Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương:
Hội nghị chuyên đề "Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng Khối Doanh nghiệp Trung ương hội nhập quốc tế"
Ngày 18/10, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị chuyên đề “Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng Khối Doanh nghiệp Trung ương hội nhập quốc tế”. Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Huy Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bùi Văn Cường - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW chủ trì Hội nghị.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Đến dự còn có đồng chí Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán TPP; đồng chí Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương. Về phía Đảng ủy Khối DNTW có các đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy Khối: Trần Hữu Bình, Phạm Tấn Công; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị của Đảng ủy Khối DNTW và 33 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại trực thuộc Khối.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Nhận thức sâu sắc về những đòi hỏi sống còn của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập, thời gian qua, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đã có nhiều cố gắng trong hội nhập kinh tế quốc tế. Các Đảng bộ trực thuộc đã nghiêm túc quán triệt, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đặc biệt đối với Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về hội nhập quốc tế; các Nghị quyết của Đảng ủy Khối, như: Nghị quyết số 08-NQ/ĐUK về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đổi mới, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương”; Nghị quyết số 09-NQ/ĐUK về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực các tập đoàn, Tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 10-NQ/ĐUK về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương”. Đồng thời chuẩn bị một bước quan trọng cho hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu. Trong đó đã tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng các chiến lược về thị trường, sản phẩm, thương hiệu; xây dựng hệ thống quy định quản trị nội bộ phù hợp pháp luật và từng bước đáp ứng thông lệ quốc tế; đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực; nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị hiện đại; chú trọng đầu tư nghiên cứu, đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động; công khai, minh bạch, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Các đồng chí chủ trì Hội nghị. |
Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp đi đầu trong quản trị nhân lực, nâng cao năng suất lao động thông qua xây dựng và thực hiện hệ thống đánh giá chất lượng thực thi công việc của người lao động (KPIs) như Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam… Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ trong nâng cao năng suất lao động, các doanh nghiệp trong Khối đã đặc biệt coi trọng lãnh đạo công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý, sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới đã được triển khai đưa vào sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả tốt. Điển hình như việc đầu tư đóng các giàn khoan lớn, công nghệ chuyển mạch sử dụng cho mạng thế hệ mới, công nghệ truyền dẫn vệ tinh Vinasat, công nghệ cơ giới hóa đồng bộ khai thác than hầm lò bằng giàn chống tự hành, công nghệ xử lý nước thải chế biến cao su, công nghệ sản xuất giống bông lai kháng sâu rầy, công nghệ đóng tàu kiểu block, làm chủ công nghệ hiện đại đội tàu bay mới… Nhân lực khoa học công nghệ, nhân lực nghiên cứu phát triển và các công trình khoa học công nghệ được công bố, ứng dụng của các tập đoàn, tổng công ty trong Khối chiếm đa số các công trình có giá trị được các doanh nghiệp công bố, ứng dụng… Một số tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đã quan tâm chú trọng công tác tiếp cận, hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tăng cường năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh, mở rộng đầu tư ra nước ngoài bước đầu có kết quả, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu tại Hội nghị. |
Có thể khẳng định, sự chuẩn bị và triển khai thực hiện các công việc cho hội nhập kinh tế thế giới của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã có kết quả bước đầu, tuy vậy, với những cam kết của các Hiệp định thương mại tự do đã và sắp ký kết, cũng như những bất cập nội tại thời gian qua, đang đặt ra trước mắt cũng như trong dài hạn nhiều khó khăn, thách thức đối với một bộ phận doanh nghiệp nhà nước trong tiến trình hội nhập quốc tế, đó là: Sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm đã được cải thiện nhưng còn yếu so với nhiều nước; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sự phụ thuộc trong sản xuất kinh doanh về các nguồn nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị, đầu tư, công nghệ, tài chính,… Nền kinh tế hội nhập tăng sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài; các nước đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam, việc bảo hộ sản xuất trong nước sẽ khó khăn. Năng suất lao động tại nhiều doanh nghiệp còn thấp so với khu vực; khoa học công nghệ, hàm lượng tri thức, các yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng chưa nhiều, mà chủ yếu vẫn dựa vào các yếu tố vốn, giá nhân công lao động rẻ,…
Vì vậy, qua Hội nghị nhằm mục đích nắm tình hình, các kết quả bước đầu trong hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp trong Khối, nhận định những tác động, cơ hội, thách thức đối với các ngành và các DNNN trước bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết; thảo luận phương hướng, chiến lược và các giải pháp chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thành công.
Các đại biểu dự Hội nghị. |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng Đoàn đàm phán của Chính phủ về hội nhập kinh tế thương mại quốc tế chia sẻ, TPP mở ra một thị trường 800 triệu dân, chiếm 40% tổng GDP thế giới, 30% tổng khối lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. TPP xóa bỏ gần như 100% thuế nhập khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có doanh nghiệp Nhà nước cần có tầm nhìn mới, tư duy mới, chiến lược kinh doanh mới phù hợp với sân chơi này, phù hợp với những thay đổi về điều kiện kinh doanh, sức ép cạnh tranh đến từ các doanh nghiệp đặc biệt là các Tập đoàn Quốc gia của các nước trong TPP.
Tham luận tại Hội nghị, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã báo cáo về mức độ sẵn sàng cho hội nhập quốc tế của doanh nghiệp; đánh giá những tác động, cơ hội, thách thức đối với ngành, đơn vị mình khi nước ta gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang chuẩn bị ký kết, đặc biệt là Hiệp định TPP; xác định những nhân tố then chốt đảm bảo thành công của đơn vị trong hội nhập quốc tế, đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp với Đảng, Nhà nước để tích cực hội nhập quốc tế thành công.
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW phát biểu tại Hội nghị. |
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định: Quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế là quá trình tính toán lâu dài, thận trọng nhưng khi có thời cơ, Việt Nam rất quyết đoán để tận dụng cơ hội. Việc ký kết và tham gia Hiệp định TPP, Việt Nam đã có thời gian chuẩn bị. Thực tế qua các Hiệp định đã và đang đàm phán, các bộ ngành, cơ quan chức năng luôn quán triệt rõ quan điểm việc đàm phán thương mại đầu tiên phải đạt được lợi ích cao nhất về kinh tế.
Bộ trưởng cho rằng, mỗi doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động tìm hiểu, thực sự quan tâm đến việc hội nhập, việc chủ động, tích cực nắm bắt của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Trong thời gian qua đã có nhiều đơn vị doanh nghiệp, Hiệp hội tham gia tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả đàm phán. Dù hội nhập hay không, điều sống còn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải tái cơ cấu để hoạt động hiệu quả. Cần tiếp tục tổ chức hội nghị chuyên đề với các thành phần doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để hiểu rõ hơn về các nguyên tắc cũng như thuận lợi, thách thức trong quá trình hội nhập. Các cơ quan quản lý Nhà nước, ngành Công thương luôn đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.
Đại biểu tham luận tại Hội nghị. |
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Hội nhập quốc tế là chủ trương lớn của Đảng, có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai đất nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần đi đầu và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Cần tiếp tục có những cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và các bộ, ngành, những người có trách nhiệm để làm rõ những cơ hội, thách thức khi gia nhập TPP, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả vừa tận dụng được cơ hội, đồng thời giảm tác động xuống thấp nhất. Đồng chí đề nghị, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, hiệp hội liên quan cần sớm giải quyết những kiến nghị, vướng mắc của các doanh nghiệp. Từng ngành hàng, từng doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu thông tin, đề ra kế hoạch tìm hướng phát triển.
Ngay sau Hội nghị, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương sẽ có văn bản chỉ đạo Đảng ủy các Tập đoàn, Tổng Công ty, Ngân hàng trong Khối khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, triển khai chiến lược, giải pháp để chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Thanh Tùng – Lan Hương