.
.

Chủ tịch nước thăm Đắk Lắk

Thứ Hai, 19/03/2012|08:45

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến kiểm tra tình hình phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới tại huyện Cư-Mgar, tỉnh Đăk Lăk và làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm xã EaTul, huyện Cư-Mga. Ảnh: VOV
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm xã EaTul, huyện Cư-Mga. Ảnh: VOV

Ngay khi đến tỉnh Đắk Lắk chiều 17/3, Chủ tịch nước tới tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế - xã hội tại xã EaTul, huyện Cư-Mga. Đây là 1 trong 4 xã được chọn triển khai thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắk Lắk.

 

Với xuất phát điểm là 1 xã vùng cao của huyện Cư-Mga, có 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Êđê, nhưng xã EaTul lại có nguồn tài nguyên phong phú cho phát triển cây cà phê, hiện toàn xã có hơn 4.200 ha trồng cà phê trên gần 5.700 ha diện tích đất tự nhiên. Tuy nhiên do hạn chế về kỹ thuật thâm canh nên nhiều năm qua năng suất chất lượng thấp.

Chính vì vậy, để nâng cao đời sống, tạo nên mô hình sản xuất hàng hóa cà phê có chất lượng, tỉnh đã quyết định xây dựng dự án mẫu về xây dựng nông thôn mới tại đây với sự hỗ trợ của Công ty Cà phê Trung Nguyên đưa mô hình “Nông nghiệp tích hợp công nghiệp liên thông” đã thành công tại Israel và nhiều quốc gia khác vào thực hiện trên địa bàn xã.

Chủ tịch nước đã đi kiểm tra thực tế việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cà phê (công nghệ của Israel) tại gia đình ông Ama Chương tại buôn Kô-Tam, xã EaTu. Chủ tịch nước ghi nhận những đề xuất của bà con và đề nghị chính quyền các cấp của Đắk Lắk cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ để góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho bà con các dân tộc.

Trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Chủ tịch nước nhấn mạnh, muốn thực hiện 2 nhiệm vụ là vừa phát triển kinh tế và giữ ổn định an ninh trật tự trên địa bàn khu vực, cần phải đặc biệt chú ý đến 2 vấn đề hết sức quan trọng đó là triển khai thực hiện chính sách đất đai, giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào các dân tộc và củng cố kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở.

Trong ngày 18/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và làm việc với Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, những năm qua, ngành Tòa án và Kiểm sát tỉnh Đắk Lắk luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt nghiêm túc để cán bộ đơn vị nhận thức sâu sắc. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, công tố của ngành Kiểm sát và công tác xét xử của ngành Tòa án đã từng bước được nâng cao, các vụ án hình sự, dân sự, hành chính luôn được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

5 tháng qua (kể từ 1/10/2011 đến nay), 2 ngành thụ lý khoảng 4.300 vụ án các loại và đã giải quyết được gần 2.500 vụ án nhưng không có trường hợp nào xét xử oan sai, vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Các án dân sự, hôn nhân, gia đình, kinh tế đều thực hiện đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Tuy nhiên, với vị trí của tỉnh nằm trong khu vực Tây Nguyên, trình độ dân trí còn thấp, điều kiện địa lý, địa hình khó khăn nên gây áp lực rất lớn trong công tác quản lý, điều hành, xét xử lưu động nhằm góp phần giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và răn đe phòng ngừa tội phạm chung của ngành Tòa án.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước lưu ý, bên cạnh sự tăng cường quản lý của các ngành chức năng thì các ngành Tư pháp phải thể hiện được vai trò của mình trong việc góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Đó chính là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ chế độ, bảo đảm ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Cũng trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Đắk Lắk, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Học viện Hành chính - Phân viện khu vực Tây Nguyên thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Nói chuyện với cán bộ, giảng viên tại đây, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trước sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới, nền hành chính công đối với công tác xây dựng chính quyền, nhất là việc xây dựng nền hành chính của dân, do dân và vì dân ở nước ta đóng vai trò rất quan trọng. Muốn làm được điều này, cần phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đăc biệt với đội ngũ cán bộ ở khu vực Tây Nguyên. Vì thế, Học viện Hành chính - Phân viện khu vực Tây Nguyên đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ cho địa phương. Bên cạnh đó, các học viên cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Hoàng Dũng/Chính Phủ

.
.
.
.