.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Công cuộc chuyển đổi số - Đột phá và vươn mình

Thứ Năm, 26/09/2024|15:36

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã từng nói trong bài viết của mình nhân kỷ niệm 79 năm Quốc Khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024) rằng: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại”.

Công cuộc chuyển đổi số tại VTC

Là một doanh nghiệp luôn nỗ lực đi đầu trong lĩnh vực nội dung số, kết hợp với nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, lãnh đạo cùng toàn thể các CB-CNV Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC quyết tâm áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số triệt để, tạo tiền đề phát triển và đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như toàn cầu.

Phó Tổng giám đốc Dương Thế Lương đã từng đánh giá rằng VTC chính là doanh nghiệp số. Bởi lẽ 70% hoạt động của doanh nghiệp là trong môi trường số, chỉ 30% hoạt động theo mô hình cũ truyền thống. Hoạt động chuyển đổi số được các đơn vị chủ động thực hiện tuỳ vào điều kiện thực tế của từng nơi.

Thể theo nguyện vọng của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung Ương trong Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về việc “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp”; Ngày 10/4/2024, Nghị quyết số 147/NQ – VTC về “Kế hoạch khung chuyển đổi số giai đoạn 2024 – 2025” được ông Chu Tiến Đạt - Phụ trách HĐTV ký ban hành. Theo đó, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC sẽ chuyển đổi số toàn diện theo 5 trụ cột là Nhân lực số; Quản trị doanh nghiệp; Hạ tầng và nền tảng số; Sản xuất kinh doanh; Sản phẩm và dịch vụ. Hoạt động này cũng để nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho các cấp lãnh đạo, quản lý và nguời lao động với mục tiêu đến năm 2025, 100% nhân sự trong công ty được đào tạo và sát hạch về kỹ năng số; nhân lực công nghệ chiếm 35% tổng nhân lực trong công ty và các phần mềm quản trị được áp dụng trông công ty. Theo đó, công ty đã chuyển dịch các hoạt động phân phối, truyền thông, marketing, bán hàng thanh toán, CSKH lên môi trường số; các dịch vụ dần chuyển dịch sang mobile, internet, social theo xu hướng hiện nay. Internet vạn vật, big data (dữ liệu lớn) và điện toán đám mây trở thành những công cụ hữu ích cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống làm việc số hoá và VTC cũng không ngoại lệ. Thậm chí trong tương lai, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích dữ liệu và phục vụ cho việc sản xuất các nội dung số cũng sẽ trở nên phổ biến.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc chuyển mình, nhanh chóng thích nghi với thời cuộc, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận; đã đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất nội dung số chất lượng cao, sử dụng các công cụ kĩ thuật số giúp cho những nội dung này luôn được cập nhật nhanh chóng và đa dạng, thu hút sự quan tâm từ khán giả. Kế đến phải công nhận sự linh hoạt của VTC trong việc thích nghi với xu thế mới, dịch vụ truyền hình nay đã dần chuyển dịch sang dạng OTT và cung cấp cho cả những kiều bào Việt Nam sinh sống tại nước ngoài; các dịch vụ truyền thông hay công nghệ được số hoá lên môi trường điện toán đám mây; hệ thống phân phối cũng có những thay đổi khi quyết định mềm hoá 100% thẻ game và xấp xỉ 50% thẻ PayTV (truyền hình trả phí); các hoạt động truyền thông, bán hàng hiện đã chuyển sang sử dụng các phần mềm tự xây dựng và các các công cụ hỗ trợ bên ngoài như Google Analytics, Firebase, Supermetrics, 80% lượng công việc có thể giải quyết tại nhà, qua đó online hoá lên đến khoảng 90% nghiệp vụ.

Năm 2008, kênh truyền hình tương tác đầu tiên tại Việt Nam - ITV được VTC cho phát sóng, sự kiện này đã đánh dấu một bước đột phá lớn trong việc sáng tạo nội dung số của các doanh nghiệp. Trong giai đoạn tiếp theo, Công ty liên tục nghiên cứu và hoàn thiện các công nghệ của mình. Những dịch vụ số như điện toán đám mây (VTC Cloud), Internet tốc độ cao (FTTH) lần lượt được ra mắt; các nền tảng giáo dục như One Touch (VTC NetViet) và cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet – IOE đạt được nhiều giả thưởng của Nhà nước về chuyển đổi số. Qua đó giúp VTC trở thành một trong 5 doanh nghiệp có hạ tầng viễn thông riêng tại Việt Nam và là một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ số và chuyển đổi số.

đ
Những dịch vụ số tiêu biểu của VTC.

Những khó khăn còn tồn đọng

Nỗ lực của VTC trong công tác chuyển đổi số là một nỗ lực đáng ghi nhận, song không phải không tồn tại những khó khăn riêng. Thách thức lớn nhất của mỗi tập thể là phải thay đổi và thích nghi, tức là từng cá nhân độc lập trong tập thể đó phải có sự thích nghi nhanh với thời cuộc, cùng thay đổi thói quen cũ để làm quen với cái mới. Nếu chưa thể đáp ứng toàn diện thì sẽ không thể chuyển đổi số một cách toàn diện.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu trong buổi làm việc với Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC về tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024 rẳng: “Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp nào chuyển đổi số toàn diện thành công. Do đó, việc VTC cần làm là chuyển đổi số nội bộ, tự làm cloud, data center, ứng dụng AI, nền tảng đào tạo dùng cho nội bộ doanh nghiệp mình. Chuyển đổi số nên bắt đầu từ chính tại VTC. Khi VTC tự làm chuyển đổi số cho mình sẽ phát hiện và khắc phục được điểm yếu của mình”. Như đã từng đề cập, có tới khoảng 80% công việc sẽ giải quyết được tại nhà. Tuy nhiên còn hạn chế về chất lượng do kỹ năng, ý thức của nhân sự cũng như các công cụ quản trị đôi lúc còn hạn chế. Khâu kế toán của Công ty áp dụng chuyển đổi số 100% nhưng tính ứng dụng chưa cao do công nghệ cũ và tính năng còn hạn chế. eOffice, HRM và BI cũng chỉ ứng dụng được một phần và chưa đồng đều. Từ đó mới thấy rằng, chuyển đổi số đã không phải là một công cuộc đơn giản, chuyển đổi số mà toàn diện lại càng khó khăn hơn nữa. Chỉ khi nhận thức được rõ những điểm còn hạn chế thì mới có thể hướng tới mục tiêu cạnh tranh trên thị trường, giúp tăng trưởng về doanh thu và phát triển được nguồn lao động chất lượng cao.

Với sứ mệnh trở thành doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam, VTC chủ trương bám sát sự chỉ đạo của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung Ương. Tổng Công ty VTC cùng các đơn vị phối hợp luôn phấn đấu kế thừa và phát triển nền tảng công nghệ số sẵn có, hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Thông Tin & Truyền Thông giao phó. Quyết tâm đóng góp cho sự phát triển tốt đẹp của kinh tế số - xã hội số quốc gia.

TUẤN ANH - ĐẢNG BỘ VTC

 

 

 

 

 

 

 

 

.
.
.
.