịch HĐQT Vinatex nhắn nhủ khi về chúc Tết 2023 cán bộ nhân viên Hòa Thọ. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng VHDN Hòa Thọ là trục chính để các đơn vị trực thuộc linh hoạt xây dựng VHDN riêng của mình. Đó là, xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên sự tin cậy cao giữa các thành viên trong tổ chức; xây dựng văn hóa hợp tác và các kỹ năng hợp tác mới; cải tiến liên tục; tập trung vào khách hàng; có trách nhiệm; phát hiện sai và khắc phục nhanh. Trong đó xác định niềm tin tổ chức là giá trị cốt lõi nhất.

 Với 12 nhân tố cá nhân cần xây dựng trong quá trình tham gia xây dựng VHDN mà Tập đoàn gợi ý là: Chính trực, cống hiến, ưu tiên, hy sinh bản thân, phục vụ, trách nhiệm, trung tín, có đi có lại, đa dạng, học tập liên tục, rèn mới bản thân và dạy để học, Hòa Thọ thấy bao quát đầy đủ các yếu tố về tín- trí- tâm- tài- tình và sẽ bám sát theo đây để từng bước “xây” văn hóa mới, “dựng” cơ hội và thành công mới theo yêu cầu của chiến lược sản xuất kinh doanh mới. 

*Đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm- Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam: “Tạo được niềm tin của đoàn viên, người lao động vào doanh nghiệp và tổ chức”

Là tổ chức đại diện cho người lao động trong doanh nghiệp, Công đoàn (CĐ) có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển VHDN. Việc lựa chọn các điểm chung tốt, cùng doanh nghiệp vun đắp, thúc đẩy để hình thành và nâng dần mức độ trưởng thành của các khía cạnh văn hóa, cũng chính là nhằm xây dựng đội ngũ người lao động và tổ chức CĐ vững mạnh.  

Xây dựng VHDN thông qua chức năng tuyên truyền, giáo dục: điểm chung đầu tiên CĐ tham gia, đó là cùng doanh nghiệp xác định, phổ biến tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu của doanh nghiệp, các nguyên tắc ứng xử; vận động người lao động chấp hành kỷ luật lao động, rèn tác phong công nghiệp,... qua đó định hình những vấn đề căn bản của VHDN mà mọi thành viên cần hướng tới và thực hành. Bên cạnh đó, CĐ cần chủ động tham gia vào quá trình đào tạo trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, thúc đẩy ý thức học tập liên tục, rèn mới bản thân, nâng cao năng lực thích ứng cho người lao động, tạo nên sự chuyển biến trong người lao động từ hiểu việc đến giỏi việc và yêu việc mình làm, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ.

Xây dựng VHDN thông qua chức năng tham gia quản lý, tổ chức các phong trào thi đua: Văn hóa doanh nghiệp không là thứ xa vời mà chính là văn hóa ứng xử, quyền và trách nhiệm của mỗi bên trong quan hệ lao động được hiện hữu trong hệ thống văn bản nội bộ của doanh nghiệp, có sự tham gia xây dựng, triển khai và đánh giá thực hiện, đề xuất cải tiến của CĐ. Vì thế, điểm chung thứ hai mà CĐ đồng hành với DN đó là cùng doanh nghiệp xây dựng các nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể, tham gia các hội đồng tiền lương, sáng kiến, khen thưởng, kỷ luật,... có ý kiến kịp thời đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến người lao động. Đồng thời, với việc tổ chức các phong trào thi đua, đã hình thành ý thức lao động khẩn trương, nghiêm túc trong CNLĐ; lan tỏa, nhân rộng được các phương pháp hay, cách làm tốt, xây dựng được các điển hình tiên tiến - đây cũng là quá trình tạo động lực, truyền cảm hứng, khích lệ tình yêu nghề, mến nghiệp, hăng say lao động, gắn bó với tổ chức, tự hào với thành quả của tập thể.

Xây dựng VHDN thông qua chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ người lao động: Yếu tố để người lao động thấy gắn kết, ngoài việc tuyên truyền, lan tỏa tới họ những giá trị mang tính biểu tượng, thì điều quan trọng là họ được chăm lo, được bảo vệ, được đền đáp xứng đáng cho những gì mà họ đã nỗ lực cống hiến, và đây cũng chính là ý nghĩa của sự cho đi và nhận lại được định hình trong VHDN. Điểm chung mà CĐ có thể thực hiện ở khía cạnh này đó là cùng doanh nghiệp chăm lo đầy đủ đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; cải thiện điều kiện làm việc, các chính sách đãi ngộ; là cầu nối để doanh nghiệp và người lao động đối thoại, chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết, giải quyết kịp thời các bất cập nảy sinh; giúp người lao động yên tâm công tác, gắn bó với nghề.

Những việc làm này góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển VHDN, từ đó tạo được khả năng thích ứng, sự liên kết và phối hợp giữa các thành viên, tính nhất quán trong thực hành, tạo đòn bẩy kích thích sự sáng tạo, và đặc biệt là tạo được niềm tin của đoàn viên, người lao động vào doanh nghiệp và tổ chức.

 

*Đồng chí Nguyễn Quang Minh - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Việt Thắng-CTCP: “Muốn có văn hóa doanh nghiệp thì phải có những con người trong doanh nghiệp có văn hóa”

Trải qua lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển, Tổng Công ty Việt Thắng-CTCP đã tạo được nét văn hóa riêng mang tên “Văn hóa Việt Thắng” không lẫn với bất kỳ doanh nghiệp nào khác dù cùng ngành hay khác ngành. 

Gắn với những thăng trầm lịch sử, có những giai đoạn tưởng chừng không thể trụ lại với thị trường, nhưng với nét văn hóa riêng, dám hy sinh cái riêng để Việt Thắng tồn tại và phát triển đã tạo dựng được một Việt Thắng có tầm vóc như ngày hôm nay. Với phương châm: “Văn hóa doanh nghiệp soi đường cho người lao động đi”, lấy định hướng: “Muốn có văn hóa doanh nghiệp thì phải có những con người trong doanh nghiệp có văn hóa” mà văn hóa của mỗi cá nhân được hình thành từ ý thức của mỗi cá nhân đó, nên Việt Thắng đã sử dụng nhiều kênh khác nhau để hình thành ý thức tốt cho họ như: tuyên truyền, vận động, khuyến khích, nêu gương và kỷ luật... Điều này tác động đến tinh thần, thái độ và động cơ lao động của cán bộ, đảng viên, người lao động, giúp cho đội ngũ trong doanh nghiệp làm việc dựa trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó và kết nối với nhau.  

Đối với những nét văn hóa thường không được văn bản hóa nhưng đóng góp nhiều vào sự phát triển bền vững của Việt Thắng như: Các buổi Team buiding tạo sự gắn kết giữa cá nhân với cá nhân, tạo sự đoàn kết gắn bó của cả một tập thể; Công khai các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp, song song với đó là cam kết để tạo niềm tin và sự gắn bó của người lao động đối với tập thể và với doanh nghiệp…, người lao động luôn cảm nhận được sự quan tâm chia sẻ của doanh nghiệp và họ sẽ thấy được những đóng góp của mình được ghi nhận qua việc thưởng động viên, đột xuất và chăm lo phúc lợi cho người lao động, từ đó người lao động ngày càng gắn bó hơn với doanh nghiệp. Ngoài ra còn các phong trào đồng hành khác được phổ biến tại đơn vị như: Lá lành đùm lá rách, chia sẻ một phần tiền lương hỗ trợ cá nhân gặp nạn, gia cảnh khó khăn; người Lao động tự nguyện giảm lương để chia sẻ một phần cho doanh nghiệp trong giai đoạn không đủ đơn hàng; phong trào uống nước nhớ nguồn, ưu tiên có chọn lọc con, em, người thân của người lao động vào làm việc tại Việt Thắng để tạo sự gắn bó lâu dài với Công ty… Tất cả tạo thành “chất keo” gắn kết và tạo sức mạnh nội lực để vượt qua mọi thách thức của Việt Thắng.

Hai chiều kích của VHDN tương ứng với đặc điểm hoạt động SXKD của doanh nghiệp: Ở mỗi thời kỳ khác nhau thì Việt Thắng áp dụng các cực khác nhau để hình thành văn hóa như: Trong giai đoạn quá độ (giai đoạn khởi động) thì ưu tiên thái cực Ổn định, lấy khía cạnh quyền lực và an toàn làm trọng tâm. Ngược lại, trong giai đoạn khó khăn (giai đoạn vượt chướng ngại vật) thì chuyển sang thái cực linh hoạt với hai khía cạnh học tập và mục tiêu làm kim chỉ nam. Với giai đoạn phát triển (giai đoạn tăng tốc) thì nghiêng về thái cực phụ thuộc lẫn nhau với hai khía cạnh quan tâm và trật tự. Còn khi đã ổn định (giai đoạn về đích) thì thái cực độc lập sẽ được lựa chọn với hai khía cạnh kết quả và hưởng thụ. Ngoài ra giữa các thái cực sẽ là các khía cạnh giao thoa giữa các giai đoạn khác nhau.

Trong giai đoạn mới, việc áp dụng có chọn lọc những giá trị cốt lõi của văn hóa vào Việt Thắng vẫn đang được thực hiện nghiêm túc và triệt để. Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Cơ quan điều hành Việt Thắng sử dụng 7 trụ cột văn hóa của Công ty mẹ Vinatex làm kim chỉ nam xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp mình. Xác định văn hoá là động lực mạnh mẽ góp phần làm nên những thành tích trong lao động sản xuất, chúng tôi luôn luôn tâm niệm, hiểu được giá trị các thế mạnh của Công ty hiện có để kiên trì, quyết tâm  theo đuổi; không bằng lòng với hiện tại và luôn suy nghĩ thay đổi để phát triển… Từ nền tảng văn hóa vững vàng sẽ tạo “lực đẩy” xây dựng Việt Thắng trở thành một doanh nghiệp phát triển vững mạnh toàn diện trong lĩnh vực sợi dệt, doanh nghiệp hàng đầu khu vực phía nam và cả nước về lĩnh vực vải dệt thoi.

*Đồng chí Phạm Tiến Lâm - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đức Giang-CTCP: “Lan tỏa giá trị của văn hóa doanh nghiệp đến mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh”

Đức Giang tạo dựng VHDN thể hiện ở các giá trị cốt lõi: sự tận tâm, chuyên nghiệp, trách nhiệm, luôn đổi mới sáng tạo, nỗ lực vượt khó và đoàn kết, tuân thủ cao. Trong đó, đứng trước một việc khó, cán bộ nhân viên, người lao động ở Đức Giang sẽ không nản chí, bỏ cuộc mà cộng hưởng tìm hướng đi phù hợp, hiệu quả.   

Cùng với đó, tinh thần đoàn kết rất cao của Đức Giang cũng là một nét văn hóa nổi bật. Khối đoàn kết chính là sức mạnh nội lực để Tổng Công ty vượt qua các giai đoạn khó khăn, từng bước phát triển ổn định, khẳng định uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Tính tuân thủ cũng là một yếu tố định hình nên VHDN Đức Giang, tất cả các quy định, quy chế đểu phải được thực hiện một cách nghiêm túc, công khai nhằm đảm bảo tính chuẩn mực, nguyên tắc trong sản xuất kinh doanh. Giá trị văn hóa ở Đức Giang còn là tinh thần trên dưới đồng lòng, người dưới nhìn người trên để thông suốt nhận thức, cách làm. Theo đó, khi Đảng ủy, Hội đồng quản trị đã ban hành Nghị quyết, đề ra chiến lược thì Ban điều hành bám sát để nỗ lực thực hiện, cùng quyết tâm hoàn thành. Các bộ phận tham mưu, sản xuất kinh doanh cũng theo đó triển khai nhiệm vụ một cách chất lượng, hiệu quả nhất. 

Để gây dựng được nét văn hóa này, đòi hỏi bản thân người lãnh đạo, quản lý, đảng viên phải làm gương, từ tác phong chỉ đạo, xử lý công việc, đến cách ứng xử với đồng nghiệp, với với người lao động, đối tác, khách hàng… Quan điểm chung của đội ngũ lãnh đạo Đức Giang là qua mỗi đường hướng, kế hoạch hành động đều muốn lực lượng lao động của mình tiến bộ nhanh và cùng phát triển.  

Đức Giang đưa vào áp dụng Bộ quy tắc ứng xử theo quy định quốc tế, bên cạnh những qui định cứng thì cũng thường xuyên cập nhật các yêu cầu mới theo yêu cầu ngày càng cao của khách hàng Mỹ, Châu Âu... Đây cũng là “kênh” để hiện thực hóa các giá trị văn hóa doanh nghiệp ở đơn vị. 

  Đức Giang luôn giữ gìn và phát triển VHDN để khẳng định thương hiệu riêng, xây dựng hình ảnh riêng, để rồi văn hóa đó tự lan tỏa đến mỗi người. Sự lan tỏa này tạo niềm tin, sự tự hào của các thế hệ người lao động với thành quả của tập thể và cũng là ưu thế để Đức Giang thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao về đảm nhận các vị trí làm việc quan trọng tại đơn vị. 

*Đồng chí Nguyễn Thị Tố Trang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinatex Phú Hưng: “Văn hóa phản ánh “nội lực” của doanh nghiệp”

Trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh ngày càng khốc liệt và nhiều thách thức như hiện nay, mỗi một doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một nền văn hóa phù hợp để có thể tồn tại và phát triển bền vững. Văn hóa doanh nghiệp không đơn thuần là bề nổi được thể hiện qua mục tiêu, chiến lược, quy tắc, khen thưởng, kỷ luật mà quan trọng không kém chính là tầng chìm văn hóa bao gồm các giá trị nội hàm của doanh nghiệp tồn tại sâu trong suy nghĩ, hành động của nhân viên. Nói một cách khác văn hóa doanh nghiệp phản ánh “nội lực” của doanh nghiệp đó. Do đó việc xây dựng một văn hóa đúng, một văn hóa phù hợp với đặc thù của đơn vị là yếu tố quyết định cho sự tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Chính đặc thù ngành nghề, con người, vùng miền, tôn giáo... riêng biệt đã góp phần tạo ra một nét văn hóa riêng của từng đơn vị. Vinatex Phú Hưng mang trong mình năm giá trị văn hóa cốt lõi: 

1. Trung thực: Là một đơn vị sản xuất sợi, một sản phẩm được sản xuất ra là kết quả lao động mang tính tập thể cao. Thiếu trung thực sẽ dẫn đến tác động tiêu cực trong kết quả kinh doanh và doanh nghiệp mất nhiều thời gian xử lý hậu quả..

2. Không đỗ lỗi: Đỗ lỗi lẫn nhau làm tăng sự nghi ngờ trong tổ chức, triệt tiêu tính sáng tạo, tư duy của người lao động. Thất bại là điều tất yếu nếu văn hóa đổ lỗi tồn tại trong một tổ chức.

3. Hợp tác và kết nối: Đây là chìa khóa của thành công. Yếu tố này giúp phát huy trí tuệ tập thể tạo nên sức mạnh vượt trội cho đơn vị để giải quyết nhanh và hiệu quả mọi vấn đề cũng như vượt qua những thử thách lớn.

 4. Học tập và khắc phục nhanh từ những thất bại: rất khó tránh được việc mắc các sai lầm, nhưng quan trọng hơn là nhận ra sai lầm và quyết tâm khắc phục, sữa chữa nhanh nhất và triệt để giúp cho đơn vị vững mạnh hơn sau thất bại, và nếu ko sửa chữa thất bại nhanh chóng có thể đơn vị ko còn cơ hội lần thứ 2 để sửa chữa.

 5. Đổi mới và cải tiến liên tục: đổi mới và cải tiến liên tục trong quy trình sản xuất cũng như tư duy đổi mới và cải tiến đối với sản phẩm, tiếp cận với những sản phẩm mới để không bị lỗi thời đi chậm nhịp so với bên ngoài cũng như tối ưu hóa giá trị cho đơn vị.

Để xây dựng giá trị VHDN, vai trò của người đứng đầu là vô cùng quan trọng. Mỗi một đơn vị trong hệ thống Vinatex đều có thể nhìn thấy văn hóa của mình thông qua văn hóa của người đứng đầu, đây cũng là yếu tố cốt lõi để tạo ra một “nội lực” vững mạnh. Người đứng đầu cần xác định, phổ biến và tạo điều kiện để người lao động có thể hiểu được giá trị văn hóa mà doanh nghiệp hướng đến. Cán bộ, đảng viên, người lao động cần nhận thức được rằng văn hóa doanh nghiệp phải trải qua nhiều năm hình thành - phát triển để phục vụ cho mục đích cuối cùng là tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp và người được hưởng lợi cao nhất của quá trình này chính là họ. Thực thi văn hóa của công ty không chỉ đem tới lợi ích cho công ty mà cao nhất đó chính là tạo ra giá trị, nâng cấp giá trị chính mỗi cá nhân người lao động chứ không phải đơn thuần là của tổ chức. Nhờ đó, mỗi cá nhân sẽ tự hình thành động lực để tự giác thực thi văn hóa mà công ty xây dựng thay vì xem đó như một nhiệm vụ từ lãnh đạo công ty. Từ VHDN có thể nhìn thấy văn hóa của mỗi cá nhân trong đó cũng như thông qua văn hóa của từng cá nhân có thể thấy được văn hóa của doanh nghiệp. 

Văn hóa doanh nghiệp là những giá trị tốt đẹp mà cán bộ, đảng viên, người lao động cần nhận thức và tự nguyện thực hiện đúng để tăng thêm giá trị tổ chức. Mỗi người đều đang ở trên chặng đường tự hoàn thiện lấy chính mình và văn hóa doanh nghiệp cũng như vậy. Chặng đường đó không hề đơn giản cũng như không bao giờ có điểm dừng nhưng chừng nào chúng ta hiểu được rằng “văn hóa danh nghiệp phản chiếu văn hóa cá nhân, phát triển văn hóa doanh nghiệp chính là nâng cấp giá trị bản thân” thì tôi tin rằng mọi nỗ lực xây dựng đều xứng đáng và thực thi văn hóa doanh nghiệp thật tuyệt vời biết bao!

Lê Tiến Trường - Nguyễn Kiều Giang, Đảng uỷ Tập đoàn Dệt may Việt Nam

 
.
Các bài viết khác:
.
.
.