.
Đơn vị trực thuộc
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Chi bộ Kỹ thuật Xăng dầu trong công cuộc chuyển đổi số

Thứ Ba, 07/11/2023|22:01

Ứng dụng hệ thống đo mức tự động trong quản lý hàng hóa tại Kho và Cửa hàng Xăng dầu là nhiệm vụ quan trọng trong việc chuyển đổi nhận thức về việc chuẩn hóa, chuyển đổi quy trình quản trị, hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số, góp phần quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số công tác quản trị và quản lý hàng hóa.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp biểu hiện ở hoạt động ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào hoạt động kinh doanh và quản lý của mình.

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” trong đó có nhiều chủ trương, chính sách đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành một loại các chương trình hành động nhằm hiện thực hóa việc chuyển đổi số như: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 về “Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam” trong đó có nêu rõ các Tập đoàn, Doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi là một trong bốn loại doanh nghiệp công nghệ số cần tập trung phát triển; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; và gần đây là Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nêu quan điểm hạ tầng số đi trước một bước, phát triển với tốc độ nhanh, nhân lực số gồm lực lượng chuyên gia, nhân lực công nghệ số và người dân được phổ cập kỹ năng số đóng vai trò quyết định cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong các văn kiện của Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII, các khái niệm về kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số đã được đưa ra trong mục tiêu và quan điểm phát triển kinh tế và xã hội của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số. Theo định hướng đó, Đại hội XIII cũng đã chỉ ra một định hướng mang tính chiến lược đối với lĩnh vực khoa học – công nghệ, điểm mới là nội dung đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhằm mục tiêu bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đồng thời xác định cần có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng số, chú trọng phát triển hạ tầng số và bảo đảm an ninh mạng, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn tiếp cận nguồn tài nguyên số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn.

Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng lần thứ tư mang lại, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình tự động hóa (TĐH) các khâu sản xuất và chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết số 93-NQ/ĐU ngày 12/11/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam về “Thực hiện chuyển đổi số tại Tập đoàn xăng dầu Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 93) và Chương trình hành động số 401-Ctr/ĐU ngày 22/2/2022 của BCH Đảng bộ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam triển khai Nghị quyết số 93. Trong các văn bản có chỉ rõ mục tiêu của Tập đoàn trong công cuộc chuyển đổi số bao gồm: (i) Petrolimex trở thành doanh nghiệp số với trên 90% quy trình hoạt động được chuẩn hóa, tối ưu trên nền tảng công nghệ và kỹ thuật số; (ii) chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản trị, quản lý, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và tăng sức cạnh tranh; (iii) tạo lập môi trường, nâng cao trải nghiệm số của người lao động và khách hàng.  

Chi bộ Ban KTXD đã chỉ đạo thực hiện bám sát lộ trình chuyển đối số của Tập đoàn, đề xuất và triển khai các chương trình tự động hoá đáp ứng yêu cầu định hướng chuẩn hóa hoạt động nghiệp vụ kỹ thuật trên cơ sở phối hợp với các phòng ban và các đơn vị liên quan chuẩn hóa mô hình, giải pháp kỹ thuật - công nghệ, quy trình kết nối và khai thác dữ liệu phục vụ các hoạt động quản lý quản trị nghiệp vụ và vận hành trên nền tảng số đảm bảo tích hợp đồng bộ trên toàn hệ thống Petrolimex. 

Chi bộ Ban Kỹ thuật Xăng dầu trong công cuộc chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo của Tập đoàn

Trước kỷ nguyên của nền công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, Chi bộ Ban KTXD luôn tự ý thức được việc phải tự chuyển đổi mình để thích ứng với thời đại mới, hoàn thành nhiệm vụ được giao, triển khai và hoàn thành đúng tiến độ chương trình chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ xăng dầu nói chung và trong từng đề án, dự án của Tập đoàn mà Chi bộ/Ban là một thành viên tích cực. Để làm được điều đó, chi bộ đã nhận thức được các yêu cầu cần thiết và cấp thiết:

Đầu tiên là nâng cao trình độ nhận thức toàn diện: Bên cạnh việc tự trao dồi để có kiến thức nền tảng về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khuyến khích mỗi cán bộ đảng viên thực hiện đổi mới sáng tạo trong công tác đào tạo, tự đào tạo đảm bảo khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển, đảm bảo có hiểu biết sâu rộng về các xu hướng công nghệ diễn ra trên toàn thế giới, làm nền tảng cho tư tưởng, suy nghĩ và định hướng trong công tác chuyên môn cũng như trong việc hoàn thành nhiệm vụ được Đảng bộ Tập đoàn và Chi bộ KTXD giao phó.

Thứ hai là mỗi đảng viên cần chủ động hoàn thiện các kỹ năng cần thiết bao gồm ngoại ngữ (tiếng Anh), công nghệ thông tin,… thông qua việc học tập và tham gia các hoạt động, hội thảo do Tập đoàn tổ chức. Chuyển đổi số là chuyển đổi tự động và công nghệ cao, vì vậy để làm chủ được chuyển đổi số, mỗi đảng viên cần phải có kiến thức về công nghệ, kỹ năng số để có thể hội nhập quốc tế, tiếp cận với khoa học công nghệ mới, tiến tiến trên thế giới, đáp ứng nhu cầu công việc của Chi bộ/Ban, có kiến thức về hội nhập, am hiểu về các liên minh, các vùng kinh tế trên thế giới; không ngừng nâng cao trình độ, tìm tòi và sáng tạo, vận dụng chuyển đổi số vào công việc chuyên môn và công tác của Đảng để phát huy và khai thác được hết các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. 

Trong công tác chuyên môn, rất nhiều hoạt động nghiệp vụ của Chi bộ/Ban đã được số hóa từ khâu quản lý văn bản, thông báo chủ trương chính sách của Tập đoàn đến hệ thống cơ sở dữ liệu phong phú về thông tin chất lượng, số lượng từ khâu nhập tạo nguồn đến quản lý hàng hóa lưu thông ra thị trường; mỗi đảng viên đều có ý thức sử dụng và khai thác tối đa nền tảng cơ sở dữ liệu, số liệu đã được số hóa trên nền tảng kỹ thuật số, áp dụng tự động hóa, dựa trên nguồn dữ liệu nền tảng để có cơ sở phân tích xu hướng, phân tích thị trường, xu hướng công nghệ tiên tiến từ đó đưa ra các sáng kiến đổi mới sáng tạo trong nghiệp vụ kỹ thuật xăng dầu. 

Trong công tác Đảng, Chi bộ đã đổi mới phương thức trao đổi từ chi bộ đến các đảng viên, đặc biệt trong thời kỳ cách ly do dịch bệnh covid, chi bộ đã triển khai sinh hoạt định kỳ hàng tháng theo phương thức trực tuyến thay bằng họp trực tiếp; các văn bản, văn kiện văn kiện của Đảng được gửi tới từng đảng viên qua email, việc thu và nộp đảng phí cũng được triển khai theo hình thức e-banking.

Thứ ba là mỗi đảng viên cần trau dồi, giữ vững bản lĩnh chính trị, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với các đường lối và chính sách mà Đảng và nhà nước đã đề ra; lan tỏa định hướng chiến lược về chuyển đổi số của Đảng; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, góp phần bảo vệ chính trị nội bộ, giảm thiểu những tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường không gian mạng, có ý thức phòng ngừa, nâng cao năng lực, trách nhiệm của đảng viên khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng. 

Ứng dụng hệ thống đo mức tự động trong quản lý hàng hóa tại Kho và Cửa hàng Xăng dầu

Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra từng ngày với mỗi cá nhân và trên toàn xã hội. Chi bộ/Ban Kỹ thuật Xăng dầu đã và đang là thành viên tích cực tham gia áp dụng triển khai các kỹ thuật mới, hiện đại, công nghệ số, tự động hóa trong quản trị nghiệp vụ kỹ thuật xăng dầu, quản trị hàng hóa của Tập đoàn.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Tập đoàn) hiện đang quản lý vận hành hệ thống Kho/Tổng kho xăng dầu với quy mô sức chứa và điều kiện hạ tầng công nghệ khác nhau, phân bổ tại hầu hết các tỉnh thành, nằm ở những vị trí chiến lược, tại các khu kinh tế trọng điểm trên phạm vi cả nước, bao gồm hệ thống công nghệ tồn chứa xăng dầu, cảng nhập xuất đường thủy (đường biển và đường sông), bến xuất xăng dầu đường bộ, đường sắt và hơn 500 km tuyến đường ống liên kết các kho xăng dầu. Đây là yếu tố đóng góp quan trọng trong toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh xăng dầu, đã được Tập đoàn định hướng và là trọng tâm trong công cuộc chuẩn hóa và tối ưu hóa kỹ thuật công nghệ, tạo nền tảng số, công nghệ số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, năng suất lao động, sử dụng an toàn dữ liệu số và nâng cao cấp độ an toàn trong quản trị hàng hóa và vận hành kho.

Bên cạnh đảm bảo cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, Tập đoàn cũng chú trọng phát huy tiềm, khai thác thế mạnh trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu với hệ thống cửa hàng lớn mạnh, vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành, bao phủ toàn bộ rộng khắp các vùng miền từ khu vực dân cư đông đúc tới miền núi nơi có những khó khăn trong việc tiếp cận, với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, chính sách xã hội và giữ vững, tăng cường vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ năm 2011 Tập đoàn đã mạnh dạn triển khai áp dụng công nghệ thông tin, từng bước chuẩn hóa hệ thống thu nhận số liệu cột bơm xăng dầu, đo mức tự động tại bể chứa, kết nối thanh toán điện tử…,  triển khai hệ thống phần mềm quản lý cửa hàng xăng dầu (CHXD) EGAS để quản lý hàng hóa tại tất cả các CHXD thuộc các công ty xăng dầu thành viên. Để tiếp tục từng bước hoàn thiện khâu quản lý khối CHXD trên cơ sở nền tảng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, chuẩn hóa, theo mô hình quản lý tiên tiến đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, đồng thời tạo nền tảng triển khai chuyển đổi số quản trị doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, bên cạnh việc TĐH thu nhận số liệu cột bơm xăng dầu, Tập đoàn đã đặt trọng tâm vào việc phát triển nền tảng kỹ thuật bao gồm hệ thống công nghệ tồn chứa, tiếp nhận, bơm chuyển và các thiết bị chấp hành, phương tiện đo, chuẩn hóa hệ thống tự động đo bồn để đảm bảo truyền thông số liệu chính xác, khách quan, tạo thay đổi về chất trong công tác quản trị hàng hóa theo hướng chuyển đổi số trong quản lý hàng hóa tại lĩnh vực bán lẻ xăng dầu

Hệ thống đo mức tự động (ĐMTĐ) là một trong những phương tiện đo tại hiện trường quan trọng trong hệ thống các trang thiết bị đo lường tại Kho và Cửa hàng Xăng dầu (CHXD). Trong hệ thống Tự động hóa tại Kho và CHXD, ĐMTĐ thuộc các thiết bị và cơ cấu chấp hành của tầng cơ sở cung cấp các dữ liệu đo tính cơ bản trong quản lý hàng hóa. ĐMTĐ được lắp đặt trực tiếp lên các bể chứa để thực hiện các phép đo sau: (i) đo mức xăng dầu thưc tế tại bể chứa; (ii) đo nhiệt độ xăng dầu; (iii) một số chức năng đo bổ sung như đo nước tự do, đo khối lượng riêng xăng dầu…

Việc áp dụng ĐMTĐ tại Kho và CHXD là nhiệm vụ quan trọng trong việc chuyển đổi nhận thức về việc chuẩn hóa, chuyển đổi quy trình quản trị, hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số; góp phần nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý số lượng, chất lượng xăng dầu và công tác đảm bảo an toàn trong vận hành, khai thác Kho, CHXD; đáp ứng yêu cầu thông tin dữ liệu hàng hóa nhanh chóng, phục vụ quản trị, điều hành kinh doanh; góp phần hoàn thiện các giải pháp TĐH, CĐS tại Kho và CHXD, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, liên kết về mô hình thiết kế, giải pháp công nghệ và số hóa quy trình chuẩn quản lý vận hành kho, CHXD theo tiêu chuẩn hiện đại; đảm bảo tính công khai minh bạch, giảm thiểu tác động của con người vào quá trình vận hành hoạt động của kho, CHXD tại tất cả các khâu nhập/tồn chứa/xuất hàng; thông qua đó giảm thiểu chi phí, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của Tập đoàn. Các ứng dụng thực tiễn và trực tiếp của ĐMTĐ trong hệ thống kỹ thuật số Kho và CHXD bao gồm:

- Thực hiện liên tục các phép đo, kết quả đo được cập nhật theo thời gian thực lên hệ thống TĐH, hệ thống quản trị nguồn lực của Doanh nghiệp (SAP_ERP, EGAS), hỗ trợ hiệu quả hoạt động của Hệ thống quản lý đơn hàng (SMO) và Hệ thống điều phối & quản lý đơn hàng tập trung (DOC) của Tập đoàn.

- Kết quả đo đảm bảo tính chính xác, minh bạch không phụ thuộc vào các yếu tố khách quan và chủ quan khi thực hiện các phép đo theo phương pháp thủ công. Cung cấp đầy đủ số lượng tồn kho thực tế phục vụ công tác tạo nguồn và cung ứng xăng dầu.

- Các dữ liệu liên quan đến kết quả đo được ghi nhận, lưu trữ đầy đủ theo trình tự thời gian, các bước quy trình nghiệp vụ trong đo tính quản lý hàng hóa, dữ liệu được sắp xếp theo logic, được định dạng theo chuẩn mực thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến (Big Data Analysis, AI…) để phân tích, đánh giá và đưa ra dự báo đối với hoạt động quản lý hàng hóa.

- Dữ liệu, kết quả đo của ĐMTĐ và phương tiện đo khác tại Kho và CHXD cho phép hình thành hệ thống kết quả, dữ liệu đo khép kín đối với toàn bộ hoạt đông giao nhận và quản lý hàng hóa tại Kho và CHXD, đảm bảo công tác quản lý hàng hóa được triển khai một cách toàn diện và triệt để, giảm thiểu được các phát sinh bất thường trong giao nhận và quản lý hàng hóa.

- ĐMTĐ với khả năng đo nhiệt độ xăng dầu tồn chứa liên tục theo thời gian tồn thực tế tại các bể chứa của CHXD cho phép xử lý hiệu quả hiện tượng thừa/thiếu hàng hóa do chênh lệch nhiệt độ. Với kết quả đo nhiệt độ chính xác từ các ĐMTĐ cho phép kiểm soát nhiệt độ thực tế xăng dầu tổn tại các bể chứa và giải quyết triệt để bài toán về khoán chênh lệch nhiệt độ/bù trừ hàng hóa do chênh lệch nhiệt độ tại các CHXD như hiện nay.

- Hệ thống đầy đủ các dữ liệu, kết quả đo của ĐMTĐ và các Phương tiện đo (PTĐ) khác trong Kho và CHXD với tính chính xác, khách quan và minh bạch sẽ tạo tiền đề, động lực và tư duy đổi mới trong công tác quản lý hao hụt xăng dầu theo hướng quản lý số lượng xăng dầu theo kết quả đo thực tế thay cho phương thức khoán hao hụt giao theo định mức như hiện nay.

- Với hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ về kết quả đo của ĐMTĐ và các PTĐ khác tại Kho và CHXD cho phép phân tích, đánh giá các khâu, các công đoạn cụ thể, của từng kho, từng CHXD có hao hụt/sai lệch lớn về kết quả đo để kịp thời có các biện pháp điều chỉnh về quy trình nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật để khắc phục.

Ngoài ra, ĐMTĐ được tích hợp bổ sung các thiết bị, phần mềm liên kết có khả năng (i) cảnh báo chống tràn bể; (ii) phát hiện rò rỉ xăng dầu tại bể tồn chứa. Đây là 02 chức năng rất quan trọng trong vận hành và quản lý kho, CHXD để đáp ứng các yêu cầu về an toàn ngăn ngừa các rủi ro về môi trường, phòng chống cháy nổ.

Đánh giá chung về thực trạng ĐMTĐ tại Kho và CHXD của Tập đoàn hiện nay còn ở mức rất khiêm tốn so với quy mô và năng lực công nghệ, kỹ thuật của Tập đoàn; do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu chuyển đổi số trong quản lý hàng hóa của Tập đoàn. Chuyển đổi số thì quan trọng nhất là dữ liệu, liên thông dữ liệu và dùng chung các nền tảng số. Việc triển khai ĐMTĐ tại Kho và CHXD là cơ sở để các công ty xăng dầu thành viên có cơ hội tiếp cận, sử dụng chung một nền tảng số thống nhất đảm bảo liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Triển khai chỉ đạo của Đảng và Chính phủ và cụ thể là chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn trong công tác số hóa, chuyển đổi số với mục tiêu ứng dụng công nghệ mới trên nền tảng của hệ thống công nghệ thông tin để thay đổi phương thức điều hành, mô hình kinh doanh, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp đem đến những hiệu quả cao hơn, những giá trị mới hơn cho doanh nghiêp, chi bộ Ban KTXD có một số đề xuất về giải pháp đối với yêu cầu Ứng dụng Hệ thống đo mức tự động trong Quản lý hàng hóa tại Kho và Cửa hàng Xăng dầu trong thời gian tới như sau:

Một là, đẩy nhanh quá trình trang bị, lắp đặt và sử dụng ĐMTĐ làm cơ sở để triển khai TĐH, CĐS trong quản trị hàng hóa tại Kho và CHXD. Công tác trang bị ĐMTĐ phải đồng bộ với công tác đảm bảo các điều kiện về đo lường của bể chứa tại Kho và CHXD để ĐMTĐ khi đưa vào sử dụng đạt độ chính xác cao, hoạt động ổn định và tin cậy. Việc triển khai trang bị các thiết bị ĐMTĐ đồng bộ về kỹ thuật đo lường, cấu hình, giao thức truyền thông để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng ĐMTĐ và đạt hiệu quả trong đầu tư.

Hai là, nâng cấp hệ thống phần mềm quản trị Kho và CHXD để khai thác tối đa chức năng và tiện ích của ĐMTĐ phục vụ công tác quản trị hàng hóa.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến (sử dụng robot, các thiết bị 3D scanner…) trong các hoạt động xúc rửa, kiểm tra/hiệu chuẩn bể chứa để đảm bảo tiến đo, tần suất thực hiện, giảm thiểu rủi ro sự cố liên quan đến điều kiện kỹ thuật, vận hành của bể chứa, các vấn đề về an toàn sức khỏe con người và tăng cường độ chính xác của các bảng dung tích của bể chứa.

Chuyển đổi số là một cơ hội, luôn cần sự dẫn dắt của Đảng bộ và lãnh đạo Tập đoàn, với các cơ chế, hạ tầng số, nguồn nhân lực với sự đổi mới sáng tạo số. Những nền tảng này sẽ quyết định sự thành công của chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ kỹ thuật xăng dầu nói riêng và trong hoạt động quản trị hàng hóa nói chung. 

Trong thời gian tới, Chi bộ Ban KTXD tiếp tục định hướng chỉ đạo Ban KTXD kế thừa và phát triển kết quả đã có, tích cực, trách nhiệm, quyết liệt trong việc xây dựng, nâng cao nhận thức, đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm trong việc thực hiện đề án phát triển TDH hệ thống Kho, CHXD của Tập đoàn theo kế hoạch và phù hợp thực tiễn, đảm bảo đúng mục đích và yêu cầu của Nghị quyết 93 về thực hiện chuyển đổi số tại Tập đoàn.  

Nguyễn Thị Lim Liên - Ban Kỹ thuật Xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu

.
Chia sẻ
.
Giá vàng
.
.
.
Ngoại tệ
.
.
.
.
.