Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần
Xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH, dự toán ngân sách 2013 và kế hoạch đầu tư năm 2013 - 2015; không để nợ đọng trong xây dựng cơ bản; thí điểm xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho 700 hộ nghèo,... là những thông tin văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được nhân dân quan tâm theo dõi trong tuần từ ngày 18-22/6/2012.
Ảnh minh họa |
Xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH, dự toán ngân sách 2013 và kế hoạch đầu tư năm 2013 - 2015
Tại Chỉ thị số 19/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tập trung xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), Dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước 3 năm 2013-2015.
Mục tiêu tổng quát của năm 2013 là nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế đi đôi với việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2013 tập trung vào thực hiện các giải pháp chính sách, trước hết là các chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách thuế, đất đai, cải cách hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp và chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6 - 6,5%.
Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020
"Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tổng quát đến năm 2020, nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện.
Mục tiêu cụ thể được đặt ra là hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015.
Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học.
Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, sẽ điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, phấn đấu đến 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%; tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo trên một vạn dân vào khoảng 350 - 400.
Giáo dục thường xuyên cũng được phát triển tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời, bước đầu hình thành xã hội học tập.
Không để nợ đọng trong xây dựng cơ bản
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tập trung vốn bố trí cho các gói thầu áp dụng chỉ định thầu, đã ký hợp đồng, đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn để thanh toán dứt điểm trong năm 2012, không để nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Đối với các gói thầu áp dụng chỉ định thầu, đã ký hợp đồng đang thực hiện dở dang chưa thực hiện xong trong năm 2011 và cần thực hiện tiếp trong năm 2012 thì cần ưu tiên bố trí vốn bảo đảm việc hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2012.
Còn đối với các gói thầu áp dụng chỉ định thầu mới ký hợp đồng nhưng chưa thực hiện thì xử lý theo hướng giãn tiến độ, tạm dừng thực hiện hoặc chuyển đổi sang hình thức đầu tư khác đảm bảo hiệu quả của dự án, gói thầu.
Đối với các gói thầu được áp dụng chỉ định thầu nhưng chưa tiến hành thủ tục chỉ định thầu, chưa ký kết hợp đồng với nhà thầu, đề nghị chấm dứt việc tiếp tục thực hiện chỉ định thầu, chuyển sang hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ. Trường hợp không bố trí được vốn thì giãn tiến độ, tạm dừng thực hiện trong năm 2012 hoặc chuyển đổi sang hình thức đầu tư khác cho phù hợp.
Thí điểm xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho 700 hộ nghèo
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sẽ triển khai thí điểm xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho 700 hộ nghèo tại 14 xã bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, lụt thuộc 7 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên (mỗi tỉnh 2 xã, mỗi xã 50 hộ nghèo do địa phương lựa chọn).
Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng được chòi phòng tránh lũ, lụt có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 - 3,6m tại vị trí xây dựng, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố; giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đồng/chòi phòng tránh lũ, lụt.
Một trong những nguyên tắc hỗ trợ là hỗ trợ trực tiếp đến hộ gia đình thuộc diện đối tượng quy định.
San, chiết chất nguy hiểm về cháy nổ không phép bị phạt tới 20 triệu đồng
Theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đã được Chính phủ ban hành, hành vi sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép theo quy định bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Hành vi san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ không đúng nơi quy định hoặc sang, chiết, nạp sang các thiết bị chứa không đúng chủng loại, không phù hợp với chất, hàng nguy hiểm cháy nổ cũng sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi công, xây dựng công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có "Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy" theo quy định.
Đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
2/7 hằng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 2/7 hằng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.
Việc tổ chức Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của các hoạt động vệ sinh đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác vệ sinh nâng cao sức khỏe.
Phối hợp ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Báo cáo của Bộ Công an vừa qua cho thấy, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn ra công khai và ở nhiều địa phương trong cả nước. Trong 3 tháng đầu năm 2012 đã phát hiện trong thức ăn chăn nuôi có 13/268 mẫu (4,8%); thuốc thú y 2/18 mẫu (11,1%); thịt, gan, lợn 8/179 mẫu (4,4%); nước tiểu lợn 7/108 mẫu (6,4%).
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, Công an, Tài chính, Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp, có biện pháp xử lý nghiêm để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Theo CP