.
.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối thoại trực tuyến với nhân dân

Thứ Ba, 12/06/2012|20:26

Từ 3h chiều nay, 12/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cuộc đối thoại được truyền hình trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; truyền hình trực tiếp trên kênh VTC1, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC và trên kênh Invest TV, VCTV 15, Truyền hình cáp Việt Nam; phát thanh trực tiếp trên hệ thời sự - chính trị VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam.

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi gửi đến Bộ trưởng qua hộp thư doithoai@chinhphu.vn và qua đường dây nóng 08048113.

BTV: Trước khi chuyển tới Bộ trưởng câu hỏi của người dân, nhân dịp Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 đang sắp tới, xin đề nghị Bộ trưởng với cương vị là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này có ý kiến đánh giá về đóng góp của báo chí đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay? 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Có thể nói,  báo chí cách mạng đã khẳng định vai trò, hoàn thành tốt nhiệm vụ là phương tiện thông tin truyền thông thiết yếu, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những thành tựu chung của đất nước có đóng góp của báo chí.  

Trong những năm qua, báo chí luôn bám sát mục tiêu, tôn chỉ, đường lối chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các giải pháp định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ, đó là nội dung tuyên truyền quan trọng của báo chí. 

Những sự kiện quan trọng của đất nước được báo chí dành thời lượng, đăng tải nhanh chóng, kịp thời tới nhân dân, như Đại hội Đảng XI, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, các kỳ họp Trung ương, Quốc hội... 

Trong quá trình đó, báo chí đặc biệt đi sâu phản ánh tình hình phát triển kinh tế xã hội, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, cùng cả nước vượt qua những khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Điều này càng rõ ràng hơn trong thời gian gần đây, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn.   

Báo chí đã dành thời lượng đáng kể tuyên truyền về Hội nghị Trung ương 3 về đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, được nhiều chuyên gia bình luận sắc nét để người dân hiểu rõ hơn…; về Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay…; nội dung Hội nghị Trung ương 5 về chính sách an sinh xã hội, phòng chống tham nhũng, tổng kết thi hành Hiến pháp,… 

Có những lúc tình hình biên giới biển đảo diễn biến phức tạp, thì báo chí đã vào cuộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn môi trường hòa bình trên cơ sở tôn trọng chủ quyền các nước và công ước Liên Hợp Quốc về luật biển, tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông… 

Báo chí dành nhiều tin bài về gương người tốt, việc tốt, đẩy mạnh học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. 

Báo chí đấu tranh với luận điệu của những thế lực thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng, chống những hiện tượng thoái hóa, biến chất, tự diễn biến trong cán bộ đảng viên và nhân dân, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh. 

Không thể không nói đến lĩnh vực thông tin đối ngoại, báo chí đã đưa những thông tin mới về phát triển kinh tế -xã hội, văn hóa của các nước đến Việt Nam, đồng thời giúp cho kiều bào và bạn bè quốc tế hiểu hơn về quan điểm, thành tựu phát triển, nền văn hóa Việt Nam, vun đắp tình hữu nghị với các nước.

 Có thể nói, báo chí đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là phương tiện thông tin, tuyên truyền hữu  hiệu.   

Nhân dịp sắp tới Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến tất cả các cơ quan báo chí, đến các thế hệ nhà báo Việt Nam, đặc biệt là các nhà báo lão thành. Xin kính chúc các đồng chí luôn khỏe mạnh và có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.  

Ảnh VGP/Nhật Bắc

BTVThưa Bộ trưởng, bên cạnh việc khẳng định những đóng góp quan trọng của báo chí mà Bộ trưởng vừa đề cập,  khán thính giả theo dõi cuộc Đối thoại chắc cũng rất muốn nghe Bộ trưởng chỉ ra những thiếu sót, khiếm khuyết cần khắc phục của báo chí, để từ đó có thể phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm lớn lao là phục vụ nhân dân như Bác Hồ (nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo VN tháng 4/1959, đã căn dặn “Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ cho nhân dân”).

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Thưa các bạn, có thể nói vai trò của báo chí,  thành công của báo chí, những kết quả đóng góp của báo chí trong sự nghiệp cách mạng đã được khẳng định. Bên cạnh đó, cũng cần nghiêm túc nhìn lại báo chí chúng ta cũng là một thực thể  với những mặt được, chưa được, tồn tại, yếu kém.

Thời gian qua, bên cạnh việc Đảng, Nhà nước khẳng định thành công của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà, chúng ta cũng nghiêm túc chỉ ra hạn chế, yếu kém để khắc phục có điều kiện phát triển hơn.

Đặc biệt, như chúng ta biết, trong hội nghị báo chí toàn quốc vừa tổ chức tại Quảng Ninh, dưới sự chủ trì của Thường trực Ban Bí thư, Bộ Thông tin và Truyền thông,  Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội nhà báo đã phối hợp tổ chức hội nghị đó. Bên cạnh khẳng định vai trò, kết quả đóng góp của báo chí với đất nước, Hội nghị cũng chỉ ra những yếu kém khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể, tình trạng có một số báo, đặc biệt là phụ trang có tin bài không đúng tôn chỉ mục đích báo chí. Đây là điểm trầm trọng nhất và kéo dài, chậm khắc phục thời gian qua.

Trách nhiệm này thuộc về các nhà báo, cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí và chúng tôi cũng phải rút kinh nghiệm việc này.

Nhiều tờ báo của ngành này, địa phương này nhưng viết nhiều về địa phương khác, ngành khác. Không phải không được viết, nhưng báo của ngành này, địa phương này phải chủ yếu viết về ngành mình, địa phương mình, phải đúng tôn chỉ được đưa ra trong giấy phép hoạt động của mình, tránh tình trạng vừa qua nhiều báo chủ yếu viết ngành khác, địa phương khác, mà chủ yếu khai thác mặt yếu kém, khuyết điểm làm méo mó sự phát triển của doanh nghiệp, ngành hoặc địa phương khác. Nó là một hiện tượng không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích báo chí.

Hoặc có hiện tượng viết sai sự thật, ảnh hưởng tới uy tín cá nhân, doanh nghiệp, địa phương. Khi đã phát thông tin sai thì sửa rất khó. Thông tin ban đầu rất quan trọng, có hiệu ứng xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của địa phương, ngành, doanh nghiệp hoặc cá nhân nào đó. Chúng ta đã và đang chấn chỉnh hiện tượng này.

Có một số ít tờ báo đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật, vi phạm đạo đức người làm báo. Đây là hiện tượng cá biệt nhưng vẫn phải lên án. Trong hoạt động báo chí, đã xảy ra hiện tượng không mong muốn. Có những nhà báo vì lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ dẫn tới hành vi sai phạm.

Thực sự vừa qua chúng ta có chế tài phạt, thậm chí có nhà báo bị thu thẻ. Có những nhà báo đã phải đứng trước vành móng ngựa, bị xử lý theo luật hình sự. Mặt dù đây là số ít trong 17.000 nhà báo được cấp thẻ, nhưng con số đó cũng là đáng buồn.

Trên báo chí, đặc biệt là báo điện tử có nhiều trang tin điện tử khai thác các vụ án, đưa vụ án ly kỳ, tả chi tiết hành vi tội phạm, tạo  hình ảnh xã hội u ám, không phù hợp với tôn chỉ mục đích của báo chí, đạo đức báo chí. Chúng ta không cổ súy cho những hành vi như vậy.

Hoặc một số báo có xu hướng đi vào khai thác đời tư một số văn nghệ sĩ, ca sĩ, đưa nhiều hình ảnh, thông tin sai với thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây bức xúc trong xã hội. Nhiều độc giả đã phản ánh tới cơ quan quản lý về thông tin truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Sở Thông tin và Truyền thông, cho nên chúng tôi đã kịp thời chấn chỉnh. Tuy vậy, vẫn còn hiện tượng này.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục ngăn chặn hành vi vi phạm này.

Bên cạnh đó, có một số báo đưa tin viết sai chính tả, ngữ pháp, dẫn tới ảnh hưởng chất lượng báo chí. Bản thân cơ quan báo chí cũng là cơ quan văn hóa, nên phải góp phần bảo vệ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Một điều nữa là một số ít nhà báo đã lợi dụng danh nghĩa nhà báo, sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp, gây bức xúc xã hội.

Tôi là đại biểu quốc hội và tôi thấy, nhiều đại biểu Quốc hội viết thư phản ánh hiện tượng một số nhà báo đã gây khó khăn, sách nhiễu cho địa phương, doanh nghiệp. Như vậy, có thể nói hội nghị báo chí toàn quốc vừa qua đã nêu rất rõ những nội dung này, đăng tải khá đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Qua câu hỏi của bạn, cảm ơn bạn đã một lần nữa khuyến nghị, nhắc nhở các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ, duy trì thật tốt công tác quản lý nhà nước để hạn chế sai sót trong báo chí, góp phần cho báo chí ngày càng phát triển lành mạnh hơn, xứng đáng với niềm tin của xã hội.

Bạn đọc Nguyễn Văn Quân (Hà Nội): Kính chào Bộ trưởng, hiện nay, tôi thấy dường như đang có trào lưu viết báo với những cách giật gân câu khách. Có những bài báo không mang giá trị nào về thông tin cũng như hướng thiện. Nhiều tờ báo, nhất là một số báo điện tử đăng tải dày đặc các nội dung tiêu cực, sai lệch vô hình đã đem lại cho độc giả cái nhìn u ám về xã hội; cổ súy lối sống thực dụng buông thả của lớp trẻ. Có nhiều tờ báo thuộc các ngành, lĩnh vực cụ thể nhưng chả thấy đưa tin về ngành đó mà toàn đưa chuyện giết người, lộ hàng… nhất là các trang điện tử. Xin Bộ trưởng cho biết nhận xét của mình về tình trạng này. Trong thời gian tới, Bộ có biện pháp nào để khắc phục tình trạng đó không? Cảm ơn Bộ trưởng và chúc ông sức khỏe. 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Trước tiên, xin cám ơn bạn đã quan tâm tới báo chí và công tác quản lý báo chí. Những hạn chế của báo chí thì tôi đã nói ở trên. Đây là một yếu kém diễn ra trong những năm gần đây, nhất là khi chúng ta phát triển báo điện tử và phụ bản các báo in.  

Thời gian qua, các bạn đọc cũng đã phản ánh rất nhiều về tình hình bạn vừa nêu tới cơ quan thanh tra Ngành thông tin và truyền thông các cấp. Chúng tôi đã và đang có giải pháp tích cực nhằm chấm dứt hiện tượng bạn vừa nêu trong thời gian tới. 

Ông Trần Viết Lân (Hải Phòng): Trong làng báo chí cũng đã xảy ra một số vụ việc tiêu cực, có phóng viên viết bài sai lệch sự thật nhằm mục đích không trong sáng, thậm chí có phóng viên vi phạm pháp luật và đã bị xử lý. Bộ trưởng nghĩ sao khi báo chí và phóng viên đáng nhẽ phải là những tấm gương tốt đối với xã hội?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Thưa các bạn độc giả, câu hỏi vừa rồi là một tồn tại thực tế trong đời sống báo chí nước nhà. Một điều không mong muốn khi có phóng viên báo chí vi phạm khuyết điểm bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự.

Việc sai phạm trên là sự thật và trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành cũng đã quyết liệt xử lý tuy nhiên vẫn còn có những hạt sạn trong hoạt động tác nghiệp báo chí. Ví dụ trong 17.000 nhà báo được cấp thẻ, đây là những nhà báo được đào tạo về trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, cập nhật được hoạt động tác nghiệp báo chí hiện đại ngày nay. Và có thể nói hầu hết các nhà báo của chúng ta đã thực hiện tốt các vai trò, chức năng của báo chí, góp phần xây dựng truyền thống vẻ vang của báo chí, mà chúng ta đã được nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng là Huân chương Sao Vàng nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2010).

Bên cạnh đó, cũng có một số ít nhà báo có hành vi tiêu cực và đã bị xử lý nghiêm minh. Cụ thể, trong năm 2008, chúng ta đã tiến hành thu thẻ 15 nhà báo, trong đó có Tổng biên tập, Phó tổng biên tập. Năm 2010 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 51 trường hợp, phạt tiền 254,5 triệu đồng, thu hồi 4 thẻ nhà báo…

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Độc giả Thái Thị Ngọc Lan (Ninh Bình): Vừa rồi có xảy ra hiện tượng một số tờ báo tranh luận chỉ trích nhau là lá cải, làm hao mòn niềm tin của người đọc . Có ý kiến cho rằng số lượng cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở nước ta hiện tại quá nhiều so với yêu cầu, trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn đã xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ trưởng có ý kiến như thế nào? 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Luật Báo chí quy định rõ, báo chí là phương tiện thông tin, truyền thông hữu hiệu của Đảng, Nhà nước, các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Chúng ta không có báo lá cải. 

Thời gian qua, có một số độc giả nói rằng phải “ lá cải” một chút để tăng doanh thu. Tôi cho rằng đó là vi phạm đạo đức người làm báo, vì mục tiêu lợi nhuận trước mắt mà làm mất đi chữ tín lâu dài. Điều đó cần phải chấn chỉnh. 

Những hiện tượng như bạn vừa nêu như giật tít câu khách, đưa tin không đúng sự thật... cũng cần phải được kiên quyết chấm dứt trong thời gian tới.  

Còn nhận định cho rằng vì có nhiều báo nên cạnh tranh không lành mạnh, tôi cho rằng không chính xác. Đội ngũ báo chí đã phát triển nhanh cả về chất lượng và số lượng, nhưng sự cạnh tranh là lành mạnh.

Có thể nói, trong điều kiện khó khăn chung, nhiều cơ quan báo chí cũng có khó khăn. Nhưng các nhà báo, các cơ quan báo chí vẫn giữ vững và phát huy vai trò, tác dụng của mình, không có cạnh tranh như bạn vừa nêu. Dĩ nhiên, có nơi có lúc chúng ta vẫn phải đấu tranh trong nội bộ để nền báo chí lành mạnh hơn, hiệu quả hơn.

Nguyễn Phương Loan (Ngọc Khánh- Ba Đình- HN): Hiện nay báo chí phát triển rất đa dạng, đặc biệt là báo điện tử. Trong việc quản lý nhà nước về báo chí thì loại hình nào khiến các nhà quản lý đau đầu nhất, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Hiện nay báo chí chúng ta có đầy đủ loại hình, báo in, báo hình, báo nói là những báo truyền thống đã có từ lâu. Cho nên công tác quản lý nhà nước, chế tài về báo in, báo nói, báo hình, chúng ta đã có và tương đối hoàn thiện trong công tác quản lý nhà nước các cấp từ Bộ TTTT đến Sở TTTT các địa phương.

Riêng báo điện tử phát triển rầm rộ từ cuối thập kỷ 90 đến nay khi chúng ta phát triển internet ở Việt Nam. Hiện, chúng ta có tới 61 báo điện tử, 191 trang mạng xã hội và trên 1.000 trang thông tin điện tử. Đây là những loại hình tác nghiệp hiện nay trên mạng internet. Việc quản lý báo điện tử khó khăn hơn cả do là loại hình mới phát sinh, chế tài quản lý báo điện tử còn đang dần hoàn thiện. Vì vậy, báo điện tử với sự phát triển của CNTT đem lại cho độc giả, chúng ta cái nhìn mới về diện mạo của báo chí, tác nghiệp mới.

Ngay như nhà báo chúng ta nhờ mạng internet đã có điều kiện tác nghiệp, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền nhanh hơn, chúng ta có thể tương tác với độc giả, tác giả. Độc giả có thể truy cập báo điện tử bất kỳ nơi nào có mạng internet.

Đây là 1 tiện ích trong hoạt động báo điện tử, nhưng mặt trái của nó là quản lý khó khăn. Báo điện tử cũng có những sai sót, những sai sót này diễn ra hàng giờ, phút, giây.

Muốn quản lý tốt thì phải làm sao bổ sung chế tài để quản lý báo in, báo hình, báo nói đặc biệt là báo điện tử. Báo điện tử như nói ở trên là loại hình mới xuất hiện nên còn hạn chế về chế tài để thực hiện quản lý, giám sát, bảo đảm cho báo điện tử thực hiện đúng tôn chỉ mục đích.

Bên cạnh đó, làm sao để tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người làm báo, nâng cao trách nhiệm cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí,  nhất là báo điện tử. Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm, ý thức, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo để tạo sức đề kháng cho người làm báo, đặc biệt là phóng viên báo điện tử nhằm tránh sai sót, khuyết điểm.

Dương Vân Trâm (sinh viên báo chí, Đại học Quốc gia – HN): Thưa bác Bộ trưởng, đang có tình trạng một số những người làm báo hàng ngày gõ từ khóa trên mạng, cắt, dán, sao chép từ những bài báo khác nhau thành sản phẩm của mình. Vì thế thông tin ít nhiều bị sai lệch và tự nhiên thời đại internet lại nảy sinh ra một lứa nhà báo mì ăn liền như thế? Tình trạng này khiến những người học làm báo như chúng cháu thực sự hoang mang. 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Hiện tượng sao chép, cắt dán trên báo điện tử là không phổ biến nhưng cũng khá nhiều, tuy có giảm nhưng vẫn tồn tại. Đây là hiện tượng vi phạm đạo đức báo chí, quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ mà ta không cho phép tồn tại trong đời sống báo chí.  

Tôi cho rằng, sự tôn vinh các tờ báo được quyết định ở các bài báo. Các nhà báo được tôn vinh tên tuổi nhờ các bài báo -  đứa con tinh thần của họ. Nếu chúng ta cắt dán, sao chép thì sản phẩm đưa ra không hoàn thiện, nếu không muốn nói là quái thai. Nếu có nhà báo nào hay làm như vậy có xem buổi giao lưu trực tuyến hôm nay thì tôi nghĩ rằng họ cũng phải suy nghĩ lại, sớm chấm dứt hành vi của mình. Nhà báo chỉ được tôn vinh khi viết những bài báo không trái với lương tâm, đạo đức báo chí, thực sự là đứa con tinh thần của họ.  

Bạn Nguyễn Thị Lan (Hà Tĩnh): Hiện nay các báo điện tử có cách làm báo là cứ cắt dán từ báo khác đưa lên thành bài của chính mình. Những thông tin sai lệch cũng từ đó mà ra. Điều này do đâu? Do người đọc dễ dãi, do Tổng biên tập dễ dãi hay do chính nhà báo đã xem nhẹ chữ Nghề của mình? Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Khuyết điểm này chúng tôi thấy có 2 phía. Thứ nhất có thể do người làm báo không nêu cao vai trò trách nhiệm của mình. Cũng có thể do người đọc đọc lướt qua, không quan tâm nội dung tác nghiệp nhiều. Cho nên dẫn tới việc chưa được phản ánh kịp thời cho cơ quan báo chí các cấp.

Nhưng bên cạnh đó, tôi thấy có nhiều độc giả rất quan tâm tới các chi tiết, nhất là những độc giả có nhiều năm đọc báo, nhiều năm gắn bó, đồng hành với báo chí thì sẽ phát hiện rất nhanh. Nhưng những độc giả mới, đọc lướt qua không phát hiện sai sót, đó là sự dễ dãi của độc giả.

Sự yếu kém, đi lệch hướng hoặc không thực hiện tôn chỉ mục đích của nhà báo cộng với sự dễ dãi của độc giả là mảnh đất cho những hoạt động báo chí không đúng như vậy.

Bên cạnh đó, chúng ta phải thấy được việc chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí, đặc biệt là Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, ban biên tập khi chúng ta bỏ qua quy trình tác nghiệp của báo chí, dẫn đến những sai sót này. Không thực hiện đúng quy trình làm báo dẫn đến để lọt bài báo không đạt chất lượng đưa lên trang báo, nhất là những trang báo điện tử như chúng ta vừa nêu.

 

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bạn Nguyễn Quốc Khánh (Hà Nội): Tôi được biết Bộ TTTT có phương án quy hoạch báo chí đến năm 2020 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Số hoá truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Xin Bộ trưởng cho biết thông tin cụ thể phương án và đề án này?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Hiện  chúng tôi đang triển khai đang vấn đề này.

Cụ thể, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đang xây dựng quy hoạch báo chí với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để báo chí ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao. Hiện chúng ta có 786 cơ quan báo chí, 194 báo in, 592 tạp chí, 61 báo điện tử, 67 đài phát thanh- truyền hình và hàng trăm trang tin điện tử, hàng vạn nhà báo...

Để đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ đang xây dựng phương án quy hoạch báo chí tới năm 2020.

Đề án số hóa truyền hình đưa ra yêu cầu rất cao và là cơ hội để ngành thông tin-truyền thông có cơ hội phát triển tốt trên nền tảng kỹ thuật số. Có thể nói, chúng ta mong muốn và quyết tâm tới năm 2020 thay truyền hình công nghệ analog bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số.

Khi đó, chúng ta có rất nhiều kênh phát thanh truyền hình để độc giả lựa chọn món ăn tinh thần phù hợp nhất. Đồng thời, với kỹ thuật số, độc giả sẽ được xem những kênh truyền hình chất lượng cao.

Và khi đó, thị trường truyền dẫn phát sóng truyền hình sẽ được hình thành với 3 mạng phát sóng quy mô toàn quốc, 5 mạng phát sóng quy mô khu vực.... nhưng dùng chung hạ tầng quốc gia, góp phần tiết kiệm chi phí, nguồn lực, tiền bạc của các cơ quan phát thanh truyền hình hiện nay. Các cơ quan phát thanh truyền hình chỉ tập trung vào sản xuất chương trình...

Trong lộ trình này, chúng ta đối mặt với vấn đề là không phải nơi nào cũng có đời sống kinh tế xã hội như nhau. Ví dụ, nếu ở thành thị, người dân dễ dàng tiếp cận hơn với đầu thu kỹ thuật số nhưng ở vùng sâu xa thì người dân sẽ gặp khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất các đầu thu chất lượng tốt, giá rẻ; đồng thời sẽ có chính sách hỗ trợ để người dân có điều kiện sở hữu đầu thu, tiếp cận truyền hình KTS.

Trong quá trình đó, chúng ta phải có lộ trình, nhưng điều quyết định nhất là sự đón nhận của người dân. Khi 95% người dân không mặn mà với truyền hình analog nữa thì ta sẽ chuyển hoàn toàn sang  truyền hình kỹ thuật số... và mục tiêu của đề án là vì lợi ích của người dân.

Phạm Minh (TPHCM): Tôi là doanh nghiệp nên rất quan tâm tới các giải pháp chỉ đạo, điều hành kinh tế  - xã hội của Chính phủ. Tôi đọc các nghị quyết của Chính phủ thấy luôn yêu cầu phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân biết, đồng thuận. Nói như vậy có thể hiểu là Chính phủ thấy báo chí chưa làm tốt nhiệm vụ của mình, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Chúng tôi có thể nói công tác thông tin tuyên truyền là 1 phương thức quan trọng của sự lãnh đạo và sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Tất cả mọi hoạt động trong đời sống xã hội đều phải thông tin tuyên truyền. Chúng ta ra một sản phẩm nào đó cũng phải thông tin tuyên truyền, định hướng, quảng bá, khuyến mại… Một trong những phương thức quan trọng trong lãnh đạo là chúng ta phải thông tin tuyên truyền.

Trong chiến tranh người ta thường nói, “tư tưởng không thông thì xách bình tông không nổi”. Chúng ta thấy vai trò của công tác tuyên truyền, thông tin rất quan trọng. Khi chúng ta tuyên truyền, làm thông tư tưởng rồi thì mọi người sẽ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có thể nói, công tác tuyên truyền là 1 nhiệm vụ rất quan trọng, đả thông tư tưởng, lãnh đạo tư tưởng là nhiệm vụ không thể thiếu được trong mọi hoạt động cách mạng của chúng ta, trong mọi hoạt động xã hội.

Khi đã thông tư tưởng rồi, đó là yếu tố, động lực để góp phần chúng ta biến đường lối, chủ trương của Đảng, giải pháp của Chính phủ thành hành động cách mạng của quần chúng, thành hành động của doanh nghiệp, người dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, lao động sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội. Đấy là vai trò rất quan trọng của công tác tuyên truyền.

Như vậy, ở đây muốn nói, trong mọi hoạt động của chúng ta phải có công tác tuyên truyền, không phải vì công tác tuyên truyền yếu kém, nên chúng ta phải ghi vào tất cả các văn bản nghị quyết đâu. Mà chúng ta thấy, sau Hội nghị trung ương Đảng, chúng ta đều có những thông cáo báo chí của Trung ương để các nhà báo tuyên truyền về kết quả của Hội nghị trung ương. Trước, trong, sau kỳ họp Quốc hội, chúng ta đều có họp báo để thông tin cho báo giới về hoạt động của Quốc hội. Hiện báo chí của chúng ta đang bám sát từng ngày Kỳ họp Quốc hội để thông tin tới độc giả, nhân dân. Sắp tới chúng ta truyền hình trực tiếp phiên trả lời chất vấn của thành viên Chính phủ tại Quốc hội, đây là những hoạt động chúng ta đang thông tin tuyên truyền rộng rãi cho cả nước hiểu về hoạt động của Đảng, Nhà nước, Quốc hội.

Thời gian vừa qua, Chính phủ họp thường kỳ hàng tháng, sau mỗi kỳ họp, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP đều tổ chức họp báo để thông tin tuyên truyền những nội dung mà Chính phủ đã chỉ đạo và các địa phương, ban, ngành, nhân dân cả nước đã thực hiện trong một tháng và định ra những phương hướng, giải pháp để thực hiện trong những tháng tiếp theo.

Đó là những nội dung tuyên truyền mà chúng ta phải làm thường xuyên, liên tục, mọi cấp, mọi lúc mọi nơi, chứ không phải ngành TTTT hay báo chí chúng ta làm công tác thông tin tuyên truyền hạn chế nên trong nghị quyết nào cũng phải nêu.

Tôi muốn nói đây là một phương thức trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng thì càng phải làm tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền.

Như vậy, muốn nói rằng, khẳng định, công tác TTTT của chúng ta trong thời gian vừa qua là tốt, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, như chúng ta thấy, chúng ta đã từng thông tin tuyên truyền đến toàn Đảng, toàn dân Nghị quyết 01 ngày 24/1/2011của Chính phủ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Vừa qua chúng ta đã tích cực tuyên truyền rất tốt Nghị quyết 11. Gần đây, chúng ta lại tuyên truyền nghị quyết 01 của Chính phủ để chỉ đạo định hướng phát triển kinh tế- xã hội trong năm 2012 và vừa qua lại tuyên truyền Nghị quyết 13 để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Tuy rằng làm tốt như vậy, nhưng chúng ta vẫn khẳng định trong tất cả các văn bản của Đảng, Nhà nước luôn xác định làm tốt công tác tuyên truyền hơn nữa. Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế của công tác tuyên truyền, gián tiếp khẳng định vai trò của báo giới đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian qua cũng như thời gian tới.

Bạn Gia Linh (Thanh Hoá): Báo chí nước nhà còn đưa nhiều tin vịt như mới đây tin Việt Nam Airline đâm máy bay Mỹ ở Chicago. Việt Nam còn chưa mở đường bay đến Chicago thì làm sao có chuyện đó được. Làm sao để chấn chỉnh việc đăng tin vịt làm mất uy tín với người đọc như vậy thưa ông Bộ trưởng? 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Vấn đề bạn nêu là một trong những khuyết điểm của báo chí cần khắc phục. Để giải quyết vấn đề này, trước hết phải nâng cao trách nhiệm, đạo đức người làm báo, nâng cao vai trò của các tổng biên tập, cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý Nhà nước, để động viên những mặt làm tốt, đồng thời kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm minh nếu có sai phạm.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bạn Hoàng Mai (Hà Nội): Có thể là một sự so sánh khập khiễng nhưng hình như ngày nay số lượng nhà báo có thương hiệu ngày càng hiếm hơn so với 20 hoặc 30 năm về trước. Xã hội ngày càng phát triển, chính ra là mảnh đất màu mỡ cho báo chí phát huy, nhưng dường như vẫn chưa nhiều những tên tuổi thực sự để đời. Xin trích dẫn lời nói còn nóng hổi của nhà báo kỳ cựu Hữu Thọ nhận xét về giải báo chí năm nay “Vẫn còn ít những bài điều tra sâu sát công phu mà tôi thường nói là đọc trên những bài báo thấy ít giọt mồ hôi quá. Những giọt mồ hôi vào trang giấy, nó cựa quậy, nó gây xúc động con người lắm. Chúng ta Vẫn còn ít những bài điều tra sâu sát công phu mà tôi thường nói là đọc trên những bài báo thấy ít giọt mồ hôi quá. Những giọt mồ hôi vào trang giấy, nó cựa quậy, nó gây xúc động con người lắm. Chúng ta phải thấy rằng giới báo chí chúng ta làm ăn vội vã”. Bộ trưởng có ý kiến thế nào về vấn đề này? 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Có thể nói là báo chí chúng ta trong những năm vừa qua có nhiều điều kiện, nhiều cơ hội phát triển nhất là trong sự bùng nổ công nghệ thông tin nhiều tờ báo phát triển rất mạnh mẽ.

Chúng ta vừa tận dụng cơ hội về công nghệ thông tin đồng thời cũng cho thấy Đảng và Nhà nước, nhân dân rất quan tâm đến báo chí. Chính vì vậy chúng ta có điều kiện để phát triển báo chí.

Từ một tờ báo có một ấn phẩm thì đến nay đã có nhiều ấn phẩm và một cơ quan báo chí chỉ có một loại hình báo chí thì đến nay có thể có 2, 3 loại hình báo chí; thậm chí như Đài Tiếng nói Việt Nam có tới 4 loại hình báo chí khác nhau. Đồng thời chúng ta có tới 17.0000 nhà báo được cấp thẻ, được đào tạo chính quy hoặc không chính quy, nhưng đã đủ năng lực, trình độ chuyên môn, bản lĩnh để được cấp thẻ tác nghiệp hoạt động báo chí.

Có thể nói báo chí nước ta trong suốt quá trình cách mạng đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến giành độc lập dân tộc, chúng ta đã có nhiều nhà báo trở thành tấm gương sáng trong hoạt động tác nghiệp báo chí.

Chúng ta có hơn 400 nhà báo là liệt sỹ, đã cống hiến thân mình cùng các chiến sỹ hy sinh trên chiến trường để tác nghiệp báo chí, đưa những thông tin nhanh nhất, chính xác nhất, nóng hổi nhất từ chiến trường về hậu phương để góp phần tuyên truyền những gương chiến đấu của chiến sỹ ta ở chiến trường và góp phần động viên hậu phương vững vàng trong chiến tranh. Đấy là những tấm gương rất sáng của báo chí.

Và trong quá trình phát triển kinh tế xã hội hiện nay, có rất nhiều nhà báo vượt qua khó khăn, thậm chí phải chấp nhận chịu ảnh hưởng, tổn hại về thân thể, danh dự, uy tín trong quá trình tác nghiệp báo chí, vượt qua những khó khăn đời thường để hoàn thành nhiệm vụ.

Như vậy, có thể nói trong thời chiến cũng như trong thời kì phát triển kinh tế xã hội hiện nay thì báo chí luôn đồng hành với Đảng, cách mạng, dân tộc, hoàn thành tốt nhiệm vụ của chúng ta.

Bên cạnh đó chúng ta còn thiếu vắng những tấm gương sáng, những bài báo hay những cây bút chúng ta đã từng thấy trong lịch sử như Sóng Hồng, Thép Mới, Hoàng Tùng, Hồng Hà… hoặc ngày nay chúng ta còn những nhà báo rất đáng kính trọng như bác Hữu Thọ, Hà Đăng, Đỗ Phượng. Đó là những cây đại thụ trong làng báo chí chúng ta. Đó là những tấm gương cho báo chí chúng ta noi theo, học tập.

Trong tình hình hiện nay chúng ta vẫn chưa có những nhà báo nổi danh như vậy nhưng tôi tin rằng trong thời gian tới chúng ta sẽ có những nhà báo như vậy. Các bạn đã nêu lại lời phát biểu của bác Hữu Thọ trong dịp chấm giải báo chí vừa qua, chúng tôi thấy một lần nữa nhắc lại lời cảnh báo, mong muốn cũng như yêu cầu của các bậc lão thành báo chí đi trước đối với các thế hệ báo chí hiện nay về phấn đấu vươn lên, sánh kịp với những gì đất nước đang mong muốn. Tôi tin rằng với sức trẻ của thế hệ báo chí hiện nay, được đào tạo bài bản thì trong tương lai chúng ta sẽ có những nhà báo xứng đáng với mong muốn của các nhà báo lão thành đi trước và xứng đáng với sự mong đợi của báo giới, của nhân dân.

Bạn Tuấn Long (Hưng Yên)Người ta thường nói giáo viên tồi thì làm hỏng thế hệ học sinh, bác sĩ tồi thì cướp đi tính mạng con người. Nhà báo tồi thì vừa có thể dùng bút làm hỏng đi 1 thế hệ và cũng có thể cướp đi mạng sống của con người, có thể làm phá sản cả một tập đoàn? Thưa Bộ trưởng, ông nghĩ sao về nhận xét này?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Tôi rất tâm đắc với nhận xét này, vì nó đã khẳng định vai trò và trách nhiệm của báo chí, của người làm báo. Qua nhận xét này, tôi thấy càng phải làm tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý báo chí, bồi dưỡng kịp thời cho các cơ quan báo chí, người làm báo về trách nhiệm, đạo đức để các cơ quan báo chí thực sự là cơ quan văn hóa, nhà báo thực sự là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, có thái độ, hành vi gương mẫu, viết nên những tác phẩm giàu sức truyền cảm, thực sự là đứa con tinh thần, tạo sự đồng thuận trong xã hội… để góp phần thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bạn Hải Hường (Gia Lai): Hiện nay có tình trạng một số blog, trang mạng cá nhân thường xuyên đăng viết bài nói ngược lại chủ trương đường lối, bài xích cá nhân, đưa thông tin một chiều, không được kiểm chứng, gây hoang mang trong dư luận, chia rẽ nội bộ. Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp gì để chấn chỉnh không ?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Có thể nói rằng trong sự phát triển mạnh mẽ của CNTT nói chung và của internet nói riêng, chúng ta đã đưa internet đến mọi vùng miền cả nước, đây là cơ hội để có nhiều blog, trang thông tin điện tử phát triển. Đó là những công cụ hữu hiệu để tương tác giữa độc giả với nhau, người dân với người dân, người dân với các tổ chức chính quyền các cấp, các địa phương. Có thể nói đây là điều kiện thuận lợi để phát triển bùng nổ thông tin, để chúng ta có thể tìm hiểu, hiểu biết xã hội quốc tế, trong ngoài nước, có cơ hội để nắm nhiều thông tin hơn, giao dịch với nhiều đối tượng khác trong xã hội, nâng cao học tập hiểu biết… Đấy là mặt đúng, tốt của nó.

Nhưng ngược lại, trong sự phát triển này, có nhiều blog lợi dụng sự dân chủ đó, lợi dụng thuận lợi trong tác nghiệp trên mạng, lợi dụng việc chúng ta chưa có điều kiện chế tài quản lý các blog, dẫn tới có những hành vi vi phạm đạo đức của công dân, ảnh hưởng tới quyền tự do chân chính  của người khác như bạn nêu trong câu hỏi.

Đây là hành vi không chỉ Luật Báo chí mà phải cả các luật khác có chế tài xử lý. Về phía cơ quan quản lý truyền thông, chúng tôi hiện đã và đang đang soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 97 về quản lý hoạt động trên internet, trong đó có quản lý internet, game online và blog. Trong quá trình xây dựng chắc chắn sẽ xin ý kiến độc giả. Rất mong bạn đặt câu hỏi sẽ đóng góp ý kiến để chúng tôi hoàn thiện chế tài để vừa làm sao tạo điều kiện tự do cho mọi người nhưng cũng quản lý được, hạn chế hành vi lợi dụng việc này, xâm phạm tự do của người khác, vi phạm pháp luật.

Bạn Ngọc Hà (Hải Phòng): Tôi xin hỏi là Bộ Thông tin và truyền thông có ý định tư nhân hóa báo chí hoặc cho thành lập Tập đoàn báo chí không?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Như tôi đã nói, nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN, mọi tổ chức và công dân đều hoạt động theo pháp luật, trong đó có Luật Báo chí. Điều 1 Luật Báo chí ghi rõ, báo chí ở nước CHXHCN Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân.

Như vậy, đến giờ phút này, không có báo tư nhân trong xã hội ta.

Còn tập đoàn báo chí là mô hình đã xuất hiện ở một số nước trên thế giới. Hiện, tại Việt Nam, một số cơ  quan báo chí đang có tới 2, 3, 4 loại hình báo chí, nhưng chúng ta chưa có tập đoàn báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xin khẳng định chúng tôi chưa có ý định hoặc đề xuất, chủ trương hình thành tập đoàn báo chí.

Bạn Duy Khánh (Hà Nội): Hiện nay nếu đi mua sách thì nói thật với Bộ trưởng, tôi không thể nhận biết đâu là sách bản quyền và đâu là sách in lậu. Trong thời gian tới, có thể chấm dứt tình trạng ấn phẩm giả tràn lan như hiện nay không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Câu hỏi của bạn rất thời sự. Chúng ta có Luật Báo chí xuất bản năm 2004, khi chúng ta gia nhập WTO, để phù hợp với cam kết, năm 2008 chúng ta đã sửa đổi một số điều. Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất bản, chúng ta đã xã hội hóa khâu in, phát hành. Tới giờ phút này, tổng kết 6 năm Luật Xuất bản hiện hành, được phép của Chính phủ, đặc biệt là Quốc hội cho phép trong Nghị quyết kỳ họp thứ 2 của Quốc hội về chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ 13 này, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TTTT đã xây dựng dự thảo Luật xuất bản sửa đổi và trong ngày 30/5 vừa qua, chúng tôi đã chính thức trình với Quốc hội dự thảo này.

Nếu không có gì thay đổi, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường ngày 18/6 này, chính vì vậy tôi rất mong bạn sẽ theo dõi báo chí khi Quốc hội thảo luận luật này. Sau đó, Luật xuất bản sẽ được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến toàn dân. Sau đó tới tháng 10 sẽ thông qua Luật Xuất bản sửa đổi này, trong đó có những nội dung, chế tài như bạn vừa nêu.

Để đáp ứng yêu cầu của bạn và làm rõ hơn câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Bảo- Cục phó Cục Xuất bản- Bộ TTTT trả lời thêm.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Cục phó Cục Xuất bản - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Cùng với việc sửa đổi Luật, vừa qua, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương phối hợp với các cơ quan truyền thông, các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền để các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản, in, phát hành và toàn xã hội hiểu và thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về xuất bản, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản. Trong đó góp phần ngăn chặn tình trạng in lậu như bạn phản ánh.

 

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Xuất bản phối hợp với Sở TTTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm trên toàn quốc, phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm.

Đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng, sẽ kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Có thể nói thêm với bạn và các bạn quan tâm đến sách, việc in lậu và phân phối sách lậu, sách giả hiện đem lợi nhuận rất cao do trốn thuế và trốn quy định của bản quyền tác giả nên vẫn cám dỗ được một số đối tượng làm liều với thủ đoạn tinh vi. Mặt khác, sách in lậu giá rẻ nên cũng thu hút được người mua và qua việc bạn đọc vô tình mua sách giả, sách in lậu đã tiếp tay cho tình trạng in lậu phát triển.

Nhân đây, chúng tôi đề nghị đối với tất cả các bạn đọc và người yêu sách, chúng ta cùng chung tay ngăn chặn tình trạng in lậu và để tình trạng sách giả, sách lậu không còn chỗ phát triển.  

Bạn Quốc Hưng (TP.HCM): Thưa Bộ trưởng, chúng ta vừa chứng kiến một thành tựu của ngành là việc đưa thêm một vệ tinh vinasat 2 vào quỹ đạo, phục vụ cho sự phát triển kinh tế- xã hội. Ông có thể chia sẻ những dự định của ngành để  trong tương lai không xa Việt Nam có thể trở thành một nước mạnh hàng đầu về công nghệ thông tin trên bản đồ công nghệ thông tin của thế giới?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Vừa qua, chúng ta đã phóng thành công vệ tinh Vinasat 2 vào quỹ đạo, sau Vinasat 1 năm 2008. Ở thời điểm đó, Việt Nam là nước thứ 93 trên thế giới và nước thứ 6 ở khu vực Đông Nam Á có vệ tinh trên vũ trụ. Đó là một thành tựu nổi bật của ngành Thông tin và Truyền thông thời gian qua, góp phần đưa sóng truyền thông tới các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, làm chủ không gian vũ trụ.

Việc này cũng góp phần thực hiện đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ lực thực hiện đề án này.

Tôi xin mời ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin thông tin rõ hơn về đề án này.

Ông Nguyễn Trọng Đường: Ngày 22/9/2010, Thủ tướng phê duyệt quyết định 1755/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”. Đề án là một bản chiến lược tổng thể, thể hiện khát vọng của các cấp các ngành, của cộng đồng công nghệ thông tin và của xã hội nhằm phát triển ngành công nghệ thông tin và truyền thông phát triển ngang tầm thời đại.

Thời gian tới, chúng tôi tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ lớn để thực hiện các mục tiêu của đề án.

Về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, cần đẩy mạnh các khóa đào tạo chất lượng cao, bổ sung nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ như các chuyên gia phân tích, tư vấn, thiết kế, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, khuyến khích việc giảng dạy CNTT bằng tiếng Anh trong các trường cao đẳng, đại học, phấn đấu tới năm 2020 để Việt Nam có 1 triệu nhân lực CNTT.

Ông Nguyễn Trọng Đường - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Về công nghiệp công nghệ thông tin, chúng ta cần sớm phê duyệt chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp CNTT tới năm 2020, để tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Đây là việc làm nhằm đảm bảo tính liên tục trong cơ chế, chính sách của Nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và phát triển.

 

Về hạ tầng viễn thông băng rộng và CNTT, chúng ta sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, thực hiện cáp quang hóa và ngầm hóa các đường cáp, thực hiện lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn an ninh thông tin quốc gia

Về ứng dụng  công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, sẽ tăng cường triển khai các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước theo quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong các tổ chức và doanh nghiệp trong toàn xã hội, tiến tới xây dựng xã hội điện tử.

Về mở rộng, phổ cập thông tin đến các hộ gia đình, chúng ta sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích; nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ các thiết bị thông tin số phục vụ khả năng tiếp cận thông tin cho người cao tuổi và người khuyết tật…

Về tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, chúng ta cần xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm dùng chung về CNTT, có cơ chế chính sách khuyến khích một số doanh nghiệp, tập đoàn chủ lực tham gia phát triển các sản phẩm lõi, các công nghệ nguồn có khả năng thương mại hóa cao…

Với các giải pháp đồng bộ nói trên, việc Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và có vị thế xứng đáng trên bản đồ CNTT thế giới vào năm 2020 là hoàn toàn có thể tin tưởng.  

Bạn Diệu Hương (Cần Thơ): Bộ  trưởng có thể cho biết về lộ trình thực hiện Chính phủ điện tử, tôi có cảm nhận như việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội chưa được đồng bộ ở các ngành, các địa phương?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Bộ TTTT trước là Bộ Bưu chính viễn thông là Bộ đi đầu trong ứng dụng CNTT. Từ đó tới nay, CNTT phát triển mạnh mẽ trong mọi ngành mọi cấp trong cả nước. Sự phát triển CNTT tạo điều kiện cho nước ta thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển đi trước. Đặc biệt với trí tuệ, tố chất người Việt Nam, chúng ta đã tiếp cận rất nhanh với CNTT, chính vì vậy, thời gian qua tiện ích CNTT đã đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi thế trong phát triển, tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Hiện nay, nếu ngành nào, cấp nào không ứng dụng CNTT sẽ tụt hậu về năng suất lao động so với ngành khác. Đảng, Nhà nước khuyến khích ứng dụng CNTT trong các hoạt động, đặc biệt là trong hoạt động quản lý, phát triển KT-XH của đất nước. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 vừa qua về phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế- xã hội có nội dung về phát triển hạ tầng thông tin. Nghị quyết đó coi việc thúc đẩy, ứng dụng CNTT là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của việc công nghiệp hóa- hiện đại hóa của các cấp, ngành.

Chính vì vậy, không chỉ riêng ở Trung ương, mà cả địa phương cũng phải ứng dụng CNTT, tuy rằng có những địa phương ứng dụng còn chưa tốt.

Để làm rõ hơn nội hàm của việc ứng dụng CNTT, quyết tâm ứng dụng CNTT của Đảng, Nhà nước ta, mời ông Nguyễn Thành Phúc- Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT của Bộ TTTT.

Ông Nguyễn Thành Phúc - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ông Nguyễn Thành Phúc: Trong chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 xác định lộ trình phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam có thể khái quát như sau:

Trong giai đoạn từ nay tới 2015, chúng ta tập trung triển khai 3 nội dung lớn.

Thứ nhất, chúng ta sẽ phát triển cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ phát triển Chính phủ điện tử an toàn, hiệu quả. Cụ thể chúng ta sẽ triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, triển khai hệ thống chữ ký số phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, triển khai hệ thống xác thực điện tử quốc gia và chúng ta phấn đấu phát triển và hoàn thiện các hệ thống thông tin lớn, quy mô toàn quốc các cơ sở dữ liệu quốc gia mà trước hết tập trung vào các cơ sở dữ liệu quốc gia về con người, về tài nguyên môi trường, kinh tế, công nghiệp và thương mại.

Thứ hai, từ nay tới 2015 chúng ta đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí. Phấn đấu đến 2015 có khoảng 60% các văn bản, tài liệu trao đổi chính thức giữa các cơ quan nhà nước sẽ được thực hiện hoàn toàn dưới dạng điện tử.

Thứ ba, tập trung phát triển cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu tới 2015 thì hầu hết các cơ quan từ cấp sở, ban, ngành, quận ,huỵên trở lên có website, cổng TTĐT để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.

Giai đoạn 2016-2020, chúng ta triển khai theo 2 định hướng lớn.

Thứ nhất là tổ chức tích hợp các hệ thống thông tin toàn quốc đã được triển khai giai đoạn 2011-2015, tạo môi trường mạng rộng khắp phục vụ cho hoạt động các cơ quan nhà nước và hầu hết các giao dịch của các cơ quan nhà nước được thực hiện trên môi trường mạng mọi lúc, mọi nơi với nhiều phương tiện khác nhau.

Định hướng thứ hai là hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi và sử dụng nhiều phương tiện khác nhau.

Đúng như bạn Diệu Hương nhận xét, việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước thời gian qua chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, cũng do đặc thù nhu cầu ứng dụng CNTT của các Bộ khác nhau và nền tảng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật của các địa phương khác nhau.

Để đẩy mạnh và triển khai ứng dụng CNTT một cách đồng bộ trên phạm vi cả nước, thời gian qua và thời gian tới Bộ TTTT vẫn kiên trì thực hiện 3 nội dung chính.

Thứ nhất, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 165 phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Thứ hai, Bộ đã hướng dẫn và thẩm định kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và tất cả các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015 và hàng năm chúng tôi đều đưa ra hướng dẫn kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước.

Thứ ba, Bộ thường xuyên đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT để đảm bảo cho hệ thống thông tin triển khai đồng bộ, liên thông với nhau.

Đây là 3 giải pháp lớn mà chúng tôi đã triển khai.   

Bạn Duy Vũ (Hải Phòng); Bạn Ngô Tâm (TPHCM): Thưa Bộ trưởng, đáng mừng là số lượng thuê bao di động ngày càng tăng, nó chứng tỏ mức sống của người dân được nâng cao. Nhưng bên cạnh đó cũng có hệ lụy của nó là tình trạng sim rác. Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp quản lý thế nào đối với nguồn tài nguyên số có thể sẽ cạn bởi nạn sim rác tràn lan? Bên cạnh đó xin Bộ trưởng cho biết biện pháp thực hiện đăng kí thông tin cho các thuê bao di động có khả quan không? Và làm sao giảm được khối lượng thuê bao ảo?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Đây là vấn đề rất nóng hiện nay. Thời gian qua, chúng ta đã phát triển bùng nổ về điện thoại di dộng. Trước kia, đây là dịch vụ xa xỉ, nhưng nay đã rất phổ biến, bình dân, ai cũng có thể tiếp cận. Hiện Việt Nam có 88 triệu dân nhưng có tới 130 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 122 triệu là trả trước, 8 triệu là trả sau. Thực trạng này khá ngược so với thế giới, khi các nước quy định rất chặt chẽ, phức tạp về việc sở hữu sim trả trước.

Đó là chưa kể tại Việt Nam, nhiều khi có sự cạnh tranh không lành mạnh khi nhà mạng thi nhau hạ giá… để thu hút thêm thuê bao trả trước.

Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải chế tài quản lý, nhất là hiện tượng sim rác, và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 04 quy định vấn đề này. Thông tư nêu rất rõ, từ 1/6, tất cả mọi người muốn sử dụng dịch vụ sim trả trước phải có chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu và trong thời hạn 72h mà không kích hoạt thì sim sẽ bị khóa, nghiêm cấm sử dụng chứng minh thư của người khác để mua sim hoặc dùng chứng minh thư của mình mua sim cho người khác…

Tuy nhiên, mặc dù chúng ta đã truyên truyền, người dân đã ủng hộ, nhưng vẫn còn không ít nhà mạng và đại lý vi phạm quy định của Thông tư 04 và từ 1/6, chúng tôi nhận được rất nhiều thông tin về vấn đề này.  Thời gian tới, chúng tôi rất mong các cấp, các ngành, nhân dân ủng hộ chủ trương này. Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị các cấp các ngành tăng cường thanh tra giám sát để Thông tư sớm đi vào cuộc sống…

Bạn Hoàng Ngọc (Hà Nội): Vừa rồi Bộ đã phải đưa ra thông tin định hướng về việc sáp nhập hai công ty di động lớn là Mobifone và Vinaphone. Xin hỏi Bộ trưởng về hiệu quả hoạt động  của các doanh nghiệp, tập đoàn thuộc ngành quản lý và dự kiến tái cơ cấu các doanh nghiệp này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Câu hỏi của bạn đề cập đến vấn đề thuộc lộ trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ tháng 1/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đang quán triệt triển khai các nhiệm vụ tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty do Bộ quản lý, trong đó, có tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) có mạng viễn thông Mobiphone và Vinaphone. Hiện nay, chúng ta có 6 nhà mạng cung cấp dịch vụ di động, trong đó có Mobiphone và Vinaphone.

Tập đoàn VNPT là tập đoàn viễn thông mạnh, có thương hiệu lan tỏa trong nước và quốc tế, kèm theo đó Mobiphone và Vinaphone cũng là thương hiệu quốc gia, được lan tỏa trong khu vực và quốc tế. Có thể nói đó là tự hào của ngành truyền thông, của VNPT cũng như hai công ty này. Việc tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty để chúng ta mạnh lên là một yêu cầu cần thiết vì hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sau thời gian thí điểm vừa qua.

Chúng ta cũng thấy trên hội trường Quốc hội có rất nhiều ý kiến về các tập đoàn, tổng công ty đã có đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế xã hội, trở thành lực lượng chủ lực của kinh tế nhà nước. Vai trò của các tập đoàn, tổng công ty thể hiện rất rõ đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP, giải quyết việc làm. Đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty đã ứng dụng được khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhất là các tập đoàn, tổng công ty thực hiện kinh doanh dịch vụ trên mạng viễn thông, đã biến dịch vụ viễn thông như điện thoại di động từ dịch vụ cao cấp, xa xỉ trở thành dịch vụ bình dân, nhờ các nhà mạng này đã có sự phát triển rất nhanh, đột phá, đầu tư thích đáng, ứng dụng các công nghệ thông tin mới làm giá thành dịch vụ di động ngày càng rẻ, chất lượng ngày càng tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn cho người dân được hưởng lợi trong quá trình phát triển mạnh mẽ như vậy.

Nhưng bên cạnh đó, cũng như các tập đoàn, tổng công ty của cả nước trong quá trình thí điểm, cũng có những cái được và chưa được thì các công ty dịch vụ trong viễn thông cũng có những mặt mạnh cơ bản nhưng cũng có những hạn chế, yếu kém trong quá trình tổ chức, đầu tư, quản lý, vận hành hoạt động của mình.

Chính vì vậy VNPT như các công ty truyền thông cũng nằm trong đối tượng để tái cấu trúc trong thời gian tới. Việc tái cấu trúc này cũng phải có lộ trình. Như chúng ta đã biết, sau Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã giao các bộ, ngành xây dựng những văn bản pháp quy cần thiết để thực hiện lộ trình này, bởi tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty là rất quan trọng, góp phần tạo nên những “quả đấm thép” của Nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường, góp phần khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính vì vậy, việc tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty cần phải tiến hành rất thận trọng nhưng không có nghĩa là chúng ta kéo dài thời gian hay làm cho xong chuyện mà chúng ta phải làm một cách bài bản, trách nhiệm, đúng quy trình.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đợi quyết định của Thủ tướng Chính phủ vì sau Chỉ thị 03, Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành xây dựng các văn bản pháp quy cụ thể. Ví dụ, Bộ Tài chính xây dựng đề án tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty và đề án này đã trình trong phiên họp của Chính phủ tháng 3. Và hiện nay, đề án này, sau khi có ý kiến của các thành viên Chính phủ, đang chờ Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty. Kèm theo quyết định đó thì các Bộ Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội và một số bộ, ngành khác ban hành sửa đổi một số văn bản pháp lý cho phù hợp với yêu cầu tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty trong thời gian tới. Đó là cơ sở pháp lý để các cơ quan, đơn vị bộ, ngành có liên quan chiếu theo đó để thực hiện.

Như vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang sẵn sàng khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty và các văn bản pháp quy kèm theo, để vào cuộc thực hiện chỉ đạo tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty do Bộ quản lý trong đó có VNPT theo lộ trình trong thời gian tới.

Tôi mong muốn rằng sau tái cấu trúc này thì VNPT sẽ mạnh lên, trong đó có Vinaphone và Mobiphone ngày càng mạnh lên, khẳng định vị trí của mình trong đời sống xã hội, trong thị trường viễn thông. Và tôi tin tưởng rằng với những gì đã làm của VNPT, trong đó có Vinaphone và Mobiphone, sau tái cấu trúc sẽ có điều kiện cơ hội phát triển tốt hơn nữa và người dân sẽ có điều kiện hưởng lợi dịch vụ viễn thông từ VNPT, cụ thể từ Vinaphone và Mobiphone, cũng như các doanh nghiệp viễn thông khác.

Bạn Minh Đức (Hà Nam); Nguyễn Thị Hòa Bình (binhnth@dqr.com.vn): Với tư cách là người đứng đầu ngành Thông tin- Truyền thông, Bộ trưởng có biện pháp gì quản lý hiệu quả hoạt động game online. Vì hậu họa của game online làm cho trẻ em mất phương hướng, mất đạo đức, lừa dối những người xung quanh, gây mất trật tự an ninh xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông phải làm gì để ngăn chặn hậu họa từ game online?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Sơn: Đây là vấn đề rất được quan tâm. Xin mời ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử làm rõ hơn vấn đề này.  

Ông Lưu Vũ Hải - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ông Lưu Vũ Hải: Game online là một dịch vụ trên internet và nó có tác động 2 mặt. Thứ nhất, nhiều game có nội dung lành mạnh là công vụ giải trí hiện đại và hấp dẫn, thậm chí nếu có tính giáo dục thì có thể giúp bổ sung tri thức, rèn luyện một số kỹ năng... Ở góc độ đó, game online có đóng góp vào sự phát triển nội dung số và có tác động tích cực tới trẻ em, nhất là trong bối cảnh sân chơi cho trẻ em đang rất thiếu như hiện nay. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, những game online không lành mạnh, thậm chí là độc hại có tác động tiêu cực rất mạnh tới tâm sinh lý người chơi, nhất là trẻ em. Việc chơi game quá nhiều cũng có thể dẫn tới nghiện game và người chơi có thể tìm mọi cách thỏa mãn cơn nghiện, dẫn tới vi phạm pháp luật như bạn nói… Ngoài ra, bên cạnh các trò chơi trực tuyến hợp pháp, cũng có còn những trò chơi bất hợp pháp và phần lớn có nội dung không lành mạnh, được cung cấp từ các máy chủ ở nước ngoài.

Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải có chế tài đề hạn chế tác động tiêu cực và phát huy tác dụng tích cực của game online.

Trước hết, ta phải tăng cường công tác thẩm định nội dung các trò chơi, đảm bảo các trò chơi hợp pháp chắc chắn có có nội dung lành mạnh, khuyến khích phát triển các trò chơi lành mạnh, mang tính giáo dục.

Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các vi phạm, kể cả việc sử dụng biện pháp kỹ thuật để hạn chế các trò chơi không lành mạnh, phạm pháp, các trò chơi từ nước ngoài…

Giải pháp tiếp theo là cung cấp nhiều các trò chơi lành mạnh, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực của game.

Thứ tư là xây dựng cơ sở dữ liệu chứng minh thư điện tử để có thể quản lý chặt chẽ hơn người chơi.

Giải pháp thứ năm là tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người chơi, của các cấp các ngành, đặc biệt là của gia đình và nhà trường trong vấn đề này.

Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo dự thảo Nghị định về quản lý internet, trong đó nội dung về game online chiếm một vị trí quan trọng. Chúng tôi hi vọng vấn đề này sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Kết thúc cuộc Đối thoại, nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chúc mừng và tặng những người làm báo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ bức ảnh Khối báo chí diễu hành dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội mà Bộ trưởng là tác giả - Ảnh VGP/Nhật Bắc

BTV: Thời lượng của chương trình sắp hết, trước khi kết thúc, xin mời Bộ trưởng có một vài lời với các bạn đồng nghiệp nhân dịp ngày 21/6 sắp tới.

 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Thưa các đồng chí và các bạn, thưa toàn thể khán thính giả của đài phát ,truyền hình cả nước, hôm nay tôi rất phấn khởi được trả lời trực tuyến với các độc giả của cả nước. Nhân dịp này cho phép tôi thay mặt lãnh đạo Bộ TTTT xin gửi lời cảm ơn tới độc giả cả nước, những người đã đồng hành với Bộ TTTT, với sự nghiệp TTTT trong những năm qua nói chung và đồng hành, cổ vũ, giúp đỡ cho sự nghiệp báo chí của nước nhà nói riêng.

Nhân dịp này, một lần nữa, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tất cả các nhà báo, các thế hệ báo chí Việt Nam nhân ngày 21/6- ngày truyền thống vẻ vang sắp đến. Chúc các nhà báo của chúng ta luôn phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước nhà, tiếp tục phấn đấu không ngừng nghỉ để có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp báo chí, để cho báo chí của chúng ta mãi mãi xứng đáng với lòng tin tưởng và mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với báo chí. Xin trân trọng cảm ơn.

BTV: Thưa quý vị và các bạn. Trong thời lượng ngắn ngủi của chương trình, chúng tôi không tham vọng có thể chuyển tải hết những vấn đề mà bạn đọc , khán thính giả quan tâm và giải đáp của Bộ trưởng.  Theo tổ thư kí chương trình thì hiện nay số lượng câu hỏi gửi về qua hộp thư và đường dây nóng vẫn còn rất nhiều. Chúng tôi sẽ tập hợp lại và chuyển tới Bộ trưởng để tiếp tục xem xét và trả lời trong thời gian sớm nhất. Toàn bộ thông tin này cũng sẽ được lần lượt đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử chính phủ.

Cũng nhân Ngày báo chí cách mạng 21/6 sắp tới, chúng tôi xin chúc các bạn đồng nghiệp luôn mạnh khỏe, sáng mắt, sáng lòng để cống hiến nhiều tác phẩm hay cho xã hội. Và luôn hi vọng mỗi khi các bạn đặt bút, hãy nghĩ đến hai chữ thiêng liêng mà xã hội đã trao cho chúng ta: Nhà báo.

Một lần nữa xin cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã tham gia và chủ trì cuộc Đối thoại.

Xin cảm ơn sự theo dõi của quý vị , xin chào và hẹn gặp lại./. 

Cổng TTĐT Chính phủ

.
.
.
.