.
.

Đóng góp ý kiến xác đáng, có trách nhiệm vào Đề án tái cơ cấu kinh tế

Thứ Bảy, 09/06/2012|07:50

Chiều 8/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều đại biểu tán thành với Đề án và kiến nghị lập cơ quan giám sát quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm bảo đảm việc thực hiện đạt yêu cầu đề ra.

Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 8/6 - 
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lập cơ quan giám sát quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

Các đại biểu đều cho rằng, đây là vấn đề hệ trọng của quốc gia, thời gian thực hiện Đề án kéo dài gần 20 năm, có ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống của người dân. Vì thế, để bảo đảm hiệu quả của Đề án, nhiều đại biểu đề nghị cần đặt Đề án nằm trong bối cảnh của nền kinh tế thế giới hiện nay để xem xét một cách thấu đáo, toàn diện. Đồng thời, cần một cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập, có thực quyền.

Đại biểu Hà Huy Thông (đoàn Thừa Thiên – Huế) đề nghị Ban soạn thảo cần tham khảo kinh nghiệm thực hiện tái cơ cấu tại các nước đang bị khủng hoảng. Bên cạnh đó, cần có đánh giá kết quả tái cơ cấu, định kỳ Báo cáo hàng năm trước Quốc hội.

Nhất trí với Đề án tổng thể, đại biểu Phan Văn Quý (đoàn Nghệ An) đi vào đề án thành phần với kiến nghị có chính sách, đầu tư nguồn lực cho kinh tế biển cho tương xứng với tiềm năng.

Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (đoàn Quảng Ngãi), đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) nhấn mạnh đến cơ cấu vùng trong cơ cấu cả nước và các thứ tự ưu tiên để tập trung nguồn lực, định hướng cho các đề án thành phần có hiệu quả và kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về Đề án này.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Hiền (đoàn Nghệ An) cho rằng, cần có cơ quan độc lập đánh giá hiệu quả của tái cơ cấu và vai trò giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp đối với Đề án và các dự án đầu tư công khác.

Đẩy nhanh tái cơ cấu các ngân hàng và tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước

Đăng đàn phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có bốn nội dung chính là: tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, nguồn lực để tái cơ cấu, sự tham gia của các ngân hàng trong phát triển nông nghiệp và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đó, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã trình cấp có thẩm quyền đề án tái cơ cấu ngân hàng từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trọng tâm là từ nay đến 2015. Qua đó, phân tích sâu sắc thực trạng, tồn tại, hạn chế cần khắc phục với hai nhóm ngân hàng thương mại, được chia làm hai nhóm là nhóm cần xử lý ngay để tái cơ cấu và nhóm ngân hàng trung dài hạn khác.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) -
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phương pháp tiến hành là tái cơ cấu về tài chính, quản trị, điều hành, chỉ tiêu an toàn, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và phân loại từng nhóm ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác.

Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2012 đã và đang hướng vào xử lý, tái cơ cấu lại 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Đến nay đã hoàn thiện, thanh kiểm tra, kiểm toán độc lập, tạo tiền đề cho các bước xử lý tiếp theo đối với các ngân hàng này trên cơ sở để các ngân hàng này tự đưa ra các phương án tái cơ cấu. Ngay trong tháng 6/2012, sẽ có phương án xử lý 9 ngân hàng đã được phân loại yếu kém.

Về nguồn lực để tái cơ cấu ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, sẽ kêu gọi các thành phần và nguồn vốn của xã hội tham gia vào quá trình này, trong đó cũng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu. Mặt khác, trên cơ sở pháp luật cho phép, Ngân hàng Nhà nước cũng được quyền góp vốn đề tham gia điều hành, quản trị để các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, sau đó chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư khác. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị thành lập Công ty mua bán nợ mà một số nước đã thực hiện có hiệu quả.

Đề cập đến vai trò của ngành ngân hàng đối với sự phát triển của nông nghiệp trong quá trình tái cơ cấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay, sẽ tập trung quan tâm đến đầu tư ngành nông nghiệp. Cụ thể, trong 5 năm tới không đặt việc cổ phần hoá Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đưa ngân hàng này thành một trong các trụ cột của phát triển ngành nông nghiệp. Đồng thời, mở rộng mạng lưới cho vay đối với nông nghiệp, đưa các dịch vụ ngân hàng đến vùng sâu, phối hợp với Bộ NN&PTNT để đầu tư đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, thay đổi phương thức canh tác và nâng cao hiệu quả của nền nông nghiệp nước ta.

Làm rõ thêm một số vấn đề về tái cơ cấu ngành tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết Bộ Tài chính sẽ tập trung tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty và thị trường chứng khoán.

Trong những năm qua, chúng ta không thể phủ nhận vai trò và đóng góp của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển đến nay bộc lộ nhiều khuyết điểm như chậm đổi mới, sức cạnh tranh và hiệu quả thấp, tài chính thua lỗ, năng lực và hiệu lực, hiệu quả yếu kém… Đây là các lý do cần đẩy mạnh tái cơ cấu với mục tiêu là làm cho tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước mạnh lên.

Quá trình tái cơ cấu tập trung vào những ngành quan trọng, chia làm 4 nhóm căn cứ vào vốn chủ sở hữu của nhà nước đối với doanh nghiệp đó. Bên cạnh đó là đổi mới, sắp xếp mô hình tập đoàn, nâng cao năng lực, minh bạch hoá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp thu đối đa, nghiêm túc các ý kiến của đại biểu Quốc hội

Thay mặt cơ quan soạn thảo Đề án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cảm ơn các ý kiến của đại biểu và tiếp thu tối đa, nghiêm túc các ý kiến đóng góp xác đáng, trách nhiệm của đại biểu tại buổi thảo luận tại Hội trường và tại tổ về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đây là Đề án lớn, với phạm vi rộng, có nghiên cứu sâu, đòi hỏi đánh giá mô hình ở nhiều góc độ khác nhau, thấy rõ những yếu điểm của mô hình hiện tại, nguyên nhân sâu xa của những tồn tại. Từ đó có căn cứ để lựa chọn và xác định những định hướng lớn, bước đi cách làm, dự báo những tác động của nó đến kinh tế, xã hội những năm tới.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) - 
Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Vì thế, ban soạn thảo sẽ cố gắng tiếp thu tối đa để có được một đề án đáp ứng tương đối được yêu cầu đang đặt ra.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Đề án đặc biệt quan tâm, coi trọng và phát huy các lợi thế về nông nghiệp trong quá trình tái cấu trúc để nền nông nghiệp nước ta theo hướng hiện đại, ngày càng chất lượng và hiệu quả.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh qua thảo luận cho thấy các đại biểu đã có sự chuẩn bị công phu nên ý kiến có chất lượng, có nhiều ý tưởng mới. Các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, đồng thời thống nhất cao sự cần thiết tái cơ cấu với mục tiêu chính là hướng tới con người, dân giàu, nước mạnh.

Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng các đề án thành phần, nội dung cụ thể với giải pháp đồng bộ, khả thi cao, hợp lý để thực hiện các nội dung trọng tâm của Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Cần đánh giá các tác động của Đề án đối với chính sách tài khoá, phân tích chi phí để thực hiện việc tái cơ cấu kinh tế, kể cả chi phí của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.

Hệ thống các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có lộ trình và bước đi hợp lý tuân theo quy luật thị trường, tránh đột biến gây đổ vỡ hay quay lại tình trạng bao cấp. Đồng thời cần xây dựng tiêu chí và đánh giá rủi ro để giám sát và đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Tại Kỳ họp này Quốc hội sẽ có Kết luận về Đề án, Chính phủ sẽ báo cáo về việc thực hiện Đề án nằm trong Báo cáo kinh tế, xã hội hàng năm của Chính phủ.

Lê Sơn

Theo CP

.
.
.
.