.
.

Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị

Thứ Tư, 28/09/2022|10:30

Ngày 26/9, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Đảng ủy Khối quản lý bằng hình thức trực tiếp tại Hội trường tầng 2, Trụ sở Đảng ủy Khối và kết nối trực tuyến tới 36 đảng ủy trực thuộc.

Dự Hội nghị, có đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối; đồng chí Nguyễn Đức Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối; các đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy Khối: Lê Văn Châu, Hồ Xuân Trường; Thượng tướng, PGS, TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Tham dự Hội nghị có 1.150 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Uỷ viên UBKT Đảng uỷ Khối; lãnh đạo các ban, đơn vị và lãnh đạo cấp phòng thuộc các ban, đơn vị Đảng uỷ Khối; báo cáo viên Đảng uỷ Khối; các đồng chí bí thư, phó bí thư, uỷ viên ban thường vụ, uỷ viên ban chấp hành và cán bộ chủ chốt các đảng uỷ trực thuộc.

Hội nghị được nghe Thượng tướng, PGS, TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương truyền đạt nội dung chuyên đề “Doanh nghiệp Nhà nước chủ động ứng phó với tác động của an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Cơ quan Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Cơ quan Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Tại Nghị quyết số 08/NQ-TW, ngày 17/12/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về chiến lược an ninh quốc gia đã chỉ ra các yếu tố thách thức đối với an ninh quốc gia, trong đó có vấn đề an ninh phi truyền thống (ANPTT). Tiếp đó, vấn đề ANPTT tiếp tục được đề cập trong nội dung các văn kiện Đại hội XI, XII của Đảng. Đặc biệt tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định nhận thức, quan điểm nhất quán về nội dung, thách thức của ANPTT đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đại hội nhấn mạnh những vấn đề toàn cầu như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường. tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động mạnh mẽ đến nước ta. Từ đó Đại hội đã đề ra nhiệm vụ sẵn sàng ứng phó hiệu quả các thách thức ANPTT; bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng và an ninh xã hội; xử lý các vấn đề ANPTT, tạo vành đai bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Thượng tướng, PGS, TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, tính chất nguy hiểm của các mối đe doạ ANPTT không chỉ biểu hiện ở mức độ hủy hoại, sự tàn phá của nó đối với cuộc sống của con người, mà còn đặt ra nhiều thách thức đối với sự ổn định xã hội, sự tồn vong của cả cộng đồng, hiệu quả thực tế của hợp tác và hội nhập toàn cầu; thậm chí còn làm nảy sinh các vấn đề về an ninh quân sự. Các thảm họa thiên nhiên, động đất, sóng thần, bão lụt, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên... ngày càng thách thức các thành tựu của khoa học, kỹ thuật hiện đại và khả năng, nỗ lực của con người. Khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, những vấn đề tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... đang thử thách nghiệt ngã năng lực điều hành của các chính phủ, sự vững chắc của các thể chế chính trị và các nền kinh tế, kể cả nền kinh tế giàu mạnh nhất, cũng như tính khả thi, bền vững của các liên kết quốc tế.

Những thách thức về an ninh phi truyền thống xuất hiện không chỉ là vấn đề riêng của mỗi quốc gia, mà có khả năng lan rộng một cách nhanh chóng cả về phạm vi và mức độ ảnh hưởng trong khu vực, thậm chí toàn cầu. Hiện nay, trong bối cảnh bùng nổ cách mạng khoa học - công nghệ, quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ đã làm cho biên giới địa lý giữa các quốc gia trở nên “mềm” hơn, dễ vượt qua hơn; mạng Internet đã tạo ra một “thế giới ảo” với các xa lộ thông tin toàn cầu, hoàn toàn không còn biên giới ngăn cách. Cùng đó là sự hủy hoại của con người đối với tự nhiên, môi trường; sự phát triển kinh tế thiếu kiểm soát, chạy theo lợi nhuận thuần túy, lợi ích trước mắt; sự chi phối của những tư tưởng chính trị cực đoan, sự tha hóa và suy thoái về đạo đức của chính con người... đã làm cho những vấn đề được gọi là ANPTT trở nên trầm trọng hơn, phức tạp hơn, có quy mô lớn hơn rất nhiều.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Cơ quan Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Thượng tướng, PGS, TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương truyền đạt nội dung chuyên đề.

Theo Thượng tướng, PGS, TS. Nguyễn Văn Thành, trong bối cảnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền sẽ cần tới những duy mới, sáng tạo, những chính sách, giải pháp đột phá và hiệu quả, bảo đảm cho Nhà nước luôn thích ứng với bối cảnh tình hình mới, kịp thời đề ra và thực hiện những chủ trương, chính sách, pháp luật và giải pháp đúng, phát huy mọi nguồn lực, tận dụng thời cơ để phát triển và kịp thời ứng phó với những khó khăn, thách thức xảy ra. Bên cạnh đó, phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của nhân dân, tăng cường quốc phòng và an ninh... là những vấn đề cơ bản tạo nền tảng vững chắc cho việc đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Tại Hội nghị, Thượng tướng, PGS, TS. Nguyễn Văn Thành đưa ra khuyến nghị thực hiện một số giải pháp, trong đó cần coi trọng đầu tư, chuẩn bị cả về con người và phương tiện hiện đại cho nhiệm vụ đối phó với những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), thách thức an ninh phi truyền thống, bảo đảm có lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và lực lượng rộng rãi; luôn nắm vững tình hình, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

Đẩy mạnh hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, các cơ quan an ninh, cảnh sát của các nước trong vấn đề an ninh phi truyền thống, đấu tranh chống khủng bố, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; thiết lập hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế, với các tổ chức quốc tế có liên quan; chú trọng tăng cường quan hệ hợp tác với các nước ASEAN trong đối phó với các mối đe dọa ANPTT; tập trung vào các vấn đề về đào tạo, huấn luyện, diễn tập, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, hỗ trợ nhân đạo, phòng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, với các chương trình, kế hoạch và cơ chế phù hợp,... góp phần giảm thiểu tác động của các nguy cơ ANPTT đối với nước ta nói chung.

Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương truyền đạt nội dung chuyên đề
Điểm cầu tại các đảng uỷ trực thuộc.

P.V

.
Các bài viết khác:
.
.
.