.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Tăng "sức đề kháng" cho đảng viên trong tình hình mới - Bài 2: Giải pháp "tăng sức đề kháng" từ chi bộ

Thứ Ba, 31/10/2023|11:49

Mặc dù học tập chuyên đề ngày càng thể hiện những ý nghĩa quan trọng trong sinh hoạt của các tổ chức Đảng, bên cạnh nhiều tổ chức Đảng tổ chức sinh hoạt chuyên đề bài bản, nghiêm túc, song thực tế, có không ít nơi, ở không ít chi bộ, công tác sinh hoạt chuyên đề vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đâu đó, vẫn còn tồn tại hiện tượng học tập chuyên đề còn mang tính hình thức, chiếu lệ, sinh hoạt chuyên đề chưa đi vào nề nếp, chủ đề chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, lãnh đạo chưa quan tâm chỉ đạo sát sao, đùn đẩy trách nhiệm trong công tác chuẩn bị và xây dựng nội dung học tập, thiếu đầu tư ý tưởng và tư liệu, thiếu tương tác, chia sẻ, các ý kiến tham gia thảo luận còn biểu hiện xuôi chiều…

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là nhận thức về yêu cầu, vai trò của sinh hoạt chuyên đề của một số cấp ủy, chi bộ chưa đầy đủ; Việc xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề chưa được quan tâm đúng mức; Công tác chuẩn bị nội dung sinh hoạt có chi bộ chưa kỹ; Phân công cán bộ, đảng viên chuẩn bị nội dung chuyên đề chưa được chú trọng; Phương pháp điều hành sinh hoạt của một số bí thư chi bộ còn thiếu linh hoạt…

Để nâng cao chất lượng công tác học tập chuyên đề, căn cứ tình hình thực tế hiện nay, có thể gợi mở một số giải pháp như sau:

Xây dựng nội dung chuyên đề phải “đúng” và “trúng”

Để xây dựng được nội dung các chuyên đề đúng yêu cầu, cần căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Ban Tuyên Giáo Trung ương và Đảng ủy cấp trên để xác định phạm vi chuyên đề. Đồng thời, trên tinh thần Chỉ thị 05/CT-TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về  đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong sinh hoạt chuyên đề cần căn cứ những tác phẩm của Hồ Chí Minh làm chất liệu xây dựng nội dung học tập như: “Cương lĩnh chính trị”, “Đường kách mệnh”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, các tác phẩm tổng hợp lý luận và tư tưởng Hồ Chí Minh như “Hồ Chí Minh toàn tập”...Ngoài những tác phẩm chính luận của Bác, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh được ghi lại trong những câu chuyện, những bài báo, bộ phim về người cũng là nguồn tư liệu học tập quý báu

Bên cạnh những tác phẩm kinh điển của Hồ Chí Minh về Đảng và người Cộng sản, nhiều tác phẩm chính luận ra đời trong thời kỳ sau Bác cũng có giá trị lý luận sâu sắc và thấm đẫm hơi thở của thời đại, bổ sung vào kho tàng kiến thức và kinh nghiệm trong công tác học tập, rèn luyện của đảng viên, cũng như công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điển hình là các tác phẩm: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2022), Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt ngày 3/2/2023, đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2013- 2023), cuốn sách “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngoài những vấn đề cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung các bài giảng còn cần phản ánh chân thực những hiện tượng mang tính thời sự như: Nhận diện những biểu hiện của Chủ nghĩa cá nhân trong tình hình  mới, Phòng chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, Triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật Nhà nước và các quy định của đơn vị, Đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng và phát triển đảng viên..... và một phần không thể thiếu được là những bài học, những hậu quả nhãn tiền đối với những hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” đã và đang diễn ra trong những góc khuất của xã hội. 

Nội dung các chuyên đề không chỉ bám sát các vấn đề lý luận căn cơ, mà còn phải liên quan mật thiết tới thực tiễn, giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách tại đơn vị. Cấp ủy cần đặt ra yêu cầu đối với các chuyên đề  phải liên hệ “trúng” với tình hình thực tế ở địa phương mình, trong ngành mình hoặc tại đơn vị mình, để làm sáng rõ hơn các vấn đề lý luận, để lý luận đi vào thực tiễn bằng trực quan sinh động giúp cho nội dung bài học dễ hiểu, có sức sống lâu hơn trong tâm trí của mỗi đảng viên, giúp cho các chuyên đề phát huy tác dụng ngay trong công việc thường ngày, chỉ ra những khuyết điểm của tổ chức, của cá nhân đảng viên, cảnh báo những nguy cơ, những điểm yếu dễ xảy ra tiêu cực, nhắc nhở việc thực hiện nghiêm kỷ luật trong Đảng…

Những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm hiện nay sẽ là chủ đề thu hút sự chú ý và có tính giáo dục cao đối với cán bộ đảng viên, cần được đưa vào các chuyên đề một cách cụ thể như: Các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực quản lý nhà nước (nhận hối lộ, móc ngoặc, tham ô, lãng phí..), thực hiện sai các quy định của pháp luật về đấu thầu, quản lý tài sản của Nhà nước, lợi ích nhóm…; các hành vi bao che, dung túng, làm sai lệch hồ sơ các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, tổ chức cá nhân của các cơ quan tố tụng, thi hành án,…; Các hành vi đưa, nhận hối lộ, thông thầu, trục lợi, vi phạm pháp luật của doanh nghiệp…; Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xuất hiện trong một bộ phận đảng viên với những hiện tượng như: “suy đồi đạo đức”, “hủ hóa”, “tham lam”, “chuyên quyền, độc đoán”, “lợi dụng chức vụ, tín nhiệm để tham ô, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước”…;Những biểu hiện mới của “Diễn biến hòa bình”, làm sai nguyên tắc Tập trung, dân chủ, cố tình hiểu sai chủ trương Tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước; o bế, trù dập, làm giảm tính chiến đấu trong Đảng, nguy cơ bị tiêm nhiễm những luận điệu xuyên tạc, phản động, đi ngược với lợi ích của nhân dân…

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin mà thành tựu nổi bật có ý nghĩa đột phá là “Trí thông minh nhân tạo” (AI), bất kỳ bài giảng nào, dù trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, thậm chí là khoa học đều có thể được dễ dàng tạo ra từ kết quả tổng hợp nhiều thông tin sẵn có trong tài nguyên dữ liệu chung của nhân loại. Mặc dầu vậy, một chuyên đề chất lượng trong công tác giáo dục tư tưởng đối với các tổ chức Đảng và đảng viên hoàn toàn có thể được sáng tạo riêng  từ chất liệu là các tình huống cụ thể tại đơn vị mình, từ kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, doanh nghiệp mình, là sự đánh giá, phân tích mang tính cá nhân của cán bộ, đảng viên giữ vai trò chủ thể được phân công xây dựng chuyên đề, lồng ghép cùng các tấm gương đáng học tập của các đảng viên ưu tú hay các vụ kỷ luật đảng viên vi phạm diễn ra gần nhất, những vụ việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận…

Như vậy, nội dung của chuyên đề được bình giảng tại các cuộc sinh hoạt chi bộ không chỉ cần đúng với nền tảng tư tưởng của Đảng, đúng với định hướng của Đảng ủy cấp trên mà còn phải “trúng” với tình hình và điều kiện cụ thể của địa phương, của ngành, của đơn vị. Có như vậy thì công tác học tập chuyên đề mới phát huy hết ý nghĩa giáo dục, phòng ngừa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và quản lý đảng viên tại các tổ chức, cơ sở đảng.

Biến hình linh hoạt – Giải pháp thích ứng trong tình hình mới

Ngoài giải pháp hoàn thiện về nội dung chuyên đề, thay đổi linh hoạt hình thức truyền đạt trong sinh hoạt chuyên đề cũng là biện pháp cần thực hiện để thích nghi với xã hội hiện đại

Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan đòi hỏi việc học tập chuyên đề phải bổ sung thêm các hình thức khác so với trước đây

Một là, xuất phát từ nhu cầu tiếp thu thông tin của con người ngày càng đa dạng, thông qua các phương tiện: đọc, nghe, nhìn...tùy thuộc vào sở thích, điều kiện của đối tượng tham gia, mà hình thức truyền tải nội dung các chuyên đề cũng cần phong phú hơn, thuận tiện hơn, tiếp cận người học một cách hiệu quả nhất. Chẳng hạn, đối với cán bộ đảng viên nhiều tuổi, việc học tập chuyên đề thông qua đọc văn tự của các tác phẩm có thể gặp khó khăn do sức khỏe thị lực, khi đó có thể sử dụng phương tiện xem video Clip hay nghe bản thu phát Audio; hoặc đối với cán bộ đảng viên bị hạn chế thời gian do công việc chuyên môn nhiều, có thể tranh thủ học tập thông qua việc nghe sách nói,...

Hai là, do tác động của sự phát triển công nghệ thông tin cùng với các phương tiện giao tiếp mới. Đó là sự ra đời của các phương pháp hội họp mới không biên giới nhờ có sự hỗ trợ của mạng Internet và các công cụ họp trực tuyến. Ngoài ra, đảng viên cũng sẽ chủ động tiếp cận hoặc bị tiếp cận bởi các nền tảng mạng xã hội với vô vàn nội dung. Do đó, các hình thức trao đổi, thảo luận và tương tác trong sinh hoạt chuyên đề cũng cần phải được mở rộng, không chỉ là sinh hoạt trực tiếp mà còn sinh hoạt trực tuyến và kết hợp nhiều hình thức, trong đó sử dụng những tài liệu dưới nhiều dạng thức khác nhau như văn bản, Video clip, Slide thuyết trình, ... với quy mô không chỉ ở mỗi Tổ Đảng mà còn ở toàn chi bộ, liên chi bộ, Đảng bộ...

Ba là, sự phát triển như nấm của các kênh truyền thông xã hội, trong đó không ít kênh thông tin trá hình, với nội dung sai lệch, bôi nhọ uy tín của Đảng và Nhà nước, gọi chung là “kênh truyền thông bẩn”, tiếp cận cá nhân người dùng Internet một cách dễ dàng và thiếu kiểm soát, đặc biệt là các kênh được phát từ nước ngoài, đã đặt ra yêu cầu phải có các kênh truyền thông chính luận của Đảng, chống lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, giữ cho đảng viên luôn được cập nhật thông tin chuẩn tắc và giữ vững lập trường tư tưởng. Điển hình là những chương trình chính luận của những cơ quan truyền thông chính thống của Đảng và Nhà nước như: Tạp chí cộng sản, Truyền hình Nhân dân online, Báo Thanh niên online, Báo Lao động, Báo Tuổi trẻ online...đã và sẽ trở thành những chương trình quen thuộc trong công tác học tập chuyên đề tại các chi bộ.

Bốn là, cùng với thời gian, các tổ chức Đảng có thế hệ đảng viên kế cận thuộc giới trẻ Gen Z (Sinh từ năm 1990 trở về trước, còn gọi là thế hệ 9X…), là lớp thanh niên sinh ra và lớn lên trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội, lớp người trẻ “ăn Internet”, “ngủ Internet” , “chơi Internet” và làm việc cũng gắn bó chặt chẽ với Internet. Vì vậy, như một nhu cầu tất yếu để thích ứng với sự thay đổi này, các hình thức sinh hoạt chuyên đề cũng cần được đổi mới theo kịp sự phát triển của thời đại.

Bắt nguồn từ những nguyên nhân đó, các tổ chức Đảng cần đổi mới hình thức học tập chuyên đề theo hướng sau:

Về hình thức biểu đạt, học tập chuyên đề, trước khi xem xét từ góc độ công tác Đảng, đó còn là việc truyền tải thông tin, kiến thức, kinh nghiệm đến người nghe, người xem. Dù nội dung có thiết thực tới đâu, quan trọng như thế nào, nhưng mức độ tiếp thu nội dung ấy còn phụ thuộc vào cách thức diễn đạt và hình thức truyền tải. Nếu như chỉ vài thập niên trước đây, chúng ta chỉ quen thuộc với dạng thức bài giảng bằng lời nói đơn thuần, bằng bảng đen phấn trắng hay bằng văn bản mô phạm xuôi chiều, thiếu tương tác, thì nay cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều phương thức biểu đạt và chia sẻ thông tin mới đã ra đời, thông tin đã có thể được lan tỏa ở phạm vi rộng hơn, thậm chí là không biên giới, dưới dạng hình ảnh động, slide trình chiếu, video clip, sách nói, phim ngắn, live stream, thảo luận trực tuyến, game show trên App hỏi đáp về các quy định, điều lệ Đảng, tình huống trong công tác quản lý chính quyền và công tác đảng, về các sự kiện chính trị, thời sự...đáp ứng tối ưu nhu cầu trao đổi thông tin và nâng cao chất lượng biểu đạt nội dung.

Phương pháp tương tác giữa các đảng viên trong buổi sinh hoạt chuyên đề cũng là một yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả trong học tập. Nếu như trước đây, hình thức truyền đạt chủ yếu là xuôi chiều từ người giữ vai trò báo cáo viên đến các đảng viên, thì nay cần đòi hỏi sự chủ động của các đảng viên thông qua cơ chế tương tác bằng cách trả lời câu hỏi, đặt câu hỏi chất vấn báo cáo viên và tập thể chi ủy bằng các câu hỏi phản biện có tính chất xây dựng…Cao hơn nữa là làm việc theo nhóm nhằm mục tiêu tìm kiếm các luận điểm phản biện, sau đó cùng nhau thảo luận đa chiều những quan điểm để làm sáng tỏ những vấn đề còn chưa rõ ràng, còn tranh cãi. Bên cạnh đó, để liên tục cập nhật những thông tin mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và quản lý chính quyền, ở các đảng bộ lớn có thể xem xét hình thức tuyên truyền giáo dục thông qua việc bình giảng các vụ án lớn liên quan đến đảng viên giữ vai trò lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước và các vụ án liên quan đến tiêu cực trong các doanh nghiệp. Đây có thể coi là hình thức học tập mang lại hiệu quả cao do được minh họa bằng các tình huống thực tế, rất cụ thể và có tính răn đe

Ở cấp đảng bộ, hàng năm tùy điều kiện thực tế, có thể tổ chức những buổi học tập chuyên đề quy mô lớn, có sự tham gia truyền đạt của các Báo cáo viên có nhiều năm nghiên cứu lịch sử Đảng cộng sản và tư tưởng Hồ Chí Minh, những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, có bề dày trong công tác Đảng và quản lý chính quyền, nắm vững các chủ trương, đường lối, thấu hiểu các vấn đề nóng, các vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận...để đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng học tập đối với những chuyên đề lớn.

Về môi trường học tập, ngoài việc học tập thường xuyên tại chi bộ,  tổ chức học tập tại các địa điểm cách mạng, di tích lịch sử kết hợp các hoạt động về nguồn, tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương, bệnh binh có những tác dụng to lớn. Vừa giúp các đảng viên tiếp thu ý chí cách mạng từ các bậc tiền bối, vừa bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đảng viên đi trước, phát huy hiệu quả trong việc chuyển giao hệ tư tưởng và lòng yêu nước giữa các thế hệ đảng viên.

Về thời lượng sinh hoạt, các buổi học tập chuyên đề cần có quy định về thời gian tối thiểu, có hướng dẫn về các bước và trình tự thực hiện để giải quyết thực trạng sinh hoạt chuyên đề ở một số nơi còn sơ sài, chiếu lệ.

Về hệ sinh thái chung, để lưu trữ các tư liệu và chia sẻ tài nguyên chung, tại các Đảng bộ có quy mô lớn, cần xây dựng thư viện online quản lý tư liệu Học tập chuyên đề, tư liệu về Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đề cương giảng dạy các chuyên đề…. Hàng năm, Đảng bộ có thể tổ chức những cuộc thi thiết kế nội dung học tập chuyên đề giữa các chi bộ, từ đó lựa chọn những bài giảng hay làm tài liệu mẫu triển khai học tập trong toàn Đảng bộ.

Xã hội luôn vận động không ngừng, vì vậy thay đổi hình thức trong công tác Học tập chuyên đề để giữ vững vai trò giáo dục rèn luyện đảng viên là nhiệm vụ không thể xem  nhẹ trong công tác quản lý đảng viên và xây dựng tổ chức Đảng. Thay đổi để thích ứng với tình hình mới là xu thế tất yếu, đòi hỏi các tổ chức Đảng và đảng viên phải chủ động và nhạy bén, để tiếp tục nhiệm vụ học tập và rèn luyện hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Trần Thị Khánh Ngọc, Đảng bộ Chi nhánh TCT HKVN khu vực Việt Nam (CNVN)

.
.
.
.