Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023
Những bông lúa vươn mình từ cằn cỗi
“Lúa gạo là mặt hàng nông sản quan trọng nhất của Việt Nam nhưng bao năm nay vẫn vướng phải 3 lời nguyền: năng suất thấp, chất lượng thấp, thu nhập thấp”, theo Tiến sĩ Cao Thăng Bình - Giám đốc Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới cho biết.
Nhà máy chế biến lúa gạo hiện đại nhận vốn VnSAT bên cánh đồng nguyên liệu tại An Giang. |
Vạn sự khởi đầu nan
Năm 2015, sau hơn một thập kỷ hợp tác với Ngân hàng Thế giới được các chuyên gia đánh giá là rất thành công trong chuỗi Dự án Tài chính nông thôn, với Ban Quản lý dự án riêng có, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Sở Giao dịch 3 tiếp tục được lựa chọn là Ngân hàng bán buôn Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) với cấu phần tín dụng trị giá 105 triệu USD. Mục tiêu của Dự án VnSAT hướng tới tăng cường năng lực thể chế nông nghiệp, đổi mới phương thức canh tác hai ngành nông sản chủ lực của Việt Nam là lúa gạo và cà phê.
Niềm vui chưa thấm bao lâu, việc tìm kiếm khách hàng đáp ứng được các tiêu chí giải ngân của Dự án, đặc biệt đối với hợp phần lúa gạo là điều cực kỳ khó khăn. Trước hết, Dự án VnSAT là một dự án tín dụng “xanh” – nghĩa là yêu cầu tối thượng ngoài việc hướng tới lợi nhuận cho nông dân còn là giảm phát thải và giảm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường xã hội. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng sản xuất lúa gạo theo yêu cầu của Dự án vẫn là một khái niệm khá xa lạ với tập quán canh tác, kinh doanh của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Trong chuỗi này có sự tham gia của rất nhiều bên như nhà cung cấp đầu vào (phân bón, giống cây, máy móc, thủy lợi,...), tổ chức nông dân/ người trồng lúa, thương lái, doanh nghiệp vận tải, nhà máy sấy/chế biến/lau bóng, kho chứa, doanh nghiệp phân phối nội địa, doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Nhiều khâu trong dây chuyền chỉ đơn thuần “thuận mua vừa bán” không có giấy tờ đảm bảo, dẫn tới rủi ro trong hoạt động sản xuất lúa gạo. Kênh hàng truyền thống thông qua thương lái chiếm trên 70% sản lượng của các doanh nghiệp, thu mua qua tổ hội nông dân chỉ chiếm khoảng 14% nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp sản xuất. Các khoản vay vốn trung hạn dài hạn phát sinh từ nhu cầu cải tiến trang thiết bị, đầu tư mới hoặc xây dựng cơ bản đều cần vay nguồn vốn lớn, thời gian vay kéo dài, phải đáp ứng yêu cầu về tài sản đảm bảo, nên ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc lựa chọn các tiểu dự án phù hợp. Ngoài ra, lãi suất vay VND tại thời điểm đó là 11%-13%/năm, được đánh giá là cao theo các doanh nghiệp. Cho nên đến thời điểm 31/12/2016, sau gần một năm rưỡi thực hiện Dự án, dư nợ giải ngân vỏn vẹn 10 tỷ VND – một con số thực sự đáng lo ngại so với tổng nguồn vốn 55 triệu USD của hợp phần lúa gạo...
Quyết tâm - Chuyên nghiệp - Am hiểu
Làm sao để giải ngân hết số vốn được giao đúng mục tiêu, hiệu quả, an toàn? Đó là câu hỏi thường trực tại các kỳ sinh hoạt đảng tại Chi bộ 1 – Đảng bộ BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 3 - nơi sinh hoạt tập trung của các đảng viên là cán bộ chủ chốt của Ban Quản lý dự án VnSAT. Tại đây, những ý tưởng sáng tạo, đột phá đã góp phần quyết định sự thành công của Dự án, mà sau này chúng tôi nghĩ lại thấy thật tự hào và may mắn đã được gắn bó và làm việc tại Chi bộ 1. Cũng từ đây, tinh thần “Đoàn kết, Nhất trí, Đổi mới, Sáng tạo, Kỷ cương, Trách nhiệm” theo Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 3 nhiệm kỳ 2015-2020 được lan tỏa, quán triệt cụ thể hóa thành hành động, tạo nên sức mạnh thống nhất để chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, sát sao hướng tới mục tiêu giải ngân hết số vốn đã cam kết với nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới.
Trước những khó khăn của Dự án, Đảng bộ BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 3 định hướng và Chi bộ 1 là lực lượng hạt nhân xung kích, thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, là đầu tầu hội tụ của trí tuệ tập thể, dẫn dắt hoạt động kinh doanh của khối dự án, là niềm tin của người lao động trước sự dũng cảm, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của đảng viên là người lãnh đạo. Cũng từ đó, chúng tôi đã tìm ra những hướng đi mới, có đề xuất đúng, trúng để giải quyết toàn diện mọi vấn đề cốt lõi, giải ngân thắng lợi 100% vốn Dự án trước thời điểm khóa sổ. Chị Trần Anh Thư- Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 3 tâm niệm: “Áp lực của hoạt động kinh doanh, áp lực trước những khó khăn mà đơn vị đối mặt, đòi hỏi mỗi người phải dấn thân, phải nghĩ ra nhiều cách làm và không sợ thất bại”. Nhờ có Dự án, nhiều cuộc họp bàn triển khai kế hoạch kinh doanh ngày ấy đã biến thành diễn đàn cống hiến ý tưởng. Lửa nhiệt tình và cảm hứng cống hiến được thắp lên và hun đúc mạnh mẽ cho mỗi đảng viên, người lao động từ những cuộc họp Đảng bộ, Chi bộ.
Đoàn làm việc của Ngân hàng Thế giới, BIDV và ngân hàng bán lẻ SHB tại tiểu dự án nhận vốn Dự án VnSAT Nhà máy sản xuất lúa gạo Hạnh Phúc - năm 2022. |
Nếu như ở Dự án Tài chính nông thôn BIDV thực hiện thông qua bồi hoàn lại các khoản vay hợp lệ, thì Dự án VnSAT BIDV cần song hành ngay cùng các ngân hàng bán lẻ từ những ngày đầu để điều phối nguồn vốn, lựa chọn và tiếp cận tiểu dự án khi khoản vay chưa được PFI phê duyệt cấp tín dụng. Để đạt được chỉ số kết quả như mục tiêu đề ra của Dự án là 10 doanh nghiệp chế biến gạo được nâng cấp công nghệ và cơ sở chế biến, thực sự BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 3 đã suy nghĩ, trăn trở và kỳ vọng: Đây phải là 10 doanh nghiệp tiên phong, năng động, linh hoạt có tính đại diện cho sự chuyển mình vùng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long, vừa đảm bảo tiêu chí an toàn vốn của Dự án và quản trị rủi ro tín dụng của BIDV, vừa tạo ra sự khởi đầu tiền lệ cho giải ngân các doanh nghiệp mới trong tương lai khi mà Dự án VnSAT còn cung ứng vốn đến năm 2040.
Trong công tác quản lý vốn, những cán bộ BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 3 luôn sáng tạo linh hoạt, khéo léo điều phối, vận động PFI phát huy điểm mạnh của từng ngân hàng bán lẻ nhằm sử dụng nguồn vốn hiệu quả và an toàn. Để có được sự đồng thuận về nhận thức tầm quan trọng, lợi ích của các thành phần trong chuỗi liên kết và qua đó hình thành nên sự hợp tác từ điều kiện giải ngân thành thói quen cũng đã giúp nâng tầm Dự án VnSAT nói chung và hoạt động giải ngân nói riêng. Trong đó, hoạt động chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã, tổ hội nông dân là nút thắt cần sự vào cuộc của nhiều bên. BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 3 đặt ra bài toán này khi trao đổi cùng các ngân hàng bán lẻ để các bên chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp và người nông dân. Chúng tôi nỗ lực hỗ trợ kết nối doanh nghiệp liên kết bao tiêu với tổ chức hợp tác xã tại các vùng nguyên liệu tốt do dự án xây dựng, tham gia sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Các doanh nghiệp lúa gạo trong Dự án cũng có cơ hội kết nối với các hoạt động hỗ trợ phát triển dịch vụ công như đào tạo nông dân 3G3T, 1P5G, quản lý và sản xuất giống lúa có chứng nhận, phát triển các mô hình canh tác bền vững. Cú bắt tay hợp tác giữa người nông dân và doanh nghiệp sản xuất chế biến lúa gạo thêm phần chặt chẽ hơn qua mỗi buổi đào tạo hướng dẫn kỹ thuật và trao đổi mô hình quản lý mà Dự án VnSAT tài trợ. Theo đó, tổn thất sau thu hoạch giảm đi, giá bán thành phẩm ổn định hơn và chất lượng gạo được nâng cao là những lợi ích thu được khi chuỗi liên kết được hình thành. Cả người nông dân và doanh nghiệp đều thấy mình có lợi trong mối quan hệ này. Bước đầu đã có những hợp đồng bao tiêu thu mua lúa trực tiếp được ký kết...
Dự án VnSAT tác động tới việc thay đổi hành vi của nông dân sản xuất nhỏ, hỗ trợ họ bằng việc thay đổi từ canh tác truyền thống sang tiếp nhận công nghệ canh tác bền vững nhằm nâng cao lợi nhuận mà không tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội. Người nông dân được góp mặt vào một nền công nông nghiệp hiện đại, thâm canh chuyên nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc hóa học và phân bón quá mức, giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường và áp dụng công nghệ sau thu hoạch đồng bộ góp phần tăng tính bền vững của chuỗi giá trị lúa gạo Việt nam tiệm cận theo những nền nông nghiệp xanh áp dụng công nghệ cao trên thế giới. Những nội dung về sàng lọc và phân loại tính hợp lệ về chính sách an toàn môi trường hay báo cáo liên quan đến di dời tái định cư, tạo công ăn việc làm hay các chính sách cho người dân tộc thiểu số tham gia dự án,... vốn là những tiêu chí còn khá xa lạ với các dự án tín dụng tại Việt Nam – nay dần trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp và người nông dân nhận vốn. Bảo vệ môi trường và những đối tượng dễ tổn thương của xã hội đã là một tiêu chí hàng đầu của Dự án VnSAT và được đưa vào đời sống không hề gò bó, cứng nhắc. Những nỗ lực của BIDV cũng nhận được sự cộng hưởng, đồng lòng của các định chế tài chính tham gia trong các chiến dịch giải ngân, làm chúng tôi luôn cảm thấy được động viên, tiếp thêm nguồn lực và sự biết ơn. Qua Dự án, chúng tôi đã có thêm những người anh em tài chính ngân hàng trong một gia đình.
Bông lúa trĩu hạt trên cánh đồng tín dụng xanh
Nhìn lại sau 8 năm triển khai, Dự án VnSAT đã cán đích vượt mức 100% các chỉ tiêu đặt ra, 10 nhà máy sản xuất chế biến lúa gạo đã nhận vốn từ Dự án, đóng góp những mùa thu hoạch rộn ràng trên những cánh đồng lúa canh tác bền vững năng suất cao. Doanh số cho vay hợp phần lúa gạo đạt mức trên 800 tỷ VND. Trong đó, Nhà máy gạo Hạnh Phúc được xây dựng trên diện tích 161.000m2, quy mô lớn nhất châu Á được đầu tư từ nguồn vốn tín dụng là một trong những dự án được giải ngân từ Dự án VnSAT. Những con số biết nói đã tự thể hiện trong các bản báo cáo đánh giá như 56.554 ha diện tích trồng lúa tại các vùng dự án đã có hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, 19.801 ha lúa vụ hè thu của VnSAT được doanh nghiệp bao tiêu cao hơn so với giá lúa cùng chủng loại trên thị trường từ 100-300 VND/kg. Với vòng quay tín dụng tới năm 2040, những đồng vốn mồi của Dự án VnSAT sẽ thẩm thấu sâu hơn vào từng thớ đất. Giờ đây khi nhắc tới Việt Nam, vị thế hạt gạo đã hoàn toàn thay đổi với những thương hiệu gạo như dòng ST, Jasmine, OM18,... đã vươn ra thế giới. Trong dòng chảy thịnh vượng của hạt gạo Việt Nam đó, Dự án VnSAT đã góp phần liên kết xây dựng chuỗi, tạo động lực nâng cao chất lượng giống cây trồng, tiệm cận với những yêu cầu về bảo vệ môi trường trên thế giới. Đây cũng chính là sự khởi đầu, là nền móng cho giai đoạn tín dụng xanh. Tương lai không xa, nhiều chuyến container lúa gạo xuất khẩu ra nước ngoài được ươm mầm từ chuỗi lúa gạo chất lượng cao dựa trên công nghệ sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Một màu xanh tươi mới thực sự nở rộ trên ruộng đồng và cả trong những báo cáo đánh giá.
Ngày 12/6/2023, Dự án VnSAT vinh dự nhận được Giải thưởng Đồng đội Khu vực Đông Á năm 2023 (FY23 EAP Team Awards) – Ngân hàng Thế giới. Trong 80 dự án tham gia cuộc thi, VnSAT là một trong 13 dự án nhận giải. Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, cơ quan này đang áp dụng các bài học từ Dự án VnSAT tại các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Dự án VnSAT cũng đặt tiền đề cho Chương trình 1 triệu ha lúa giảm phát thải carbon – một dự án tín dụng xanh mà Ngân hàng Thế giới sẽ triển khai trong thời gian tới. Đây thực sự là niềm vui, niềm tự hào cho quãng thời gian phấn đấu không ngừng nghỉ của những người tham gia Dự án. Với mỗi cán bộ đảng viên BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 3, hoàn thành Dự án VnSAT - không chỉ là hoàn thành một trọng trách được giao, đó còn là một phần đời được sống, được cống hiến. Niềm vui thành công là một tấm huân chương mà mặt sau luôn lấp lánh giọt mồ hôi hạnh phúc của khát vọng dấn thân...
Nguyễn Thị Hương Mai - Phòng Thẩm định Dự án giải ngân, BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 3