.
.

Nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương

Thứ Sáu, 28/09/2018|16:06

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác xây dựng đội ngũ trí thức ở nước ta nói chung và trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nói riêng đã có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức được nâng cao và không ngừng được củng cố, tăng cường về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đất nước trong tình hình mới.

Thực trạng xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức

Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương có 35 đảng bộ trực thuộc (trong đó có 32 đảng bộ cấp trên cơ sở, 03 đảng bộ cơ sở) với 1.102 tổ chức cơ sở đảng, 5.174 chi bộ trực thuộc và trên 80.000 đảng viên; là mô hình đảng bộ mới, không có tổ chức chính quyền, Công đoàn cùng cấp. Các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Đảng bộ Khối hiện có khoảng 800 nghìn lao động, đa số đã qua đào tạo, có tay nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ khá (số lao động có trình độ chuyên môn từ Trung cấp, Cao đẳng trở lên là 498.307 người (trong đó có 591 tiến sỹ, 28.406 thạc sỹ, 287.274 đại học) chiếm tỷ lệ hơn 61,7% tổng số lao động. Trực thuộc các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối hiện có 12 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động về lĩnh vực khoa học công nghệ và 20 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động về lĩnh vực giáo dục, trong đó có 02 trường đại học (Đại học Dầu Khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Đại học Dệt-May Hà Nội thuộc Tập đoàn Dệt may) và 04 trường cao đẳng với 10.994 sinh viên.  

Đội ngũ trí thức đã thực sự đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước và doanh nghiệp, đơn vị. Bằng các hoạt động cụ thể, đội ngũ trí thức đã triển khai và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Khối. Nhiều công trình, nhiều đề tài khoa học, sáng kiến đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng; từ việc nghiên cứu khoa học, các sản phẩm công nghệ mới đã được áp dụng trong sản xuất kinh doanh (SXKD) tạo ra các thiết bị, máy móc làm lợi hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp, đơn vị; góp phần khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên của đất nước. Đội ngũ trí thức trong các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị đã nghiên cứu 5.458 đề án, đề tài; trong đó 4.530 đề án, đề tài đã được đưa vào áp dụng trong thực tế làm lợi cho doanh nghiệp số tiền hơn 1.335 tỷ đồng . Tiêu biểu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 04 công trình đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KHCN và nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ, cấp Tập đoàn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản đã có 17.095 đề tài, sáng kiến, giải pháp hợp lý hóa sản xuất làm lợi trên 10 nghìn tỷ đồng, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - TKV đã thử nghiệm thành công Vì chống thủy lực và đưa vào áp dụng ở hầu hết các mỏ hầm lò. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông sáng tạo, triển khai nhiều dịch vụ mới trong các lĩnh vực giá trị gia tăng, công nghệ thông tin và truyền thông trên cơ sở hạ tầng mạng viễn thông của Tập đoàn; năng suất lao động hằng năm giai đoạn 2014 - 2016 tăng trung bình 24%/năm, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hoàn thành các mục tiêu của VNPT.

Kỹ sư vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ
Kỹ sư vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Tổng công ty Hàng không có nhiều công trình, dự án lớn trong lĩnh vực khai thác, thương mại, dịch vụ như dự án thay thế toàn bộ tàu bay ATR72-200 và A320 đời cũ bằng các loại ATR72-500 và A321-200, Vietnam Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên ở châu Á và thứ 2 trên thế giới làm chủ và đưa vào khai thác đội tàu bay thế hệ mới, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu như B787-9 Dreamliner và A350-900 XWB. Chất lượng nguồn nhân lực của Tổng Công ty Viễn thông Mobifone thể hiện rõ nhất qua năng suất lao động bình quân đạt trên 8-10 tỷ đồng/người/năm (năng suất cao nhất trong các doanh nghiệp viễn thông ở Việt Nam hiện nay). Tập đoàn Hóa chất đã được nhận 15 giải thưởng sáng tạo khoa học VIFOTEC, phát huy được 15.704 sáng kiến, với số tiền làm lợi hàng trăm tỷ đồng. Tổng công ty Giấy có 114 đề tài khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ, 130 sáng kiến cải tiến kỹ thuật giá trị làm lợi 130 tỷ đồng. Tổng công ty Đường sắt phát huy hiệu quả với các dự án mở rộng hệ thống đặt chỗ, bán vé điện tử, thanh toán hóa đơn điện tử, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính, tiền lương, vật tư và quản lý sửa chữa. Tổng công ty Bưu điện tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 30% nhờ có sự góp sức mạnh mẽ của đội ngũ trí thức. Tổng công ty CN Xi măng có 1.237 đề tài khoa học, sáng kiến đã được áp dụng trong sản xuất làm lợi cho doanh nghiệp hơn 760 tỷ đồng. Tổng công ty Lương thực miền Bắc bình quân hằng năm xuất khẩu gần 1 triệu tấn gạo và lương thực mang về kim ngạch từ 350 - 400 triệu USD, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty liên tục có lãi. Tập đoàn Công nghiệp Cao su có 68 đề tài, đề án NCKH, điển hình là Đề tài “Thiết lập Quy trình Test nhanh độ nhớt Vr của latex bằng lò vi sóng, nhằm tăng khả năng sản xuất cao su CV - độ nhớt ổn định”. Đây là sáng kiến có giá trị quốc tế trong vòng 60 năm qua trong sản xuất cao su CV. Từ kết quả này, đã mang lại lợi ích từ việc tăng khả năng chế biến cao su CV từ bất kỳ dòng vô tính nào, từ bất kỳ nguồn nào (đại điền hay tiểu điền). Tập đoàn Điện lực (EVN) có 47 đề tài sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng trong và ngoài EVN; phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (Investment Management Information System) của EVN đã được công nhận đạt danh hiệu Sao Khuê 2018. Năm 2014, EVN đã đạt giải Sao Khuê cho hai sản phẩm phần mềm là: Hệ thống quản lý hóa đơn điện tử và Hệ thống thông tin quản lý kỹ thuật lưới điện; năm 2008, đạt giải Sao Khuê cho sản phẩm phần mềm Thị trường điện.

Các ngân hàng trong Khối đã nỗ lực nghiên cứu ứng dụng nhiều thiết bị khoa học kỹ thuật phục vụ dịch vụ thanh toán, quản lý vốn, tài sản qua hệ thống vi tính hiện đại… Dự án Core Banking của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đánh dấu bước chuyển mình quan trọng, đáp ứng yêu cầu công nghệ cho sự phát triển lâu dài, 6 năm liền được Forbes tôn vinh là ngân hàng duy nhất Việt Nam lọt vào top 2000 Doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) trong công tác tuyển dụng cán bộ có ưu tiên đối với sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, có những cơ chế quy định riêng để thu hút đội ngũ trí thức đặc biệt xuất sắc được đào tạo bài bản từ nước ngoài về công tác tại VCB. Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) hằng năm có quy hoạch đào tạo phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho các mảng hoạt động chính của BIDV đó là đào tạo chuyên sâu, đào tạo tin học-ngoại ngữ, đào tạo kỹ năng xử lý công việc..., chương trình đào tạo được xây dựng cho từng cấp từ khi cán bộ mới tuyển dụng đến đội ngũ cán bộ quản lý cấp cao. Đội ngũ trí thức của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) luôn áp dụng tốt khoa học kỹ thuật sử dụng phần mềm VDB online trong kế toán giao dịch tập trung và phần mềm Edocmen quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên toàn hệ thống VDB.

Giải pháp để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong tình hình mới

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Đảng ủy Khối về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức cống hiến, phát huy năng lực, trí tuệ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các đoàn thể trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức; thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo với trí thức, tạo sự cởi mở, chân thành, động viên đội ngũ trí thức tích cực lao động, học tập, cống hiến cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức để toàn doanh nghiệp hiểu đúng về vai trò, vị trí quan trọng của trí thức và đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình đối với doanh nghiệp, đơn vị.

Rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ trí thức của doanh nghiệp, đơn vị, trên cơ sở đó xây dựng, bổ sung kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút trí thức trẻ đã được đào tạo chính quy, có trình độ, năng lực và phẩm chất tốt về doanh nghiệp, đơn vị công tác; tạo điều kiện để đội ngũ trí thức mở rộng giao lưu, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài nước; khuyến khích đội ngũ trí thức tự học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ... đáp ứng tình hình mới.

Xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp với trí thức đầu ngành. Thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các đề tài, sáng kiến, sản phẩm sáng tạo nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của trí thức. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những gương trí thức giỏi, tài năng, có những cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp và đất nước.

Trong thời gian tới, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Trung ương và của Đảng ủy Khối về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thực hiện sắp xếp lại bộ máy, cán bộ ở cơ quan Đảng ủy Khối theo hướng khoa học hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; căn cứ các quy định của Trung ương rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định về công tác cán bộ từ khâu tuyển dụng, bố trí công việc, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm và chế tài xử lý những vi phạm trách nhiệm công vụ; xây dựng cụ thể hóa chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp làm căn cứ để xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quy hoạch; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trong đó nòng cốt là đội ngũ trí thức. Lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng hệ thống học tập trực tuyến, hệ thống quản lý tri thức và một số hệ thống thông tin khác phục vụ học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng và phục vụ đào tạo - phát triển.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, đảng viên, người lao động nhất là đội ngũ trí thức để nhận thức rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân không ngừng phấn đấu vươn lên, nâng cao năng lực trình độ khẳng định vị trí, vai trò đóng góp của mình; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những gương trí thức điển hình, đặc biệt là trí thức trẻ.

Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết của các Đảng ủy trực thuộc. Hàng năm, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ chuyên môn và công tác xây dựng Đảng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý và đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ để bổ sung vào quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo.

Bên cạnh đó, các Đảng ủy trực thuộc tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết số 20 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Kết luận số 90 - KL/TW, ngày 04/3/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27 - NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, lãnh đạo doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trong của trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; cần xác định rõ công tác xây dựng đội ngũ trí thức là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy đảng và lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp trong Khối.

Đổi mới nội dung học tập chính trị, tư tưởng ở các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng với các hình thức phù hợp và đa dạng; tăng cường rèn luyện, phấn đấu, bồi đắp, phát huy những phẩm chất tốt đẹp như: lòng yêu nước, tính tích cực xã hội, tính nhân văn, đạo đức và lối sống lành mạnh nhằm nâng cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức.

Xây dựng hệ thống học trực tuyến (E-learning) để nâng cao hiệu quả của hoạt động đào tạo – phát triển ở mỗi đơn vị thông qua một hạ tầng chung, tận dụng các cơ hội của công nghệ thông tin, học hỏi kinh nghiệm đối với các doanh nghiệp khác ở trong và ngoài nước.

Xây dựng đội ngũ chuyên gia cho một số lĩnh vực mang tính chất chiến lược để giải quyết các thách thức công nghệ, quản lý trên con đường thực hiện chiến lược kinh doanh của mình.

Nâng cao năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, trung tâm đào tạo trực thuộc dựa trên những quan điểm, nguyên tắc cơ bản là kết hợp giữa Đào tạo – Nghiên cứu - Ứng dụng; liên kết các cơ sở đào tạo của doanh nghiệp mình với các trường đại học, trung tâm đào tạo có uy tín trong nước và trên thế giới để gắn với nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp và tiết giảm chi phí.

Tăng cường đầu tư thông qua xây dựng khung năng lực; đẩy mạnh việc trích và sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh cho mục đích đào tạo, nghiên cứu hoặc thuê chuyên gia nước ngoài để đào tạo – phát triển chuyên gia Việt Nam; đa dạng hóa nguồn kinh phí phục vụ cho đào tạo từ công ty mẹ đến các đơn vị thành viên, các dự án hợp tác, các hợp đồng PSC, chuyển giao công nghệ và cá nhân tự chi trả.

Tiếp tục hoàn thiện môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và tạo các điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức cống hiến, sáng tạo, có sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh. Áp dụng các công cụ, giải pháp, mô hình hiện đại trong công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực bằng chỉ số đánh giá thực hiện công việc KPI.

Tăng cường hợp tác trong nước, quốc tế tìm kiếm cơ hội triển khai các dự án hợp tác quốc tế nâng cao năng lực nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị, phần mềm, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm; từng bước có chiến lược đưa đội ngũ cán bộ Việt Nam vào thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng PSC.

Thể chế hóa và thực hiện tốt các chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Tổ chức quán triệt, thực hiện Kết luận số 86 - KL/TW, ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, nhằm thu hút, tuyển chọn nhân tài từ các nhà trường, học viện về công tác tại các doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với trí thức giỏi, tạo động lực, phát huy năng lực chuyên môn của đội ngũ trí thức. Có cơ chế phát hiện, tiến cử, tuyển chọn, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, tránh tình trạng “chảy máu chất xám” trong các doanh nghiệp nhà nước.

Thuê chuyên gia giỏi trong và ngoài nước tư vấn xây dựng hệ thống quản trị nhân lực và tham gia cố vấn đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực then chốt.

Triển khai đồng bộ công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức ở các lĩnh vực. Nâng cao chất lượng, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và các trung tâm đào bồi dưỡng của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối nhằm đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ trí thức tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực có trình độ đại học, gắn nghiên cứu khoa học với công tác giảng dạy đại học, sau đại học.

Các cấp ủy đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra việc thể chế hóa các nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức thành các chế độ, chế tài, quy chế cụ thể để thực hiện. Hàng năm, có các hình thức thi đua, khen thưởng nhằm tôn vinh những trí thức giỏi, tài năng, có nhiều cống hiến cho sự phát triển đất nước.

Các cấp ủy đảng cần làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong doanh nghiệp hiểu đúng về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức đồng thời để đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của doanh nghiệp, của đất nước.

Nguyễn Văn Tám

.
.
.
.