.
.

Nữ “Tư lệnh” Lọc hóa dầu

Thứ Năm, 08/12/2011|23:31

 

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Thị Bình nổi tiếng là người cương nghị và là chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực lọc hóa dầu, một trong ba khâu quan trọng của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam. Không hiểu số phận đưa đẩy thế nào mà chị lại đi học ngành Lọc hóa dầu, nhưng có cái lạ là chị càng học càng thấy "say" nghề này.

Tốt nghiệp khóa học Bình là một trong rất ít sinh viên khoa Lọc hóa dầu của Trường Dầu Mátxcơva đạt tấm bằng đỏ. Về nước năm 1981, say mê với những gì đã lĩnh hội được, chị khao khát được đứng trên bục giảng truyền kiến thức về ngành Lọc hóa dầu cho sinh viên, nhưng ước vọng đó không thành, chị được phân công về Tổng cục Dầu khí, làm chuyên viên Trung tâm Thông tin tư liệu Dầu khí, biên tập mảng khoa học lọc hóa dầu.

Công việc diễn ra đều đặn trong 12 năm, người khác có lẽ an phận với công việc nhàn nhã và có phần nhàm chán này, nhưng chị là người luôn tìm được niềm vui trong công việc, Chị biết kiến thức học nhà trường thôi chưa đủ nên coi đây là cơ hội bổ sung kiến thức về ngành Dầu khí nói chung và lĩnh vực lọc hóa dầu nói riêng qua các tư liệu chuyên sâu của các nhà khoa học đầu ngành tại Việt Nam và trên thế giới.

Đồng hành cùng Dung Quất

Có lẽ chị là một trong số rất ít người trong ngành Dầu khí đã đồng hành suốt chiều dài của Dự án Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất từ khi thai nghén đến khi vận hành với 15 năm đầy trắc trở, khó khăn và có cả giai đoạn dự án còn đứng mong manh giữa thành và bại. Là cán bộ có chuyên môn cao về công nghệ chế biến dầu khí nên đầu năm 1995 chị được chuyển về làm chuyên viên Phòng Kế hoạch của Tổng Công ty Dầu khí, nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tham gia tổ lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án Lọc dầu Dung Quất. Ngay từ đầu dự án đã gặp khó khăn, chịu áp lực từ nhiều phía. Dự án NMLD là dự án có hàm lượng công nghệ cao, vốn đầu tư lớn và cũng nhiều rủi ro. Với hoàn cảnh kinh tế và trình độ phát triển của Việt Nam, cần phải có nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ quan điểm của Chính phủ về khuyến khích, ưu đãi cho đầu tư NMLD cũng chưa cởi mở, do vậy năm 1995, Tập đoàn Total của Pháp sau một thời gian nghiên cứu đã rút lui khỏi dự án, sau đó tổ hợp 6 công ty nước ngoài cũng rút lui vì các yêu cầu ưu đãi không được chấp thuận.

Năm 1997 Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam với sứ mệnh của một doanh nghiệp Nhà nước thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đã chèo chống, vượt qua rất nhiều trăn trở khó khăn để tự triển khai đầu tư dự án. Quyết tâm này càng rõ nét hơn sau khi Zarubezhneft (Nga) đã rút khỏi liên doanh với PVN vào năm 2002. Việt Nam là một quốc gia đứng thứ 6 trong các nước châu Á xuất khẩu dầu thô và trong khi đó đang phải nhập khẩu toàn bộ xăng dầu cho tiêu thụ trong nước. Vì thế việc có một NMLD sẽ đem lại hiệu quả tổng thể to lớn cho nền kinh tế nước nhà. Nhận thức là đúng, nhưng làm thế nào để dự án mang tính khả thi quả là cuộc chiến cam go đòi hỏi rất nhiều trí lực và tâm huyết của mọi người, từ các cơ quan Chính phủ đến nhà thầu xây dựng và đặc biệt là của PVN – chủ đầu tư.

Với kiến thức được đào tạo bài bản, vừa học vừa làm chị đã được lãnh đạo giao tham gia vào nhiều công việc của dự án. Từ việc chọn các nhà thầu EPC, tư vấn PMC và đặc biệt là nhà thầu EPC số 1, chị Bình là người chấp bút những bản báo cáo, giải trình diễn biến của dự án cho lãnh đạo cấp cao của PVN và Chính phủ.

Năm 2004, chị được đề bạt làm Phó trưởng ban Chế biến Dầu khí, sau đó trực tiếp làm Tổ trưởng Đàm phán kỹ thuật – công nghệ, Tổ phó Đàm phán giá hợp đồng gói thầu EPC chính của dự án. Nhận thức được đây là một công việc hết sức quan trọng, có tính quyết định đến thành bại của dự án chị đã suy nghĩ, trăn trở, tổ chức quy tập các kỹ sư, chuyên gia của PVN, sử dụng ý kiến tư vấn của chuyên gia PMC để quyết định các phương án đàm phán. Với việc sử dụng sức mạnh tập thể và tính cách quyết đoán chị đã đàm phán thành công phần kỹ thuật của gói thầu phức tạp và quan trọng nhất.

Sau khi kết thúc đàm phán kỹ thuật, việc nhà thầu chào giá cao hơn khoảng 2 lần so với dự toán (năm 1998) của PVN đã làm cho không ít người lo lắng! Khó khăn chồng chất khó khăn. Chị được giao trực tiếp phân tích, kiểm tra giá chào thầu và lập ra phương án đàm phán giảm giá trình lãnh đạo cấp cao của PVN như Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dự, Tổng giám đốc Trần Ngọc Cảnh, Ủy viên HĐQT kiêm Trưởng ban Kiểm soát Phan Hòa… Chị cũng nhiều lần được cùng lãnh đạo PVN lên báo cáo, giải trình với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và lãnh đạo Chính phủ. Với thái độ trung thực, khách quan, thẳng thắn, chí công vô tư chị trình bày quan điểm của mình về nội dung các bản chào thầu, đề xuất để các cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phó tổng giám đốc Trần Thị Bình đang kiểm tra thiết bị Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Công việc ngổn ngang, phức tạp làm việc không kể thời gian đã khiến chị bị chảy máu dạ dày, đi khám bệnh, bác sĩ bắt nhập viện ngay. Tiếng gọi của công việc khiến chị bỏ trốn khỏi bệnh viện, vừa làm, vừa điều trị. Thế rồi như có phép lạ, bệnh cũng được đẩy lùi.

Những bản báo cáo phân tích mang tính khách quan, đầy sức thuyết phục trình cấp trên khẳng định lại chủ trương đầu tư NMLD đầu tiên của Việt Nam là kết quả của tinh thần trách nhiệm cao, sự tìm tòi, sáng tạo cá nhân của chị và kết tinh của tri thức tập thể anh em tổ đàm phán. Tất cả, không kể ngày nghỉ hay ngày lễ, không tính 8 tiếng hay trên 10 tiếng làm việc hàng ngày chỉ với mục tiêu bảo vệ tối đa quyền lợi của chủ đầu tư trên cơ sở phù hợp với tình hình thị trường thực tế.

Kiến thức chuyên môn sâu, thái độ làm việc nghiêm túc, bản lĩnh của một người làm việc vì lợi ích Quốc gia, vì sự phát triển ngành Dầu khí của chị trong các cuộc họp bàn về dự án Dung Quất, đã “lọt mắt xanh” lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và Tập đoàn. Từ Phó ban của Tập đoàn chị được đề bạt thẳng lên Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực chế biến dầu khí, chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức triển khai các dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư cho đến thực hiện đầu tư và vận hành dự án.

Có lẽ ở PVN, chị là trường hợp đặc biệt đầu tiên được bổ nhiệm vượt cấp. Điều này vừa là niềm vui vì được cấp trên tin tưởng, vừa là áp lực đối với chị. Vào thời điểm đó chặng đường của các dự án lọc hóa dầu về đích còn lắm nỗi truân chuyên, đòi hỏi người lãnh đạo trực tiếp chèo thuyền phải dũng cảm, quyết liệt, bản lĩnh mới thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Yêu quý chị, kính trọng tài năng, tinh thần trách nhiệm của chị với công việc, anh em “phong” cho chị danh hiệu “Tư lệnh” Lọc hóa dầu của PVN.

Ngày 28/1/2006, sau 9 năm dự án bị đình trệ, nhát búa đóng cọc đầu tiên của dự án đồ sộ mang tên NMLD Dung Quất được bổ xuống, đánh dấu cột mốc mang tính lịch sử của ngành công nghiệp Lọc hóa dầu non trẻ của Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư 3 tỉ USD, địa điểm đặt tại Khu Công nghiệp Quảng Ngãi, công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.

Để mô tả khối lượng công việc lớn của dự án, Tổng thầu Technip ví von: Tổng số tài liệu và sổ tay vận hành đủ chất đầy 100 xe tải, diện tích các gói thầu chính xấp xỉ 600ha tương đương với 1.200 sân bóng đá, hơn 150.000 tấn vật tư thiết bị tương đương với 1 triệu xe máy, trên 5 triệu mét dây cáp điện đủ để căng 2 lần từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, gần 17.000 tấn thép các loại đủ để xây hai tháp Eiffel Paris và một nhà máy điện công suất 100MW đủ dùng cho cả thành phố Quảng Ngãi.

Nói quy mô và khối lượng công việc đồ sộ như vậy thì người chịu trách nhiệm trực tiếp theo dõi, quản lý tổ chức triển khai dự án như chị và cộng sự không những chịu sức ép công việc mà luôn tiềm ẩn rủi ro cá nhân cao. Quỹ thời gian của chị luôn bị co cứng. Chị như con thoi, hết bay vào Quảng Ngãi lại bay đi họp với các đối tác nước ngoài, chị không có quyền được… ốm, không cho phép mình được nghỉ ngơi thư giãn để nghe được bản nhạc hay, tụ họp với bạn bè, ngay cả việc chăm lo bữa ăn theo đúng nghĩa hàng ngày cho chồng con chị cũng khó thực hiện trọn vẹn như những người phụ nữ bình thường khác. Công việc bám đuổi theo chị mọi lúc, mọi nơi, có khi thời gian hiếm hoi ngày nghỉ ở bên chồng con của chị cũng bị cắt xén.

Để cân bằng giữa công việc và gia đình chị đã chắt chiu từng buổi, từng giờ của những ngày nghỉ đi chợ nấu ăn tươi cho cả nhà, với chị ý nghĩa của cuộc sống là sự hài hòa, chị chỉ thấy thực sự hạnh phúc khi làm tốt công việc cơ quan, về nhà gia đình êm ấm.

Những tháng ngày này công trường ngập tràn công việc, rồi những tranh cãi về kỹ thuật, phát sinh chi phí… được Ban Quản lý dự án trình lên Tập đoàn đều do chị chỉ đạo, bàn bạc, đàm phán với nhà thầu có tình có lý. Việc nào cũng cần, cũng cấp bách, tuy nhiên người phụ nữ nhỏ bé khiêm nhường ấy cứ cần mẫn, lặng lẽ làm, coi dự án như máu thịt của chị.

Hàng ngày chị thường gọi điện cho anh em hỏi thăm tình hình, theo dõi thời tiết, nếu thời tiết đẹp chị thở phào vì thêm một ngày tiến hành công việc được thuận lợi, ngày nào Quảng Ngãi mưa là thêm một nỗi lo chậm tiến độ. Giai đoạn chạy thử dự án bị sự cố van bít phân xưởng RFCC, hàng tuần chị phải bám Dung Quất, có tuần bay đi bay lại 2 lần, có hôm sáng vào tối ra, có lúc phải ra tận phao neo SPM để kiểm tra. Chiếc phao là đầu để neo nối ống nhập dầu thô từ tàu vào bể chứa, diện tích phao chỉ chừng 50-60m2. Chiếc phao quá nhỏ bé giữa biển bao la với những đợt sóng trào. Có lẽ chị là một trong số rất ít phụ nữ của ngành đủ dũng cảm ra phao, vì có cả nam giới ra phao cũng bị say đến không còn gì trong dạ dày, đó là chưa kể rủi ro tính mạng.

Thế rồi ngày 25/2/2009, dòng dầu thương mại đầu tiên đã ra đời. Trong sự vỡ òa hạnh phúc của “trái tim” Dung Quất, nhân dân cả nước và toàn bộ CBCNV PVN, chị lặng lẽ đón nhận tin vui. Niềm hạnh phúc sâu thẳm của người trong cuộc khiến chị thấy tức thở. Niềm vui đan xen nỗi lo về công việc vẫn còn phía trước, đôn đốc kiểm tra để nhà máy luôn vận hành an toàn, liên tục, nhiệm vụ chỉ đạo sát sao để hoàn thành quyết toán cơ bản dự án với thời hạn nhanh kỷ lục vào ngày 31/12/2010, đôn đốc công tác bảo dưỡng tổng thể nhà máy hoàn thành tiết kiệm và vượt tiến độ… Dung Quất vừa đi vào hoạt động, chị đã lo đến một dự án mới: Nâng cấp và mở rộng nó để nâng cao hiệu quả đầu tư với nguồn dầu nhập khẩu dài hạn.

“Tư lệnh” Lọc hóa dầu

Từ năm 2006, song song với việc quản lý triển khai xây dựng NMLD Dung Quất, chị còn dành phần lớn thời gian để trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Dầu khí khác. Với kinh nghiệm từ Dung Quất, chị đã đóng góp không nhỏ cho việc đầu tư xây dựng Dự án Đạm Cà Mau, Dự án Xơ sợi Đình Vũ. Các dự án này sẽ được đưa vào vận hành vào cuối năm nay và đầu năm 2012.

Phó tổng giám đốc PVN Trần Thị Bình đã gắn bó với ngành Dầu khí Việt Nam gần 30 năm.

Là nữ Ủy viên duy nhất của Hội đồng Thành viên Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty Hóa dầu Long Sơn nhưng chị luôn tự tin đưa ra các ý kiến xác đáng, được các đồng nghiệp nước ngoài đánh giá cao. Bây giờ, ngành Lọc hóa dầu của Việt Nam đã có hình hài, thành hệ thống, trải dài từ Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi Hải phòng, qua Lọc hóa dầu Dung Quất đến Đạm Phú Mỹ, Cà Mau. Vài năm nữa sẽ có thêm Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đồ sộ. Thành công ấy, bước tiến ấy có phần đóng góp của chị.

Gắn bó với ngành Dầu khí Việt Nam gần 30 năm lại có công không nhỏ để các dự án lọc hóa dầu quan trọng mang tầm vóc thế kỷ, có tổng mức đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, phức tạp, sớm triển khai, đi vào hoạt động, nhưng chị ít nói về mình, có chăng chị thấy cuộc đời mình thật may mắn và hạnh phúc: Được sinh ra trong gia đình mà mọi thành viên đều hết lòng thương yêu nhau; được đào tạo bài bản tại một nước có nền công nghiệp Dầu khí phát triển; được làm đúng chuyên ngành mình đã học; được làm việc cùng các cộng sự có chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, gắn bó vì lợi ích tập thể; được cấp trên nhìn nhận, đánh giá đúng và may mắn hơn cả có người chồng biết thông cảm sẻ chia để chị có thể vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống, trong công việc; may mắn vì chị có những người con biết cảm thông với mẹ để học tập, tu dưỡng, tự lập vươn lên.

Với các thành viên trong đại gia đình Dầu khí, chị là người phụ nữ thành đạt theo đúng nghĩa. Bởi tất cả những gì chị có được ngày hôm nay là mồ hôi, công sức, là sự thông minh, sáng tạo, cần mẫm chăm chỉ phấn đấu không ngừng nghỉ, là sự đam mê khát khao mãnh liệt được cống hiến của một thế hệ những người Dầu khí luôn đặt trách nhiệm cá nhân trước sự phát triển, lớn mạnh của ngành công nghiệp Dầu khí hàng đầu Việt Nam. Những lớp người như chị chắc chắn sẽ không bao giờ bị lãng quên trong lịch sử phát triển Dầu khí Việt Nam.

 Bà Trần Thị Bình
- Ngày sinh:  2-7-1958
- Quê quán:  xã Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An
- Trình độ chuyên môn: Kỹ sư chuyên ngành Chế biến Dầu khí.
- Chức vụ hiện nay: Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Quá trình công tác:
- Năm 1981: Tốt nghiệp Trường đại học Dầu khí Mátxcơva
- Từ 1982 – 1994: Làm việc tại Trung tâm Thông tin – Tư liệu Dầu khí.
- Từ 1995 – 2001: Chuyên viên Phòng Kế hoạch, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.
- Từ 2001–2003: Chuyên viên Ban Đầu tư phát triển Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.
- Từ  2004 – 9/2006: Phó trưởng ban Chế biến Dầu khí, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.
- Từ 9-2006 đến nay: Phó tổng giám đốc Tổng Công ty, nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Khen thưởng:
- Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2007
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, năm 2005
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, năm 2009
- Bằng khen Bộ Công Thương, năm 2010
- Chiến sĩ thi đua cấp Bộ Công Thương 2008
- Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2009

Petrotimes

.
.
.
.